Vai trò của siêu âm khớp vai

Khớp vai là khớp lớn của cơ thể, do đó các bệnh lý liên quan đến cơ quan này cũng rất đa dạng. Để chẩn đoán chính xác căn bệnh này bệnh nhân cần được chẩn đoán hình ảnh bằng phương pháp siêu âm.

1. Giải phẫu khớp vai

Trước khi tìm hiểu về phương pháp siêu âm khớp vai, chúng ta cần nắm sơ lược về cấu trúc giải phẫu của bộ phận này. Khớp vai là một khớp lớn đóng vai trò chủ chốt trong việc duy trì chức năng vận động cũng như quyết định độ linh hoạt của hầu hết vận động của cơ thể. Vị trí giải phẫu của khớp vai là nằm giữa đầu trên xương cánh tay và hố ổ chảo của xương bả vai. Do là khớp lớn nên bộ phận này có nguy cơ gặp chấn thương cao nhất.

Giải phẫu khớp vai bao gồm những cấu trúc sau:

  • Phần xương:
    • Xương cánh tay: Đây là phần xương lớn nhất của khớp vai, phần đầu hình tròn như quả bóng để kết nối với phần lõm vào của xương bả vai;
    • Xương bả vai: Có hình tam giác với nhiệm vụ kết nối xương đòn và xương cánh tay với các bộ phận phía trước;
    • Xương đòn: Đóng vai trò giữ ổn định cho các chuyển động của khớp vai. Vị trí của xương đòn là kéo dài từ xương ức đến mỏm cùng của xương bả vai;
  • Các khớp:
    • Khớp ức-đòn: Nối xương ức với xương đòn. Khớp ức-đòn cho phép xương đòn di chuyển và hỗ trợ cho nhiều hoạt động của cơ thể;
    • Khớp cùng vai-đòn: Kết nối mỏm cùng của xương bả vai với đầu ngoài của xương đòn;
    • Khớp vai-lồng ngực: Là khớp kết nối bả vai với lồng ngực phía sau;
    • Khớp Acromioclavicular: Cấu tạo từ xương bả vai và xương đòn. Khớp này là trung tâm phục vụ cho các hoạt động của cánh tay, đặc biệt là động tác nâng cánh tay qua khỏi đầu;
    • Khớp Glenohumeral: Kết nối xương cánh tay và xương bả vai. Vai trò của khớp này là quyết định mức độ xoay tròn của cánh tay và các động tác di chuyển lên xuống dọc theo thân mình;
  • Hệ thống dây chằng:
    • Dây chằng quạ-cánh tay: Đây được xem là dây chằng khỏe nhất của khớp vai, bắt đầu từ mỏm quạ xương bả vai chạy xuống chia làm 2 bám vào củ lớn và củ bé của xương cánh tay;
    • Các dây chằng ổ chảo-cánh tay: Bao gồm dây chằng trên, dưới và giữa, xuất phát từ ổ chảo xương vai đến xương cánh tay. Điểm yếu nhất của khớp vai nằm trong khoảng dây chằng giữa và dây chằng dưới khi chỏm xương cánh tay dễ bị trật ra trước hoặc vào trong;
    • Dây chằng quạ-mỏm cùng vai: Đây thực chất là một dãy xơ kết nối giữa mỏm cùng vai và mỏm quạ, qua đó tạo thành vòm mỏm cùng. Đây là dây chằng lớn nhất có thể khảo sát được qua siêu âm khớp vai.

2. Tìm hiểu về kết quả siêu âm khớp vai

Các phương pháp cận lâm sàng như siêu âm khớp vai đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán tình trạng bệnh lý tại khớp vai, đặc biệt là tình trạng thoái hóa khớp. Siêu âm khớp vai được xem là một phương tiện chẩn đoán hình ảnh mang giá trị chẩn đoán cao các bệnh lý như chấn thương phần mềm, chấn thương gân cơ (như bong gân hoặc rách).

Việc ứng dụng sóng âm tần số cao đã giúp phương pháp siêu âm khớp vai có khả năng khảo sát và tái tạo hình ảnh của người bệnh. Do đó, chỉ định siêu âm khớp vai đang ngày càng được mở rộng để các bác sĩ chuyên khoa có thêm bằng chứng để chẩn đoán chính xác các vấn đề liên quan đến khớp quan trọng này.

Khi thực hiện kỹ thuật siêu âm khớp vai, bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân duy trì ở tư thế ngồi thấp hơn bác sĩ. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể được bác sĩ yêu cầu thực hiện một số động tác trong quá trình thực hiện để có được hình ảnh siêu âm khớp vai chính xác nhất. Bác sĩ thực hiện sẽ sử dụng một đầu dò siêu âm đặc biệt phát ra sóng âm tần số phù hợp, qua đó có thể khảo sát ở cả 2 bên vai, trong đó thường bắt đầu từ bên lành hoặc bên vai có ít triệu chứng hơn.

Kết quả siêu âm khớp vai cung cấp cho bác sĩ những hình ảnh của gân chóp xoay và ngoài chóp xoay (bao gồm gân cơ nhị đầu, gân cơ trên gai, dưới gai, gân dưới vai hay gân cơ tròn bé), các khớp (bao gồm khớp cùng vai-đòn, khớp ổ chảo-cánh tay hoặc khớp ức đòn) và các dây chằng nằm trong ổ khớp.

3. Chỉ định của phương pháp siêu âm khớp vai

3.1. Siêu âm khớp vai trong chẩn đoán bệnh

Kỹ thuật siêu âm khớp vai được xem là một công cụ chẩn đoán hình ảnh hỗ trợ hiệu quả trong việc chẩn đoán một số vấn đề liên quan khớp vai như sau:

  • Đau nhức ở vùng vai: Đặc điểm là các đau cơn tăng dần, bệnh nhân cảm giác đau nhói khó chịu, đặc biệt đau tăng khi thay đổi thời tiết, ấn vào sẽ thấy đau tại một số điểm nhất định;
  • Sưng phù khớp vai;
  • Va chạm hoặc vận động vùng vai xuất hiện cảm giác đau nhói;
  • Khó khăn khi cử động cánh tay;
  • Cơ quanh khớp vai bị co rút hoặc teo;
  • Những trường hợp chấn thương trực tiếp hoặc gián tiếp vùng khớp vai;
  • Theo dõi kết quả điều trị sau khi thực hiện phẫu thuật khớp vai;
  • Các vấn đề liên quan đến hình dạng của khớp vai như: dị dạng, dị tật bẩm sinh;
  • Kiểm tra bất thường của phần dây chằng quanh khớp;
  • Các trường hợp khác có nghi ngờ liên quan đến khớp vai như có khối u, tràn dịch ổ khớp, lắng đọng tinh thể hoặc có dị vật...

3.2. Siêu âm khớp vai trong điều trị bệnh

Bên cạnh việc hỗ trợ chẩn đoán, những hình ảnh siêu âm khớp vai thu được còn được xem là một phương pháp điều trị một số bất thường sau:

  • Hỗ trợ điều trị chấn thương hoặc viêm vùng khớp vai;
  • Điều trị thông qua kết quả siêu âm khớp vai trong một số bệnh lý như: viêm bao hoạt dịch, viêm bao khớp, viêm gân...
  • Kết quả siêu âm khớp vai sẽ hỗ trợ, dẫn đường cho bác sĩ khi cần chọc hút dịch từ ổ khớp hoặc sinh thiết.

4. Ưu điểm của siêu âm khớp vai là gì?

Thực tế cho thấy, các phương pháp siêu âm nói chung đều đóng vai trò rất quan trọng trong tất cả các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, đặc biệt là khi chẩn đoán các bệnh do chấn thương mô mềm, tình trạng rách hoặc bong gân, cơ.

Việc sử dụng sóng âm sẽ giúp xây dựng, tái tạo hình ảnh siêu âm khớp vai với các cấu trúc bên trong. Qua đó sẽ hỗ trợ đắc lực cho các bác sĩ trong công tác thăm khám và điều trị bệnh.

Siêu âm khớp vai có một số ưu điểm như sau:

  • Với độ phân giải cao, kết quả siêu âm khớp vai sẽ có được ngay lập tức, từ đó cho phép bác sĩ xác định tương đối chính xác các tổn thương mô mềm quanh khớp, đánh giá vị trí và kích thước của các cấu trúc quanh khớp, từ đó phát hiện sớm các trường hợp dị dạng, sai lệch, sưng, tấy...;
  • Chẩn đoán phân biệt được nhiều biểu hiện khác nhau bằng các thông số như độ dày mỏng của túi hoạt dịch, lớp dịch tụ dưới các lớp dây chằng hay tình trạng tụ dịch quanh đầu dây gân nhị đầu... Kết quả cuối cùng là siêu âm khớp vai giúp bác sĩ đưa ra những quyết định phù hợp trong việc chẩn đoán chính xác cũng như xác định giai đoạn của bệnh;
  • Chi phí siêu âm khớp vai không quá cao;
  • Siêu âm khớp vai là phương pháp khám động, không xâm nhập, không gây đau và không liên quan đến tia xạ. Do đó bệnh nhân có thể yên tâm về độ an toàn của kỹ thuật siêu âm khớp vai;
  • Đối với kỹ thuật siêu âm khớp vai, người bệnh không cần phải chuẩn bị gì trước khi thực hiện;
  • Siêu âm khớp vai đóng vai trò như một công cụ giúp hướng dẫn can thiệp sâu để điều trị bệnh lý.

Tuy nhiên, một số lưu ý dành cho bác sĩ là kết quả siêu âm khớp vai còn phụ thuộc vào tay nghề của bác sĩ thực hiện, bên cạnh đó là mức độ hiệu quả của hệ thống thiết bị máy móc. Vì thế, khi bệnh nhân có những dấu hiệu của các bệnh lý khớp vai thì nên đến nhanh chóng các địa chỉ y tế uy tín để thăm khám, siêu âm khớp vai để chẩn đoán các bệnh lý và từ đó có hướng điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

127 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan