Suy tim sung huyết rất nguy hiểm và có tỷ lệ gây tử vong cao. Một phương pháp tập thể dục an toàn sẽ góp phần cải thiện tình trạng suy tim.
1. Suy tim sung huyết có nên tập thể dục?
Suy tim sung huyết làm suy giảm khả năng bơm máu đến các cơ quan khác, khiến tim, gan, phổi và nhiều cơ quan khác bị ứ máu và nhiều chất dịch. Vậy tập thể dục có thể giúp gì cho bệnh nhân suy tim sung huyết?
1.1 Lợi ích của việc tập thể dục đối với tim mạch
Nghiên cứu đã chứng minh rằng bệnh nhân mắc suy tim thường xuyên tập thể dục theo hướng dẫn từ bác sĩ phục hồi chức năng ít có nguy cơ phải nhập viện và có chất lượng cuộc sống tốt hơn so với những người không vận động thường xuyên.
Tập thể dục có khả năng cải thiện và tăng cường sức khỏe tim, hạn chế các triệu chứng bệnh tim mạch nguy hiểm. Bên cạnh đó, giảm huyết áp, giảm căng thẳng, và nâng cao chất lượng đời sống tinh thần là những tác động tích cực dễ nhìn thấy nhất của việc tập thể dục đối với người bệnh suy tim.
1.2 Ý kiến của bác sĩ và chuyên gia
Để xây dựng một kế hoạch tập thể dục an toàn, người bệnh suy tim sung huyết phải cần đến sự hướng dẫn của bác sĩ và các chuyên gia y tế.
Tại đây, bệnh nhân sẽ được theo dõi các thông số như nhịp tim, điện tâm đồ tim (ECG), huyết áp cùng các chỉ số khác của tim mạch và cơ thể trong lúc đang tập thể dục. Các thông số này sẽ giúp bác sĩ tìm ra được những hoạt động thể chất an toàn và chế độ tập luyện phù hợp với tình trạng của bệnh nhân.
Khi bắt đầu tập luyện, bệnh nhân nên tập luyện ở mức độ nhẹ nhàng thoải mái trong một khoảng thời gian. Sau khi cơ thể dần quen với sự luyện tập, người bệnh suy tim bắt đầu tăng dần dần thời lượng và cường độ hoạt động theo từng ngày, tuy nhiên mức độ tăng cần rất chậm, đảm bảo cơ thể toàn thích nghi trước khi bước sang bài tập có cường độ cao hơn và thời gian dài hơn.
Để chọn cường độ tập luyện phù hợp, chúng ta nên áp dụng phương pháp "kiểm tra nói chuyện". Nghĩa là trong quá trình luyện tập thể dục và chúng ta không thể nói chuyện, điều đó có nghĩa là cơ thể đang luyện tập quá sức và cần luyện tập với cường độ thấp hơn để tránh các triệu chứng bệnh tim nguy hiểm như khó thở, tức ngực,...
Thời gian tập thể dục lý tưởng cho bệnh nhân mắc suy tim từ nhẹ đến trung bình là khoảng 30 đến 45 phút mỗi ngày, và năm ngày mỗi tuần.
2. Hướng dẫn tập thể dục an toàn cho người bệnh suy tim sung huyết
2.1 Lựa chọn hoạt động thể chất phù hợp
Các chuyên gia khuyên bệnh nhân suy tim nên thực hiện các hoạt động thể chất mà họ yêu thích nhất, tốt nhất là nên tập những hoạt động ít tác động như đi bộ chậm, đi xe đạp trên địa hình bằng phẳng hoặc bơi lội nhẹ nhàng không kết hợp lặn và các động tác khó.
Người bệnh suy tim sung huyết, đặc biệt là người lớn tuổi, có thể sẽ có cảm thấy chóng mặt trong khi đang tập luyện. Khi có triệu chứng trên, bệnh nhân suy tim nên chọn phương pháp tập thể dục tại chỗ.
Khi người bệnh không có nhiều sức khoẻ để tập luyện, hãy giữ cho bàn chân của mình luôn chuyển động, ngay cả khi đang ngồi tại ghế. Bệnh nhân chỉ cần thực hiện một số động tác co duỗi chân nhịp nhàng hoặc nâng cao ngón chân. Điều này sẽ giúp họ duy trì huyết áp ổn định.
2.2 Khởi động và nghỉ ngơi đúng cách
Một lời khuyên dành cho các bệnh nhân suy tim sung huyết khi tập thể dục, hãy chú ý quá trình khởi động. Bệnh nhân có thể di chuyển tại chỗ trong năm phút, thực hiện các động tác giãn cơ thật cẩn thận trước khi bắt đầu.
Tuyệt đối không được ngừng tập đột ngột. Trước khi kết thúc buổi tập, người bệnh suy tim phải đi chậm lại, giảm dần mức độ tập luyện, sau đó mới có thể nghỉ ngơi hoàn toàn.
Nếu bệnh nhân suy tim không có khả năng tập luyện liên tục trong 30 phút, họ nên chia nhỏ thời gian, xen kẽ giữa hoạt động và nghỉ ngơi.
2.3 Lưu ý đến tình trạng sức khỏe trong quá trình tập
Lưu ý tình trạng sức khoẻ và ngừng tập khi có triệu chứng suy tim. Khi có cảm thấy mệt mỏi, khó thở hoặc có triệu chứng khác của suy tim, hãy ngừng tập thể dục và liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.
3. Những lời khuyên từ chuyên gia dành cho bệnh nhân suy tim sung huyết
Từ các nghiên cứu thực tế, để tập thể dục một cách an toàn, người bệnh cần chú ý:
● Tránh các hoạt động thể chất yêu cầu nín thở hoặc làm ảnh hưởng đến nhịp thở như plank, gập bụng, lặn,...
● Nên chờ ít nhất một giờ sau bữa ăn trước khi tập thể dục.
● Tránh những hoạt động đòi hỏi năng lượng cường độ cao.
● Tập thể dục khi cơ thể có nhiều năng lượng nhất và cơ thể cảm thấy khỏe mạnh nhất.
● Hãy lên kế hoạch tập thể dục cùng với một người bạn hoặc thành viên gia đình. Sẽ có người nhắc nhở bệnh nhân duy trì chế độ tập luyện, giữ cho họ có tinh thần thoải mái trong quá trình tập.
● Khi bị ốm, sốt, hãy nghỉ ngơi thật tốt và không tập thể dục.
● Không tập luyện trong môi trường ô nhiễm, dưới thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh, khi độ ẩm không khí cao để đảm bảo an toàn và thoải mái cho sức khỏe của bạn
Tập thể dục có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị và quản lý suy tim, đặc biệt là trong trường hợp suy tim sung huyết. Bằng việc tuân thủ các hướng dẫn an toàn và theo dõi tình trạng cơ thể, bệnh nhân có thể đạt được các lợi ích về mặt sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, việc thảo luận với bác sĩ và tuân theo các lời khuyên về tập thể dục đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính an toàn và hiệu quả của quá trình tập thể dục cho bệnh nhân suy tim.