Công dụng của Sulfat Zinc

Sulfat zinc là thuốc thuộc nhóm vitamin và khoáng chất có tác dụng điều trị và ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt kẽm của cơ thể. Vậy sử dụng thuốc như thế nào là đúng cách và hiệu quả? Cùng chúng tôi tìm hiểu kĩ hơn thề thuốc qua bài viết dưới đây.

1. Sulfat Zinc là gì?

Sulfat zinc còn được gọi là kẽm sulfat, là thuốc thuộc nhóm vitamin và khoáng chất. Thuốc được bào chế dưới nhiều hình thức khác nhau, cụ thể:

  • Dạng viên nén: có nhiều hàm lượng khác nhau như 20, 50, 66, 90,110, 220mg.
  • Dạng viên nang: hàm lượng 220mg.
  • Dạng dung dịch uống: 13,5mg/ml, 15mg/ 5ml.
  • Dạng dung dịch tiêm tĩnh mạch: 1mg/ml, 3mg/ml, 5mg/ml.
  • Dạng dung dịch nhỏ mắt: 0,25%.

Thuốc tác động bằng cách bổ sung kẽm trong cơ thể để điều trị tình trạng thiếu kẽm do suy dinh dưỡng, tiêu chảy cấp tính hoặc mạn tính. Khi sử dụng cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.

2. Chỉ định của sulfat zinc

Thuốc sulfat zinc được bác sĩ chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:

3. Cách sử dụng thuốc sulfat zinc

Cách dùng thuốc:

  • Khi uống thuốc nên uống nhiều nước. Tốt nhất nên uống thuốc trước khi ăn 1 giờ hoặc sau khi ăn 2 giờ. Tuy nhiên, đối với những người bệnh bị kích ứng dạ dày, có thể uống cùng với thức ăn.
  • Người dùng thuốc cần tránh sử dụng thuốc cùng với các loại thực phẩm có cám, canxi và phospho. Các chất kể trên có thể làm giảm lượng kẽm sulfat hấp thụ được vào cơ thể.
  • Với thuốc dạng tiêm tĩnh mạch, không dùng tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch mà phải pha loãng và dùng thuốc như một thành phần của dung dịch dinh dưỡng tiêm truyền.
  • Trường hợp người bệnh đang sử dụng thuốc eltrombopag, kháng sinh nhóm quinolon hoặc kháng sinh nhóm tetracyclin, trước khi dùng kẽm sulfat cần được tư vấn bởi bác sĩ.
  • Nếu quên dùng một liều thuốc, dùng ngay liều thuốc đó khi nhớ ra. Trường hợp gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng ngay liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Tuyệt đối không sử dụng hai liều thuốc cùng một lúc.

Liều dùng thuốc: Liều dùng thuốc sulfat zinc khác nhau ở từng giới, từng lứa tuổi, đối tượng.

Liều dùng thuốc cho người lớn từ 19 tuổi trở lên:

  • Nam giới: 11mg, tối đa 34mg.
  • Nữ giới: 9mg, tối đa 34mg.
  • Phụ nữ mang thai: 11mg, dùng tối đa 40mg.
  • Phụ nữ cho con bú: 12mg, lượng dùng tối đa là 40mg.
  • Người lớn trao đổi chất ổn định: 2,5 - 4 mg kẽm/ ngày.
  • Đối với người lớn bình thường bị mất dịch từ ruột non: Liều dùng được khuyến cáo là 12,2 mg kẽm/ lít chất lỏng ruột non bị mất hoặc dùng bổ sung 17,1 mg kẽm/ kg phân hoặc phần chất thải ra của thủ thuật mở thông hồi tràng.

Liều dùng kẽm sulfat cho trẻ em:

  • Đối với trẻ từ 0 - 6 tháng tuổi: Dùng 2mg, tối đa 4mg.
  • Đối với trẻ từ 7 - 12 tháng tuổi: Sử dụng 3mg, dùng tối đa 5mg.
  • Đối với trẻ từ 1 - 3 tuổi: Dùng 3mg, tối đa 7mg.
  • Đối với trẻ từ 4 - 8 tuổi: Sử dụng 5mg, lượng dùng tối đa 12mg.
  • Đối với trẻ từ 9 - 13 tuổi: Dùng 8mg, lượng dùng tối đa là 23mg.
  • Đối với trẻ từ 14 - 18 tuổi: Nam dùng 1mg, nữ giới dùng 9mg. Lượng dùng tối đa cho cả hai giới là 34mg.
  • Trẻ sơ sinh đủ tháng và trẻ em nhỏ hơn 5 tuổi: Liều dùng được khuyến cáo là 100mcg kẽm/kg/ngày.
  • Trẻ sinh non (nặng dưới 1500g) đến 3kg: đối tượng này được khuyên dùng liều 300mcg kẽm/kg/ngày.

4. Tác dụng phụ khi dùng thuốc

  • Thuốc gây cảm giác khó chịu như nôn, buồn nôn,...
  • Các phản ứng dị ứng có thể xảy ra như phát ban, nổi mề đay, ngứa, khó thở, tức ngực, sưng miệng,...
  • Gây cảm giác khô miệng, khô mắt, khô da.
  • Trường hợp gặp các tác dụng phụ kể trên hoặc các phản ứng bất thường cần ngừng sử dụng thuốc và liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn.

5. Sự tương tác giữa thuốc sulfat zinc với thực phẩm và các thuốc khác

Tương tác với thuốc khác:

  • Sự tương tác giữa các thuốc với nhau có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ với cơ thể. Không nên tự ý ngưng dùng thuốc hoặc thay đổi liều dùng thuốc khi chưa có sự cho phép của bác sĩ.
  • Sự hấp thu của kẽm có thể bị giảm bởi các thuốc bổ sung sắt và canxi, kháng sinh tetracyclin và các hợp chất chứa phospho. Trong khi đó, kẽm có thể làm giảm sự hấp thu sắt và một số nhóm kháng sinh như tetracyclin, fluoroquinolon.
  • Kẽm sulfat có thể ức chế sự hấp thu đồng.
  • Thuốc lợi tiểu thiazid có thể làm tăng đào thải đến 60% kẽm qua nước tiểu.

Tương tác với thực phẩm:

  • Không nên dùng kẽm với các loại thực phẩm chứa nhiều canxi, phospho như sữa, pho mát, sữa chua, kem, đậu, các loại hạt, bơ, đậu phộng, bia, nước ngọt, cacao nóng,... do chúng làm giảm hấp thu kẽm.
  • Uống kẽm trước hoặc sau ăn ít nhất 2 giờ khi ăn các thực phẩm giàu chất xơ để hấp thu tối đa kẽm.

6. Một số lưu ý khi dùng thuốc

  • Phụ nữ có thai và đang cho con bú không nên tự ý dùng thuốc vì kẽm sulfat có thể đi qua nhau thai và tiết qua sữa mẹ. Trước khi muốn sử dụng, cả hai đối tượng này cần có sự tư vấn kỹ lưỡng của bác sĩ.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc sulfat zinc cho các bệnh nhân suy thận.
  • Thường xuyên kiểm tra nồng độ đồng, kẽm, phosphatase kiềm trong huyết thanh đối với những bệnh nhân sử dụng thuốc qua đường tiêm tĩnh mạch hoặc những người điều trị mạn tính.
  • Những bệnh nhân suy giảm chức năng thận hoặc sử dụng thuốc liều cao kéo dài theo đường tiêm có khả năng gia tăng tình trạng nhiễm độc nhôm.
  • Trong trường hợp khẩn cấp hoặc dùng quá liều cần ngưng sử dụng thuốc, cho bệnh nhân uống các chất làm dịu như sữa, sử dụng các tác nhân tạo phức.
  • Do kẽm có tính ăn mòn, tránh rửa dạ dày và gây nôn khi dùng quá liều.

7. Dược lực học của thuốc

Kẽm là một loại vi chất có mặt ở hầu hết cơ thể người và liên quan đến nhiều quá trình trao đổi chất, chức năng miễn dịch của cơ thể. Kẽm có tác dụng làm giảm bài tiết ion, tổng hợp nitric oxid và cải thiện ăn ngon, hấp thu, tái tạo tế bào ruột non, phục hồi men ruột và tính thấm của ruột. Sự tổn thương do các chất oxi hóa tạo ra từ các gốc tự do, nitric oxid, chịu trách nhiệm về một số hội chứng kém hấp thu ở ruột và tiêu chảy. Kẽm được công nhận là một chất chống oxi hóa tiềm năng đối với các tác động tức thì và lâu dài của cơ thể con người.

Cơ chế tác dụng:

  • Kẽm là khoáng chất thiết yếu tìm thấy trong hầu hết các tế bào ở người, chủ yếu trong xương, da, tóc, gan, cơ bắp và tinh hoàn (ở nam). Kẽm kích thích hoạt động của các enzym là những chất xúc tác các phản ứng sinh hóa trong cơ thể. Kẽm rất cần thiết để có hệ miễn dịch tốt, có khả năng chống nhiễm trùng và phòng ngừa cảm cúm. Ngoài ra, kẽm còn giúp làm lành vết thương, kích thích sự sản sinh các tế bào mới, phục hồi các tế bào đã bào các gốc tự do làm tổn thương. Bên cạnh đó, kẽm cần thiết cho quá trình tổng hợp ADN, kích thích sự chuyển hóa vitamin A, hoạt động của thị giác và hệ thần kinh trung ương. Đồng thời, kẽm còn tham gia hỗ trợ cho quá trình tăng trưởng và phát triển bình thường của thai nhi trong bụng mẹ và cả quá trình trưởng thành.
  • Quá trình tiêu chảy kéo dài làm mất đi một lượng kẽm đáng kể cần thiết cho cơ thể con người. Hệ quả của vấn đề này là làm chậm quá trình tái tạo, phục hồi về cấu tạo và chức năng tế bào niêm mạc ruột dẫn đến kéo dài thời gian tiêu chảy. Vì vậy, việc bổ sung kẽm có khả năng làm giảm tiêu chảy ở những người tiêu chảy kéo dài.

8. Dược động học

Kẽm được hấp thu ở ruột non và dược động hấp thu có thể bão hòa khi tăng liều. Tỉ lệ kẽm hấp thu không tương quan với lượng kẽm bổ sung vào cơ thể. Trong máu, kẽm được hấp thu phần lớn phân bố đến hồng cầu, phần còn lại gắn với protein huyết tương. Kẽm được lưu trữ chủ yếu ở gan và được bài tiết qua phân, nước tiểu và mồ hôi. Trong đó chủ yếu là qua phân vì đó cũng chính là con đường bài tiết kẽm nội sinh từ ruột.

Sulfat zinc là một loại thuốc có tác dụng rất tốt đối với cơ thể con người. Vì vậy, cần hiểu đúng về cách dùng thuốc cũng như các cách xử lý trong trường hợp cần thiết để có thể dùng thuốc đúng cách và hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe