Nên bổ sung kẽm cho trẻ trong thời gian bao lâu?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Việc đáp ứng đủ nhu cầu kẽm của trẻ giúp cải thiện chứng biếng ăn, giúp bé mau ăn chóng lớn và phát triển toàn diện. Vậy bố mẹ cần bổ sung kẽm cho trẻ trong thời gian bao lâu là đủ và phải lưu ý những gì?

1. Khi nào bổ sung kẽm cho trẻ?

Thông thường, trẻ em được bổ sung kẽm hàng ngày thông qua chế độ ăn uống, ví dụ, bú sữa mẹ giúp bổ sung kẽm cho trẻ 6 tháng trở xuống, đối với trẻ lớn hơn thì thông qua thức ăn tiêu thụ. Đôi khi, vì một số nguyên nhân về cơ địa hay sức khỏe, trẻ bị tình trạng thiếu hụt kẽm. Khi ấy, trẻ thường có những biểu hiện như:

  • Chán ăn
  • Nôn mửa bất thường
  • Rối loạn giấc ngủ như không ngủ được, trằn trọc, liên tục thức giấc, ngủ ít
  • Chậm phát triển thể chất
  • Dễ bị dị ứng
  • Giảm trí nhớ
  • Dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn bao gồm tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp...
  • Thường gặp tình trạng tổn thương da không rõ nguyên nhân, niêm mạc, các vết thương, vết bỏng chậm lành, loét, viêm lưỡi, rụng tóc, rụng lông...

Khi nhận thấy những dấu hiệu trên, bố mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế để thực hiện các xét nghiệm kẽm huyết thanh. Kết quả xét nghiệm cho biết trẻ có đang trong tình trạng thiếu kẽm hay không và mức độ thế nào. Từ đó, bác sĩ sẽ cho mẹ biết nên bổ sung kẽm cho trẻ trong thời gian bao lâu.

Bổ sung kẽm cho trẻ
Nên bổ sung kẽm cho trẻ trong thời gian bao lâu là thắc mắc của nhiều mẹ

2. Nhu cầu bổ sung kẽm cho trẻ bao nhiêu là đủ?

Nhu cầu bổ sung kẽm của cơ thể trẻ trong từng giai đoạn là khác nhau. Theo khuyến cáo từ Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO), nhu cầu bổ sung kẽm cho đối tượng trẻ em theo từng độ tuổi như sau:

  • Bổ sung kẽm cho trẻ 6 tháng tuổi trở xuống: 2mg/ ngày
  • Bổ sung kẽm cho trẻ từ tháng thứ 7 đến 12 tháng tuổi: 3mg/ ngày
  • Bổ sung kẽm cho trẻ từ 4 - 8 tuổi: 5mg/ ngày

Sữa mẹ chính là nguồn cung cấp kẽm tốt nhất và dễ hấp thu nhất đối với các trẻ dưới 6 tháng tuổi. Bổ sung kẽm cho trẻ 6 tháng tuổi trở lên thì có thể lựa chọn các loại thực phẩm giàu kẽm theo hướng dẫn bác sĩ.

Theo đó, những thức ăn giàu kẽm bao gồm: Tôm đồng, sữa, lươn, hàu, sò, gan lợn, thịt bò... Để tăng cường khả năng hấp thụ kẽm, nên bổ sung thêm vitamin C cho trẻ từ các loại trái cây tươi như như cam, chanh, quýt, bưởi... Mặc dù vitamin C và kẽm có thành phần, cấu tạo, chức năng riêng nhưng khi được phối hợp cùng sẽ cải thiện hiệu quả hấp thu của nhau. Nghĩa là vitamin C có tác động phát huy khả năng hấp thu của kẽm và ngược lại. Từ đó cơ thể trẻ sẽ hấp thụ vi khoáng này tốt hơn, giúp thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể, tăng cường khả năng đề kháng cho bé.

3. Nên bổ sung kẽm cho trẻ trong thời gian bao lâu?

Để xác định khi nào bổ sung kẽm cho trẻ và trong thời gian bao lâu, bố mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế hoặc trung tâm dinh dưỡng để được các bác sĩ đánh giá tình trạng và thực hiện xét nghiệm. Khi đó, bác sĩ sẽ kiểm tra xem trẻ có được đáp ứng đủ nhu cầu kẽm hay không, bổ sung kẽm cho trẻ trong thời gian bao lâu và liều lượng thế nào. Tùy thuộc vào tình trạng thực tế của mỗi trẻ, đa phần thời gian bổ sung kẽm cho trẻ thường là 2 - 3 tháng.

Ví dụ, đối với trường hợp trẻ bị tiêu chảy kéo dài, việc tăng cường kẽm trong quá trình điều trị là hết sức quan trọng. Theo khuyến cáo, phác đồ điều trị tiêu chảy cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi cần bổ sung thêm 10mg kẽm/ngày, còn đối với trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi cần được tăng cường 20mg kẽm/ngày. Lúc này, kẽm được bổ sung dưới dạng viên uống, thời gian sử dụng thường là 14 ngày liên tiếp.

Bổ sung kẽm
Bổ sung kẽm cho trẻ trong thời gian bao lâu phụ thuộc vào từng độ tuổi của trẻ

4. Lưu ý khi bổ sung kẽm cho trẻ

  • Nếu dùng các thuốc có chứa kẽm (dưới dạng viên uống kẽm gluconat hay kẽm sulfat), hãy cho trẻ uống sau ăn 30 phút.
  • Kẽm có khả năng làm giảm hấp thu sắt khi dùng đồng thời, do đó hãy cho trẻ dùng 2 loại vi khoáng này cách xa nhau ít nhất 2 tiếng.
  • Tương tự, kẽm và canxi cũng xảy ra tương tác nếu sử dụng cùng lúc. Canxi làm tăng bài tiết kẽm và dẫn đến giảm hấp thu kẽm trong cơ thể.

Ngoài ra theo các chuyên gia dinh dưỡng, nhu cầu kẽm của trẻ thường không được đáp ứng đầy đủ nếu chỉ bổ sung qua bữa ăn hằng ngày. Do đó, bố mẹ có thể cho trẻ sử dụng thêm các loại chế phẩm bổ sung kẽm theo hướng dẫn của bác sĩ.

Tóm lại, trẻ bị thiếu kẽm là vấn đề thường gặp, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ và là nỗi băn khoăn của nhiều bậc phụ huynh. Nắm rõ thông tin bổ sung kẽm cho trẻ trong thời gian bao lâu, cùng với cách chăm sóc khoa học, chế độ dinh dưỡng đầy đủ và bổ sung các loại vitamin, khoáng chất và dưỡng chất cần thiết giúp tăng sức đề kháng trẻ tăng trưởng đều đặn, toàn diện và phát triển tối ưu.

Tình trạng thiếu kẽm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm về sức khỏe lẫn tinh thần của trẻ, do đó, cha mẹ cần quan sát và bổ sung kịp thời nguồn vitamin quan trọng này.

Ngoài bổ sung qua chế độ ăn uống, cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng thực phẩm hỗ trợ có chứa kẽm và các vi khoáng chất thiết yếu như Lysine, crom, selen, vitamin B1... giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

>> Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm: Thiếu kẽm gây bệnh gì? Khi nào nên bổ sung kẽm? , Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Ánh - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

277.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan