Công dụng của thuốc Utralene

Thuốc Utralene với hoạt chất sertraline được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh trầm cảm. Sản phẩm này bao gồm 2 hàm lượng là utralene 50mg và thuốc utralene 100mg. Vậy người bệnh nên sử dụng thuốc Utralene như thế nào và cần lưu ý gì trong quá trình điều trị?

1. Thuốc Utralene là thuốc gì?

Thuốc Utralene có thành phần hoạt chất chính là Sertraline. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, bao gồm 2 hàm lượng là thuốc Utralene 100mgUtralene 50mg.

Cơ chế tác dụng của hoạt chất sertraline trong thuốc Utralene là ức chế tái hấp thu serotonin tại các sợi thần kinh của hệ thần kinh trung ương.

Một số nghiên cứu in vitro trên động vật cũng đưa ra giả thuyết sertraline có tác dụng ức chế chọn lọc sự tái hấp thu serotonin và chỉ ảnh hưởng rất yếu đến các chất trung gian hóa học khác (như norepinephrine và dopamine).

Các nghiên cứu in vitro cũng cho kết quả rằng sertraline không có ái lực đáng kể với các thụ thể adrenergic, cholinergic, GABA, dopaminergic, histaminergic, serotonergic hay benzodiazepine. Do đó, thuốc utralene không mang lại tác dụng kháng cholinergic, an thần và ảnh hưởng trên hệ tim mạch như các thuốc hướng thần khác.

2. Chỉ định của thuốc Utralene

Thuốc Utralene được chỉ định sử dụng trong điều trị các bệnh lý sau:

  • Trầm cảm;
  • Rối loạn ám ảnh
  • Các trường hợp lo sợ, sợ hãi, hoảng loạn, hoang mang kèm chứng sợ chỗ đông người hoặc không. Đặc trưng của người bệnh là trạng thái hoảng loạn xảy ra bất thình lình, sự lo lắng về tình bệnh và biến chứng một bệnh lý cụ thể hoặc những thay đổi về thái độ, hành vi liên quan đến bệnh.

Thuốc Utralene 50mg được sử dụng trong điều trị bệnh trầm cảm
Thuốc Utralene 50mg được sử dụng trong điều trị bệnh trầm cảm

3. Hướng dẫn cách dùng và liều lượng thuốc Utralene

3.1. Cách sử dụng thuốc Utralene 100mg và Utralene 50mg

Viên nén bao phim thuốc Utralene được sử dụng theo đường uống, 1 lần duy nhất mỗi ngày vào buổi sáng hoặc buổi tối. Khi sử dụng thuốc Utralene cần uống kèm với một lượng nước vừa đủ và có thể dùng cùng thức ăn hoặc không.

3.2. Liều lượng thuốc Utralene

Người trưởng thành:

  • Liều thông thường là 50mg sertraline/ngày, nếu cần thiết có thể tăng lên 100mg/ngày;
  • Liều tối đa của thuốc Utralene là 200mg/ngày;
  • Khi phải tăng liều thì cần tăng từng mức 50mg trong thời gian ít nhất 1 tuần;
  • Đối với trường hợp cần sử dụng thuốc Utralene thời gian dài, bác sĩ cần cân nhắc chỉ định liều thấp nhất đủ mang lại hiệu quả điều trị.

Trẻ em và thanh thiếu niên: Viên nén bao phim thuốc Utralene không khuyến cáo sử dụng cho trẻ em và người dưới 18 tuổi.

Người già: Thời gian bán thải của thuốc Utralene có thể kéo dài ở nhóm đối tượng này nên khi sử dụng cần giảm liều một cách hợp lý.

Bệnh nhân suy gan: Cần thận trọng khi sử dụng thuốc Utralene. Mặc dù khuyến cáo các trường hợp suy gan không cần điều chỉnh liều dùng thuốc Utralene nhưng tốt nhất người bệnh cần được giảm liều hoặc kéo dài thời gian giữa các lần uống. Các trường hợp suy gan nặng không được sử dụng thuốc Utralene do không có các dữ liệu lâm sàng giá trị.

