Bà bầu uống thuốc ngủ có hại cho thai nhi không?

Khi phụ nữ mang thai hormon và nội tiết tố trong cơ thể sẽ thay đổi. Đặc biệt trong hoàn cảnh mang thai ngoài ý muốn cùng với kinh tế khó khăn,...sẽ làm cho người phụ nữ càng trở nên trầm cảm, lo âu, mất ngủ. Nhiều trường hợp bà bầu uống thuốc ngủ để giải lo âu và giúp họ có giấc ngủ tốt hơn. Vậy uống thuốc ngủ có hại cho thai nhi không?

1. Uống thuốc ngủ có hại cho thai nhi hay không?

Nếu người đang mang thai uống thuốc an thần trong một thời gian dài sẽ làm cho thai nhi và người mẹ gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, cho đến hiện nay các tài liệu quan sát dị tật bẩm sinh ở người là rất hạn chế, vẫn chưa thể đánh giá được nguy cơ đối với phôi thai hoặc thai nhi. Bên cạnh đó chưa ghi nhận được trường hợp nào trẻ sơ sinh bị lệ thuộc vào thuốc khi có mẹ dùng thuốc trong thời gian dài khi đang mang thai.

Khả năng xuất hiện dị tật và mức độ ảnh hưởng của thuốc đến thai nhi còn phụ thuộc vào thời điểm bà bầu uống thuốc ngủ, thời gian, liều dùng,... Chính vì vậy để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé cần theo dõi sức khỏe thai phụ để phát hiện sớm các bất thường.

2. Một số nhóm thuốc có tác dụng giải lo âu

Nhóm thuốc chứa Benzodiazepine

  • Diazepam (Nhóm D)

Trước khi chỉ định thuốc cho bệnh nhân đang trong quá trình mang thai cần giải thích chi tiết về những nguy cơ mà thuốc có thể mang lại. Nhân viên y tế cần thực hiện chăm sóc đặc biệt cho nhóm đối tượng này, nhất là trong quá trình sinh nở. Nguyên nhân là do chỉ cần cho bà bầu sử dụng một liều cao đã có thể gây rối loạn tim thai, bú kém, giảm trương lực cơ, suy hô hấp trung bình (trẻ sơ sinh), hạ thân nhiệt. Hệ thống enzyme ở trẻ sơ sinh chưa phát triển toàn diện để tham gia vào quá trình phân hủy thuốc, đặc biệt ở trẻ đẻ non. Do đó, những bệnh nhân mang thai chỉ sử dụng thuốc Diazepam khi có sự giám sát của nhân viên y tế.

  • Clonazepam (Nhóm D)

Phụ nữ động kinh khi được chỉ định dùng thuốc chống co giật sẽ làm cho trẻ tăng nguy cơ bị dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên, bản thân những cơn động kinh cũng làm cho trẻ bị dị tật. Chính vì vậy, chỉ sử dụng thuốc khi không còn sự lựa chọn nào khác.

  • Lorazepam (Nhóm D)

Lorazepam được coi là một trong những loại loại thuốc chống chỉ định cho người đang mang thai, do nhóm thuốc này có thể gây dị tật cho trẻ sơ sinh.

  • Clorazepate (Nhóm N), Alprazolam (Nhóm D)

Có rất ít trường hợp chỉ định cho bệnh nhân mang thai sử dụng thuốc clorazepate. Chỉ sử dụng thuốc này cho bệnh nhân khi thật cần thiết, cần cân nhắc thật kỹ về lợi ích và tác hại mà thuốc có thể mang lại.

Nhóm thuốc không chứa Benzodiazepine

  • Buspirone (Nhóm B)

Một số nghiên cứu sử dụng thuốc trên động vật cho thấy nhiều ảnh hưởng xấu cho thai nhi. Chỉ nên chỉ định thuốc cho bệnh nhân khi đã xác định rõ được mục đích điều trị.

Nhóm thuốc ngủ “Z”

  • Zolpidem (Nhóm C)

Nguy cơ sảy thai khi trứng đã làm tổ ở tử cung tăng cao và sự hóa xương không đầy đủ đã được chứng minh khi sử dụng thuốc trên động vật. Tuy nhiên lượng thuốc để gây ra quái thai vẫn chưa thể xác định rõ và không có số liệu đối chứng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có số liệu cụ thể đối với nhóm đối tượng đang mang thai. Chỉ sử dụng Zolpidem khi lợi ích mà thuốc mang lại cao hơn so với tác hại mà nó gây ra.

  • Eszopiclone (Nhóm C)

Các bác sĩ khuyến cáo không nên sử dụng Eszopiclone cho phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai và lúc sinh nở. Chỉ sử dụng Eszopiclone khi lợi ích mà thuốc mang lại cao hơn so với tác hại mà nó gây ra.

  • Zaleplon (Nhóm C)

Khả năng làm giảm tốc độ tăng trưởng trước và sau sinh đã được thấy qua nhiều nghiên cứu trên động vật. Chỉ sử dụng Zaleplon khi lợi ích mà thuốc mang lại cao hơn so với tác hại mà nó gây ra.

Nhóm thuốc kháng histamin

  • Diphenhydramine (Nhóm B)

Một số trường hợp sử dụng thuốc trong vòng 3 tháng đầu có nguy cơ cao làm cho trẻ bị hở hàm ếch. Ngoài ra thuốc phenobarbital còn làm xuất hiện triệu chứng run ở trẻ vào ngày thứ năm sau khi sinh. Các bác sĩ khuyến cáo chỉ sử dụng Diphenhydramine khi lợi ích mà thuốc mang lại cao hơn so với tác hại mà nó gây ra.

  • Hydroxyzine (Nhóm N)

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng khi cho sản phụ sử dụng liều cao có thể làm xuất hiện quái thai. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có số liệu cụ thể đối với nhóm đối tượng đang mang thai. Chỉ sử dụng thuốc Hydroxyzine này cho bệnh nhân khi thật cần thiết, cần cân nhắc thật kỹ về lợi ích và tác hại mà thuốc có thể mang lại.

Cơ thể của người phụ nữ khi đang mang thai là vô cùng nhạy cảm, do đó cần chú ý giữ gìn sức khỏe để cho bé có thể phát triển tốt. Các loại thuốc chống lo âu mang lại rất nhiều tác dụng phụ (đặc biệt đối với bà bầu), vì vậy hãy thận trọng khi quyết định sử dụng thuốc này. Bạn chỉ nên sử dụng thuốc khi đã có đầy đủ thông tin, cũng như hướng dẫn từ phía bác sĩ điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan