Hệ miễn dịch là gì? Tầm quan trọng của hệ miễn dịch

Vai trò của hệ thống miễn dịch là bảo vệ con người luôn khỏe mạnh, ngăn ngừa mắc bệnh và nhiễm trùng. Khi hệ miễn dịch của cơ thể gặp những vấn đề bất thường sẽ dẫn đến một số bệnh lý liên quan đến hệ miễn dịch và sức đề kháng.

1. Hệ miễn dịch của cơ thể

Hệ thống miễn dịch tiếng anh là gì? Thuật ngữ “Immune System” trong tiếng anh có nghĩa là “hệ miễn dịch” - một hệ thống được tạo thành từ mạng lưới các tế bào đặc biệt, protein, mô và cơ quan. Chúng phối hợp với nhau để bảo vệ con người chống lại vi trùng và vi sinh vật có trong cuộc sống hàng ngày. Một trong những tế bào quan trọng của hệ miễn dịch là tế bào bạch cầu, bao gồm hai loại cơ bản kết hợp với nhau để tìm kiếm và tiêu diệt các sinh vật truyền nhiễm - “những kẻ xâm lược” có hại cho sức khỏe. Hệ miễn dịch tấn công những yếu tố gây bệnh cho cơ thể con người thông qua một loạt các bước được gọi là phản ứng miễn dịch.

Khác với hệ thống thần kinh, hệ miễn dịch của cơ thể phức tạp hơn và nằm ở khắp các nơi trong người, bao gồm:

  • Amidan cổ họng
  • Hệ thống tiêu hóa
  • Tủy xương
  • Da
  • Hạch bạch huyết
  • Lá lách
  • Niêm mạc mỏng bên trong mũi, họng và bộ phận sinh dục

Việc phân bố rải rác ở nhiều vị trí giúp hệ miễn dịch hình thành và lưu trữ các tế bào, cũng như duy trì hoạt động liên tục nhằm giữ cho toàn bộ cơ thể luôn khỏe mạnh.

Vai trò của hệ miễn dịch
Vai trò của hệ miễn dịch là bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm bệnh

2. Vai trò của hệ thống miễn dịch

2.1. Bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm bệnh

Hệ miễn dịch là hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể. Trong khi đó, “những kẻ xâm lược” khiến con người mắc bệnh bao gồm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, và thậm chí là nấm. Chúng có mặt ở khắp mọi nơi như trong nhà, nơi làm việc và môi trường tự nhiên. Phản ứng miễn dịch được diễn ra như sau:

  • Bước 1: Một hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ bảo vệ con người bằng cách tạo ra một rào cản ngăn chặn mầm bệnh hoặc kháng nguyên lạ xâm nhập vào cơ thể.
  • Bước 2: Nếu chúng có thể vượt qua khỏi hàng rào, hệ miễn dịch tiếp tục sản sinh các tế bào bạch cầu, cũng như các hóa chất và protein khác nhằm tấn công và phá hủy những yếu tố lạ có thể gây hại này. Hệ miễn dịch sẽ làm mọi cách để tìm ra và loại bỏ kháng nguyên trước khi chúng bắt đầu phân chia.
  • Bước 3: Trong trường hợp thất bại, hệ thống phòng thủ của cơ thể còn tăng cường hoạt động mạnh mẽ hơn nữa để kìm hãm, không để cho mầm mống gây bệnh phát triển.

Hệ miễn dịch có thể nhận ra hàng triệu kháng nguyên khác nhau và sẽ phát huy toàn bộ chức năng cần thiết để loại bỏ hầu hết những yếu tố gây bệnh xâm nhập. Nếu hoạt động một cách bình thường, hệ thống phòng thủ phức tạp này có thể ngăn chặn các vấn đề sức khỏe từ cảm lạnh thông thường cho đến ung thư nguy hiểm.

Bạch cầu
Bạch cầu là tế bào quan trọng của hệ miễn dịch có khả năng chống lại mầm bệnh.

2.2. Tạo kháng thể chống bệnh cũ tái phát

Con người được sinh ra với một mức độ hệ miễn dịch và sức đề kháng nhất định, song chúng sẽ cải thiện dần theo thời gian. Khi trẻ em thường xuyên mắc các bệnh cảm vặt, hệ thống miễn dịch sẽ tạo ra một "ngân hàng" kháng thể trong lần đầu tiên tiếp xúc với căn bệnh và hình thành khả năng chống lại chúng trong tương lai. Đưa những mầm bệnh đã được làm yếu vào trong cơ thể nhằm tạo điều kiện cho hệ miễn dịch chiến thắng, tạo ra kháng thể và ngăn chặn bệnh tái phát cũng chính là cách mà vắc xin hoạt động.

Tuy nhiên, hệ miễn dịch sẽ trở nên kém hiệu quả hơn khi con người già đi. Suy giảm miễn dịch có thể khiến họ yếu dần và dễ mắc bệnh, phổ biến là viêm khớp và ngay cả là một số loại ung thư.

3. Tầm quan trọng của hệ miễn dịch

Khi hệ miễn dịch của cơ thể suy giảm, vi khuẩn, virus và độc tố có thể tấn công con người, từ đó dẫn đến một số căn bệnh.

Dị ứng và quá mẫn cảm với một số chất được cho là có nguyên nhân từ rối loạn hệ miễn dịch. Lúc này, hệ miễn dịch bị lỗi sẽ tự động chiến đấu với các yếu tố không quá nguy hiểm, ví dụ như phấn hoa hoặc lông động vật, khiến cơ thể trở nên nhạy cảm hơn khi tiếp xúc với chúng.

Ngoài ra, hệ miễn dịch cũng đóng vai trò chính trong quá trình thải ghép ở những bệnh nhân thực hiện phẫu thuật cấy ghép thay thế các mô hoặc cơ quan nội tạng. Rối loạn miễn dịch còn gây ra những bệnh lý khác, chẳng hạn như:

  • Các bệnh tự miễn: Tiểu đường ở trẻ vị thành niên, viêm khớp dạng thấp và thiếu máu
  • Các bệnh suy giảm miễn dịch: HIV/AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người) và suy giảm miễn dịch kết hợp nghiêm trọng SCID
HIV dương tính là gì
Các bệnh suy giảm miễn dịch là do rối loạn miễn dịch

4. Duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh

Không có loại thuốc hay chất bổ sung nào có tác dụng để tăng cường hệ miễn dịch. Thay vào đó, những thói quen sống lành mạnh có thể giúp cải thiện chức năng của hệ miễn dịch, cụ thể là:

  • Tập thể dục:

Lười vận động không chỉ khiến cho cơ thể cảm thấy uể oải mà còn làm yếu đi hệ miễn dịch và sức đề kháng. Ngược lại, chỉ cần những bài tập thể dục nhẹ nhàng, ví dụ như đi bộ nhanh, cũng giúp kích thích các tế bào bạch cầu hoạt động tốt hơn, giải phóng hormone endorphin có khả năng giảm đau, giảm căng thẳng và ngủ ngon hơn, từ đó cải thiện khả năng miễn dịch.

  • Ăn uống lành mạnh:

Thừa cân kéo sức khỏe và hệ miễn dịch của con người giảm xuống. Do đó, dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò quan trọng giúp hệ miễn dịch và sức đề kháng hoạt động tốt. Bên cạnh rau củ và trái cây giàu vitamin cũng như chất chống oxy hóa, tỏi và một số loại nấm cũng có công dụng kháng sinh, tăng cường sức đề kháng.

Biện pháp bảo vệ hệ miễn dịch
Tỏi và các loại rau củ quả giàu dinh dưỡng giúp tăng cường hệ miễn dịch.

  • Ngủ đủ giấc:

Ngủ giúp ngăn chặn các tế bào khỏi bị tổn hại và suy yếu. Thiếu ngủ sẽ khiến cơ thể mệt mỏi và dễ mắc bệnh hơn. Một giấc ngủ sâu và đủ được xem như liều thuốc chữa bệnh tuyệt vời cho cơ thể con người.

  • Kiểm soát căng thẳng:

Khi căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra các hormone như cortisol và adrenaline làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Căng thẳng trong một thời gian dài khiến con người dễ mắc các bệnh từ thông thường cho đến nghiêm trọng hơn, bao gồm tim mạch và tăng huyết áp. Thực hành thiền hoặc tập yoga là cách để giảm căng thẳng, cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.

  • Không lạm dụng rượu bia và chất kích thích:

Uống rượu với số lượng nhất định có thể đem lại lợi ích cho sức khỏe. Nhưng nếu lạm dụng rượu bia và chất kích thích sẽ gây ức chế chức năng của các tế bào bạch cầu, làm giảm sức đề kháng và suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể.

  • Sống hạnh phúc:

Những người có đời sống tinh thần với tình bạn và tình yêu tốt đẹp thường có xu hướng khỏe mạnh hơn. Một nghiên cứu cho thấy mức protein trong hệ thống miễn dịch, gọi là immunoglobulin A (IgA), sẽ tăng cao hơn ở người trưởng thành có quan hệ tình dục đều đặn và lành mạnh. Sống hạnh phúc sẽ hỗ trợ hệ miễn dịch bằng cách giảm căng thẳng và cải thiện giấc ngủ, bảo vệ toàn diện cơ thể khỏi các căn bệnh một cách tự nhiên mà không cần dùng đến bất kỳ loại thuốc nào.

Tóm lại, vai trò của hệ thống miễn dịch là thực hiện các phản ứng nhanh và chuyên biệt nhằm bảo vệ cơ thể chống lại những mầm bệnh ngoại lai. Sức đề kháng của cơ thể đối với những đợt cảm cúm thông thường cho đến một số bệnh lý nguy hiểm cho thấy tầm quan trọng của hệ miễn dịch. Mặc dù các rối loạn liên quan đến hệ miễn dịch và sức đề kháng thường rất khó ngăn chặn, con người vẫn có thể xây dựng hệ miễn dịch của cơ thể mạnh mẽ hơn nhờ vào lối sống khoa học và sự phối hợp chặt chẽ với bác sĩ nếu mắc bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Kidshealth.org, Stanfordchildrens.org, Webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

258.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan