Thuốc Limdopa có chứa thành phần chính là Dopamin với tác dụng kích thích hệ thần kinh giao cảm. Vậy thuốc Limdopa được chỉ định sử dụng trong trường hợp nào và cần lưu ý gì khi sử dụng?
1. Thuốc Limdopa là thuốc gì?
Thuốc Limdopa có chứa thành phần chính là Dopamin. Đây là thuốc có tác dụng kích thích hệ Adrenergic và giải phóng adrenalin của hệ thần kinh giao cảm. Thuốc có tác dụng làm tăng khả năng co bóp cơ tim, từ đó giúp tăng lưu lượng và thể tích nhát bóp để làm tăng huyết áp tâm thu và hiệu số huyết áp chênh lệch.
Trong trường hợp bình thường, Dopamin không gây loạn nhịp nhanh nhờ có tác dụng kích thích trực tiếp lên các thụ thể β1-adrenergic. Mặc khác, Dopamin cũng có một phần tác động lên các thụ thể dopaminergic ở thận, mạch vành, nội tạng và hệ mạch trong não nhằm giãn mạch.
Sau khi đi vào cơ thể, tác dụng làm tăng huyết áp của dopamin thể hiện rõ sau 1 – 2 phút tiêm truyền tĩnh mạch. Tác dụng này thường kéo dài trong suốt thời gian tiêm truyền và sẽ giảm trong vòng 10 phút sau khi dừng lại.
2. Chỉ định- chống chỉ định của thuốc Limdopa
Thuốc Limdopa được chỉ định sử dụng trong một số trường hợp dưới đây:
- Điều trị chống sốc ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim, chấn thương, nhiễm khuẩn huyết và phẫu thuật tim trong trường hợp cần tăng co cơ tim để hồi sinh tim phổi.
- Điều trị suy thận cấp có giảm tưới máu thận hoặc thiểu niêu. Để Dopamin có hiệu quả tối đa, cần truyền dịch để bù giảm thể tích máu trước tiên.
- Dopamin là thuốc thường được sử dụng trong điều trị suy tim sung huyết cấp và suy tim mạn mất bù.
Thuốc Limdopa chống chỉ định khi bệnh nhân mắc phải các bệnh sau:
- U tế bào ưa crôm
- Loạn nhịp nhanh, rung thất, thiếu máu cơ tim cục bộ
- Cường giáp trạng
- Bệnh nhân sử dụng thuốc gây mê halothan.
3. Hướng dẫn sử dụng thuốc Limdopa
Cách sử dụng:
- Cần thực hiện truyền dịch để bù giảm thể tích tuần hoàn trước khi sử dụng dopamin.
- Giám sát chặt chẽ các chỉ số tim mạch như huyết áp, áp lực mao mạch phổi, áp lực tĩnh mạch trung tâm hoặc lượng nước tiểu từng giờ....
- Dopamin chỉ dùng bằng đường tiêm truyền tĩnh mạch hoặc dùng bơm tiêm điện.
- Pha loãng Dopamin vào một trong các dung dịch glucose 5%, 10% hoặc 20%, dung dịch natri clorid 0,9%, dung dịch Ringer lactat. Tuyệt đối không được pha vào các dung dịch kiềm.
- Sử dụng dung dịch đã pha trong vòng 24 giờ.
Hướng dẫn cách pha Dopamin theo thể tích:
Liều lượng sử dụng:
- Liều lượng sử dụng phụ thuộc vào tình trạng người bệnh. Nên bắt đầu với liều thấp từ 2 – 5 microgam/ kg/phút truyền tĩnh mạch và tăng dần tùy theo tiến triển của bệnh nhân cho tới khi đạt liều 10- 20 microgam/ kg/phút.
- Vào cuối giai đoạn điều trị cần giảm dần liều theo khoảng cách nửa giờ/lần kèm theo sự giám sát chặt chẽ các thông số tim mạch.
4. Tác dụng phụ của thuốc Limdopa
Tác dụng phụ của thuốc Limdopa có thể xảy ra bao gồm tăng nhịp tim, cơn đau thắt ngực, đánh trống ngực, hạ huyết áp, thở nông, buồn nôn, nôn, đau đầu. Tình trạng co mạch quá mức có thể dẫn đến hoại tử hoặc suy thận. Trong quá trình tiêm truyền nếu xảy ra sai sót làm dopamin rò ra ngoài tĩnh mạch hoặc tiêm vào dưới da thì da hoặc mô có thể bị hoại tử. Do đó, cần tiêm truyền dopamin vào tĩnh mạch lớn qua catheter được cố định chắc chắn.
5. Thận trọng khi sử dụng thuốc Limdopa
- Cần thực hiện bù trước tình trạng giảm thể tích máu
- Theo dõi chặt chẽ các thông số của hệ tim mạch như huyết áp, áp lực tĩnh mạch trung tâm, lượng nước tiểu hàng giờ,...
- Khi bệnh nhân mắc các động mạch ngoại vi như bệnh Raynaud, bệnh Buerger, viêm nội mạc động mạch đái tháo đường hoặc các loại bệnh mạch máu khác thì cần bắt đầu với dopamin liều thấp và tăng dần sau đó.
- Dopamin được sử dụng trong điều trị suy tim cấp do giảm co bóp cơ tim. Tuy nhiên khi bệnh nhân bị hẹp van động mạch chủ hoặc hẹp động mạch phối, hoặc hẹp dưới van động mạch chủ do phì đại vách liên thất dẫn đến dòng chảy ra bị nghẽn vì do tăng hậu tải.
- Ở liều thấp vẫn có nguy cơ xảy ra co mạch đối với bệnh nhân nhồi máu cơ tim nên cần theo dõi đặc biệt cho trường hợp này. Ngừng hoặc giảm liều ngay khi thấy người bệnh có biểu hiện đau, có nhịp nhanh xoang trên 120 chu kỳ/phút, ngoại tâm thu thất đa dạng từng nhóm hoặc thành chuỗi, hoặc nhịp nhanh thất, hoặc trên điện tâm đồ có dấu hiệu thiếu máu cục bộ hay tốn thương.
- Dopamin chuyển hóa ở gan nên cần tiêm truyền ở tốc độ chậm ở bệnh nhân bị suy gan.
- Đối với phụ nữ mang thai hoặc cho con bú vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể về lợi ích và tác hại của Dopamin. Do đó, cần thật thận trọng khi sử dụng cho những đối tượng này.
6. Tương tác giữa Limdopa và các thuốc khác
- Dopamin được chuyển hóa bởi enzym monoaminoxydase (MAO) nên khi sử dụng cùng với các thuốc ức chế enzym này sẽ làm tăng hiệu lực của dopamin lên gấp nhiều lần. Do đó, cần bắt đầu liều dopamin bằng 1/10 liều thường dùng đối với bệnh nhân đang sử dụng thuốc ức chế MAO.
- Khi sử dụng kết hợp dopamin với phenytoin có thể dẫn tới chậm nhịp tim và hạ huyết áp. Trong trường hợp cần thiết để điều trị chống co giật thì nên sử dụng thuốc khác thay cho phenytoin.
- Các thuốc chẹn beta như propranolol và metoprolol sẽ gây ra tác dụng đối kháng trên tim khi dùng dopamin.
- Butyrophenon (Haloperidol) và phenothiazin có thể làm mất tác dụng ở liều thấp của Dopamin là giúp giãn mạch thận và mạch mạc treo ruột.
Những thông tin cơ bản về thuốc Limdopa trong bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo. Vì Limdopa là thuốc kê đơn nên người bệnh không tự ý sử dụng, mà cần liên hệ trực tiếp với bác sĩ/ dược sĩ để có đơn kê phù hợp và đảm bảo an toàn cho sức khỏe.