Bệnh nhân suy thận: Không cần điều chỉnh liều thuốc Utralene ở đối tượng này nhưng họ cần được giám sát chặt chẽ, đặc biệt khi điều trị trong thời gian dài.

3.3. Thời gian sử dụng thuốc Utralene

Thuốc Utralene bắt đầu mang lại tác dụng chống trầm cảm trong thời gian khoảng 7 ngày, tuy nhiên tác dụng tối đa thường đạt trong vòng 2 - 4 tuần uống thuốc.

Thời gian điều trị thuốc Utralene phụ thuộc vào tính chất và mức độ trầm trọng của các rối loạn tâm thần. Sau khi các triệu chứng đã thuyên giảm, người bệnh vẫn phải tiếp tục dùng thuốc để kiểm soát bệnh trong thời gian ít nhất 6 tháng.

Lưu ý là người bệnh cần tránh việc ngừng thuốc Utralene quá đột ngột. Khi có chỉ định ngừng điều trị, cần giảm liều từ từ trong thời gian 1 - 2 tuần để hạn chế nguy cơ xảy ra phản ứng ngưng thuốc. Trường hợp không thể chịu đựng được tình trạng xuất hiện sau khi giảm liều hoặc ngưng thuốc Utralene, người bệnh có thể phải tiếp tục sử dụng lại liều trước đó. Sau đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn tiếp tục chế độ giảm liều chậm hơn trước khi ngừng hẳn.

3.4. Cách xử trí khi dùng quá liều

Các triệu chứng quá liều thuốc Utralene có thể gặp bao gồm buồn ngủ, rối loạn dạ dày ruột (như buồn nôn hay nôn), nhịp tim nhanh, run rẩy, lo âu, hoa mắt, chóng mặt hay thậm chí hôn mê (hôn mê rất hiếm xảy ra). Các tài liệu hiện nay đều cho thấy sertraline độ an toàn cao ngay cả khi sử dụng quá liều, thậm chí có trường hợp đã uống liều đơn sertraline lên tới 13.5g. Những nguy hại do ngộ độc thuốc Utralene đa số xảy ra khi sử dụng đồng thời với các thuốc khác và/hoặc uống rượu và khi đó đòi hỏi cần phải có biện pháp điều trị tích cực.

Cho đến nay không có thuốc giải độc đặc hiệu cho sertraline. Do đó các biện pháp hỗ trợ khi quá liều thuốc Utralene chủ yếu như đảm bảo cung cấp đủ oxy, sử dụng than hoạt (có thể phối hợp sorbitol hay thuốc xổ khác khi cần thiết) hoặc rửa dạ dày (hiệu quả không cao). Việc sử dụng các biện pháp gây nôn là không thích hợp cho tình trạng này.

Một số biện pháp khác như sử dụng thuốc lợi tiểu, thẩm tách máu, truyền hay thay máu không chắc mang lại hiệu quả đối với loại thuốc có thể tích phân bố lớn như sertraline.


Người bệnh nên dùng thuốc Utralene 50mg đúng liều lượng chỉ định
Người bệnh nên dùng thuốc Utralene 50mg đúng liều lượng chỉ định

4. Tác dụng phụ của thuốc Utralene

Khi sử dụng thuốc Utralene, bệnh nhân có thể gặp các tác dụng không mong muốn (ADR) theo các mức độ như sau:

4.1. Tác dụng phụ của thuốc Utralene thường gặp

  • Rối loạn hệ thần kinh thực vật
  • Tác dụng phụ của thuốc Utralene trên hệ tim mạch: Đánh trống ngực, đau ngực;
  • Rối loạn hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh ngoại biên: thuốc Utralene làm tăng trương lực, giảm cảm giác;
  • Rối loạn dạ dày ruột: Tăng ngon miệng;
  • Các rối loạn khác: Đau lưng, suy nhược, khó chịu, tăng cân;
  • Rối loạn hệ cơ xương: đau cơ;
  • Rối loạn hệ hô hấp: Viêm mũi;
  • Ù tai.

4.2. Tác dụng phụ của thuốc Utralene ít gặp

  • Rối loạn hệ thần kinh thực vật: đỏ bừng, tăng tiết nước bọt, da lạnh và ẩm, giãn đồng tử;
  • Tác dụng phụ của thuốc Utralene trên hệ tim mạch: Tăng huyết áp, tim nhanh, hoa mắt, hạ huyết áp tư thế, phù xung quanh hốc mắt, phù ngoại biên, hạ huyết áp, thiếu máu cục bộ, ngất...;
  • Rối loạn hệ thần kinh trung ương và ngoại biên: co rút, lẫn lộn, tăng vận động, chóng mặt, phối hợp không bình thường, tăng cảm giác, chuột rút, dáng đi bất thường...;
  • Các rối loạn da và phần phụ: Ngứa, mụn trứng cá, mày đay, khô da, ban da, nhạy cảm ánh sáng, ban dát sần;
  • Rối loạn dạ dày ruột: nuốt khó, ợ hơi, viêm thực quản, viêm dạ dày - ruột;
  • Rối loạn khác: Sốt, rùng mình, phù;
  • Rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng: thường xuyên khát nước.
  • Tác dụng phụ của thuốc Utralene trên hệ cơ xương: Đau khớp, rối loạn trương lực cơ, chuột rút, yếu cơ;
  • Rối loạn tâm thần: Suy nhược, hay quên, ác mộng, nghiến răng, thờ ơ, giấc mơ không bình thường, hoang tưởng, ảo giác, hung hăng;
  • Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, chảy máu trong đường sinh dục, chảy máu âm đạo, khí hư;
  • Tác dụng phụ của thuốc Utralene trên hệ hô hấp: Ho, khó thở, nhiễm trùng đường hô hấp trên, co thắt phế quản, viêm xoang;
  • Tác dụng phụ của thuốc Utralene trên các giác quan: Viêm màng kết, đau tai, đau mắt;
  • Rối loạn ở đường niệu: thường xuyên đi tiểu, tiểu nhiều, bí tiểu, tiểu đêm, đi tiểu không kiềm chế;

5. Chống chỉ định của thuốc Utralene

Thuốc Utralene chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Người mẫn cảm với sertraline;
  • Sử dụng thuốc Utralene đồng thời với các chất ức chế monoamine oxidase (MAO) và linezolid;
  • Sử dụng đồng thời thuốc Utralene với pimozide.

Người bệnh nên thận trọng khi dùng thuốc Utralene 50mg
Người bệnh nên thận trọng khi dùng thuốc Utralene 50mg

6. Thận trọng khi sử dụng thuốc Utralene

  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Utralene cho trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi: xuất hiện các hành vi liên quan đến việc tự sát và thái độ chống đối, nếu cần thiết phải sử dụng thuốc Utralene, các bệnh nhân này phải được giám sát cẩn thận về nguy cơ muốn tự sát;
  • Thận trọng với hội chứng serotonergic khi dùng thuốc Utralene: một vài phản ứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng đã được báo cáo ở bệnh nhân sử dụng thuốc Utralene phối hợp với 1 thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOI). Sử dụng đồng thời sertraline với các chất serotonergic khác như tryptophan, fenfluramine và các chất chủ vận serotonin không được khuyến nghị do nguy cơ xảy ra phản ứng có hại nghiêm trọng. Thuốc Utralene có thể bắt đầu sử dụng sau 14 ngày ngừng điều trị với các thuốc ức chế MAO. Các chất ức chế serotonergic khác bao gồm dextromethorphan, pethidine, tramadol và các thuốc ức chế chọn lọc hấp thu serotonin;
  • Thận trọng với các hành động tự sát: Bệnh trầm cảm có thể gia tăng ý muốn tự sát, tự gây hại cho bản thân và có hành động tự sát, nguy cơ tự sát có thể tăng trong giai đoạn sớm của sự bình phục, cần giám sát chặt chẽ bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị;
  • Tình trạng rối loạn tâm thần vận động: Việc sử dụng thuốc Utralene có liên quan đến sự tiến triển của tình trạng rối loạn tâm thần vận động, với dấu hiệu nằm ngồi không yên, cảm giác khó chịu, lo âu, lo lắng khiến người bệnh phải thường xuyên cử động. Tình trạng này đa số xuất hiện trong vài tuần đầu điều trị và khi đó việc tăng liều thuốc Utralene có thể sẽ gây hại;
  • Các triệu chứng cai nghiện khi ngưng thuốc Utralene rất thường gặp, đặc biệt khi ngưng đột ngột, phụ thuộc vào một số yếu tố như liều, thời gian dùng thuốc và tốc độ giảm liều. Các biểu hiện có thể bao gồm chóng mặt, rối loạn giác quan (như dị cảm và cảm giác châm chích), rối loạn giấc ngủ, lo âu, buồn nôn, nôn, run, vã mồ hôi, đau đầu, tiêu chảy, đánh trống ngực, tinh thần bất ổn, cáu gắt và rối loạn thị giác... Tình trạng cai nghiện do ngưng thuốc thường tự giới hạn và hết trong vòng 2 tuần, đôi khi có thể kéo dài đến 2 - 3 tháng;
  • Làm gia tăng tình trạng hưng cảm nhẹ: Trong các thử nghiệm lâm sàng, chứng điên cuồng hoặc hưng cảm nhẹ được ghi nhận ở xấp xỉ 0.4% bệnh nhân dùng thuốc Utralene. Do đó, cần đặc biệt thận trọng ở các trường hợp có tiền sử mắc chứng điên và hưng cảm nhẹ. Đồng thời, bác sĩ cần thiết lập chế độ giám sát chặt chẽ và nhanh chóng ngừng thuốc khi người bệnh bước vào giai đoạn điên cuồng;
  • Bệnh tâm thần phân liệt: Các triệu chứng loạn thần có thể trở nên trầm trọng hơn khi dùng thuốc utralene ở bệnh nhân tâm thần phân liệt;
  • Các rối loạn co giật: Hiện tượng lên cơn động kinh được ghi nhận ở khoảng 0.08% bệnh nhân trầm cảm điều trị bằng thuốc Utralene. Tuy nhiên, sertraline chưa được nghiên cứu trên những bệnh nhân có các rối loạn gây co giật nên cần tránh dùng thuốc utralene cho các trường hợp xảy ra cơn động kinh thất thường và chỉ sử dụng khi tình trạng động kinh đã được kiểm soát;
  • Bệnh đái tháo đường: Bệnh nhân đái tháo đường cần điều trị với một thuốc ức chế chọn lọc tái hấp thu serotonin như thuốc Utralene có thể làm mất kiểm soát đường huyết và đòi hỏi điều chỉnh liều insulin hoặc các thuốc hạ đường huyết khác;
  • Người suy gan: Thuốc utralene chuyển hóa chủ yếu ở gan, do đó không được sử dụng thuốc này cho các bệnh nhân suy gan nặng;
  • Người thận: Do thuốc Utralene được chuyển hóa đa phần ở gan, chỉ một phần nhỏ bài tiết qua thận dưới dạng không chuyển hóa. Các nghiên cứu tin cậy cho thấy bệnh nhân suy thận không cần điều chỉnh liều của sertraline nhưng cần thận trọng khi sử dụng thuốc cho nhóm đối tượng này;
  • Phụ nữ thời kỳ mang thai: Chưa có những nghiên cứu toàn diện về việc sử dụng thuốc Utralene cho phụ nữ đang mang thai. Vì vậy chỉ nên sử dụng khi lợi ích điều trị cao hơn nguy cơ rủi ro cho sức khỏe thai nhi;
  • Phụ nữ đang cho con bú: Chưa biết sertraline có bài tiết vào sữa mẹ hay không và với số lượng bao nhiêu. Tốt nhất là cần thận trọng khi sử dụng thuốc Utralene cho phụ nữ đang cho con bú.

Những thông tin quan trọng về thuốc Utralene hy vọng sẽ mang đến cho bạn những kiến thức bổ ích để quá trình sử dụng đạt được nhiều hiệu quả hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe