Bóng rổ là bộ môn đối kháng với cường độ thi đấu rất cao được nhiều người lựa chọn tập luyện và thi đấu vì tính linh hoạt và hấp dẫn của bộ môn. Tuy nhiên, với việc phải vận động ở cường độ cao liên tục, lại là môn thể thao có tiếp xúc gần nên chấn thương khi chơi bóng rổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
1. Các nhóm cơ phải vận động khi chơi bóng rổ
Mỗi vận động viên tham gia bóng rổ đều phải phối hợp nhiều nhóm cơ khi tham gia thi đấu. Đây chính là các nhóm cơ dễ chấn thương khi chơi bóng rổ, chủ yếu liên quan đến chạy, nhảy cao, dừng lại và xuất phát, chuyền, bắt bóng,...
Khi di chuyển sang 2 bên hoặc cúi người để giữ nóng, các cầu thủ phải hạ thấp hông như tư thế ngồi xổm, lúc này cơ đùi và mông là các cơ tham gia nhiều nhất. Trong khi đó các động tác nhảy, tranh bóng, bật nhảy cản bóng đòi hỏi sự tham gia của bắp chân, gân khoeo và cơ tứ đầu đùi.
Khi tấn công ghi bàn hay chuyền bóng thì liên quan nhiều tới hoạt động của tay và vai, nhất là cơ tam đầu quyết định khả năng ném bóng xa hay cơ ngực và lưng cũng liên quan đến vận động này. Các vùng cơ ở giữa cơ thể như bụng, hông, lưng dưới cũng chịu trách nhiệm cho việc thay đổi hướng và thực hiện những cú cắt bóng dứt khoát giúp tạo ra các thế phòng thủ ổn định và tạo ra sự cân bằng tổng thể giúp di chuyển dễ dàng.
2. Các chấn thương trong bóng rổ thường gặp
Những chấn thương bóng rổ thường gặp có thể kể đến như:
Chấn thương bàn chân và mắt cá chân:
- Bong gân mắt cá chân xảy ra khi vận động viên xoay mắt cá chân đột ngột gây kéo căng và rách một hoặc nhiều dây chằng mắt cá chân. Chấn thương này dẫn tới sưng đau, hạn chế vận động của mắt cá;
- Điều trị cơ bản của chấn thương này là nghỉ ngơi, chườm đá, băng ép và nâng chân lên cao. Nếu sau thời gian dài vẫn không hết thì cần chụp X-quang và kiểm tra các chấn thương đi kèm.
Chấn thương cơ lõi (hông, đùi):
- Một chấn thương phổ biến trong bóng rổ là vết bầm tím ở đùi được gây ra bởi việc khuỷu tay hay đầu gối đối phương va chạm vào đùi người chơi, nặng hơn có thể là viêm gân cơ tứ đầu;
- Điều trị cơ bản tương tự như bong gân mắt cá chân, suy khi giảm triệu chứng cần tập nhẹ với vật lý trị liệu để người chơi trở nên linh hoạt trở lại.
Chấn thương đầu gối:
- Chấn thương đầu gối là một trong những chấn thương phổ biến nhất ở cầu thủ bóng rổ, nguyên nhân chủ yếu là do áp lực lên khớp gối quá lớn dẫn tới liên kết xương bánh chè kém, ảnh hưởng đến bề mặt khớp phía sau xương bánh chè;
- Cách phòng ngừa chủ yếu loại chấn thương này là sử dụng dụng cụ bảo vệ đầu gối khi tham gia chơi bóng rổ.
Chấn thương cổ tay và bàn tay:
- Ngón tay bị kẹt lại khi chuyền, bắt bóng hay tranh cướp đều là chấn thương phổ biến trong bóng rổ;
- Điều trị chủ yếu là chườm đá, băng ngón tay bị thương và ngón bên cạnh để giúp cố định ngón tay mau lành hơn, giúp cầu thủ tiếp tục chơi nếu vết thương không quá nghiêm trọng.
3. Phòng ngừa chấn thương khi chơi bóng rổ như thế nào?
Những biện pháp được khuyến cáo để giảm thiểu nguy cơ chấn thương khi chơi bóng rổ gồm có:
- Khởi động kỹ trước khi tham gia thi đấu hay tập luyện;
- Đảm bảo khả năng kiểm soát, nhận thức, tốc độ, sức mạnh, sức bền và sự nhanh nhẹn;
- Mang giày chơi bóng rổ có đế chống trượt;
- Áp dụng kỹ thuật tốt;
- Làm sạch sân trước khi thi đấu, kiểm tra các điểm trơn trượt hoặc các mảnh vỡ;
- Đeo băng nén bảo vệ, hỗ trợ cơ khớp khi tập luyện cũng như thi đấu.
Trên đây là cảnh báo về chấn thương khi chơi bóng rổ thường gặp. Hi vọng những thông tin trên có thể tạo thói quen nhằm hạn chế chấn thương và nâng cao khả năng thi đấu của bạn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.