Hệ tiêu hóa là một hệ thống phức tạp và vô cùng thiết yếu khi giúp chuyển hóa thức ăn thành năng lượng và dưỡng chất cần thiết cho cơ thể hoạt động. Hãy cùng tham khảo qua bài viết này để hiểu rõ cách hoạt động của hệ tiêu hóa để tăng sức khỏe tổng thể, phòng ngừa các bệnh liên quan và đưa ra những lựa chọn thực phẩm phù hợp với cơ thể.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Đồng Xuân Hà - Phó trưởng khoa Khám bệnh và Nội khoa - Khoa Nội Soi Tiêu Hoá - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
1. Chức năng của hệ tiêu hóa là gì?
Hệ tiêu hóa đóng vai trò quan trọng trong cơ thể, thực hiện các chức năng như tiêu hóa, phân giải và hấp thụ dinh dưỡng từ thức ăn. Tuy nhiên, hệ tiêu hóa vẫn có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi nhiều vấn đề khác nhau như hội chứng ruột kích thích, viêm loét dạ dày tá tràng, viêm túi thừa và những tổn thương có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng khác. Do đó, việc duy trì sức khỏe tiêu hóa thông qua chế độ ăn uống và lối sống là điều vô cùng quan trọng.
2. Cấu tạo và chức năng của các cơ quan trong hệ tiêu hóa
2.1 Miệng
Đường tiêu hoá bắt đầu ở miệng. Quá trình hoạt động của hệ tiêu hóa bắt đầu ngay khi thức ăn được đưa vào. Việc nhai thức ăn tạo ra các mảnh nhỏ, hỗ trợ quá trình tiêu hóa, đồng thời nước bọt kết hợp với thức ăn để bắt đầu phân hủy tinh bột thành các chất đường đơn.
2.2 Họng
Sau khi qua miệng, thực phẩm di chuyển tiếp vào cổ họng trước khi tiếp tục xuống thực quản.
Trắc nghiệm: Làm thế nào để bảo vệ lá gan khỏe mạnh?
Làm test trắc nghiệm kiểm tra hiểu biết về gan có thể giúp bạn nhận thức rõ vai trò quan trọng của gan, từ đó có các biện pháp bảo vệ gan để phòng ngừa bệnh tật.2.3 Thực quản
Thực quản là một ống cơ kéo dài từ hầu họng đến dạ dày, đưa thức ăn xuống dạ dày thông qua các đợt co thắt, được gọi là nhu động. Cơ vòng thực quản dưới nằm ở điểm giữa thực quản và dạ dày đóng vai trò một cái “van" có nhiệm vụ ngăn thức ăn từ dạ dày trào ngược lên thực quản.
2.4 Dạ dày
Dạ dày được mô tả như một cơ quan giống túi, với các cơ mạnh mẽ. Nhiệm vụ chính của dạ dày không chỉ là lưu giữ thức ăn mà còn là trộn lẫn thức ăn với axit và enzyme từ dạ dày tiết ra để phân hủy các protein phức tạp. Khi thức ăn rời khỏi dạ dày, sẽ được chuyển đổi thành chất lỏng hoặc bột nhão và sẵn sàng di chuyển đến ruột non.
2.5 Ruột non
Ruột non có độ dài khoảng sáu mét và là phần quan trọng nhất của quá trình tiêu hóa thức ăn. Tại đây, thức ăn tiếp tục được phân hủy bằng các enzyme từ tuyến tụy và mật từ gan. Mật là các hợp chất giúp tiêu hóa chất béo và loại bỏ các sản phẩm thải từ máu.
Nhu động ruột đóng vai trò quan trọng trong việc di chuyển thức ăn dọc theo ruột non và trộn lẫn thức ăn với các dịch tiêu hóa. Tá tràng chịu trách nhiệm chính trong việc tiếp tục quá trình phân hủy thức ăn, trong khi hỗng tràng và hồi tràng là nơi chính để hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thức ăn vào máu.
Ba cơ quan chính đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa thức ăn của dạ dày và ruột non bao gồm:
- Tuyến tụy: Trong quá trình tiêu hoá thức ăn, tuyến tụy có chức năng sản xuất và tiết ra enzyme vào ruột non để phân hủy protein, chất béo và carbohydrate trong thức ăn.
- Gan: Gan đóng vai trò quan trọng trong tiêu hóa bằng cách tiết dịch mật và lọc máu để hấp thụ các chất dinh dưỡng từ ruột non.
- Túi mật: Túi mật có hình quả lê, nằm dưới gan, chứa dịch mật được sản xuất bởi gan. Trong quá trình tiêu hóa, khi cần phải lưu trữ, dịch mật từ gan sẽ được di chuyển đến túi mật thông qua ống mật. Khi ăn, túi mật sẽ co bóp để đẩy dịch mật xuống ruột non.
2.6 Đại tràng (Ruột già)
Đại tràng là một ống cơ dài, có chiều dài từ 1,5 đến 1,8 mét, nối giữa manh tràng (phần đầu tiên của ruột già) và trực tràng (phần cuối của ruột già). Đại tràng bao gồm các phần sau: manh tràng, đại tràng phải, đại tràng ngang, đại tràng xuống và đại tràng sigma.
Tại đây, phân và các chất thải khác từ giai đoạn tiêu hóa sẽ được chuyển tới đại tràng nhờ nhu động ruột, lúc bắt đầu ở trạng thái lỏng và sau đó trở thành dạng rắn khi nước được lấy ra khỏi phân. Thông thường, mất khoảng 36 giờ để phân đi qua đại tràng.
Thành phần chính của phân chủ yếu là mảnh vụn thức ăn và vi khuẩn. Các vi khuẩn này thực hiện nhiều chức năng hữu ích như tổng hợp các loại vitamin khác nhau, xử lý chất thải và cặn lắng thức ăn, cũng như bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn có hại.
2.7 Trực tràng
Trực tràng có chiều dài khoảng 20cm, là phần kết nối giữa đại tràng và hậu môn. Nhiệm vụ chính của trực tràng là nhận phân từ đại tràng và kích thích các dây thần kinh truyền đến vỏ đại não, gửi tín hiệu cảm giác muốn đi đại tiện.
Sau đó, bộ não sẽ quyết định liệu cần đi đại tiện hay không. Nếu cần, cơ vòng sẽ giãn ra để phân được đẩy ra khỏi cơ thể. Trong trường hợp không cần thiết, cơ thắt và trực tràng sẽ điều chỉnh lại để cảm giác muốn đi vệ sinh tạm thời biến mất.
2.8 Hậu môn
Hậu môn là phần cuối cùng của hệ tiêu hóa, nơi kết thúc hành trình của thức ăn. Hậu môn được tạo thành bởi các cơ sàn chậu và hai cơ thắt hậu môn, mỗi cơ thắt phụ trách một vai trò riêng biệt (cơ bên trong và cơ bên ngoài).
Nhiệm vụ chính của hậu môn không chỉ là lưu trữ và loại bỏ phân, mà còn là sản xuất dịch nhầy giúp phân di chuyển một cách dễ dàng ra khỏi cơ thể và hấp thụ nước.
3. Tại sao hệ tiêu hóa lại quan trọng như vậy?
Hệ tiêu hóa đóng vai trò quan trọng trong cung cấp chất dinh dưỡng như protein, chất béo, carbohydrate, vitamin, khoáng chất và nước, giúp cơ thể duy trì hoạt động bình thường và phát triển khỏe mạnh.
Ngoài ra, hệ tiêu hóa phân giải chất dinh dưỡng thành các phần nhỏ, giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ và sử dụng chúng làm năng lượng, cũng như hỗ trợ quá trình hình thành và sửa chữa tế bào. Cụ thể như:
- Protein được phân giải thành axit amin.
- Chất béo được phân giải thành axit béo và glycerol.
- Carbohydrate được phân giải thành đường đơn.
4. Hệ tiêu hóa thường gặp vấn đề gì?
Thỉnh thoảng, cơ thể có thể xuất hiện các triệu chứng tiêu chảy, táo bón hoặc ợ nóng, những vấn đề này thường không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu xuất hiện với tần suất thường xuyên hơn, mọi người cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, vì đây có thể là dấu hiệu của các rối loạn hoặc bệnh lý tiêu hóa nghiêm trọng.
Các vấn đề tiêu hóa thường gặp bao gồm:
- Táo bón: Phân khô cứng, khó đi tiêu và có thể gây đau đớn.
- Tiêu chảy: Phân lỏng hoặc chảy nước, thường do vi khuẩn gây nên.
- Chứng ợ nóng: Cảm giác nóng rát ở vùng ngực, cổ họng, thường do axit dạ dày trào ngược lên thực quản.
- Bệnh trĩ: Sưng tĩnh mạch bên trong và ngoài hậu môn, trực tràng, gây đau và chảy máu trực tràng.
- Viêm dạ dày ruột: Bệnh nhiễm trùng dạ dày và phần trên của ruột non, thường do virus.
- Viêm loét dạ dày – tá tràng: Vết loét hình thành trên niêm mạc dạ dày, thực quản hoặc ruột non, thường do nhiễm vi khuẩn hoặc lạm dụng thuốc chống viêm.
- Sỏi mật: Tinh thể rắn hình thành trong túi mật.
- Hội chứng ruột kích thích (IBS): Cơ đại tràng co thắt ít hơn hoặc nhiều hơn bình thường, gây đau bụng và đầy hơi.
- Không dung nạp Lactose: Không thể tiêu hóa lactose, gây đau bụng, đầy hơi khi uống sữa.
- Viêm túi thừa: Xảy ra ở đại tràng.
- Ung thư: Ung thư ở dạ dày, thực quản, đại trực tràng, tuyến tụy, gan…
- Bệnh Crohn: Bệnh viêm ruột mạn tính gây kích ứng đường tiêu hóa.
5. Cách tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa
Dưới đây là một số cách bảo vệ hệ tiêu hóa khỏe mạnh:
- Uống nước thường xuyên: Nước giúp thức ăn di chuyển dễ dàng qua hệ tiêu hóa và ngăn chặn tình trạng táo bón. Việc thiếu nước là một trong những nguyên nhân chính gây ra táo bón.
- Bổ sung chất xơ vào chế độ ăn uống: Chất xơ hỗ trợ sự hoạt động của hệ tiêu hóa và giúp cơ thể đi đại tiện đều đặn. Kết hợp chất xơ hòa tan và không hòa tan từ thực phẩm hàng ngày để duy trì sức khỏe tiêu hóa.
- Dinh dưỡng cân bằng: Ăn nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, và tránh thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, đường, thịt đỏ. Điều này giúp cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể và duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
- Sử dụng men vi sinh: Probiotics giúp bảo vệ đường ruột khỏi vi khuẩn có hại, đặc biệt quan trọng sau khi sử dụng kháng sinh.
- Ăn chậm và nhai kỹ: Ăn uống chậm và nhai kỹ giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn hiệu quả hơn, hỗ trợ quá trình hấp thụ dưỡng chất.
- Tập thể dục: Hoạt động thể chất thường xuyên giúp thức ăn di chuyển dễ dàng qua hệ tiêu hóa.
- Tránh rượu và hút thuốc: Rượu có thể gây tăng axit trong dạ dày, gây ra các vấn đề như ợ nóng và trào ngược axit, hút thuốc lá cũng dẫn đến nguy cơ trào ngược axit tăng gấp đôi.
- Kiểm soát căng thẳng: Căng thẳng có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề như táo bón, tiêu chảy và hội chứng ruột kích thích.
6. Thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa
Chế độ ăn uống hàng ngày có tác động trực tiếp đến hoạt động của hệ tiêu hóa. Dưới đây là một số loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe tiêu hóa:
- Gừng: Gừng có tính chất chống viêm và giúp kích thích sự tiêu hóa, giảm cảm giác khó chịu trong dạ dày và ruột.
- Chất béo không bão hòa: Chất béo không bão hòa, như dầu olive và dầu hạt lúa mạch, giúp làm dịu dạ dày và hỗ trợ quá trình tiêu hóa.
- Khoai tây: Khoai tây chứa nhiều chất xơ, giúp tăng cường chuyển hóa và hỗ trợ sự di chuyển của thức ăn qua đường ruột.
- Đậu: Các loại đậu như đậu nành, đậu đen, đậu xanh chứa nhiều chất xơ và protein, giúp cân bằng hệ tiêu hóa.
- Trái cây: Trái cây tươi giàu chất xơ và nước, giúp tăng cường sự di chuyển của thức ăn trong đường ruột và hỗ trợ tiêu hóa.
- Sữa chua: Sữa chua chứa probiotics, giúp cân bằng vi sinh vật trong ruột và hỗ trợ quá trình tiêu hóa.
- Rau lá xanh: Rau lá xanh như rau cải, rau chân vịt cung cấp chất xơ và các dưỡng chất cần thiết cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Hệ tiêu hoá đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cơ thể, có tác dụng tiêu hoá thức ăn thành dưỡng chất, giúp cơ thể có đủ dinh dưỡng để sản xuất năng lượng, phát triển và sửa chữa tế bào. Chính vì thế, chúng ta cần phải chủ động trong việc bảo vệ sức khoẻ tiêu hoá bằng cách ăn uống và sinh hoạt khoa học, kiểm tra sức khoẻ định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề của hệ thống tiêu hoá.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.