Bị thọt chân có thể chữa được không?

Tình trạng 2 chân không đều nhau, khiến dáng đi khập khiễng có thể là do mắc một bệnh lý nghiêm trọng. Tuy nhiên, đa số trường hợp là do những chấn thương khiến chân bị còi, teo cơ khiến 2 bên phát triển không đều. Hiện tại phương pháp khắc phục chứng thọt chân vẫn có, tuy nhiên giá thành cao khiến nhiều bệnh nhân khó tiếp cận.

1. Lý do bị thọt chân, 2 chân không đều nhau?

1.1. Chấn thương do gãy chân, té ngã

Nếu bệnh nhân bị gãy xương chân một bên và không có phương án điều trị, xử lý kịp thời, theo thời gian sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của khung xương và khiến 2 chân không đều nhau. Tình trạng này càng nặng hơn nếu xương chân gãy thành nhiều mảnh hoặc tổn hại các mô cơ.

Một điều bất ngờ là xương bị gãy không có nghĩa là sẽ làm xương bạn còi cọc đi mà vẫn có thể phát triển lớn bất thường trong quá trình lành xương.

1.2. Chấn thương do chơi thể thao

Việc tham gia các trò chơi mạo hiểm, vận động thể thao mạnh có thể dẫn đến chấn thương và làm tổn thương xương chân, khiến 2 chân không đều nhau. Ở mức độ nặng hơn, người chơi có thể bị rạn, nứt xương, chấn thương cột sống nghiêm trọng. Các trò chơi mạo hiểm nhiều rủi ro có thể kể đến: Đu dây, leo núi, nhảy cao...

Đối với trẻ em, chấn thương trong khi chơi thể thao có thể kìm hãm sự phát triển của các chi. Tình trạng chấn thương sẽ làm sụn tăng trưởng của trẻ phát triển thành xương cứng khi đến tuổi trưởng thành, khiến trẻ chậm phát triển.

Các môn thể thao có thể khiến xương dễ bị chấn thương dẫn đến còi cọc hoặc làm 2 chân không đều nhau là: Bóng đá, bóng chày, trượt ván, trượt tuyết...

1.3. Hoạt động tay chân quá mức

Khi chơi thể thao hoặc tham gia các hoạt động hàng ngày, bạn không nên lạm dụng và tạo sức ép lên 1 bên tay/chân quá mức vì có thể gây căng thẳng mãn tính. Ví dụ như khi chơi nhảy sào hoặc quần vợt chỉ sử dụng 1 bên tay hoặc 1 bên chân; bốc vác, bưng bê vật nặng chỉ ở một bên vai... Những hoạt động này có thể khiến bạn bị trật khớp vai, bong gân, lệch người... gây ra tình trạng 2 tay hoặc 2 chân không đều nhau.

1.4. Tư thế ngồi không đúng

Những người có thói quen ngồi không đúng tư thế dễ có nguy cơ vẹo cột sống và khiến xương ở một bên chân bị lệch. Tình trạng này không gây tổn thương hay biến dạng xương nên người bệnh vẫn có thể khắc phục bằng cách rèn luyện tư thế ngồi đúng, tập thể dục thường xuyên để tự điều chỉnh lại dáng người và hình dạng của chân.

đi khập khiễng
Tư thế ngồi không đúng có thể khiến khiến xương ở một bên chân bị lệch và đi khập khiễng

1.5. Bệnh lý ảnh hưởng xương khớp

Các bệnh lý tác động đến hệ thần kinh trung ương (sốt bại liệt), tình trạng xuất hiện khối u ở xương, sụn phát triển, trật khớp háng bẩm sinh, lệch xương bánh chè... cũng có thể kìm hãm sự phát triển của xương và khiến 2 chân không đều nhau.

Phía trên là những nguyên nhân khiến 2 chân không đều nhau, người bệnh nên chú ý và nếu thấy dấu hiệu đi khập khiễng, tập tễnh thì cần đến khám tại chuyên khoa Xương khớp để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời.

2. Bị thọt chân có thể chữa được không?

Nếu bị thọt chân, 2 chân không đều nhau do di chứng sốt bại liệt, hiện nay căn bệnh này không chữa được bằng phẫu thuật chỉnh hình khu vực. Với sự tiến bộ của y học hiện đại, hướng điều trị triển vọng nhất là sử dụng các chân giả điện tử giúp hỗ trợ cơ năng vận động của chân. Tuy nhiên, thiết bị này có giá thành cao nên chưa được phổ biến rộng rãi cho mọi người. Bệnh nhân có thể khắc phục bằng cách dùng nạng, xe lăn hoặc xe máy 3 bánh để di chuyển tạm thời.

Đối với phụ nữ, nếu chưa thể chữa trị thì cũng không cần quá lo lắng vì phụ nữ bị thọt chân vẫn có thể mang thai bình thường. Tuy nhiên do đi lệch, khung chậu mất cân đối nên sẽ khó có thể đẻ thường, bác sĩ sẽ đề xuất chỉ định sinh con nhờ phẫu thuật để an toàn hơn cho cả mẹ lẫn con.

Nhìn chung, phần lớn nguyên nhân bị thọt chân, đi khập khiễng đều đến từ các nguyên nhân chấn thương, tai nạn. Do vậy bạn hãy luôn để ý xây dựng những thói quen đi đứng, di chuyển, mang vác đồ đạc hợp lý và cẩn trọng hơn khi tham gia những trò chơi hay môn thể thao mạo hiểm để tránh gặp phải những chấn thương không mong muốn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan