Các chấn thương cổ tay thường gặp khi chơi thể thao, sinh hoạt

Chấn thương cổ tay là một tình trạng thường gặp trong khi chơi thể thao hoặc trong sinh hoạt hằng ngày. Tình trạng chấn thương này xảy ra đột ngột khi bị uốn cong hay vặn xoắn quá tầm, bàn tay lật ngang và hướng ra ngoài do té ngã hoặc lặp đi lặp lại một động tác xấu. Chấn thương cổ tay khiến cho bệnh nhân đau nhức kèm theo bầm tím, sưng to, yếu cơ và giảm khả năng cầm nắm, thậm chí có thể bị biến dạng cổ tay.

1. Chấn thương cổ tay là gì?

Chấn thương cổ tay là một trong những loại chấn thương thường gặp nhất, đặc biệt là khi chơi thể thao và sinh hoạt. Chấn thương cổ tay là sự sai lệch vị trí của các xương thuộc cổ tay hoặc các tổn thương vùng gân, cơ khiến cho khớp cổ tay bị mất đi tính ổn định sau té ngã hoặc một cú va đập mạnh. Ngoài ra, chấn thương cổ tay cũng có thể tiến triển từ những thói quen xấu trong sinh hoạt. Đối với các trường hợp này, mức độ nghiêm trọng tăng dần theo thời gian, cơn đau không đột ngột mà âm ỉ kéo dài.

Chấn thương ở cổ tay khi chơi thể thao thường là những vận động viên ở các môn cần vận động cổ tay nhiều như bóng chuyền, đấu kiếm, bóng bàn, tennis, đấu vật, cầu lông,... Người mới bắt đầu chơi thể thao mắc phải chấn thương thường do tập luyện sai kỹ thuật, không khởi động trước khi tập hoặc khởi động không đúng cách. Khi thường xuyên tập luyện cường độ cao trong thời gian dài vượt quá giới hạn chịu đựng của khớp cổ tay thì vận động viên chuyên nghiệp cũng có thể bị chấn thương cổ tay.

Triệu chứng khi chấn thương cổ tay thường gặp đó là:

  • Đau âm ỉ cổ tay, khi cố gắng vận động đặc biệt là xoay cổ tay thì đau nhói.
  • Khi cầm nắm vật gì đó hoặc cố gắng xoay cổ tay cảm thấy có tiếng lạch cạch, đau đớn.
  • Vùng cổ tay yếu đi, vận động khó khăn hơn và khó cầm nắm.
  • Tại vị trí cạnh xương lồi của cổ tay đau nhiều, thẳng từ ngón áp út xuống.

2. Các loại chấn thương cổ tay thường gặp

Các loại chấn thương cổ tay thường gặp nhất đó là trật cổ tay và gãy cổ tay. Đối với trẹo cổ tay thì chỉ gây đau đớn, viêm sưng và dễ dàng điều trị. Tuy nhiên, đối với tình trạng gãy cổ tay cần can thiệp phẫu thuật thì chức năng tay khó có thể phục hồi lại như ban đầu. Các chấn thương cổ tay thường gặp khi chơi thể thao và trong sinh hoạt bao gồm:

2.1 Bong gân cổ tay

Bong gân cổ tay là một dạng chấn thương cổ tay thường gặp nhất. Chấn thương này xảy ra khi dây chằng cổ tay (nằm bên ngoài cổ tay hoặc nằm giữa cổ tay) bị kéo căng quá mức, rách một phần hoặc đứt hoàn toàn. Nguyên nhân bong gân ở cổ tay là khi bệnh nhân bị ngã đồng thời chống đỡ thân mình bằng bàn tay, cánh tay dang rộng, cổ tay uốn cong quá mức. Ngoài ra, đứt dây chằng hoặc giãn dây chằng cổ tay cũng có thể xảy ra trong khi chơi các môn thể thao làm tăng áp lực lên cổ tay và tai nạn giao thông.

Khi bong gân cổ tay, bệnh nhân sẽ có những dấu hiệu sau:

  • Đau nhức đột ngột, mức độ trở nên nghiêm trọng sau chấn thương. Đau tăng lên khi nâng cao tay hoặc nắm chặt tay, mức độ đau thường giảm sau vài ngày.
  • Bầm tím
  • Sưng cổ tay
  • Cứng khớp, yếu khớp
  • Giảm tính linh hoạt và sức mạnh của bàn tay
  • Khó thực hiện những động tác ở bàn tay như cầm nắm đồ vật
  • Sờ thấy ấm ở cổ tay
chấn thương cổ tay
Bong gân là chấn thương cổ tay thường gặp

2.2 Trật khớp cổ tay

Trật khớp cổ tay là một dạng chấn thương phổ biến ở cổ tay. Chấn thương này thể hiện cho tình trạng những xương ở cổ tay bị lệch ra khỏi vị trí bình thường làm mất đi tính ổn định, sai khớp đi kèm theo biến dạng khớp, cảm giác đau nhức trở nên nghiêm trọng. Nguyên nhân trật khớp cổ tay là khi người bệnh ngã trong tư thế chống đỡ cơ thể bằng bàn tay và cổ tay dang rộng. Điều này khiến cho một trong số các dây chằng cổ tay bị tổn thương hoặc rách và làm mất tính liên kết giữa các xương.

Với chấn thương khi lao động, khi tham gia giao thông hoặc chơi một số môn thể thao tiếp xúc như đấu vật, bóng bầu dục, bóng chuyền,... cũng có thể gây ra trật khớp cổ tay. Dấu hiệu nhận biết chấn thương trật khớp cổ tay bao gồm:

  • Đau đớn dữ dội
  • Đau tăng lên khi di chuyển cổ tay
  • Bầm tím và sưng tấy
  • Thấy da cổ tay mềm khi ấn hoặc sờ vào
  • Cứng khớp ngón tay và cổ tay
  • Hạn chế phạm vi cử động
  • Cổ tay biến dạng
  • Xuất hiện cảm giác ngứa ở các ngón tay, có thể do chèn ép dây thần kinh. Triệu chứng này thường phổ biến hơn ở ngón trỏ, ngón giữa và ngón cái.

2.3 Gãy cổ tay

Gãy cổ tay là biểu hiện một hoặc nhiều xương ở cổ tay bị nứt hoặc bị gãy. Tình trạng này thường xảy ra khi bệnh nhân dùng tay đỡ cơ thể trong khi ngã, đồng thời tư thế tiếp đất mạnh trên một bàn tay phẳng và đang dang rộng. Đặc biệt, những người chơi các môn thể thao tiếp xúc như đá bóng, trượt ván,... và những người bị loãng xương sẽ có nguy cơ gãy xương cao hơn.

Khi bị gãy cổ tay, bệnh nhân cần được đưa tới bệnh viện càng sớm càng tốt. Với các trường hợp không điều trị hoặc điều trị chậm, xương cũng có thể tự lành theo hướng không thẳng hàng và lệch với cấu trúc ban đầu. Vì vậy, điều này sẽ dẫn đến chức năng của cổ tay và bàn tay bị suy giảm.

Những triệu chứng và dấu hiệu nhận biết gãy cổ tay bao gồm:

  • Đau nhức dữ dội và đột ngột
  • Cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn khi di chuyển bàn tay hoặc cổ tay, khi nắm chặt tay.
  • Cổ tay sưng tấy và bầm tím
  • Biến dạng rõ ràng, thường thấy nhất đó là cổ tay cong
  • Mất tính ổn định của cổ tay
chấn thương cổ tay
Gãy cổ tay là biểu hiện một hoặc nhiều xương ở cổ tay bị nứt hoặc bị gãy

2.4 Hội chứng De Quervain

DeQuervain là một trong những hội chứng chấn thương cổ tay có biểu hiện viêm một hoặc cả hai gân kiểm soát các cử động của ngón tay cái và các bao gân liên quan. Chấn thương cổ tay này gây ra cho người bệnh cảm thấy đau nhức bên ngoài cổ tay, giảm tính linh hoạt khi cử động ngón cái. Cơn đau thường nghiêm trọng hơn khi xoay cổ tay, cử động ngón tay cái hoặc khi nắm chặt bàn tay.

Nguyên nhân gây ra hội chứng DeQuervain chưa rõ ràng. Tuy nhiên, hội chứng DeQuervain có liên quan đến những động tác lặp đi lặp lại, chấn thương trong lao động, khi chơi thể thao hoặc khi lái xe, các bệnh thấp khớp.

Ngoài đau cổ tay, khó cử động ngón tay cái thì hội chứng DeQuervain còn gây ra những triệu chứng sau:

  • Đau một bên cổ tay
  • Cơn đau có thể lan rộng đến ngón cái và cẳng tay
  • Co thắt
  • Cảm giác nóng bỏng ở bàn tay đôi khi có xuất hiện
  • Sưng tấy ở phía ngón cái
  • Khó nắm chặt tay

2.5 Viêm gân ECU

Viêm gân ECU (Extensor carpi ulnaris) là dạng chấn thương gân kín gây nên viêm sưng đoạn gân chạy dọc phía sau cổ tay. Tình trạng này phát triển từ những động tác gập và vặn cổ tay lặp đi lặp. Đối với những nhóm đối tượng khác, viêm gân ECU hay gặp ở những người chơi bóng rổ, quần vợt hoặc một số môn thể thao tương tự. Những dấu hiệu nhận biết tình trạng bệnh như:

  • Sưng bao gân khiến da căng bóng
  • Khi sờ hoặc ấn vào vị trí có gân ECU chạy ngang cảm thấy mềm
  • Đau nhức nhiều chuyển từ hướng cổ tay sang bên ngón út
  • Cần hạn chế những chuyển động ở cổ tay

3. Chẩn đoán chấn thương cổ tay

Chấn thương cổ tay được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng bên ngoài, sức cơ, khả năng vận động và tiền sử chấn thương của người bệnh. Ngoài ra, để xác minh rõ hơn về mức độ nghiêm trọng và điều trị đúng cách, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định thêm một vài kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh. Bao gồm:

  • Chụp X-quang: Kỹ thuật này giúp bác sĩ xác định được chính xác vị trí và mức độ nghiêm trọng của vết nứt/ gãy cổ tay.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp cộng hưởng từ sẽ tạo ra hình ảnh ba chiều về cấu trúc khớp và các mô mềm ở cổ tay, bàn tay và các ngón tay. Điều này giúp xác định được chính xác loại chấn thương cổ tay.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Kỹ thuật này tạo ra hình ảnh cắt lớp giúp bác sĩ dễ dàng trong việc tìm kiếm các chấn thương nhỏ. Ngoài ra, kiểm tra biến chứng sau gãy xương, hỗ trợ lập phác đồ điều trị thích hợp.
  • Siêu âm cổ tay: Siêu âm được chỉ định khi có chấn thương ở cổ tay. Kỹ thuật này sẽ giúp kiểm tra những bất thường trong cổ tay và xác định nguyên nhân gây đau.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu chỉ được thực hiện khi có nguy cơ gãy cổ tay làm tăng khả năng nhiễm trùng.

Đối với chụp X-quang, MRI, CT và xét nghiệm máu thường ít được chỉ định hơn. Những kỹ thuật này được chỉ định khi chấn thương trở nên nặng hơn hoặc có một số vấn đề tiềm ẩn không thể xác định được bằng hình ảnh X-quang thông thường.

chấn thương cổ tay
Chấn thương cổ tay được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng bên ngoài

4. Phòng ngừa chấn thương cổ tay

Có thể phòng ngừa chấn thương cổ tay bằng nhiều biện pháp khác nhau, cụ thể:

  • Sử dụng dụng cụ bảo vệ cổ tay: khi chơi những bộ môn thể thao mạo hiểm hoặc tiếp xúc như trượt patin, khúc côn cầu, trượt ván,... Bạn cần dùng dụng cụ bảo vệ cổ tay. Nếu bạn bị trượt hoặc ngã thì dụng cụ này sẽ bảo vệ cổ tay bạn khỏi trầy xước và gãy xương.
  • Nên vận động cổ tay thường xuyên: Nếu phải lặp lại những chuyển động ở cổ tay (dùng dụng cụ điện, làm việc trên dây chuyền lắp ráp, gõ bàn phím,...), bạn cần duy trì nắn bóp, xoay đều và nhẹ nhàng uốn cong cổ tay theo nhiều hướng. Biện pháp này sẽ giúp các bộ phận trong cổ tay được thư giãn, tăng độ dẻo dai cho dây chằng, tăng cường sức cơ và độ chắc khỏe cho xương.
  • Chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng: Cần bổ sung thêm canxi, vitamin D và protein thông qua chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Những thành phần dinh dưỡng này sẽ giúp duy trì xương khớp chắc khỏe, tăng cường sức cơ, hạn chế loãng xương và chấn thương trong tương lai. Ngoài ra, bạn cũng nên bổ sung thêm chất chống oxy hóa, vitamin hoặc nhiều khoáng chất khác để cân bằng dinh dưỡng, cơ thể và hệ xương khỏe mạnh.
  • Khởi động: trước khi chơi thể thao bạn nên khởi động các động tác để cải thiện tính linh hoạt, kéo giãn dây chằng và hạn chế chấn thương.

Chấn thương cổ tay là một tình trạng thường gặp trong khi chơi thể thao hoặc trong sinh hoạt hằng ngày. Tình trạng này xảy ra đột ngột khi bị uốn cong hay vặn xoắn quá tầm, bàn tay lật ngang và hướng ra ngoài do té ngã hoặc lặp đi lặp lại một động tác xấu. Các loại chấn thương cổ tay thường gặp đó là bong gân cổ tay, trật khớp cổ tay, gãy cổ tay,... Chấn thương cổ tay khiến cho bệnh nhân đau nhức kèm theo bầm tím, sưng to, yếu cơ và giảm khả năng cầm nắm thậm chí có thể bị biến dạng cổ tay. Do vậy, khi có những dấu hiệu bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và có biện pháp can thiệp phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

31.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan