Tìm hiểu các huyệt bổ can thận

Huyệt đạo trên cơ thể giống như những vị thuốc nếu sử dụng đúng có thể phòng và điều trị bệnh rất hiệu quả. Các huyệt bổ can thận được dùng với tác dụng chữa các chứng bệnh do can thận hư, thận dương hư gây ra như mất ngủ, đau lưng, mỏi gối, cải thiện chức năng sinh lý,...

1. Tìm hiểu chứng can thận hư theo đông y

Can và thận là hai tạng trong ngũ tạng của cơ thể. Tình trạng can thận hư có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, một số chứng theo đông ý gồm:

  • Thận âm hư: Triệu chứng đau đầu, chóng mặt, ù tai, mất ngủ, miệng khô, ra mồ hôi trộm, đau lưng, mỏi gối, tiểu tiện ngắn, đỏ, tiểu đêm, di tinh... Nguyên nhân gây ra chứng thận âm hư do mất tân dịch (dịch trong cơ thể), người cao tuổi, do tiên thiên bất túc, dương thịnh làm tổn thương thận âm,... Khi điều trị cần tư bổ thận âm.
  • Thận dương hư: Triệu chứng sắc mặt nhợt, tay chân lạnh, rụng tóc, sợ lạnh, tai ù, răng lung lay, lưng gối đau, tiểu ít, có thể phù thũng, tiểu đêm, tự ra mồ hôi, đại tiện lỏng, rối loạn chức năng sinh lý. Nguyên nhân gây ra do hàn tà làm tổn thương dương khí, do tiên thiên thận dương hư, người cao tuổi, phòng dục quá độ... Phương điều trị là ôn bổ thận dương.
  • Thận âm dương lưỡng hư: Triệu chứng sắc mặt nhợt nhạt, rụng tóc, răng đau, khô miệng, sợ lạnh, chi lạnh, di tinh, tiểu đêm nhiều lần. Nguyên nhân gây ra do lớn tuổi, bệnh lâu ngày, tình chí thất thường... Khi điều trị dùng pháp bổ dương, tư bổ thận âm.
  • Can thận âm hư: Triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, hay quên, mất ngủ, họng khô, gò má đỏ, lòng bàn tay đỏ, ngực nóng, đau hai bên mạn sườn, lưng gối mỏi đau, nam giới thì di tinh, nữ thì kinh nguyệt ít. Nguyên nhân gây bệnh do tân dịch suy giảm, huyệt hư, người già chức năng tạng phủ suy, thường xuyên căng thẳng,...
các huyệt bổ thận
Các huyệt bổ thận giúp điều trị một số bệnh lý thường gặp

2. Cách bấm các huyệt bổ can thận

Y Học Cổ Truyền dùng các huyệt đạo giống như các vị thuốc ngay trên cơ thể để điều trị các chứng bệnh. Các huyệt liên quan đến thận có thể dùng để bồi bổ can thận thường được dùng trên thực hành lâm sàng để điều trị các chứng can thận hư, thận âm hư, thận dương hư hay thận âm dương lưỡng hư, các huyệt bổ can thận bao gồm:

  • Huyệt khí hải

Vị trí nằm trên đường trắng giữa, từ rốn đo xuống dưới khoảng 1,5 thốn. Khi bấm vào huyệt đạo này sẽ có công dụng bổ thận, ích khí, lưu thông khí huyết. Dùng để chữa các chứng thận hư gây ra rối loạn chức năng sinh lý, tiểu tiện không thông, tiểu đêm. Dùng ngón tay bấm và day vòng quanh huyệt, từ 2 đến 3 phút.

  • Huyệt quan nguyên

Vị trí nằm trên đường trắng giữa thuộc mạch nhâm, ở phía dưới rốn khoảng 3 thốn. Khi bấm huyệt đạo này sẽ giúp điều hòa khí huyết, tráng dương, bổ thận, ích tinh khí. Dùng điều trị thận dương hư tổn. Cách ấn tương tự như huyệt khí hải.

  • Huyệt mệnh môn

Mệnh môn hay còn được gọi là mệnh môn hoả, là vị trí chứa dương khí của cơ thể. Huyệt nằm ở vị trí giữa khe cột sống thắt lưng 2 và 3, nằm trên mạch đốc. Huyệt mệnh môn có tác dụng bổ thận, bổ dương khí, trị rối loạn cương dương. Nên cứu huyệt này khi có những biểu hiện của thận dương hư.

  • Huyệt thận du

Từ vị trí huyệt mệnh môn đo theo chiều ngang sang 1,5 thốn. Huyệt thận du là một trong các huyệt bổ can thận, khi bấm huyệt đạo này sẽ mang tới tác dụng bổ tinh, ích thủy, kiện gân cốt, điều thận khí, bổ thận tinh, còn giúp điều trị hiệu quả tình trạng đau mỏi lưng. Có thể tự bấm huyệt thận du để bồi bổ thận, nếu có các biểu hiện của dương hư thì nên cứu bằng điếu ngải.

  • Huyệt can du

Khe giữa đốt sống ngực 9 và 10 đo ngang sang 1,5 thốn. Đây là huyệt nằm trên kinh bàng quang và có tác dụng bổ can huyết, bổ can đởm, thông chỗ tắc. Để điều trị tình trạng suy chức năng tạng can gây ra hoa mắt chóng mặt, miệng đắng, họng khô. Bấm huyệt bằng cách đưa tay ra sau lưng, xác định huyệt rồi ấn vào huyệt sẽ có cảm giác căng tức.

các huyệt bổ can thận
Các huyệt bổ can thận trong có có huyệt can du

  • Huyệt tam âm giao

Nằm tại phần lõm phía sau của xương chày, từ bờ trên mắt cá chân trong đo lên 3 thốn, bằng chiều ngang của 4 ngón tay 2,3,4,5. Huyệt là vị trí giao của 3 đường kinh âm tại chân gồm kinh âm là túc thái âm tỳ, túc thiếu âm thận, túc quyết âm can cho nên gọi là tam âm giao. Huyệt có tác dụng dưỡng âm, bồi bổ can thận âm, điều hòa tạng phủ và an thần. Dùng hai đầu ngón tay cái xác định và bấm huyệt tam âm dao, có thể giữ nguyên hay day vòng tròn theo chiều kim đồng hồ.

  • Huyệt thái xung

Huyệt thái xung là huyệt nguyên của đường kinh túc quyết âm can, nằm tại vị trí khe giữa ngón chân 1 và 2 đo lên 1,5 thốn. Huyệt có tác dụng bình can, hoạt huyết, thanh can tả hỏa. Giúp điều trị các chứng can âm hư can dương vượng lên gây ra chứng hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn,... Dùng ngón tay cái ấn một lực vừa phải vào huyệt từ 2 đến 3 phút.

  • Huyệt Thái khê

Huyệt nguyên của đường kinh túc thiếu âm thận, vị trí nằm ở giữa bờ sau mắt cá chân trong và mép trong của gân gót. Khi được tác động đúng cách sẽ có tác dụng tráng dương, tư bổ thận âm, kiện gân cốt. Dùng ngón tay cái để xác định đúng vị trí, rồi dùng một lực vừa phải ấn và day theo chiều kim đồng hồ khoảng 2 đến 3 phút.

  • Huyệt dũng tuyền

Để xác định vị trí của huyệt cần chia đoạn nối giữa ngón 2 của bàn chân với mặt trí giữa bờ sau của gót chân thành 5 phần bằng nhau. Huyệt được xác định là tại vị trí 2⁄5 trước và 3⁄5 sau trước gan bàn chân. Huyệt đạo này có tác dụng bổ thận, ích tinh tủy, phục hồi sức khỏe, cải thiện giấc ngủ. Bạn có thể châm cứu hoặc dùng ngón tay để ấn một lực đủ để tác động tới huyệt, rồi giữ khoảng 1 đến 2 phút, nên tiếp tục lập lại thêm một lần.

Hiện nay, các huyệt bổ can thận để chữa các chứng bệnh can thận hư gây ra được ứng dụng phổ biến. Có thể bấm các huyệt bổ thận hàng ngày hoặc theo liệu trình để gia tăng sức khỏe can thận. Tuy nhiên bạn cần lưu ý một số trường hợp không nên bấm huyệt như vừa uống rượu, cơ thể quá no hay quá đói, tâm trạng không ổn định, quá suy nhược, phụ nữ mang thai. Đặc biệt, không nên tự ý bấm huyệt hoặc khi bấm huyệt phải có hướng dẫn và theo dõi của thầy thuốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

20.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan