Thay van tim có mổ nội soi được không?

Bệnh lý van tim có thể gây biến chứng suy tim nặng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, giảm khả năng làm việc thậm chí cả tuổi thọ của người bệnh. Phẫu thuật van tim giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người có bệnh van tim. Sau phẫu thuật hầu hết người bệnh tiến triển theo chiều hướng tốt, có thể làm những công việc mà trước phẫu thuật họ không đủ sức để làm.

1. Các bệnh van tim thường gặp

Tim bình thường có bốn buồng: tâm nhĩ trái và tâm thất trái được ngăn cách với nhau bởi van hai lá, còn tâm nhĩ phải và tâm thất phải được ngăn cách bởi van ba lá. Dòng máu đi từ tâm thất phải qua van động mạch phổi lên động mạch phổi, còn dòng máu từ tâm thất trái qua van động mạch chủ để vào động mạch chủ, vào hệ tuần hoàn lớn đi khắp cơ thể. Vai trò của các lá van là giúp cho dòng máu chỉ đi theo một chiều nhất định bằng cách đóng mở nhịp nhàng khi buồng tim co bóp hay giãn ra theo sự chênh lệch áp suất giữa các buồng tim.

Các bệnh lý van tim (hở, hẹp van) có thể do bẩm sinh ( sinh ra đã có tổn thương van tim) hoặc do mắc phải ( sau nhiễm viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, thấp tim, người già có thoái hóa van, do tổn thương mạch vành...). Các van trong trạng thái bệnh lý làm cản trở hoạt động bình thường của tim, quả tim cần phải co bóp mạnh hơn, nhiều hơn để duy trì dòng máu lưu chuyển đến các cơ quan, và do vậy, quả tim sẽ yếu dần đi một cách từ từ, hậu quả cuối cùng là dẫn đến suy tim.

Quả tim bình thường có 4 van tim: van hai lá, van ba lá van động mạch chủ, van động mạch phổi. Khi lá van trở nên dày và cứng làm hạn chế khả năng mở của van, cản trở dòng máu di chuyển. Hiện tượng được này gọi là hẹp lá van.

Trong trường hợp các lá van đóng lại không kín do vòng van giãn, thoái hoá, dính gây co rút hoặc do dây chằng của van quá dài...làm cho lá van đóng không kín, dòng máu khi đó không chỉ chảy theo một chiều mà bị phụt ngược trở lại trong thời kỳ đóng van. Hiện tượng này được gọi là hở lá van.

Các bệnh lý hẹp, hở lá van kể trên có thể gặp ở tất cả các van (van hai lá, van ba lá, van động mạch chủ, van động mạch phổi). Do các tổn thương của van, tim phải làm việc tăng lên, và để làm tăng khả năng co bóp của tim, tim có cơ chế bù trừ, tăng dẫn truyền, tăng nhịp tim, hoặc các tế bào cơ tim tăng phát triển về kích thước, số lượng ( cơ tim phì đại) hoặc làm giãn buồng tim, tăng thể tích nhát bóp để bù lại tình trạng quá tải thể tích máu. Nếu tình trạng này kéo dài và không được điều trị sẽ làm cho các buồng tim giãn ra, các tế bào xơ phát triển không hồi phục. Nếu tổn thương cơ tim vĩnh viễn làm giảm khả năng co bóp của cơ tim, sẽ xảy ra tình trạng suy tim.

2. Thay van tim có mổ nội soi được không?

Thay van tim có mổ nội soi được không là vấn đề nhiều người quan tâm. Tùy theo tình trạng sức khỏe mà bác sĩ có những chỉ định phù hợp

2.1. Khi nào bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật thay van tim?

Hẹp van hai lá

  • Nếu triệu chứng khó thở bệnh nhân nặng lên (NYHA≥2) sau khi đã điều trị nội khoa tối ưu.
  • Người bệnh có tăng áp lực động mạch phổi (≥55mmHg) hoặc rung nhĩ.
  • Hẹp van hai lá khít và không phù hợp với nong van.
  • Hẹp van hai lá phối hợp với hở hoặc hẹp van động mạch chủ.
  • Van hai lá vôi và co rút nhiều hoặc có kèm hở hai lá phối hợp.

Hở van hai lá

  • Hở van hai lá nặng, diễn biến cấp tính.
  • Người bệnh hở hai lá từ vừa đến nặng và có triệu chứng trên lâm sàng.
  • Bệnh nhân tuổi trên 75, có kèm theo bệnh lý mạch vành hoặc rối loạn chức năng thận.
  • Hở hai lá có kèm theo rung nhĩ.
  • Suy tim có phân suất tống máu EF < 50% kể cả không có triệu chứng trên lâm sàng
  • Bệnh nhân có sa lá van gây hở hai lá nặng.

Hở van động mạch chủ

  • Hở van động mạch chủ nặng, diễn biến cấp tính.
  • Bệnh động mạch chủ: khi đường kính gốc động mạch chủ ≥ 50mm dù hở van ở mức độ nào
  • Hở van động mạch chủ mạn tính có kèm theo 1 hoặc nhiều dấu hiệu sau: Triệu chứng suy tim ứ huyết (NYHA≥2) hoặc có đau ngực; phân suất tống máu thất trái EF ≤ 50%; đường kính thất trái cuối tâm thu ≥ 55mm; đường kính thất trái cuối tâm trương ≥ 75mm; phân suất tống máu giảm khi gắng sức.

Hẹp van động mạch chủ

2.2. Ưu điểm của phẫu thuật nội soi thay van tim

Nếu là trước đây, kỹ thuật mổ kinh điển phải cưa xương ức dài đến 15cm, sau đó mổ thay van hai lá và đóng xương ức bằng chỉ kim loại gây đau đớn cho người bệnh thì ngày nay, kỹ thuật phẫu thuật nội soi thay van tim nhân tạo đã khắc phục được những nhược điểm trước đó. Khi làm thủ thuật, các bác sĩ chỉ cần đưa dụng cụ nội soi vào qua hai lỗ nhỏ và chỉ cần một đường rạch cạnh sườn dài khoảng 3cm để đưa van nhân tạo vào cơ thể bệnh nhân.

Ưu điểm của phẫu thuật nội soi:

  • Mất máu ít.
  • Nguy cơ nhiễm trùng thấp
  • Ít xâm lấn và ít đau
  • Thời gian nằm viện rút ngắn hơn, người bệnh có thể nhanh chóng hồi phục và quay trở lại được cuộc sống hàng ngày.
  • Đảm bảo được tính thẩm mỹ vì vết sẹo nhỏ, khó nhận ra.

2.3. Điều kiện y tế để thực hiện mổ nội soi thay van tim

  • Hầu hết các ca phẫu thuật mổ nội soi thay van tim được thực hiện trên người lớn. Không nên tiến hành kỹ thuật mổ này ở trẻ sơ sinh, vì phương pháp này không chỉ mổ một đường nhỏ mà còn phải có những trang thiết bị đi kèm như tích hợp với hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể. Ở người lớn, có thể đưa đường dây vào trong các mạch máu dễ dàng. Trong khi mạch máu của trẻ sơ sinh rất nhỏ, và những trang thiết bị dành cho trẻ sơ sinh (có bé chỉ nặng 2-3kg) thì hiện này gần như chưa có. Do vậy, để chọn được bệnh nhân làm phẫu thuật ít xâm lấn như mổ nội soi phải cân nhắc trên các phương diện khác nhau, trong đó, cân nặng là điều cần quan tâm, các cháu mới sinh muốn mổ nội soi thay van tim phải từ 10kg trở lên. Lúc đó, thao tác của phẫu thuật viên cũng sẽ dễ dàng hơn. Ngoài ra, cân nhắc phương pháp mổ nội soi khi đảm bảo kết quả ngang bằng với mổ đường giữa xương ức thì chúng ta mới tiến hành phương pháp này.

Bác sĩ phẫu thuật đánh giá người bệnh để xác định trường hợp nào sẽ được chỉ định mổ nội soi thay van tim. Để thực hiện một cuộc phẫu thuật này, trang thiết bị trong phòng mổ phải thật tốt, có hệ thống camera hỗ trợ, bác sĩ phẫu thuật cần có kinh nghiệm từ những ca mổ với đường mổ dài trước đó rồi, có thao tác mổ thuần thục, kỹ thuật tuần hoàn ngoài cơ thể phải tốt. Vì thủ thuật mổ nội soi phức tạp yêu cầu nhiều kinh nghiệm và quá trình đào tạo bài bản, cho nên người bệnh thường cần được chuyển đến các cơ sở y tế lớn để thực hiện thay van tim bằng nội soi.

3. Người bệnh cần chuẩn bị những gì trước và sau khi phẫu thuật?

Thời gian nhập viện

Để phẫu thuật thay van tim, người bệnh thông thường cần phải nằm viện trong khoảng 1 tuần. Bạn có thể nhập viện vào ngày hôm trước khi thực hiện thủ thuật vì sẽ cần làm một số xét nghiệm và khám tổng thể. Người bệnh sẽ gặp các bác sĩ liên quan đến cả quá trình phẫu thuật và nằm viện sau đó, gồm bác sĩ chính điều trị, bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê và hồi sức, các y tá, những người sẽ chăm sóc người bệnh trong và sau khi phẫu thuật và có thể trao đổi tình trạng bệnh của mình với các bác sĩ điều trị.

Những xét nghiệm bạn cần làm trước cuộc phẫu thuật có thể bao gồm: các xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm chức năng gan, chức năng thận, tình trạng đông máu, nhóm máu, điện tâm đồ, siêu âm tim và chụp X-Quang tim phổi,,... Bạn sẽ được khám các chuyên khoa khác như răng hàm mặt, tai mũi họng để đảm bảo không có ổ nhiễm trùng tiềm tàng hay mạn tính có thể ảnh hưởng đến kết quả sau cuộc mổ.

Ngày diễn ra phẫu thuật

Khoảng một giờ trước phẫu thuật, người bệnh sẽ được dùng thuốc an thần giúp bạn cảm thấy thư giãn hơn và bớt lo lắng. Người bệnh sẽ được nằm trên giường đẩy để đưa bạn đến phòng mổ. Trong cả quá trình phẫu thuật, bác sĩ gây mê sẽ làm cho người bệnh ngủ rất sâu, không cảm thấy đau trong khi làm thủ thuật và khi thức dậy sẽ không nhớ gì về cuộc phẫu thuật vừa qua. Phẫu thuật nội soi thay van tim thường được chuẩn bị rất cẩn thận và chính xác về mặt thời gian.

Ngay sau khi phẫu thuật

Sau cuộc phẫu thuật, người bệnh được chuyển sang phòng hồi sức để được theo dõi sát các diễn biến ngay sau mổ.

Thông thường, người bệnh sau phẫu thuật nội soi thay van tim sẽ bắt đầu tỉnh dần sau khoảng 2 giờ tính từ khi kết thúc phẫu thuật, nhưng cũng có trường hợp hồi tỉnh muộn hơn, phụ thuộc vào khả năng tích lũy và đào thải thuốc trong cơ thể của từng người bệnh. Một số người bệnh kể lại: khi tỉnh có thể nghe hoặc mở mắt nhưng vẫn hoàn toàn không cử động tay hoặc chân, điều này cũng rất bình thường, người bệnh không cần phải lo lắng. Tình trạng này sẽ không kéo dài cho tới khi não của người bệnh hoàn toàn thoát khỏi tình trạng bị ức chế do thuốc gây mê và có thể chỉ huy cơ thể hoạt động bình thường.

Tại phòng hồi sức

Phần lớn các bệnh nhân thường cảm thấy đau vùng vết mổ với mức độ khác nhau nhưng thường không đau nhiều. Người bệnh cần có tư thế nằm thoải mái, vận động tay nhẹ nhàng sẽ làm bớt cảm giác đau. Trong trường hợp đau nhiều, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc giảm đau và triệu chứng đau này thường hiếm khi kéo dài quá 3 ngày.

Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ thấy trên người mình có nhiều ống dẫn lưu và máy theo dõi cạnh mình. Những thiết bị này giúp bác sĩ, y tá theo dõi dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân, lượng dịch dẫn lưu ra để đảm bảo quá trình hậu phẫu của người bệnh an toàn và hiệu quả. Cánh tay đặt đường truyền tĩnh mạch để truyền thuốc, dịch vào cơ thể người bệnh và theo dõi huyết áp. Có một hoặc hai ống dẫn lưu ở ngực để đưa lượng dịch còn lại tại vùng vết mổ ra một cái bình để theo dõi. Những miếng dán nhỏ (điện cực) được dán trên ngực người bệnh để theo dõi nhịp tim,. Cũng có những dây điện cực nhỏ được luồn dưới vết mổ để kiểm soát nhịp tim trong trường hợp cần thiết.

Ống nội khí quản ( ống nhựa mềm) được đặt từ miệng vào đến khí quản (đường thở của bạn) để nối với máy thở hỗ trợ. Nó không gây đau nhưng làm cho người bệnh không nói được. Trong thời gian này, các y tá sẽ giúp bạn và hiểu được những gì người bệnh cần làm. Nhìn chung, các ống và thiết bị theo dõi trên sẽ được rút ra khi người bệnh đã ổn định và có thể chuyển ra phòng chăm sóc sau mổ, quá trình ở phòng hồi sức thường kéo dài khoảng 24 giờ sau phẫu thuật.

Điều gì có thể giúp người bệnh hồi phục tốt hơn?

Tập hít thở sâu và tập ho sẽ giúp người bệnh hồi phục nhanh hơn. Ho làm giảm tình trạng ứ đọng ở phổi nên giảm nguy cơ viêm phổi bội nhiễm. Hầu hết người bệnh do sợ đau nên không dám ho sau mổ, người bệnh sẽ dễ ho hơn nếu kê gối dưới lưng. Thay đổi tư thế nằm thường xuyên, liên tục trở mình cũng giúp quá trình hồi phục tốt hơn, tránh ứ đọng dịch trong phổi và tránh loét tì đè.

Khi ngủ, người bệnh nên nằm nghiêng về một bên và thường xuyên trở mình trong khi ngủ, thay đổi tư thế vài tiếng một lần nếu có thể vì người bệnh nếu chỉ nằm ngửa trong thời gian dài và không lăn trở sẽ dễ ứ đọng dịch ở phổi, không tốt cho phổi của người bệnh.

Khi ống nội khí quản được rút ra, người bệnh sẽ có thể ăn thức ăn lỏng như súp, cháo. Phụ thuộc vào hệ tiêu hoá của người bệnh mà có thể chuyển từ thức ăn lỏng sang ăn như bình thường lâu hay chậm.

Khoảng sau mổ 2 ngày, người bệnh có thể ngồi dậy hay đi bộ có người giúp đỡ xung quanh phòng. Sau đó thì có thể đi bộ những quãng đường ngắn ngoài hành lang, thậm chí đi vài bậc cầu thang, đi bộ dài hơn khi chuẩn bị xuất viện về nhà.

Về vệ sinh thân thể

Sau mổ người bệnh có thể lau người. Vài ngày sau khi rút ống dẫn lưu, người bệnh có thể tắm dội nước hoặc dùng vòi hoa sen và gội đầu, cả quá trình dùng nước ấm và thực hiện nhanh chóng tránh để cảm lạnh, không dùng xà bông tắm vùng vết mổ.

Vết mổ sẽ liền ra sao?

Ngay sau phẫu thuật, băng vết mổ với chiều dài, độ dày vừa phải, thoáng khí, và điều này giúp cho vết mổ nhanh khô và nhanh liền da hơn. Sau khi phẫu thuật một tuần có thể cắt chỉ.

Xuất viện

Trung bình, thời gian nằm viện sau phẫu thuật mổ nội soi thay van tim khoảng 5-7 ngày. Nếu người bệnh phải đi xe bus, tàu hoả hoặc máy bay thì nên đặt chỗ ngồi phía trước những hành khách khác. Nếu cần, có thể đặt trước mượn xe đẩy để chở bệnh nhân.

Mong rằng những thông tin trên đây sẽ giúp người đọc nắm rõ hơn về phẫu thuật nội soi thay van tim, khi nào có chỉ định mổ và những điều cần lưu ý khi phẫu thuật thay van tim.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan