Công dụng và liều dùng của thuốc Depakine

Thuốc Depakine là một loại thuốc được sử dụng trong điều trị động kinh và một số bệnh lý khác. Vậy thuốc Depakine là thuốc gì và thuốc Depakine có tác dụng gì?

1. Thuốc Depakine có tác dụng gì?

Thuốc Depakine có thành phần chính là Valproate sodium là thuốc chống động kinh, có tác dụng chủ yếu trên hệ thần kinh trung ương. Thực nghiệm và lâm sàng cho thấy thuốc Depakine có 2 kiểu tác dụng chống co giật:

  • Tác dụng trực tiếp của thuốc Depakine liên quan đến nồng độ valproate trong huyết tương và trong não.
  • Tác dụng gián tiếp của thuốc Depakine thông qua các chất chuyển hóa của valproate trong não bằng cách tác động đến các chất trung gian dẫn truyền thần kinh hoặc tác động trực tiếp trên màng tế bào. Giả thuyết thường được nhiều người chấp nhận nhất hiện nay là giả thuyết về GABA (g-amino butyric acide) theo đó sau khi dùng valproate sodium có hiện tượng tăng tỷ lệ GABA. Thuốc Depakine làm giảm các giai đoạn trung gian của giấc ngủ cùng với sự gia tăng giấc ngủ chậm.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Depakine

Thuốc Depakine được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Động kinh toàn thể hay từng phần.
  • Cơn vắng ý thức (cơn nhỏ).
  • Rung giật tăng trương lực (cơn lớn).
  • Rung giật cơ.
  • Mất trương lực.
  • Phối hợp.
  • Từng phần với các triệu chứng đơn giản hay phức tạp.
  • Thứ phát toàn thể hóa.
  • Các thể hỗn hợp.
  • Co giật do sốt cao ở trẻ em.
  • Trẻ nhũ nhi hoặc trẻ nhỏ có nguy cơ cao và đã có ít nhất một cơn co giật.
  • Tic ở trẻ em.

Chống chỉ định của thuốc Depakine gồm có:

  • Viêm gan cấp.
  • Viêm gan mạn.
  • Tiền sử gia đình có người bị viêm gan nặng, nhất là viêm gan do thuốc.
  • Quá mẫn với valproate sodium.
  • Porphyria.

Thuốc Depakine có thành phần chính là Valproate sodium là thuốc chống động kinh
Thuốc Depakine có thành phần chính là Valproate sodium là thuốc chống động kinh

3. Tương tác thuốc Depakine với các loại thuốc khác

Ảnh hưởng của thuốc Depakine lên các loại thuốc khác:

  • Các thuốc an thần kinh, ức chế MAO, chống trầm cảm: Thuốc Depakine làm tăng hiệu quả các loại thuốc này, do đó phải giảm liều các thuốc này khi sử dụng chung.
  • Phenobarbital: Thuốc Depakine làm tăng nồng độ phenobarbital. Cần theo dõi lâm sàng trong 15 ngày đầu khi phối hợp hai loại thuốc này và giảm liều phenobarbital khi có triệu chứng an thần.
  • Primidone: Thuốc Depakine làm tăng nồng độ của primidone và làm tăng tác dụng phụ của loại thuốc này, cần theo dõi lâm sàng và chỉnh liều khi cần thiết.
  • Phenytoin: Thuốc Depakine làm tăng nồng độ phenytoin toàn phần trong huyết tương và phenytoin tự do.
  • Lamotrigine: Thuốc Depakine làm giảm chuyển hóa lamotrigine, vì vậy cần phải chỉnh liều khi sử dụng chung hai loại thuốc này.

Ảnh hưởng của các thuốc khác với thuốc Depakine:

  • Phenobarbital, carbamazepine, phenytoin làm giảm nồng độ của valproate, do đó phải giảm liều thuốc Depakine theo nồng độ trong huyết tương khi điều trị phối hợp.
  • Thuốc Mefloquine làm tăng chuyển hóa thuốc Depakine và có tác dụng gây động kinh.
  • Khi sử dụng phối hợp thuốc Depakine với các chất gắn kết protein mạnh như aspirin sẽ làm tăng nồng độ valproate tự do.
  • Nồng độ valproate tăng (do làm giảm chuyển hóa tại gan) khi dùng phối hợp thuốc Depakine với thuốc erythromycin hoặc cimétidine.

4. Tác dụng phụ của thuốc Depakine

Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng thuốc Depakine, đó là:

  • Bệnh gan
  • Nguy cơ gây quái thai.
  • Viêm tụy.
  • Trạng thái lú lẫn và co giật.
  • Một số bệnh nhân có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa khi khởi đầu điều trị như: Buồn nôn, đau dạ dày, các triệu chứng này mất sau vài ngày điều trị mà không cần phải ngưng thuốc.
  • Một vài tác dụng phụ thoáng qua và phụ thuộc liều thuốc Depakine như là: Rụng tóc, giảm tiểu cầu, run rẩy với biên độ nhỏ, tăng amoniac máu nhưng không có sự thay đổi các xét nghiệm sinh hóa về gan.
  • Giảm nồng độ fibrinogen, kéo dài thời gian chảy máu mà thường không có biểu hiện trên lâm sàng.
  • Giảm tiểu cầu, thiếu máu, giảm bạch cầu hay giảm cả 3 dòng máu.
  • Tăng cân, mất kinh hoặc kinh nguyệt không đều.

Bệnh gan là tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng thuốc Depakine
Bệnh gan là tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng thuốc Depakine

5. Liều dùng của thuốc Depakine

Liều hàng ngày của thuốc Depakine thay đổi tùy theo tuổi và cân nặng của từng bệnh nhân. Liều tối ưu của thuốc Depakine được xác định dựa vào đáp ứng của bệnh nhân trên lâm sàng.

Trong trường hợp không kiểm soát được cơn động kinh hoặc nghi ngờ có tác dụng ngoài ý khi sử dụng thuốc Depakine thì việc đo nồng độ acide valproique trong huyết tương góp phần theo dõi, nồng độ thuốc hiệu quả trong huyết thanh trong khoảng 40-100 mg/l (300-700 mmol/l).

Khi bệnh nhân chưa sử dụng một loại thuốc chống động kinh nào khác thì liều dùng khởi đầu thuốc Depakine là liều thấp và tăng dần lên mỗi 2-3 ngày để đạt được liều tối đa trong 1 tuần.

Khi bệnh nhân đã sử dụng một loại thuốc động kinh khác trước đó, việc thay đổi thuốc cần phải được thực hiện từ từ. Liều thuốc Depakine tối ưu sẽ đạt được trong khoảng 2 tuần, trong khi đó thuốc cũ sẽ được giảm dần trước khi dừng hẳn. Có thể sử dụng phối hợp thuốc Depakine với các thuốc chống động kinh khác khi cần.

Liều khởi đầu của thuốc Depakine thường là 10-15 mg/kg/ngày và tăng dần đến liều tối ưu. Liều tối ưu thường là khoảng 20 - 30mg/kg/ngày. Tuy nhiên, nếu không thể kiểm soát được cơn động kinh với liều này, bác sĩ có thể tăng liều lên đến trên 50 mg/kg và bệnh nhân phải được theo dõi cẩn thận.

Với trẻ em thì liều thông thường là 30 mg/kg/ngày. Khi sử dụng quá liều sẽ có các triệu chứng như: Hôn mê từ nhẹ đến sâu, giảm trương lực cơ, đồng tử co nhỏ, giảm phản xạ, giảm tự chủ hô hấp. Trường hợp này cần được đưa đến bệnh viện ngay lập tức để rửa dạ dày, gây lợi tiểu thẩm thấu, kiểm soát tim mạch và hô hấp; chạy thận nhân tạo hoặc thay máu khi nặng.

Thuốc Depakine là một loại thuốc được sử dụng trong điều trị động kinh và một số bệnh lý khác. Để đảm bảo hiệu quả điều trị, người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe