Thuốc Lansotop là thuốc đường tiêu hóa được đóng gói dưới dạng viên nang. Lansotop có thành phần chính là Lansoprazole, có tác dụng trong việc điều trị viêm loét dạ dày, tá tràng, thực quản, trào ngược dạ dày thực quản hoặc dùng cho điều trị hội chứng Zollinger - Ellison.
1. Thuốc Lansotop là thuốc gì?
Thuốc Lansotop có chứa thành phần chủ yếu là Lansoprazol (có dạng hạt bao tan trong ruột 8,5%) 30mg bào chế dưới dạng viên nang. Vì Lansoprazole là chất ức chế tiết acid mạnh và không hồi phục bơm proton do tác dụng chọn lọc trên tế bào thành dạ dày nên thuốc cho hiệu quả nhanh và tốt hơn các thuốc khác. Tỉ lệ liền sẹo (làm lành vết loét) có thể lên đến 95% sau khoảng 2 tháng điều trị.
Nhờ đó, thuốc Lansotop được chứng minh có tác dụng điều trị trên lâm sàng với các trường hợp:
- Viêm loét dạ dày, tá tràng và thực quản.
- Trào ngược dạ dày thực quản.
- Hội chứng Zollinger - Ellison.
Bên cạnh đó, cần lưu ý không sử dụng thuốc Lansotop cho các đối tượng quá mẫn với Lansoprazole hay bất kì thành phần nào của thuốc theo chỉ định của bác sĩ hoặc dược sĩ; tránh dùng cho bệnh nhân loét dạ dày ác tính.
2. Hướng dẫn cách dùng thuốc Lansotop
Cách dùng: Uống trực tiếp viên nang thuốc Lansotop với 1 cốc nước sạch. Sử dụng thuốc trước bữa sáng để đạt hiệu quả tối ưu.
Tham khảo liều dùng:
- Người lớn thông thường sử dụng 30mg/ ngày.
- Loét tá tràng: Dùng trong 4 tuần.
- Loét dạ dày - thực quản: Dùng thuốc trong 8 tuần.
- Trào ngược dạ dày - thực quản: Điều trị từ 4 - 8 tuần.
- Hội chứng Zollinger - Ellison: Chỉnh liều tùy theo dấu hiệu và triệu chứng của người bệnh.
Quên liều: Thông thường các thuốc có thể uống trong khoảng 1 - 2 giờ so với quy định thời gian liều dùng. Trừ khi có quy định nghiêm ngặt về thời gian sử dụng thuốc, có thể uống Lansotop sau một vài tiếng khi phát hiện quên. Tuy nhiên, nếu thời gian cách quá xa thời điểm cần uống thì không nên uống bù vì có thể gây nguy hiểm cho cơ thể. Cần tuân thủ đúng hoặc hỏi trước ý kiến bác sĩ khi đưa ra quyết định.
3. Tác dụng phụ của thuốc Lansotop
Trong quá trình điều trị bằng thuốc Lansotop, người dùng có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:
- Nôn.
- Tiêu chảy, táo bón.
- Đau bụng.
- Chóng mặt.
- Tăng men gan.
- Nổi mẩn da.
Lưu ý: Trên đây chưa phải là danh sách đầy đủ của các tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc Lansotop. Do đó, khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào khác mà nghi ngờ là do việc sử dụng thuốc, thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ để có những biện pháp xử lý.
4. Lưu ý khi dùng thuốc Lansotop
Cần hết sức thận trọng khi dùng thuốc Lansotop cho các trường hợp sau:
- Trong quá trình điều trị, phải theo dõi kỹ tình trạng bệnh. Và không khuyến cáo sử dụng Lansotop trong điều trị duy trì khi chưa đủ kinh nghiệm về sử dụng thuốc lâu dài. Đặc biệt thận trọng với các bệnh nhân sau: Người có tiền sử nhạy cảm với thuốc, rối loạn chức năng gan và bệnh nhân lớn tuổi.
- Trẻ em: Độ an toàn của thuốc Lansotop đối với trẻ em đến nay vẫn chưa được xác định.
- Người già: Do sự bài tiết acid dịch vị và những chức năng sinh lý khác đã bị suy giảm ở đối tượng này nên cần sử dụng thuốc Lansotop một cách thận trọng.
- Phụ nữ mang thai/ cho con bú: Ở chuột, nồng độ lansoprazol trong huyết thanh phôi thai cao hơn ở chuột mẹ. Ở thỏ (với liều uống 30mg/kg) có thể làm tăng tir lệ tử vong phôi thai. Do đó, không nên dùng Lansotop cho phụ nữ mang thai hoặc nghi ngờ có thai, trừ khi thật sự có ích. Khuyến cáo tránh sử dụng cho bà mẹ trong thời kỳ cho con bú. Tuy nhiên, vẫn có thể sử dụng khi thật sự cần thiết và phải ngừng cho con bú.
- Thận trọng khi dùng thuốc Lansotop cho người bị suy gan.
5. Tương tác của thuốc Lansotop
Nếu dùng đồng thời thuốc Lansotop với một số loại thuốc/ thực phẩm chức năng có thể nảy sinh phản ứng tương tác, điển hình như:
Ðã có báo cáo cho thấy việc sử dụng đồng thời thuốc Lansotop sẽ làm chậm chuyển hóa và bài tiết của Diazepam và Phenytoin.