[Vinmec - Hỏi đáp cùng chuyên gia] Số 01: Chủ đề mất ngủ (Phần 2)

Mất ngủ là nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng mệt mỏi, suy giảm sức khỏe, đồng thời là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nghiêm trọng như trầm cảm, tim mạch, thay đổi hormone....Làm thế nào để điều trị chứng mất ngủ hiệu quả và tận gốc? Hãy cùng tham khảo ý kiến chuyên gia trong chuyên mục Hỏi - Đáp chuyên đề Mất ngủ dưới đây!

Các câu hỏi được tư vấn bởi Bác sĩ CKII Phạm Thị Sơn - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng và Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thành Long - Phòng Khám Tâm lý - Vinmec Times City.

8. Độc giả Nguyễn Thị Xuân (Tô Hiệu, Lê Chân, Hải Phòng): Thưa Bác sĩ, năm nay tôi 35 tuổi làm kế toán, công việc luôn phải gắn liền với máy tính nên buổi tối đi làm về tôi thường để mắt nghỉ ngơi khoảng 30p. Tôi rất muốn đi ngủ đúng giờ mà cứ đến khoảng 10 - 11h, giờ đi ngủ thì tôi lại rất tỉnh táo, nằm thêm 1 lúc là đã quá nửa đêm. Tôi đã sử dụng qua các loại thảo dược giúp an thần nhưng nó chỉ có hiệu quả trong thời gian ngắn. Liệu mất ngủ có thể chữa khỏi không và cần làm gì thưa Bác sĩ? Tôi rất không muốn dùng thuốc vì dùng thuốc có thể gây nhiều tác dụng phụ.

Bác sĩ CKII Phạm Thị Sơn (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng): Chào bạn! Bệnh mất ngủ hoàn toàn có thể cải thiện khi áp dụng những biện pháp như:

Sắp xếp lại thời gian hợp lý cho bản thân và thay đổi lại lối sống.

Sau khi đã khắc phục được nguyên nhân chủ quan mà vẫn không ngủ được thì hãy tìm tới sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ có thành phần từ thảo dược thiên nhiên. Kết hợp với chế độ ăn uống khoa học, nghỉ ngơi và tập luyện thường xuyên.

Trường hợp bạn đã áp dụng những phương pháp điều trị trên mà vẫn mất ngủ. Bạn nên khám bác sĩ chuyên khoa Thần kinh, hoặc Tâm thần để tìm nguyên nhân và điều trị. Việc điều trị mất ngủ mãn tính thường kéo dài vài tháng và được theo dõi thường xuyên bởi bác sĩ chuyên khoa. Giai đoạn đầu của việc điều trị bệnh nhân có thể mệt mỏi, Những triệu chứng đó sẽ hết dần, bệnh nhân ngủ lại được và sức khỏe cải thiện.

Mất ngủ kéo dài sẽ gây mệt mỏi gầy sút, chóng mặt, trầm cảm, rối loạn thần kinh thực vật, thay đổi tính cách, làm việc thiếu tập trung hiệu quả công việc kém... Vì vậy việc điều trị mất ngủ là rất cần thiết, bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp bạn điều trị an toàn và có hiệu quả.

Mất ngủ
Mất ngủ kéo dài sẽ gây ra chóng mặt, mệt mỏi, làm việc thiếu tập trung

9. Bạn Phạm Minh Hương (Nhân viên văn phòng tại Minh Khai, Hà Nội): Chào Bác sĩ, năm nay tôi 26 tuổi, nhân viên văn phòng. Dạo gần đây tôi luôn cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy vào buổi sáng, buồn ngủ ngày liên tục nhưng đến tối nằm trên giường lại không có cảm giác buồn ngủ, mặc dù đã cố gắng không dùng điện thoại và uống trà, cà phê trước khi ngủ. Tôi đã thử thay tập 1 số bài tập thư giãn trước khi ngủ nhưng vẫn không cải thiện. Thưa Bác sĩ, vậy làm thế nào khi mất ngủ ạ?

Bác sĩ CKII Phạm Thị Sơn (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng): Chào bạn! Để điều trị mất ngủ, trước tiên bạn có thể áp dụng một số biện pháp cải thiện giấc ngủ sau:

  • Giảm stress.
  • Không ngồi máy tính quá lâu.
  • Ăn uống lành mạnh hơn, dễ tiêu hóa.
  • Duy trì việc ngủ đúng giờ và ngủ đủ 8h để cơ thể quen với giờ giấc sinh học.
  • Lên lịch khoa học cho việc học tập, làm việc và có thời gian nghỉ thư giãn.
  • Tránh làm việc quá khuya, hạn chế các chất kích thích (cà phê, trà đặc, thuốc lá...).
  • Trước khi ngủ nên có một số động tác như tập yoga, đi bộ hay tắm nước ấm.

Các biện pháp khắc phục tại nhà cho chứng mất ngủ bao gồm:

Không ép buộc ngủ, duy trì lịch trình ngủ đều đặn, tránh đi ngủ khi đói và đảm bảo môi trường ngủ thoải mái. Chỉ đi ngủ khi buồn ngủ, giảm thời gian nằm trên giường. Tránh xem TV, đọc sách, ăn uống hoặc lo lắng trên giường. Đặt báo thức cho cùng một thời điểm mỗi sáng (thậm chí cuối tuần) và tránh những giấc ngủ ngắn vào ban ngày.

Nếu chứng mất ngủ khiến bạn khó hoạt động vào ban ngày, hãy đến gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân gây ra vấn đề về giấc ngủ và cách điều trị. Nếu bác sĩ của bạn nghĩ rằng bạn có thể bị rối loạn giấc ngủ, bạn sẽ được hướng dẫn làm xét nghiệm và làm một số bài test để chẩn đoán. Dựa vào đó, bác sĩ sẽ đưa ra những lời khuyên thích hợp cho bạn.

10. Bạn Nguyễn Thu Trang (30 tuổi, Quận Đống Đa, Hà Nội) Chào Bác sĩ, Bé nhà em 14 tháng tuổi trộm vía khá ngoan. Tuy nhiên mấy hôm gần đây con ngủ không được say, thường bị tỉnh nhiều lần giữa đêm và quấy khóc. Ông bà bảo trẻ con khó ngủ là có vấn đề và nhắc đưa đi khám nhưng em phân vân lắm vì con không có triệu chứng gì đặc biệt cả. Bác sĩ có thể tư vấn giúp gia đình các lí do khiến trẻ khó ngủ vào ban đêm và có cách nào khắc phục không?

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thành Long (Phòng Khám Tâm lý - Vinmec Times City): Bé nhà bạn ngủ không say nhưng vẫn ăn ngoan, chơi ngoan. Bạn cần theo dõi các tác động bên ngoài đến bé. Hệ thần kinh của trẻ rất yếu và dễ căng thẳng nếu gặp những tác động bất lợi từ môi trường xung quanh như ánh sáng, nhiệt độ phòng, tiếng ồn, người lạ bế bồng, ru ngủ...Những kích thích này tác động khiến bé trằn trọc khó ngủ, trẻ ngủ không ngon giấc, quấy khóc về đêm.

Bên cạnh đó, tình trạng rối loạn giấc ngủ ở trẻ em còn xuất phát từ các nguyên nhân như:

  • Khi cơ thể thiếu hụt canxi, trẻ không chỉ bị còi xương mà hệ thần kinh trung ương của bé cũng bị ảnh hưởng do các chất dẫn truyền thần kinh bị cản trở, kém hoạt động. Từ đó giấc ngủ bị gián đoạn, trẻ khó ngủ về đêm, trằn trọc khi ngủ
  • Không có thói quen ngủ đúng giấc, đúng giờ
  • Trẻ nhỏ thường xuyên mắc bệnh đường hô hấp như ho, sổ mũi dẫn tới hiện tượng thở khò khè, cổ họng nhiều đờm gây bít tắc đường thở làm trẻ khó chịu, quấy khóc về đêm.
  • Trẻ phải sống trong môi trường gia đình không hạnh phúc, thường xuyên bị mắng mỏ, quát nạt thường bị mộng du hoặc bóng đè

Bạn nên điều chỉnh lại các yếu tố môi trường xung quanh bé. Nếu tình trạng mất ngủ không được cải thiện, bạn nên cho bé đi khám chuyên khoa để biết chính xác nguyên nhân, từ đó có biện pháp điều trị phù hợp.

Thăm khám và điều trị tâm lý tại phòng khám tâm lý Vinmec
Cho bé đi khám chuyên khoa để biết chính xác nguyên nhân, từ đó có biện pháp điều trị phù hợp

11. Bạn Phạm Minh Sơn (18 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội): Chào bác sĩ, Cháu 18 tuổi và vừa thi xong kì thi THPT Quốc gia. Trước đây học hành căng thẳng thì cháu rất thèm ngủ mà chẳng hiểu sao giờ lại mất ngủ về đêm. Mong bác sĩ cho cháu vài lời tư vấn. cảm ơn bác sĩ!

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thành Long (Phòng Khám Tâm lý - Vinmec Times City): Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất ngủ đêm như: Stress; Lạm dụng cà phê, thức uống năng lượng; Sử dụng thiết bị điện tử nhiều; Bệnh suyễn; Hệ miễn dịch kém; Ít vận động; Ngồi máy tính lâu; Tư thế ngủ không phù hợp; Phòng ngủ kín ...

Trong câu hỏi của bạn không nêu rõ thói quen sinh hoạt, do đó chưa thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân mất ngủ đêm của bạn. Để cải thiện tình trạng mất ngủ, bạn có thể tập luyện yoga, thiền trước khi ngủ cho đầu óc thật sự thư giãn, giảm tối đa việc suy nghĩ đến những vấn đề khác trước khi đi ngủ. Không uống nước để tránh tiểu đêm.

12. Bác Trần Thị Minh Tâm (Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh): Chào anh chị, tôi năm nay 60 tuổi và bị khó ngủ cũng đến cả chục năm rồi, căn bệnh thường gặp ở tuổi già. Tôi được con đưa đi viện kiểm tra thì bác sĩ có kê đơn thuốc tây, khi uống thì cũng có hiệu quả nhưng thời gian ngắn và hay có tác dụng phụ. Tôi muốn tìm hiểu về các phương pháp điều trị mất ngủ bằng đông y vì thảo dược có thể sẽ lành tính hơn? Mong bác sĩ cho lời khuyên

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thành Long (Phòng Khám Tâm lý - Vinmec Times City): Đông y tập trung vào điều trị đúng căn nguyên gây ra bệnh mất ngủ, điều trị tận gốc bệnh mất ngủ và điều hòa ngũ tạng, nâng cao thể trạng và sức đề kháng nên mang lại hiệu quả lâu dài.

Khác với thuốc chữa trị bệnh mất ngủ theo Tây y chủ yếu quan tâm điều trị triệu chứng, còn điều trị bệnh mất ngủ theo Đông y lại quan tâm đến căn nguyên gây ra bệnh. Trong đông y, mất ngủ được gọi là thất miên (thất: mất, miên: ngủ) hoặc bất mị (bất: không, mị: ngủ), nguyên nhân do tâm tỳ hư, can khí uất, thận âm hư gây nên.

Tùy vào thể bệnh nhân, độ tuổi, giới tính và nguyên nhân gây ra bệnh mà thầy thuốc sẽ gia giảm các vị thuốc trong bài thuốc chữa trị bệnh mất ngủ là khác nhau.

13. Bạn Hà Minh Tuấn (25 tuổi, Nhân viên kinh doanh tại Tây Hồ, Hà Nội) Bác sĩ ơi, mẹ em 65 tuổi, từng đi khám nhiều nơi về bệnh mất ngủ nhưng chưa thể chữa trị triệt để vì đó cũng là 1 triệu chứng thường gặp ở tuổi già. Nên để hạn chế uống thuốc tây, tôi muốn tham khảo cách chữa mất ngủ bằng tâm sen, một loại thảo dược khá quen thuộc và dễ kiếm. Tuy nhiên, để sử dụng tâm sen đúng cách tôi muốn được bác sĩ cho lời khuyên, cảm ơn bác sĩ!

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thành Long (Phòng Khám Tâm lý - Vinmec Times City): Tâm sen, còn được gọi là tim sen, liên tâm, liên tử tâm, là phần lá mầm có trong mỗi hạt sen. Tim sen có vị đắng, tính hàn, có chứa các thành phần như: nuciferin, nelumbin, liensinin,... có tác dụng dưỡng tâm an thần, chống rối loạn nhịp tim, cải thiện lưu lượng tuần hoàn động mạch vành, ổn định một số chức năng trong cơ thể giúp cải thiện giấc ngủ.

Tâm sen dùng tốt cho người mất ngủ thể nhiệt với biểu hiện: mất ngủ kèm theo bốc hỏa, ù tai, miệng khô, chất lưỡi đỏ, mạch tế sác

Những người mất ngủ ở thể hư nhược, thể hàn với biểu hiện: khi ngủ hay mê, dễ tỉnh giấc, mỏi mệt, ăn uống giảm sút, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi mỏng, mạch tế nhược... mà dùng Tâm sen thì bệnh nặng hơn

Ngoài ra, Uống tâm sen dễ gây rối loạn tiêu hóa hay đi ngoài phân lỏng. Thành phần có tác dụng an thần của Tâm sen là các alcaloid. Dùng lâu ngày dễ bị tích lũy độc tính trong cơ thể.

Do đó trước khi sử dụng, mẹ bạn cần được thăm khám để biết chính xác tình trạng bệnh.

Cách sử dụng tâm sen đúng cách như sau:

  • Lựa chọn kỹ Tâm sen có nguồn gốc rõ ràng, không nấm mốc, đảm bảo chất lượng để tránh bị nhiễm độc khi uống
  • Sao vàng trước khi sử dụng để giảm tính hàn (lạnh) của Tâm sen
  • Kiểm soát liều dùng phù hợp với bản thân
  • Không nên dùng liên tục trên 1 tháng để tránh tích lũy gây độc với cơ thể
  • Cần sử dụng thêm các thảo dược giúp phục hồi thần kinh để tạo giấc ngủ ổn định, bền vững

14. Bác Phạm Văn Minh (Ngô Quyền, Hải Phòng): Chào bác sĩ, tôi năm nay 58 tuổi, là nhân viên văn phòng về hưu. Có lẽ tôi mới nghỉ hưu nên chưa quen với nhàn rỗi, ngồi không cả ngày khiến tôi uể oải trong người mà thấy mình vô dụng, thừa thãi quá. Ban ngày thì mệt mỏi mà đến ban đêm tôi lại bị mất ngủ. Có người bạn cùng làm cũ bảo có thể tôi bị mất ngủ trầm cảm rồi, liệu có phải không?

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thành Long (Phòng Khám Tâm lý - Vinmec Times City): Trước tiên, cần xác định xem tình trạng của bạn có phải là bị mất ngủ trầm cảm hay không bằng cách đi khám bác sĩ, để có hướng xử lý cho chính xác

Triệu chứng mất ngủ trầm cảm:

  • Phần lớn bệnh nhân trầm cảm thường có rối loạn giấc ngủ. Ngoài ra, mất ngủ còn làm nặng thêm các bệnh lý khác.
  • Với mất ngủ gốc trầm cảm, bệnh nhân tự dùng thuốc chỉ chữa được phần ngọn. Khi uống sẽ có cảm giác êm dịu, buồn ngủ ngay nhưng không thể chữa được trầm cảm. Chưa kể, một số thuốc như Lexomil dùng trong điều trị trầm cảm còn là chất gây nghiện, nếu lạm dụng bệnh sẽ ngày càng nặng.

Mất ngủ lâu dài sẽ dẫn đến hội chứng quên, rối loạn trí nhớ, đặc biệt là những bệnh tâm thần bùng phát như bệnh trầm cảm, tâm thần phân liệt. Trong thực tế, nhiều người mất ngủ thường có tình trạng lạm dụng thuốc ngủ mà không có chỉ định của bác sĩ hoặc lạm dụng các chất kích thích như rượu bia để tìm đến giấc ngủ.

Tình trạng mất ngủ ở bệnh nhân trầm cảm thường kết hợp một số triệu chứng cơ thể như nhức đầu, mệt mỏi, hồi hộp, táo bón, đau dạ dày,... kèm theo rối loạn giấc ngủ

Mất ngủ
Mất ngủ ở bệnh nhân trầm cảm thường kết hợp một số triệu chứng như mệt mỏi, hồi hộp, táo bón, đau dạ dày,...

15. Chị Nguyễn Thị Thu Hà (Nhân viên kinh doanh tại Minh Khai, Hà Nội): Các bác sĩ cho tôi hỏi mất ngủ mãn tính là như thế nào và có nguy hiểm không? Tôi là nhân viên kinh doanh, năm nay 35 tuổi. Công việc của tôi tương đối áp lực và căng thẳng, thế nên, ban ngày tôi thường làm việc đến 10 tiếng/ngày và cũng ít khi ngủ trưa nhưng tối cũng không ngủ được mấy. Tôi nghĩ nó là thói quen mà cũng hơn 3 năm nay nên có là bệnh thì cũng mãn tính rồi. Tiện cho tôi hỏi mất ngủ mãn tính có chữa được không?

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thành Long (Phòng Khám Tâm lý - Vinmec Times City): Chào bạn! Để biết tình trạng của bạn có chính xác là mất ngủ mãn tính hay không, bạn cần được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa tại các cơ sở y tế.

Một số dấu hiệu nhận biết mất ngủ mạn tính như sau: Khó vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ ban đêm, thức giấc sớm và không ngủ lại được trong thời gian ít nhất 1 tháng. Hầu hết người mất ngủ đều có các biểu hiện trên. Mất ngủ dưới 1 tháng gọi là mất ngủ cấp (ngắn hạn) và trên 1 tháng là mất ngủ mạn tính.

Đặc điểm mất ngủ mạn tính: Ngủ quá ít, thời gian ru ngủ quá lâu, ngủ nông và khi thức dậy thì trạng thái tinh thần không thoải mái, cơ thể mệt mỏi, không lấy lại sức,... Đồng thời là suy giảm các hoạt động ban ngày như uể oải, không tập trung làm việc được, hay quên, khí sắc giảm hay “xuống tinh thần”. Mất ngủ ở tuổi trung niên gây giảm năng suất và ngày công làm việc rất nhiều.

Để điều trị mất ngủ mạn tính, bạn cần nắm được nguyên nhân gây bệnh để có những điều chỉnh phù hợp. Một số nguyên nhân mất ngủ bao gồm:

  • Yếu tố thúc đẩy mất ngủ ngoài tầm kiểm soát như: Bệnh lý, bệnh tâm thần,...
  • Yếu tố từ công việc, từ mối quan hệ với người ngoài, stress, thay đổi việc làm, những thăng trầm cuộc sống, do sử dụng thuốc không hợp lý.

Khi đã mất ngủ rồi, một số yếu tố làm mất ngủ thêm: Điều kiện ngủ (thường gọi là vệ sinh giấc ngủ) không cải thiện, nghĩa là không biết cách chuẩn bị cho giấc ngủ. Quá lo lắng về giấc ngủ của mình. Cố gắng thử và chủ ý dùng nhiều thời gian cho giấc ngủ. Khi cố gắng ngủ nghĩa là chúng ta đã cố tình quên đi một điều gì đó, vì vậy sẽ không tránh khỏi thức tỉnh, thậm chí thức trắng, kết quả là chỉ thiếp đi khi quá mệt mỏi. Lúc này mất ngủ càng thêm tồi tệ

16. Bác Trần Văn Hoàng (Ý Yên, Nam Định) Chào bác sĩ ! tôi là Nam, năm nay 67 tuổi. Tôi bị mất ngủ suốt hơn 4 tháng nay, cứ đêm thì không ngủ được, rồi đến hôm sau lại mệt mỏi, uể oải nên rất ảnh hưởng đến cuộc sống. Tôi muốn chữa mất ngủ, nhưng nghe nói là nếu mới bị, hoặc bị nhẹ thì chưa nên uống thuốc ngủ vì có tác dụng phụ, nhất là những người có tuổi như tôi? Vậy xin hỏi bác sĩ là tôi có nên chữa mất ngủ bằng thuốc nam không?

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thành Long (Phòng Khám Tâm lý - Vinmec Times City): Khi chữa mất ngủ bằng thuốc nam, bạn cần phải lưu ý:

  • Sử dụng cây thuốc nam chữa mất ngủ cần phải rất kiên trì sử dụng lâu dài
  • Dược tính trong các loại thảo dược có thể giảm bớt, thay đổi trong quá trình đun, sắc. Do đó, cần tìm cách chế biến sao cho phù hợp.
  • Khi mua các loại thảo dược khô, cần kiểm tra thật kỹ, tránh trường hợp mua nhầm, lẫn lộn vị thuốc, hoặc thuốc bị mốc, thuốc có chất bảo quản.
  • Sử dụng cây thuốc nam một cách đơn lẻ chỉ giải quyết được triệu chứng của bệnh mất ngủ nhờ thành phần an thần có trong vị dược liệu đó. Tuy nhiên, mất ngủ là bệnh hỗn hợp, có thể do nhiều nguyên nhân gây nên. Do đó, phải kết hợp giải quyết cả căn nguyên bệnh.

Một số vị dược liệu có thể dùng chữa mất ngủ bằng thuốc nam:

  1. Tâm sen: có thể dùng dạng trà hãm uống mỗi ngày
  2. Củ gừng: Nấu nước gừng tươi ngâm chân giúp giãn kinh mạch, dễ ngủ. Cũng có thể cho vài lát gừng tươi ngâm giấm vào chậu nước ấm ngâm chân cũng cho tác dụng rất tốt. Củ gừng nấu với đường phên uống trưa và chiều thì tối sẽ dễ ngủ hơn.
  3. Cây trinh nữ: Hay còn gọi là cây xấu hổ. Sắc lá khô hoặc tươi uống.
  4. Hoa tam thất: Uống trà hoa tam thất giúp dễ ngủ, giấc ngủ sâu hơn.
  5. Lá vông: Giúp an thần, kích thích ngủ.
  6. Cây lạc tiên: Tác dụng dưỡng tâm, an thần. Có thể sắc nước uống riêng lẻ hoặc phối hợp với một số loại thảo dược khác.

Trước khi điều trị mất ngủ bằng thuốc nam, bạn nên tham khảo ý kiến của Lương y, không nên tự ý sử dụng gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

17. Bạn Lê Văn Ân (Địa chỉ email: Lethichung140590@gmail.com): Tôi là Lê văn Ân , tôi mất ngủ 18 năm. Để ngủ được tôi phải sử dụng thuốc ngủ liều cao. Bên cạnh đó tôi còn bệnh viêm loét dạ dày lâu năm tái phát. Hiện tại tôi sử dụng biện pháp gạo lứt muối mè được hai tháng, nhưng chưa có biện pháp khắc phục bệnh hiệu quả. Mong bác sĩ có thể cho tôi biết cách điều trị. Chân thành cảm ơn.

Bác sĩ CKII Phạm Thị Sơn: Mất ngủ có rất nhiều nguyên nhân và để điều trị có hiệu quả bệnh mất ngủ quan trọng là:

  • Tìm được căn nguyên gây mất ngủ và điều trị căn nguyên
  • Tuân thủ điều trị
  • Phối hợp nhiều hình thức điều tri bao gồm: Uống thuốc, tập luyện thể chất, có lối sống tích cực, lạc quan,kết hợp làm việc và nghỉ ngơi điều độ, học kỹ năng loại bỏ stress.
  • Không gian sống yên tĩnh vào ban đêm
  • Điều trị các bệnh lý khác của cơ thể....

Trường hợp của bạn đã mất ngủ 18 năm, bạn phải sử dụng thuốc liều cao mới ngủ được. Tuy vậy bạn không cung cấp thông tin về thuốc nên tôi không thể đánh giá bạn thực sự có đang sử dụng thuốc ngủ liều cao hay không và thời gian dùng của bạn trong bao lâu. Bạn có đang lo lắng điều gì không, hoàn cảnh sống, công việc, chế độ ăn, thể chất, tập luyện của bạn thế nào... Bạn hãy đến khám các bác sỹ chuyên khoa Thần kinh hoặc Tâm thần. Bác sĩ sẽ lắng nghe bạn và từ đó sẽ đưa ra một phác đồ điều trị cụ thể cho trường hợp của bạn.

Các câu hỏi của bạn đọc tiếp tục được bác sĩ giải đáp trong phần tiếp theo.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan