Những điều cần tìm hiểu kỹ khi thay van tim

Các bệnh lý van tim thường được điều trị nội khoa. Nếu không đáp ứng hoặc bệnh lý van tim nặng thì phẫu thuật thay van tim là phương pháp điều trị chính. Cần tìm hiểu kỹ về quá trình điều trị trước khi mổ tim và sau mổ tim để có thể chuẩn bị tốt nhất sẵn sàng cho cuộc mổ.

1. Những điều cần tìm hiểu trước khi mổ tim

Quá trình chuẩn bị mổ tim là giai đoạn rất quan trọng để người bệnh tìm hiểu về cuộc mổ. Những điều cần tìm hiểu trước khi mổ tim bao gồm:

  • Hiểu về bệnh lý van tim và mức độ nặng của bệnh để đưa đến chỉ định mổ thay van tim: hẹp khít van hai lá, hở van hai lá nặng, hẹp hoặc hở van động mạch chủ nặng...
  • Lựa chọn các phương pháp mổ tim: thay van, sửa van, mổ hở, can thiệp sửa hở cận van tim qua da,...
  • Lựa chọn van tim dựa trên loại van tim và tuổi thọ của van: van sinh học, van cơ học, van tự thân. Tuổi thọ của van cơ học khoảng từ 20 đến 30 năm. Van sinh học thoái hóa khoảng từ 10 đến 12 năm, và nhanh hơn ở người trẻ. Van tự thân tái tạo van động mạch chủ bằng cách sử dụng màng tim của chính người bệnh, có thời gian tồn tại gần như suốt đời.
  • Các phẫu thuật chuẩn bị trước khi mổ tim: can thiệp mạch vành qua da, phẫu thuật bắc cầu động mạch vành
  • Chi phí điều trị
  • Đang mang thai hoặc dự định có thai: vì khi thay van cơ học phải cân bằng giữa nguy cơ gây quái thai do sử dụng warfarin và việc van bị thoái hóa nhanh khi thay thế bằng van sinh học.
  • Tuổi và kỳ vọng sống: Van cơ học thường được lựa chọn sử dụng ở bệnh nhân dưới 65 tuổi hoặc những bệnh nhân lớn tuổi có kỳ vọng sống cao. Van động mạch chủ sinh học được sử dụng ở bệnh nhân > 65 tuổi, bệnh nhân trẻ với kỳ vọng sống < 10 năm mà không cần dùng thuốc chống đông sau thời gian hậu phẫu. Tuy nhiên, van sinh học thế hệ mới bền hơn thế hệ cũ, do đó cần xem xét chọn lựa loại van thích hợp trên từng đối tượng bệnh nhân.
nhung-dieu-can-tim-hieu-ky-khi-thay-van-tim-1
Cần tìm hiểu kĩ về bệnh lý trước khi mổ tim

2. Những điều cần tìm hiểu sau khi mổ tim

2.1 Các biến chứng sau phẫu thuật thay van tim

  • Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng: rất nguy hiểm, có thể làm loét van, sùi mép van, vì thế bệnh nhân cần dự phòng bằng thuốc kháng sinh trước và sau mổ tim. Giữ vệ sinh răng miệng để phòng ngừa biến chứng này.
  • Xuất huyết do quá liều thuốc chống đông máu. Bệnh nhân sau thay van tim cơ học phải dùng thuốc chống đông máu suốt đời để ngăn ngừa huyết khối hình thành trên van. Việc dùng thuốc chống đông sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu như: vết bầm máu dưới da, chảy máu chân răng, nặng hơn là xuất huyết tiêu hóa và xuất huyết não.
  • Huyết khối hình thành trên van do liều thuốc kháng đông chưa phù hợp gây kẹt van (ở van cơ học) hay rách lá van (ở van sinh học).
  • Biến chứng của phẫu thuật tim hở: hở cận van tim. Đây là tình trạng xuất hiện một khoảng trống giữa mô tim của bệnh nhân và van tim giả cấy ghép do đứt các mũi khâu cố định vị trí van. Biến chứng này gặp ở 1% đến 10% bệnh nhân, gây rò rỉ máu, tán huyết hoặc suy tim nặng hơn.

2.2 Dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm sau phẫu thuật thay van tim

Bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ khi gặp các dấu hiệu sau:

  • Đau thắt ngực:cảm giác đè ép, đè nặng, bóp nghẹt ở ngực
  • Khó thở, vã mồ hôi, buồn nôn, hoa mắt chóng mặt
  • Sốt cao, rối loạn nhịp tim, xuất huyết, mệt mỏi bất thường, tăng cân bất thường, phù mắt cá chân

Trong thời gian nằm viện bệnh nhân cần chú ý một vài vấn đề như: Tập hít thở sâu và tập ho để làm giảm tình trạng ứ máu tại phổi và giảm nguy cơ viêm phổi. Nên nằm nghiêng một bên khi ngủ và thường xuyên xoay trở mình vài tiếng một lần. Sau mổ tim 2 ngày có thể tập đi bộ quãng ngắn.

nhung-dieu-can-tim-hieu-ky-khi-thay-van-tim-2
Bệnh nhân nên tập hít thở sâu sau mổ tim

Sau khi thay van tim một thời gian ngắn, sức khỏe của người bệnh sẽ ổn định và gần như trở lại bình thường, để duy trì kết quả này cần tuân thủ một số vấn đề sau:

  • 3 tháng sau mổ tim, bệnh nhân nên khám sức khỏe thường xuyên. Sau khi ổn định thì duy trì theo lời dặn của bác sĩ, nhưng ít nhất 2 lần/ năm.
  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý, giảm mặn, giảm chất béo, tăng chất xơ, tránh ăn những loại rau màu xanh thẫm, vì sẽ làm giảm tác dụng của thuốc chống đông máu.
  • Sử dụng thuốc đúng loại, đúng liều lượng theo đơn của bác sĩ và theo dõi định kỳ chỉ số đông máu bằng xét nghiệm INR. Thông báo ngay cho bác sĩ khi có dấu hiệu xuất huyết.
  • Tập thể dục đều đặn nhưng tránh quá sức.
  • Giữ tâm lý ổn định, tránh bi quan, lo lắng quá mức.

2.3 Tiên lượng của phẫu thuật thay van tim

  • Phẫu thuật thay van tim không hoàn toàn chữa khỏi bệnh van tim mà chỉ giúp bệnh chuyển sang tình trạng ổn định hơn, giảm mệt mỏi, khó thở, đánh trống ngực... Tuy nhiên, để duy trì hiệu quả sau mổ tim, người bệnh vẫn cần phải theo dõi định kỳ và uống thuốc đều đặn.
  • Tái hẹp, tái hở van sau phẫu thuật thay van có thể xuất hiện ở cả van sinh học và van cơ học. Nguyên nhân có thể do nhiễm khuẩn, huyết khối, thoái hóa hoặc vôi hóa van. Đây là vấn đề đáng lo ngại nhất ở bệnh nhân phẫu thuật thay van tim, cần được điều trị và dự phòng đúng cách.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan