Mirtaz 15 có thành phần chính là Mirtazapine, thuộc nhóm thuốc hướng thần. Thuốc được chỉ định cho những bệnh nhân trầm cảm là chủ yếu. Tham khảo ngay bài viết dưới đây để có thêm những thông tin hữu ích về loại thuốc này.
1. Thuốc Mirtaz 15 chữa bệnh gì?
Mirtaz 15 là một thuốc đối kháng thụ thể α2 tiền synap có tác dụng trung ương, làm tăng sự dẫn truyền thần kinh noradrenergic và serotonergic trung ương. Sự tăng dẫn truyền thần kinh serotonergic là thông qua các thụ thể 5-HT1 trung gian đặc hiệu, và do Mirtaz 15 chẹn các thụ thể 5-HT2 và 5-HT3, có tác dụng chống trầm cảm.
Nhờ cơ chế tác dụng đã được kể trên, thuốc Mirtaz được chỉ định trong điều trị chứng trầm cảm.
2. Liều dùng và cách sử dụng của thuốc Mirtaz 15
2.1. Cách sử dụng của thuốc Mirtaz 15
Mirtaz 15 được bào chế dưới dạng viên nén bao phim với hàm lượng mỗi viên chứa 15mg Mirtazapine dùng đường uống. Trước khi sử dụng người bệnh cần có chỉ định của bác sĩ và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc.
Khi uống, người bệnh cần uống trọn viên thuốc mà không được nhai thuốc, tốt nhất nên uống một liều duy nhất vào ban đêm trước khi đi ngủ. Cũng có thể chia Mirtaz thành hai liều nhỏ (một liều buổi sáng và một liều buổi tối, liều cao hơn nên uống vào buổi tối). Khi ngừng điều trị Mirtaz 15 cũng nên giảm liều từ từ để tránh hội chứng cai thuốc.
2.2. Liều dùng của thuốc Mirtaz 15
Người lớn:
- Liều hàng ngày có hiệu quả: 15 - 45 mg/ ngày; liều khởi đầu là 15/ ngày hoặc 30 mg/ ngày.
- Mirtaz 15 bắt đầu phát huy tác dụng sau 1 - 2 tuần điều trị. Điều trị đủ liều, người bệnh có đáp ứng tích cực trong vòng 2 - 4 tuần.
- Nếu người bệnh chưa có đáp ứng đầy đủ, có thể tăng đến liều tối đa. Nếu người bệnh vẫn không có đáp ứng điều trị trong 2 - 4 tuần tiếp theo, nên dừng điều trị.
Đối tượng khác:
- Người cao tuổi: Không cần điều chỉnh liều thuốc Mirtaz 15. Tuy nhiên, đối với ệnh nhân cao tuổi, cần phải theo dõi chặt chẽ khi tăng liều Mirtaz 15 để người bệnh có được đáp ứng an toàn và được như mong muốn.
- Trẻ em và thiếu niên dưới 18 tuổi: Không nên dùng Remeron 30 cho trẻ em và thiếu niên dưới 18.
- Suy thận: Cần giảm liều thuốc Mirtaz 15 ở bệnh nhân suy thận trung bình đến nặng ( có độ thanh thải creatinin < 40 ml/phút)
- Suy gan: Cần giảm liều thuốc Mirtaz 15 ở những bệnh nhân suy gan.
- Trầm cảm: Bệnh nhân trầm cảm nên được điều trị trong một đợt đầy đủ ít nhất là 6 tháng để đảm bảo không còn triệu chứng.
Lưu ý: Liều dùng này chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể cần phụ thuộc vào thể trạng và mức độ tiến triển bệnh của bệnh nhân. Để có liều dùng Mirtaz 15 phù hợp, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.
3. Tác dụng phụ không mong muốn của thuốc Mirtaz
Tác dụng không mong muốn thường gặp của thuốc Mirtaz 15
- Rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng:: Tăng cân, thèm ăn.
- Hệ tâm thần: Lo âu, lú lẫn, mất ngủ.
- Hệ thần kinh: Buồn ngủ, an thần, nhức đầu, run, ngủ lịm, chóng mặt.
- Hệ tim mạch và mạch máu: Hạ huyết áp tư thế.
- Hệ tiêu hóa: Khô miệng, nôn, buồn nôn, táo bón hoặc tiêu chảy.
- Trên da và tổ chức dưới da: Ngoại ban.
Tác dụng không mong muốn ít gặp của thuốc Mirtaz 15
- Hệ tâm thần: Ác mộng, hưng cảm, bồn chồn, ảo giác, đứng ngồi không yên, tăng vận động.
- Hệ thần kinh: Dị cảm, rối loạn vận động, nằm/ ngồi không yên.
- Hệ tim mạch và mạch máu: Hạ huyết áp.
- Hệ tiêu hóa: Dị cảm ở miệng.
Tác dụng không mong muốn hiếm gặp của thuốc Mirtaz 15: Viêm tụy. Trên gan: Tăng men gan;
Tác dụng không mong muốn rất hiếm gặp của thuốc Mirtaz 15
- Toàn thân: Phù toàn thân hoặc phù cục bộ.
- Máu và hệ bạch huyết: Suy tủy xương (giảm bạch cầu hạt hoặc mất bạch cầu hạt, thiếu máu bất sản giảm tiểu cầu), tăng bạch cầu ái toan.
- Nội tiết: Tăng prolactin máu, các triệu chứng liên quan như là đa tiết sữa và vú to ở nam giới.
- Rối loạn điện giải: Hạ natri máu.
- Hệ tâm thần: Xuất hiện ý nghĩ tự tử, hành vi tự tử, chứng mộng du.
- Hệ thần kinh: Hội chứng serotonin, dị cảm ở miệng, rối loạn vận ngôn, co giật.
- Hệ tiêu hóa: Phù miệng, tăng tiết nước bọt.
- Trên da và tổ chức mô dưới da: Hội chứng Stevens-Johnson, viêm da phỏng rộp, hoại tử da độc tính.
- Hệ cơ xương khớp: Tiêu cơ vân.
- Hệ tiết niệu: Bí tiểu.
- Xét nghiệm: Tăng creatinin kinase.
4. Chống chỉ định của thuốc Mirtaz 15
- Người bệnh có tiền sử dị ứng hoặc quá mẫn cảm với Mirtazapin hoặc với bất kỳ tá dược nào của thuốc Mirtaz 15
- Chống chỉ định dùng Mirtaz 15 đồng thời với với oxidase (MAO) - là chất ức chế monoamin.
- Không nên dùng Mirtaz 15 điều trị cho trẻ em và thiếu niên dưới 18 tuổi.
5. Thận trọng khi sử dụng thuốc Mirtaz 15
- Kinh nghiệm lâm sàng nói chung cho thấy nguy cơ tự tử có thể tăng trong những giai đoạn hồi phục ban đầu. Những bệnh nhân với tiền sử từng tự tử hoặc những bệnh nhân thể hiện ra ý nghĩ tự tử cần được theo dõi chặt chẽ trong quá trình điều trị.
- Đã có báo cáo suy tủy xương khi điều trị bằng Mirtaz 15, biểu hiện thường là chứng giảm bạch cầu hạt hoặc mất bạch cầu hạt. Nếu người bệnh có những triệu chứng như sốt, đau họng, viêm miệng hoặc các dấu hiệu nhiễm khuẩn khác cần thông báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp..
- Nên ngừng điều trị bằng Mirtaz 15 nếu xuất hiện triệu chứng vàng da.
- Khi sử dụng Mirtaz 15, các triệu chứng loạn thần có thể diễn biến xấu hơn ở bệnh nhân tâm thần phân liệt hoặc các rối loạn tâm thần khác; chứng bệnh hoang tưởng có thể trầm trọng hơn cho nên người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ trong suốt quá trình điều trị.
- Khi điều trị pha trầm cảm của rối loạn lưỡng cực, nên ngừng dùng Mirtaz 15 ở bất kỳ bệnh nhân nào bắt đầu xuất hiện pha hưng cảm.
- Ngừng điều trị Mirtaz 15 một cách đột đột ngột sau thời gian dài dùng thuốc đôi khi có thể gây ra các triệu chứng cai thuốc. Nên ngừng điều trị bằng cách giảm liều Mirtaz 15 từ từ.
- Nên thận trọng với bệnh nhân bị rối loạn đi tiểu như phì đại tiền liệt tuyến và những bệnh nhân bị glôcôm góc hẹp cấp và tăng áp lực nội nhãn.
- Chứng rối loạn tâm thần vận động có thể xuất hiện khi sử dụng Mirtaz 15, do đó cần thận trọng khi sử dụng, dò liều để tránh trường hợp dùng quá liều có thể gây hại cho bệnh nhân.
- Ảnh hưởng của Mirtaz 15 trên khoảng QTc: Đã có báo cáo về các trường hợp khoảng QT kéo dài, xoắn đỉnh (Torsades de Pointes), nhịp nhanh thất và đột tử.
- Khi sử dụng đồng thời các chất ức chế tái hấp thu Serotonin có chọn lọc (selective serotonin reuptake inhibitors-SSRIs) với các chất có hoạt tính Serotonergic khác có thể xảy ra hội chứng Serotonin. Nên ngừng điều trị với Mirtaz 15 nếu xảy ra các hội chứng này và đưa ra liệu pháp hỗ trợ điều trị triệu chứng này.
- Những bệnh nhân có bệnh di truyền hiếm gặp về không dung nạp galactose, thiếu hụt men Lapp lactase hoặc kém hấp thu glucose-galactose không nên dùng thuốc Mirtaz 15 vì thuốc có chứa lactose.
Cần sử dụng liều cẩn thận kết hợp với theo dõi đều đặn và chặt chẽ ở những bệnh nhân có:
- Động kinh và tổn thương não thực thể: Nên ngừng điều trị bằng Mirtaz 15 trên những bệnh nhân xuất hiện các cơn động kinh hoặc tăng tần suất cơn động kinh.
- Bệnh nhân suy gan.
- Suy thận: Trên những bệnh nhân suy thận trung bình (10 ml/phút < độ thanh thải creatinin < 40 ml/phút) và suy thận nặng (độ thanh thải creatinin < 10 ml/phút)
- Người có bệnh nền tim mạch như: Nhồi máu cơ tim mới xảy ra, rối loạn dẫn truyền tim, cơn đau thắt ngực.
- Hạ huyết áp
- Đái tháo đường: Liều insulin và/hoặc thuốc gây hạ đường huyết đường uống cần được điều chỉnh và kiểm soát chặt chẽ.
- Khả năng lái xe và vận hành máy móc: Mirtaz 15 có ảnh hưởng nhẹ hoặc trung bình đến khả năng lái xe và vận hành máy móc. Bệnh nhân nên tránh lái xe hoặc vận hành máy móc hoặc làm những công việc cần sự tỉnh táo khi sử dụng thuốc Mirtaz 15.
- Thời kỳ mang thai : Nên thận trọng khi dùng Mirtaz 15 cho phụ nữ mang thai. Nếu dùng Mirtaz 15 cho đến khi sinh, hoặc trong thời gian ngắn ngay trước khi sinh, nên theo dõi trẻ sơ sinh sau khi sinh để điều trị những tác động do ngừng thuốc có thể xảy ra.
- Thời kỳ cho con bú: Quyết định tiếp tục/ ngừng cho con bú hoặc tiếp tục/ ngừng điều trị bằng Mirtaz 15 nên căn cứ vào lợi ích bú sữa mẹ đối với đứa trẻ và lợi ích của người mẹ khi điều trị bằng Mirtaz 15.
Trên đây là những thông tin về thuốc Mirtaz 15 để người bệnh có thể tham khảo. Tuy nhiên thuốc Mirtaz 15 chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần lưu ý khi dùng để đạt hiệu quả tốt nhất và hạn chế tác dụng phụ không mong muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.