Công dụng thuốc Ceretam

Ceretam là thuốc được dùng trong rung giật cơ, chóng mặt, thiếu máu cục bộ... Vậy khi sử dụng thuốc Ceretam cần lưu ý điều gì để đạt hiệu quả và an toàn? Hãy cùng tìm hiểu về thuốc Ceretam trong bài viết này.

1. Thuốc Ceretam là thuốc gì?

Thuốc Ceretam là thuốc được bào chế dưới dạng viên nén bao phim với thành phần hoạt chất là Piracetam, hàm lượng 800mg.

Piracetam tác động lên một số chất dẫn truyền thần kinh như acetylcholin, noradrenalin, dopamin... Điều này giải thích được tác dụng tích cực của piracetam lên học tập và cải thiện kết quả các test về trí nhớ.

Piracetam có thể thay đổi dẫn truyền thần kinh và góp phần thay đổi môi trường chuyển hóa để các tế bào thần kinh hoạt động tốt. Thuốc còn làm tăng sự huy động và sử dụng glucose mà không lệ thuộc vào sự cung cấp oxy, tạo thuận lợi cho con đường pentose và duy trì tổng hợp năng lượng ở não. Piracetam làm giảm độ nhớt của máu và giảm kết tụ tiểu cầu khi sử dụng liều cao. Trong trường hợp hồng cầu bị cứng bất thường thì piracetam có thể làm hồi phục khả năng biến dạng của hồng cầu và khả năng đi qua các mao mạch. Piracetam còn có tác dụng chống rung giật cơ.

2. Thuốc Ceretam có tác dụng gì?

Thuốc Ceretam được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Điều trị triệu chứng suy giảm chức năng não ở người người cao tuổi như chóng mặt, suy giảm trí nhớ, kém tập trung, thiếu tỉnh táo, kém chú ý đến bản thân, thay đổi khí sắc và rối loạn hành vi. Đây có thể được xem là biểu hiện sớm của sự khởi phát lão hóa bệnh lý như bệnh Alzheimer, chứng lẫn do Alzheimer ở người cao tuổi hoặc lẫn do nhồi máu não nhiều ổ.
  • Điều trị chứng chóng mặt
  • Điều trị nghiện rượu
  • Điều trị hôn mê do ngộ độc hoặc tổn thương mạch, chóng mặt và/hay thiếu nhận thức do tổn thương đầu
  • Điều trị rung giật cơ có nguồn gốc vỏ não, có thể phối hợp với những thuốc chống giật cơ khác.
  • Điều trị thiếu máu cục bộ cấp, chú ý tuổi tác, mức độ nặng nhẹ của tai biến là yếu tố quan trọng để tiên lượng khả năng sống sót sau tai biến đột quỵ thiếu máu cục bộ cấp.
  • Điều trị thiếu máu hình cầu liềm

Không sử dụng thuốc Ceretam trong những trường hợp sau:

  • Bệnh nhân quá mẫn với piracetam, các dẫn chất pyrrilidone hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Bệnh nhân suy thận nặng (độ thanh thải creatinine dưới 20ml/phút)
  • Bệnh nhân suy gan
  • Trẻ em dưới 16 tuổi
  • Xuất huyết não

3. Liều dùng và cách dùng của thuốc Ceretam

  • Thuốc Ceretam được dùng bằng đường uống. Liều hàng ngày có thể dao động từ 30 đến 160 mg/kg/ngày (có thể chia thành 2 - 4 lần dùng thuốc) tùy theo chỉ định điều trị.
  • Điều trị hội chứng tâm thần – thực thể ở người cao tuổi: liều khởi đầu 4,8 g/ngày trong vài tuần, sau đó dùng liều duy trì 1,2 – 2,4 g/ngày
  • Điều trị nghiện rượu: trong thời gian đầu điều trị có thể dùng liều cao 12 g/ngày, sau đó dùng liều duy trì 2,4 g/ngày.
  • Điều trị rung giật cơ có nguồn gốc vỏ não: Liều khởi đầu 7,2g/ngày, tăng thêm 4,8g/ngày sau mỗi 3 – 4 ngày cho đến liều tối đa là 24g/ngày (chia thành 2 - 3 lần/ngày). Nên duy trì ở liều dùng khi điều trị phối hợp với những thuốc kháng rung giật cơ khác. Dựa trên dấu hiệu lâm sàng, có thể giảm liều các thuốc khác. Nên tiếp tục điều trị với piracetam đến khi vẫn còn bệnh về não. Tuy nhiên, có thể thử giảm hoặc ngừng thuốc mỗi 6 tháng. Lưu ý giảm liều từ từ 1,2g/ngày để tránh nguy cơ tái phát đột ngột.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Ceretam

Khi dùng thuốc Ceretam, bệnh nhân có thể gặp các tác dụng không mong muốn như bồn chồn, xúc động, dễ bị kích thích, rối loạn giấc ngủ và lo âu. Tỉ lệ mắc phải những triệu chứng này ít hơn 5% trong các thử nghiệm lâm sàng và thường gặp hơn ở bệnh nhân cao tuổi dùng liều trên 2,4g/ngày.

Một vài bệnh nhân than phiền mệt mỏi hoặc buồn ngủ khi dùng thuốc. Ngoài ra, thuốc Ceretam còn có thể gây một số triệu chứng trên đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, đau dạ dày, tiêu chảy, hoặc một số triệu chứng khác như đau đầu, chóng mặt, run, kích thích tình dục.

5. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Ceretam

Thận trọng dùng thuốc Ceretam ở bệnh nhân suy thận vì piracetam thải trừ chủ yếu qua thận. Cần theo dõi chức năng thận chặt chẽ trong thời gian dùng thuốc.

Thời gian bán thải của piracetam tăng lên liên quan trực tiếp đến suy giảm chức năng thận. Liều dùng cho bệnh nhân suy thận được điều chỉnh theo độ thanh thải creatinine như sau:

ceretam

Thận trọng dùng thuốc Ceretam cho bệnh nhân đang bị rối loạn về đông máu, phẫu thuật lớn hoặc bị xuất huyết nặng do piracetam tác động lên sự kết tập tiểu cầu.

Piracetam có thể qua nhau thai nên không dùng thuốc Ceretam trong thời kỳ mang thai. Không nên dùng thuốc Ceretam cho phụ nữ cho con bú.

Thuốc Ceretam có thể gây run và buồn ngủ nên không dùng thuốc này khi lái xe hoặc vận hành máy móc.

7. Tương tác thuốc

Ceretam có thể tương tác với những thuốc sau đây:

  • Các chiết xuất Thyroid (T3 + T4) : đã có 1 trường hợp bị lẫn, dễ bị kích thích và rối loạn giấc ngủ khi sử dụng đồng thời các chất này với piracetam.
  • Các thuốc chống động kinh như clonazepam, carbamazepine, phenytoin, phenobarbitone và sodium valproate: chưa ghi nhận có tương tác với Ceretam.
  • Acenocoumarol: Trong một nghiên cứu mù đơn ở các bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch tái phát, piracetam liều 9,6 g/ngày đã không làm thay đổi liều của acenocoumarol cần thiết để đạt INR 2,5 đến 3,5, nhưng khi so với tác động của acenocoumarol khi dùng đơn độc, việc uống thêm piracetam liều 9,6 g/ngày đã làm giảm rõ rệt sự kết tập tiểu cầu, sự phóng thích β thromboglobulin, nồng độ fibrinogen và các yếu tố von Willebrand (VIII: C; VIII: vW: Ag; VIII: vW: RCo) và máu toàn phần và độ nhớt huyết tương.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

69 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan