Ưu thế khi sử dụng tế bào gốc tạo máu từ máu cuống rốn để điều trị bệnh

Bài viết được viết bởi TS. Ngô Anh Tiến và TS. Nguyễn Văn Tình - Ngân hàng Sinh học, Trung tâm Công nghệ cao Vinmec.

Tế bào gốc tạo máu (hematopoietic stem cell) là tế bào nguyên thủy, chưa trưởng thành có thể sinh trưởng và phát triển thành nhiều loại tế bào máu khác nhau bao gồm: bạch cầu, hồng cầu, và tiểu cầu. Tế bào gốc tạo máu có thể được tìm thấy trong máu ngoại vi, tủy xương, và đặc biệt nhiều trong máu cuống rốn [1].

1. Tế bào gốc tạo máu là gì?

Máu cuống rốn là phần máu còn sót lại ở dây rốn và bánh nhau của sản phụ ngay sau khi sinh con. Phần máu cuống rốn này (khoảng 60 đến 200 ml) có thể được thu thập một cách đơn giản, an toàn mà không gây ra bất kỳ rủi ro nào cho mẹ và con. Máu cuống rốn là nguồn cung cấp dồi dào tế bào gốc tạo máu, cũng như các loại tế bào gốc khác. Tế bào gốc trong máu cuống rốn (các tế bào có kiểu hình CD34+ CD38-) có các ưu điểm

  • Ít phụ thuộc vào các tế bào cơ địa hơn các tế bào tương ứng trong tủy xương hoặc máu ngoại vi [1-3].
  • Có DNA telomere dài hơn so với các tế bào tương tự từ tủy xương hoặc máu ngoại vi. Do đó, có khả năng bảo toàn cao hơn sau mỗi lần phân chia, đồng nghĩa với việc tạo ra số lượng tế bào con lớn hơn, lượng máu lớn hơn [3-5].
  • Các tế bào này đều ở trạng thái “sơ sinh”, không chịu ảnh hưởng của tuổi tác và môi trường. Bên cạnh đó nguồn tế bào này cũng thường không có virus, vi khuẩn nên có tính an toàn cao trong điều trị lâm sàng.

Quá trình phát triển của tế bào gốc tạo máu (Nguồn:Terese Winslow U.S. Govt)
Quá trình phát triển của tế bào gốc tạo máu (Nguồn:Terese Winslow U.S. Govt)

2. Điều trị bệnh bằng tế bào gốc tạo máu

Tế bào gốc tạo máu có thể được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh lý khác nhau, cả ác tính và không ác tính, như: bệnh bạch cầu mãn tính và cấp tính, chứng thiếu máu bất sản, thiếu máu Fanconi, P thalassemia, suy tủy xương, u nguyên bào thần kinh, thiếu hụt miễn dịch và các bệnh chuyển hóa khác [6].

Đối với một số bệnh lý về máu, sử dụng tế bào gốc tạo máu là phương pháp điều trị chính, mang lại hiệu quả điều trị và khả năng hồi phục cao. Đối với các bệnh lý khác gây ra thiếu máu thứ cấp, điều trị bằng tế bào gốc có thể được áp dụng khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả hoặc trong các nghiên cứu thử nghiệm liệu pháp mới.

3. Ưu thế khi sử dụng tế bào gốc tạo máu từ máu cuống rốn để điều trị bệnh

Do tế bào gốc tạo máu trong máu cuống rốn có nhiều ưu điểm nổi trội hơn so với các tế bào gốc tạo máu lấy từ máu ngoại vi, tủy xương nên sử dụng các tế bào này để điều trị bệnh sẽ đem lại những lợi ích sau đây [6]

  1. Có thể được áp dụng để chữa trị cho nhiều người hơn, không chỉ bản thân trẻ mà có thể dùng cho những người khác, đặc biệt là người có cùng huyết thống.
  2. Độ thích ứng cao hơn, dễ thực hiện hơn do không cần mất thời gian tìm kiếm và sàng lọc các điều kiện lâm sàng như sử dụng tế bào gốc tủy xương.
  3. Việc thu thập tế bào gốc từ máu cuống rốn rất nhanh chóng và an toàn, dễ dàng kiểm nghiệm, lưu trữ (mẫu được lưu trữ ở -190 độ C, là mức ngừng hoạt động sinh học. Hiện đã ghi nhận mẫu có thể được lưu trữ tới hơn 30 năm mà chất lượng vẫn đảm bảo). Trong khi đó, quá trình lấy tế bào gốc từ tủy xương có thể gây ra một số rủi ro nhất định và gây ra nhiều đau đớn cho người bệnh.

Tế bào gốc tạo máu được lưu trữ trong ngân hàng máu cuống rốn
Tế bào gốc tạo máu được lưu trữ trong ngân hàng máu cuống rốn

4. Hạn chế khi sử dụng máu cuống rốn

Nhược điểm dễ thấy nhất của việc sử dụng tế bào gốc từ máu cuống rốn trong cấy ghép và điều trị là số lượng tế bào gốc trong một đơn vị máu cuống rốn có hạn. Khi cần ghép tế bào gốc cho người trưởng thành với trọng lượng cơ thể lớn, cần yêu cầu kết hợp các đơn vị máu được hiến tặng từ những người tình nguyện để tăng số lượng tế bào gốc cần thiết. Tuy nhiên, sự kết hợp này có thể chịu ảnh hưởng do chất lượng tế bào không đồng đều bởi vì các mẫu máu được huy động từ các ngân hàng máu cuống rốn khác nhau có sự khác biệt trong quy trình quản lí chất lượng mẫu và thiết bị.

5. Ngân hàng máu cuống rốn

Hiện nay, có rất nhiều ngân hàng máu cuống rốn được thành lập để có thể tiếp nhận, bảo quản, lưu trữ và vận chuyển tốt nhất đối với nguồn tế bào gốc gửi vào. Có hai loại ngân hàng máu cuống rốn chính: Công lập và tư nhân.

5.1. Ngân hàng máu cuống rốn công lập

Ngân hàng máu cuống rốn công lập lưu trữ máu cuống rốn để cấy ghép cho người bệnh khi có nhu cầu mà không thu phí dịch vụ. Một số ngân hàng máu cuống rốn công lập sẽ lưu trữ máu cuống rốn để hiến tặng trực tiếp nếu bạn có một thành viên trong gia đình mắc bệnh cần điều trị bằng tế bào gốc.

Người hiến máu cuống rốn cho các ngân hàng máu công lập phải được sàng lọc cẩn thận các rối loạn về máu, hệ miễn dịch hoặc các vấn đề khác.

5.2. Ngân hàng máu cuống rốn tư nhân

Ngân hàng máu cuống rốn tư nhân thực hiện lưu trữ máu cuống rốn nhằm phục vụ nhu cầu từ phía khách hàng. Các ngân hàng sinh học tư nhân thu chi phí lưu trữ hàng năm.

Máu được lưu trữ trong ngân hàng máu cuống rốn tư nhân được đánh giá các tiêu chuẩn giống như trong ngân hàng máu công lập.

6. Ý nghĩa của việc hiến máu và lưu trữ máu cuống rốn?

Sẽ rất ý nghĩa nếu bạn có thể hiến máu cuống rốn cho ngân hàng máu cuống rốn

  • Bổ sung máu cuống rốn vào nguồn cung để làm đa dạng và phong phú nguồn máu, sẵn sàng giúp đỡ cho những bệnh nhân đang tìm kiếm cơ hội sống. Điều này đặc biệt quan trọng đối với cư dân các dân tộc thiểu số, khi họ chưa có điều kiện tiếp cận để tự lưu trữ máu cuống rốn.
  • Góp phần làm giảm áp lực cho các trung tâm y tế và cả người nhà người bệnh nhân khi có nhu cầu điều trị bằng liệu pháp tế bào gốc.
  • Nguồn cung đối máu cuống rốn hiện nay còn rất hạn chế do lợi ích của MCR chưa được phổ biến rộng rãi.
  • Nếu bạn có con mắc bệnh cần được cấy ghép tế bào gốc máu cuống rốn, thì việc hiến máu dây rốn từ anh chị em ruột của bé được khuyến khích thực hiện.
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe