Dị ứng kháng sinh: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Dược sĩ Nguyễn Thị Linh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Dị ứng kháng sinh được xem là một phản ứng có hại cho cơ thể. Các phản ứng dị ứng có thể xảy ra ngay sau khi bệnh nhân vừa sử dụng thuốc kháng sinh hoặc từ vài phút đến vài tuần sau khi sử dụng thuốc.

1. Dị ứng kháng sinh là gì?

Kháng sinh là các chất kháng khuẩn, được điều chế từ các chủng vi sinh vật, bao gồm nấm, vi khuẩn, Actinomycetes. Trong y học, kháng sinh thường được sử dụng nhằm kiểm soát và ngăn chặn sự phát triển của các loại vi sinh vật gây bệnh, đồng thời chống lại các căn bệnh nhiễm trùng- một trong những loại bệnh có tỷ lệ tử vong hàng đầu ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Một số trường hợp sử dụng thuốc kháng sinh có thể gặp phải nguy cơ bị dị ứng. Các phản ứng dị ứng có thể xảy ra ngay sau khi bệnh nhân vừa sử dụng thuốc kháng sinh hoặc từ vài phút đến vài tuần sau khi sử dụng thuốc. Dị ứng kháng sinh có thể không xuất hiện trong lần sử dụng thuốc đầu tiên và có thể xuất hiện từ lần thứ hai sử dụng thuốc.

Phản ứng dị ứng xảy ra thông qua các chất trung gian miễn dịch. Kháng thể đặc hiệu IgE là chất trung gian dẫn tới phản ứng quá mẫn nhanh. Trong khi đó, tế bào T hoặc chất trung gian non-IgE góp phần tạo nên phản ứng quá mẫn muộn.

2. Dấu hiệu và triệu chứng của dị ứng kháng sinh

Một số dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất khi bị dị ứng kháng sinh là:

  • Phát ban, da bị mẩn đỏ, ngứa, sưng hoặc bong tróc
  • Họng bị căng tức, khó thở hoặc thở khò khè
  • Bị đau bụng, tiêu chảy
  • Chảy nước mắt hoặc mũi

Nguy hiểm hơn, bạn có thể bị sốc phản vệ khi bị dị ứng với kháng sinh. Đây là một phản ứng mang tính đột ngột, xảy ra nhanh chóng và có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Các triệu chứng thường gặp của sốc phản vệ bao gồm:

  • Ban đỏ toàn thân hoặc mày đay ngứa trên da
  • Phù nề đường thở: nuốt vướng, khàn giọng, thở rít
  • Khó thở
  • Tức ngực
  • Co giật, lo lắng, kích thích, lơ mơ
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Lưỡi và họng bị sưng phồng
  • Chóng mặt
  • Mê sảng, ngất xỉu

Các phản ứng dị ứng này thường xuất hiện sau vài phút đến một giờ sau khi sử dụng thuốc kháng sinh. Nếu phát hiện có bất kỳ các triệu chứng nào được liệt kê bên trên, bạn nên ngừng sử dụng thuốc và thông báo ngay cho bác sĩ để kiểm soát kịp thời tình trạng dị ứng.

3. Chẩn đoán dị ứng kháng sinh

Để xác định xem liệu bệnh nhân có bị dị ứng kháng sinh hay không, trước hết, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân cung cấp các thông tin sau:

  • Loại thuốc kháng sinh được sử dụng trong thời gian gần đây?
  • Bệnh nhân đã dùng loại thuốc kháng sinh gì trước khi xảy ra các phản ứng dị ứng?
  • Bệnh nhân đã có tiền sử về dị ứng kháng sinh hay chưa?
  • Bệnh nhân có đang mắc phải các vấn đề về sức khỏe khác hay không?

Sau khi kiểm tra sức khỏe tổng thể, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện thêm các xét nghiệm bổ sung để đảm bảo độ chính xác của việc chẩn đoán bệnh. Các xét nghiệm đưa ra sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi người. Dưới đây là một số xét nghiệm chẩn đoán dị ứng kháng sinh thường được sử dụng, bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: bác sĩ sẽ lấy một mẫu máu từ tĩnh mạch hoặc cánh tay của bệnh nhân, sau đó gửi đến phòng xét nghiệm để chẩn đoán.
  • Test lẩy da và nội bì với thuốc: bác sĩ sẽ đưa một lượng nhỏ kháng sinh vào da trên cánh tay của bệnh nhân và theo dõi các phản ứng xảy ra sau đó.
  • Test áp bì: bác sĩ sẽ đặt một lượng nhỏ kháng sinh lên da của bệnh nhân, sau đó sử dụng một miệng dán bao phủ lên vùng da được thực hiện xét nghiệm và giữ nguyên trong vòng 2 ngày. Bác sĩ sẽ dựa trên các phản ứng dị ứng xuất hiện trên da để đưa ra kết luận chính xác.
Dị ứng kháng sinh
Dấu hiệu dị ứng kháng sinh

4. Nên làm gì khi bị dị ứng kháng sinh?

Điều đầu tiên cũng là điều quan trọng nhất khi bạn gặp phải các phản ứng dị ứng kháng sinh là ngừng sử dụng thuốc ngay lập tức. Bước tiếp theo, bạn có thể được điều trị các triệu chứng dị ứng bằng phương pháp sử dụng thuốc, bao gồm thuốc kháng histamin (astemizol, cetirizin, fexofenadin, loratadin), hoặc thuốc kháng viêm corticoid (methylprednisolon, prednisolon). Khi sử dụng những loại thuốc này, bạn cần phải tuân thủ theo đúng liều lượng mà bác sĩ đã chỉ định, nhằm đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.

Đối với những người bị sốc phản vệ hoặc gặp phải các phản ứng dị ứng nguy hiểm khác cần phải được xử lý kịp thời. Dụng cụ tiêm epinephrine tự động sẽ rất hữu ích trong tình huống khẩn cấp này. Người bệnh cần được tiêm ngay lập tức và sau đó đưa đến bệnh viện để cấp cứu trước khi tình trạng dị ứng trở nên nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để lựa chọn một loại thuốc kháng sinh thay thế thích hợp và nó không có nguy cơ gây ra phản ứng chéo với những loại thuốc cũ.

5. Các cách phòng ngừa dị ứng kháng sinh

Để phòng ngừa dị ứng kháng sinh một cách hiệu quả, bạn cần lưu ý những điều sau đây:

  • Không nên tùy tiện sử dụng thuốc
  • Nên kiểm tra nguồn gốc, thành phần và chất lượng của thuốc trước khi sử dụng
  • Chuẩn bị dụng cụ chống sốc, luôn mang theo bút tiêm epinephrine để xử lý kịp thời các trường hợp khẩn cấp.
  • Thông báo ngay cho bác sĩ khi xảy ra phản ứng dị ứng kháng sinh

Khám bệnh
Khi bị dị ứng kháng sinh bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để có liệu trình sử dụng thuốc hợp lý

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Cdc.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

72.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan