Hẹp van động mạch chủ: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng

Hẹp van động mạch chủ là một tình trạng bệnh lý khá phổ biến và thuộc vào nhóm bệnh van tim phổ biến nhất, trong đó có nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị đúng lúc. Do đó, bạn cần biết rõ những nguyên nhân, các triệu chứng, hướng điều trị và phòng ngừa tốt nhất cho người thân và bản thân mình.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi GS.TS.BS Võ Thành Nhân - Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

​​1. Các dạng hẹp van tim thường gặp​

Các dạng hẹp van tim thường gặp:

Hẹp van tim hai lá:

Hẹp van hai lá không thể hoàn toàn mở ra, dẫn đến giảm lượng máu từ tâm nhĩ trái vào tâm thất trái. Kết quả là người bệnh trải qua cảm giác mệt mỏi và khó thở do lượng máu giàu oxy từ phổi bị giảm. Áp lực máu tích tụ trong tâm nhĩ trái làm tâm nhĩ trái bị to lên và gây ra sự ứ máu trong phổi, dẫn đến xung huyết phổi, làm cho người bệnh gặp khó khăn trong việc thở, có thể thấy máu hoặc bọt hồng trong đờm.

Để đánh giá mức độ nặng của hẹp van tim 2 lá, thường sử dụng tiêu chí dựa trên các thông số siêu âm tim, bao gồm mức độ chênh áp trung bình qua van hai lá, diện tích lỗ van và áp lực động mạch phổi. Các mức độ hẹp van 2 lá cụ thể thường được phân thành ba loại: nhẹ, trung bình và nặng.

Hẹp van tim ba lá:

Khi van ba lá bị hẹp, máu không thể di chuyển tự do từ tâm nhĩ phải xuống tâm thất phải. Điều này dẫn đến máu tích tụ trong tâm nhĩ phải và sau đó trong tĩnh mạch chủ, gây ra các triệu chứng ứ máu ở các vùng ngoại biên như sưng to của tĩnh mạch cổ, phù gan, và phù mắt cá chân.

Hẹp van động mạch phổi:

Khi van động mạch phổi bị hẹp, dòng máu nghèo oxy từ tâm thất phải không thể lưu thông đúng cách qua động mạch phổi. Điều này ảnh hưởng đến khả năng máu hấp thụ oxy và cung cấp máu giàu oxy cho cơ thể. Tâm thất phải phải làm việc nặng hơn để đẩy máu qua van động mạch phổi bị hẹp, gây tăng áp lực trong tim phải.

Hẹp van động mạch chủ:

Khi van động mạch chủ không thể hoàn toàn mở ra, lưu lượng máu từ tim đến cơ thể bị giảm hoặc ngăn chặn. Điều này buộc tâm thất trái phải làm việc mạnh hơn để đẩy máu qua van động mạch chủ, gây phì đại của tâm thất trái và làm cho tim hoạt động không hiệu quả hơn.

2. Hẹp van động mạch chủ là gì?

Hẹp van động mạch chủ (HC) là nguyên nhân thường gặp nhất gây tắc nghẽn dòng máu ra động mạch chủ của tâm thất trái. Các yếu tố khác có thể gây tắc nghẽn bao gồm hẹp dưới van động mạch chủ do sự hình thành màng xơ, hẹp dưới van động mạch chủ do tăng kích thước của cơ tim và hẹp trên van động mạch chủ. Bệnh hẹp van động mạch chủ là căn bệnh phổ biến nhất trong các vấn đề liên quan đến van ĐMC, chiếm tỷ lệ 1/4 số ca mắc về vấn đề van tim, với 80% trong số những người bị hẹp van động mạch chủ là nam giới.

Hẹp van động mạch chủ
Hẹp van động mạch chủ là bệnh lý rất thường xuất hiện về các bệnh liên quan đến tim mạch

Trong đó, động mạch chủ (ĐMC) là mạch máu lớn nhất trong cơ thể, có nhiệm vụ cung cấp máu từ tim đến toàn bộ cơ thể. Nó nằm trong lồng ngực, chạy dọc theo phía trước của cột sống, và phân phối máu tới các bộ phận quan trọng như tim, não, đầu cổ và cột sống. Kích thước bình thường của động mạch chủ ngực tăng dần theo tuổi của người bệnh, thường dao động trong khoảng từ 2 đến 3,5 cm.

Van tim ĐMC là một chiếc van màng ngăn cách giữa ĐMC và tâm thất trái. Nhiệm vụ chính của nó là đóng trong giai đoạn tâm trương để ngăn máu từ ĐMC không trôi ngược về tâm thất trái, và mở trong giai đoạn tâm thu để cho phép máu từ tâm thất trái bơm vào động mạch chủ để lưu thông trong cơ thể.

Trong trường hợp van bị tổn thương do bất kỳ lý do nào, nó có thể gây ra tình trạng đóng không hoàn toàn trong giai đoạn tâm trương, dẫn đến sự hở van ĐMC, hoặc không mở hết trong giai đoạn tâm thu, dẫn đến sự hẹp van động mạch chủ.

Hẹp van động mạch chủ có thể gây ra sự trở ngại cho sự lưu thông của máu chứa oxy và dưỡng chất tới các phần khác trong cơ thể.

3. Nguyên nhân hẹp van động mạch chủ

Có một số nguyên nhân chính gây ra bệnh hẹp van động mạch chủ:

Hẹp van động mạch chủ bẩm sinh: Xuất phát từ sự cấu tạo bất thường của van tim từ khi mới sinh ra, như việc có van tim chỉ có 2 lá (một tình trạng phức tạp chiếm 1 - 2% trong dân số), và chủ yếu ảnh hưởng đến nam giới. Những người mắc phải cơ cấu van tim không bình thường, chẳng hạn như van 2 lá, có khả năng phát triển vấn đề về hẹp van động mạch chủ theo thời gian do sự thoái hóa và vôi hóa sớm hơn so với người bình thường.

Hẹp van động mạch chủ do thoái hóa và vôi hóa (thường xảy ra nhiều nhất ở người cao tuổi, thường xuất hiện ở độ tuổi từ 70 - 80). Ngày càng tăng tuổi thọ có thể gây ra vôi hóa của van động mạch chủ, tích tụ mảng mỡ cholesterol trên bề mặt van tim, và dẫn đến nhiều vấn đề về tim mạch, trong đó có bệnh hẹp van động mạch chủ.

Liên quan đến bệnh thấp tim: Sự hiện diện của bệnh thấp tim, đặc biệt khi kết hợp với các vấn đề khác như cơ cấu van tim không bình thường (ví dụ như van 2 lá), có thể gây ra sự xơ hóa, vôi hóa, hoặc bám dính các lá van và lớp mép van của động mạch chủ, làm cho chúng trở nên dày hơn và khó làm việc.

4. Các triệu chứng của hẹp van tim - hẹp van động mạch chủ

4.1. Triệu chứng hẹp van tim cơ năng

Các triệu chứng này thường xuất hiện khi mức độ hẹp van động mạch chủ nghiêm trọng:

  • Đau ngực do tăng tiêu thụ ôxy cơ tim trong khi cung cấp ôxy cho cơ tim bị giảm hoặc do xơ vữa mạch vành.
  • Choáng váng, ngất: do tắc nghẽn cố định đường tống máu thất trái và giảm khả năng tăng cung lượng tim, bệnh nhân HC có thể tụt huyết áp nặng trong các tình huống giảm sức cản ngoại vi dẫn đến choáng váng hoặc ngất.
  • Biểu hiện của suy tim: do rối loạn chức năng tâm thu hoặc chức năng tâm trương. Theo tiến triển của bệnh, xơ hóa cơ tim sẽ dẫn tới giảm co bóp. Các cơ chế bù trừ nhằm làm tăng thể tích trong lòng mạch sẽ làm tăng áp lực thất trái cuối tâm trương, tăng áp lực mao mạch phổi bít gây ứ huyết phổi. Các tình trạng gây rối loạn đổ đầy thất trái như rung nhĩ hoặc tim nhanh đơn thuần có thể gây biểu hiện suy tim.
Bệnh nhân hẹp van động mạch chủ trở nặng sẽ thường xuyên cảm giác đau ngực bất thường
Đau ngực thường chỉ xuất hiện khi hẹp van động mạch chủ mức độ nặng

4.2. Triệu chứng hẹp van động mạch chủ thực thể

  • Bắt mạch: triệu chứng nổi bật của HC là mạch cảnh nẩy yếu và đến chậm
  • Có thể sờ thấy rung miu tâm thu ở khoang liên sườn II bên phải ở bệnh nhân HC. Sờ thấy mỏm tim đập rộng, lan tỏa nếu thất trái phì đại.
  • Nghe tim: các tiếng bệnh lý chính bao gồm:
  • Thổi tâm thu tống máu ở phía trên bên phải xương ức, lan lên cổ, đạt cường độ cao nhất vào đầu-giữa tâm thu. Mức độ HC càng nặng, tiếng thổi càng dài hơn, mạnh hơn và đạt cực đại chậm hơn (cuối kỳ tâm thu). Tuy nhiên cường độ tiếng thổi không liên quan chặt với mức độ hẹp do cường độ tiếng thổi có thể giảm nhẹ đi nếu cung lượng tim giảm nhiều hoặc chức năng thất trái giảm nặng.
  • Tiếng T1 và T2 nói chung không thay đổi khi HC
  • Tiếng T3 là dấu hiệu chức năng tâm thu thất trái kém. Tiếng T4 xuất hiện do nhĩ trái co bóp tống máu vào buồng thất trái có độ dãn kém khi hẹp van ĐMC khít.
  • Ngoài ra, có thể gặp các tiếng thổi của hở van ĐMC do hẹp thường đi kèm hở van.
  • Nhịp tim nhanh lúc nghỉ ở bệnh nhân HC nặng là một trong những dấu hiệu đầu tiên của tình trạng cung lượng tim giảm thấp.
Nhịp tim nhanh là triệu chứng hẹp van tim thực thể
Nhịp tim nhanh là triệu chứng hẹp van tim thực thể

5. Biến chứng nguy hiểm của hẹp van động mạch chủ

Hẹp van động mạch chủ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khi tiến triển đến giai đoạn nghiêm trọng:

  • Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.
  • Rối loạn nhịp thất, bao gồm nhịp nhanh thất, và rung thất.
  • Rối loạn nhịp nhĩ, bao gồm rung nhĩ, có thể gây ra suy tim cấp do mất cơ chế bóp bù của nhĩ trái, giảm lưu lượng của nhĩ trái đến tâm trái và giảm cung cấp máu.
  • Đột tử.
  • ​​ Tắc mạch do các mảng vôi hóa, xơ vữa, hoặc sự hình thành sùi.​
  • Hội chứng mạch vành cấp.

Bệnh thường phát triển một cách âm thầm trong nhiều năm trước khi xuất hiện triệu chứng rõ rệt. Nguy cơ tử vong cao đối với những triệu chứng sau:

  • Đau tức ngực: Tỷ lệ sống sót chỉ còn 50% sau 5 năm.
  • Ngất hoặc choáng váng: Tỷ lệ sống sót chỉ còn 50% sau 3 năm.
  • Suy tim: Thời gian sống thường dưới 2 năm.

Hẹp van động mạch chủ là một căn bệnh nguy hiểm và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vì vậy, để ngăn ngừa bệnh hẹp van động mạch chủ, việc thăm khám sức khỏe định kỳ hàng năm, duy trì một lối sống lành mạnh, và tuân theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ tại các cơ sở y tế uy tín là rất quan trọng.

Hẹp van động mạch chủ có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh
Hẹp van động mạch chủ có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh

6. Hẹp van động mạch chủ có chữa được không?

Tùy thuộc vào giải phẫu van động mạch chủ, tuổi tác, và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm: điều trị nội khoa bằng thuốc (như thuốc để kiểm soát huyết áp), hoặc phẫu thuật để sửa chữa hoặc thay thế van tim, hoặc gần đây nổi lên là kỹ thuật thay van động mạch chủ qua ống thông TAVI.

Dù đã phẫu thuật hay đang trong quá trình điều trị nội khoa, việc tái khám định kỳ theo lịch hẹn là cần thiết để bác sĩ có thể theo dõi tình trạng hẹp van tim và can thiệp kịp thời nếu có bất kỳ sự tiến triển hoặc biến chứng nào xảy ra.

7. Biện pháp phòng ngừa hẹp van động mạch chủ

Để ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ gây hẹp van động mạch chủ, mọi người cần tuân theo các biện pháp sau:

  • Đề phòng và kiểm soát nghiêm túc các tình trạng thấp khớp nếu hẹp van là kết quả của bệnh van hậu thấp.
  • Điều trị tích cực các bệnh tình trạng làm tăng xơ vữa động mạch, như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, bệnh tự miễn, viêm mạn tính, và các bệnh khác.
Người có nguy cơ hẹp van tim vẫn nên giảm thiểu các bệnh liên quan đến tim mạch để phòng ngừa các biến chứng đi kèm
Người có nguy cơ hẹp van tim vẫn nên giảm thiểu các bệnh liên quan đến tim mạch để phòng ngừa các biến chứng đi kèm

8. Chi phí mổ hẹp van động mạch chủ là bao nhiêu?

Chi phí mổ hẹp van tim hay phẫu thuật thay van tim phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:

  • Loại van tim được sử dụng: Van động mạch chủ có giá cao nhất, tiếp theo là van hai lá và van ba lá.
  • ​​Phương pháp phẫu thuật: Phẫu thuật hở tim có chi phí cao hơn phẫu thuật nội soi.​
  • ​​Bệnh viện: Bệnh viện công lập có chi phí thấp hơn bệnh viện tư nhân.​
  • Bảo hiểm y tế: Bệnh nhân có bảo hiểm y tế sẽ được giảm chi phí.

Tại Việt Nam, chi phí phẫu thuật thay van tim dao động từ 80 đến 140 triệu đồng cho mỗi ca, tùy thuộc vào các yếu tố trên. Trong trường hợp có bảo hiểm y tế, chi phí có thể giảm xuống từ 50 đến 80 triệu đồng.

Trong trường hợp bệnh nhân đủ điều kiện để thực hiện thay van động mạch chủ qua ống thông TAVI, chi phí dự kiến từ 950 - 1 tỷ đồng cho mỗi ca.

Chi phí TAVI hay phẫu thuật thay van động mạch chủ phụ thuộc vào nhiều yếu tố
Chi phí TAVI hay phẫu thuật thay van động mạch chủ phụ thuộc vào nhiều yếu tố

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

19.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan