Phục hồi sau liệt đám rối thần kinh cánh tay

Phục hồi sau liệt đám rối thần kinh cánh tay được xem như là ưu tiên hàng đầu của người bệnh sau điều trị, giúp khắc phục những khó khăn khi thực hiện các sinh hoạt hàng ngày cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến phục hồi sau liệt đám rối thần kinh cánh tay.

1. Liệt đám rối thần kinh cánh tay là gì?

Liệt đám rối thần kinh cánh tay là tình trạng đám rối thần kinh cánh tay bị tổn thương dẫn đến sự thay đổi một số chức năng nhất định của người bệnh. Trên lâm sàng, liệt đám rối thần kinh cánh tay được phân loại thành 2 nhóm chính sau:

  • Liệt hoàn toàn: là liệt toàn bộ đám rối thần kinh cánh tay tức là liệt C5, C6, C7, C8 và T1.
  • Liệt không hoàn toàn: Đây là tình trạng mà một trong những sợi của đám rối thần kinh cánh tay vẫn còn hoạt động, được phân ra thành nhiều nhóm nhỏ trên lâm sàng và 2 nhóm thường gặp nhất là liệt ở thân nhất trên (liệt phối hợp C5C6) và liệt thân nhất dưới (liệt phối hợp C8 và T1).

Ngoài ra, một số trẻ sơ sinh sau khi sinh ra có thể bị liệt đám rối thần kinh cánh tay.

Dưới đây là các nguyên nhân gây ra liệt đám rối thần kinh cánh tay thường gặp bao gồm:

  • Đối với trường hợp trẻ sơ sinh có thể do tình trạng đẻ khó như nặng cân (> 4kg), chuyển dạ kéo dài, dùng thuốc an thần quá nhiều, giảm trương lực cơ, tử cung co bóp không tốt...
  • Do chấn thương gây các biến chứng như gãy xương đòn, gãy xương cánh tay, bán trật khớp vai...
  • Do bẩm sinh gây chèn ép một số vị trí như xương sườn, đốt sống ngực,...
  • Một số tư thế dẫn đến chèn ép dây thần kinh như khi nghiêng đầu về một bên kết hợp với hạ đai vai xuống khiến các dây thần kinh bị giãn ra, gây tạo ra một lực ép chúng vào cạnh sườn thứ nhất.

Khi tiến hành điều trị tình trạng liệt đám rối thần kinh cánh tay cần xem xét vấn đề khi nào phẫu thuật sớm, khi nào phẫu thuật trễ, thời gian nào là thời gian vàng quyết định phẫu thuật thành công cụ thể như sau:

Đối với một vết thương gây tổn thương đám rối thần kinh cánh tay gây liệt tay thì người bệnh cần được phẫu thuật sớm nhằm hạn chế tình trạng vết thương bị nhiễm nhiễm gây viêm đám rối thần kinh cánh tay hoặc bị xơ dính, khiến quá trình tìm lại dây thần kinh bị tổn thương gặp nhiều khó khăn hơn. Trong trường hợp này, người bệnh có khả năng phục hồi rất cao có thể thực hiện các chức năng vận động như bình thường. Tuy nhiên, sau phẫu thuật người bệnh cần thực hiện các bài tập vật lý trị liệu nhằm hạn chế nguy cơ cứng khớp.

Còn đối với trường hợp chấn thương gây ngã đập vai xuống với vết thương kín gây liệt đám rối dây thần kinh cánh tay. Nếu trên lâm sàng thăm khám không chẩn đoán phân biệt giữa tổn thương đứt dây thần kinh hoàn toàn hay chỉ là tình trạng căng giãn thì người bệnh chưa cần phải thực hiện phẫu thuật ngay sau đó mà phải chờ đợi với khoảng thời gian từ 3 đến 5 tháng mới quyết định thực hiện phẫu thuật hay không. Tuy nhiên, không nên chờ đợi quá thời gian là 5 tháng bởi dây thần kinh sẽ bị hư hỏng nhiều nên khả năng phục hồi rất thấp. Đây được coi là thời gian vàng để quyết định khả năng phục hồi sau điều trị cho người bệnh. Người bệnh bắt buộc phải tập các bài tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ cũng như kết hợp với thực hiện châm cứu, kích thích điện xung, xoa bóp cơ vùng cánh tay nhằm hạn chế các cơ khớp bị xơ cứng lại, thậm chí có thể dẫn đến các cơ khớp vùng cánh tay bị hư hỏng và thoái biến.

2. Phục hồi sau liệt đám rối thần kinh cánh tay

Giai đoạn đầu sau điều trị người bệnh được hướng dẫn các bài tập thụ động giúp phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt đám rối thần kinh cánh tay. Để phục hồi được các chức năng quan trọng của cơ vùng cánh tay, người bệnh cần tuân thủ một số nguyên tắc bao gồm:

  • Tăng tuần hoàn, giảm tình trạng phù nề vùng cánh tay
  • Hạn chế cơ bị co rút
  • Tránh thực hiện các cử động không phù hợp các xương vùng bả vai và cánh tay
  • Tập cho các cơ được cử động
  • Tăng kích thích cảm giác cho người bệnh

Có thể thực hiện các kỹ thuật dưới đây để hồi phục chức năng cho bệnh nhân liệt đám rối thần kinh cánh tay bao gồm:

  • Massage nhẹ nhàng nhằm làm cho lưu thông mạch máu cũng như giúp giảm tình trạng phù nề.
  • Người bệnh luôn kê cao chi.
  • Người bệnh tập các bài tập thụ động nhẹ nhàng và theo từng bước. Người hướng dẫn tập không nên sử dụng lực tay kéo quá mạnh vùng khớp vai vì rất dễ gây ra những tổn thương thứ phát.
  • Thận trọng khi thực hiện bài tập có kiểm soát những cử động của vùng bả vai, nhất là động tác gập và dạng khớp ổ chảo cánh tay
  • Áp dụng một số trò chơi vào việc tập cho các cơ được vận động phù hợp.
  • Người bệnh tập cầm nắm các đồ vật có kích thước và chất liệu khác nhau giúp tăng cảm giác.
  • Sử dụng điện xung với cường độ thấp nhằm kích thích phục hồi thần kinh sớm cho bệnh nhân.

Liệt đám rối thần kinh cánh tay ảnh hưởng khá nhiều đến khả năng thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Do đó bệnh cần được điều trị và phục hồi chức năng càng sớm phù hợp với tình trạng của người bệnh giúp người bệnh quay trở lại những hoạt động bình thường và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

250 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan