Phục hồi chức năng do tổn thương dây thần kinh quay

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình - Bác sĩ Phục hồi chức năng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Liệt dây thần kinh quay là một trong những liệt dây thần kinh ở chi trên thường gặp. Phục hồi chức năng liệt dây thần kinh quay đúng cách sẽ giúp bệnh nhân phục hồi khả năng vận động và cảm giác vùng cánh tay do dây thần kinh quay chi phối.

1. Dây thần kinh quay

Dây thần kinh quay là nhánh tận lớn nhất của đám rối thần kinh cánh tay, xuất phát từ bó sau được tập hợp bởi các sợi thần kinh của rễ C6, C7, C8 và T1. Dây thần kinh quay đi ở vùng cánh tay sau, sau khi đi khỏi rãnh thần kinh quay của xương cánh tay, xuống khuỷu, dây thần kinh quay sẽ chia thành hai nhánh xuống cẳng tay là nhánh nông và nhánh sâu (còn gọi là dây thần kinh gian cốt). Thần kinh quay có chức năng chi phối vận động cho các cơ duỗi và ngửa ở cánh tay, cẳng tay đồng thời chi phối cảm giác cho mặt sau cánh tay, cẳng tay và nửa ngoài mu tay.

Liệt dây thần kinh quay là liệt dây thần kinh ở chi trên thường gặp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến liệt dây thần kinh quay. Trong đó, nguyên nhân gây liệt dây thần kinh quay đoạn từ nách đến khủy thường là:

  • Gãy xương cánh tay mới hoặc cũ
  • Đi nạng nách không đúng kỹ thuật tì ép nhiều vùng nách
  • Hạch nách hoặc phình mạch chèn ép
  • Uống nhiều rượu, gối đầu lên cánh tay và ngủ thiếp đi (Hội chứng tối thứ bảy)

Các nguyên nhân gây tổn thương thần kinh quay đoạn từ khuỷu đến cổ tay thường là:

  • Trật đầu trên xương quay, gãy xương, can xương
  • U mỡ, u tế bào Schwann, u xơ thần kinh, động tĩnh mạch dị dạng gây đè ép
  • Người làm các nghề nghiệp thực hiện các động tác sấp ngửa cẳng tay liên tục như nhạc trưởng, người đánh đàn violin,...

Bệnh nhân liệt dây thần kinh quay thường có dấu hiệu “bàn tay rũ cổ cò” do các nhóm cơ duỗi khuỷu, ngửa cẳng tay, duỗi cổ tay và duỗi các ngón bị yếu liệt, vị trí tổn thương dây thần kinh quay càng cao thì số cơ bị yếu liệt càng nhiều. Khi bị liệt lâu ngày sẽ xuất hiện tình trạng teo cơ, rung thớ cơ phía tay bị liệt so với bên lành. Trương lực cơ giảm, mất hoặc giảm cảm giác mặt sau cánh tay, cẳng tay và mặt ngoài mu tay. Khi khám phản xạ, bệnh nhân mất hoặc giảm phản xạ gân cơ tam đầu cánh tay và phản xạ trâm quay. Vị trí tổn thương thần kinh quay càng cao thì vùng mất cảm giác của bệnh nhân càng rộng.

Gãy xương cánh tay
Gãy xương cánh tây có thể gây liệt dây thần kinh quay

2. Phục hồi chức năng liệt dây thần kinh quay

2.1. Nguyên tắc chữa liệt dây thần kinh quay

Bác sĩ điều trị sẽ dựa vào thăm khám lâm sàng và kết quả các kỹ thuật cận lâm sàng như X-quang, MRI, điện cơ đồ (EMG), khảo sát dẫn truyền thần kinh... tiến hành phân loại tổn thương thần kinh quay của bệnh nhân theo 3 mức độ. Tùy theo mức độ tổn thương sẽ có phác đồ xử lý khác nhau:

  • Độ 1: nếu các sợi trục thần kinh bị ức chế, chức năng chỉ bị đình chỉ tạm thời. Hướng điều trị là bảo tồn, sau một thời gian bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn.
  • Độ 2: nếu các sợi trục thần kinh bị đứt cùng với bao myelin, nhưng vẫn còn lớp bao ngoài bó thần kinh (lớp perinevre) thì điều trị bảo tồn là lựa chọn ban đầu. Nếu sau một thời gian điều trị, bệnh nhân không có dấu hiệu phục hồi thần kinh thì tiến hành phẫu thuật thăm dò. Thưởng bệnh nhân có thể hồi phục không hoàn toàn
  • Độ 3: nếu các bó sợi thần kinh bị đứt rời hẳn, không thể phục hồi tự nhiên thì bắt buộc phải thực hiện phẫu thuật. Quá trình phục hồi tùy thuộc nhiều vào phương pháp phẫu thuật và khả năng tái phân phối thần kinh sau phẫu thuật.

2.2. Kỹ thuật phục hồi chức năng liệt dây thần kinh quay

Ngay sau khi chấn thương hoặc sau phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành bất động tay bị tổn thương của bệnh nhân, thời gian bất động tay phụ thuộc vào mức độ tổn thương và phương pháp phẫu thuật. Dựa vào tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ cân nhắc có nên cho bệnh nhân tập vận động hay không, tần suất và cường độ tập như thế nào. Mang nẹp hoặc máng cổ tay trong giai đoạn này sẽ giúp hạn chế nguy cơ xảy ra biến dạng co rút “rũ cổ cò” ở bệnh nhân.

Trong giai đoạn phục hồi, khi có dấu hiệu tái chi phối thần kinh, bệnh nhân sẽ tập mạnh cơ theo chương trình tăng tiến. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn tập cách nhận biết đồ vật khi sờ để tái rèn luyện cảm giác. Trong giai đoạn này bệnh nhân có thể xuất hiện tình trạng tăng cảm giác vùng thần kinh quay chi phối, do vậy cần tập tiếp xúc với nhiều vật làm bằng các chất liệu khác nhau để giảm tình trạng tăng cảm giác.

Trong giai đoạn mãn tính, khi quá trình tái chi phối thần kinh đã đạt đỉnh, trong các trường hợp liệt dây thần kinh quay nặng, một số chức năng vận động và cảm giác không thể phục hồi hoàn toàn. Bác sĩ sẽ tiếp tục sử dụng các dụng cụ chỉnh hình để dự phòng nguy cơ co rút cơ ở bệnh nhân. Một số dụng cụ trợ giúp chi trên có thể được sử dụng để hỗ trợ bệnh nhân trong các sinh hoạt hàng ngày.

Khám bệnh
Ngay khi xuất viện người bệnh cũng cần kiểm tra lại thường xuyên

Để phục hồi chức năng liệt dây thần kinh quay, trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh gây tổn thương thêm cho vùng chi mất cảm giác, bảo vệ an toàn vùng thương tổn, đặc biệt là sau phẫu thuật nối thần kinh. Sau khi ra viện , bệnh nhân cần tái khám theo định kỳ để bác sĩ đánh giá mức độ tái chi phối thần kinh, điều chỉnh phương pháp tập luyện thích hợp cũng như phát hiện kịp thời các tác dụng không mong muốn.

Em bé bại não phục hồi kỳ diệu sau ghép tế bào gốc tại Vinmec

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

21.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan