Rối loạn dự trữ glycogen type 3

Bài được viết bởi Bác sĩ Đỗ Phước Huy - Bác sĩ tư vấn di truyền - Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

Bệnh dự trữ glycogen loại III (còn được gọi là bệnh GSD III hoặc bệnh Cori) là một rối loạn di truyền gây ra bởi sự tích tụ của một loại đường phức tạp gọi là glycogen trong các tế bào của cơ thể. Glycogen tích lũy là bất thường về cấu trúc và làm suy giảm chức năng của một số cơ quan và mô, đặc biệt là gan và cơ.

1. Thông tin chung

Rối loạn dự trữ glycogen type 3 (GSD 3) (OMIM #232400) là một rối loạn di truyền gây ra do sự thiếu hụt enzyme tham gia trong quá trình chuyển hóa glycogen. Rối loạn dự trữ glycogen type 3 lần đầu được mô tả bởi Cori và Forbes lần lượt vào năm 1952 và 1953. Các bệnh nhân được mô tả glycogen trong cơ và gan đều có sự bất thường.

Rối loạn dự trữ glycogen type 3 do sự khiếm khuyết glycogen debranching enzyme (có tác dụng biến đổi glycogen thành glucose). Hệ quả là glycogen không được biến đổi hoặc biến đổi một phần (tạo thành một chất tạm gọi là “limit dextrin”) và tích trữ trong các tế bào gan, cơ (bao gồm cả cơ tim).

Bệnh nhân rối loạn dự trữ glycogen type 3 có 2 thể: GSD 3a (liên quan cả cơ và gan) và GSD 3b (chỉ ảnh hưởng gan). Trong đó, rối loạn dự trữ glycogen thể 3a gặp trong 85% số trường hợp.

Rối loạn dự trữ glycogen
Sơ đồ chuyển hóa glycogen thành glucose và tác động của enzyme glycogen debranching: AGL transferase và glucosidase.

2. Lâm sàng của rối loạn dự trữ glycogen type 3

Tuổi khởi phát trung bình của rối loạn dự trữ glycogen type 3 là từ 0 – 12 tháng tuổi. Các triệu chứng biểu hiện thường gặp nhất là gan to (98%), hạ đường huyết (53%), chậm phát triển (49%) và nhiễm trùng tái phát (17%). Các triệu chứng và dấu hiệu của GSD III có thể nhầm lẫn với GSD loại I khi mà lượng glycogen trong gan và cơ cao bất thường.

Một đứa trẻ điển hình bị rối loạn dự trữ glycogen type 3 có vóc dáng thấp bé, nồng độ đường huyết thấp sau ăn, không đáp ứng với hormone glucagontăng lipid máu. Hạ đường huyết thường kèm theo tăng ceton và thông qua nồng độ ceton máu có thể báo trước hạ đường huyết. Bệnh nhân rối loạn dự trữ glycogen type 3 cũng có thể gặp khó khăn trong việc chống lại các tác nhân viêm nhiễm và tình trạng chảy máu cam thường được báo cáo. Cơ tim phì đại thường gặp ở những người bị rối loạn dự trữ glycogen type 3a và có thể xuất hiện từ thời thơ ấu. Tuy nhiên, ở hầu hết trẻ em, chức năng tim vẫn trong giới hạn bình thường. Trẻ em bị rối loạn dự trữ glycogen type 3 thường chậm phát triển, tuy nhiên, chiều cao khi trưởng thành thường vẫn bình thường.

Ở tuổi trưởng thành, các biểu hiện bệnh ở gan thường giảm dần nhưng có thể tiến triển thành xơ gan (thường gặp hơn so với các nhóm rối loạn dự trữ glycogen khác) và ung thư biểu mô tế bào (Hepatocellular carcinoma). Đối với triệu chứng cơ, thường nặng hơn theo thời gian dù có quản lý chế độ ăn chặt chẽ. Các triệu chứng về cơ trầm trọng vào khoảng 30 – 40 tuổi. Các nhóm cơ bị ảnh hưởng nhiều là nhóm cơ gốc chi. Một số người bị ảnh hưởng có thể hầu như không có triệu chứng ngoài gan to lúc nhỏ.

Các triệu chứng khác được ghi nhận như loãng xương, buồng trứng đa nang (buồng trứng đa nang trong rối loạn dự trữ glycogen type 3 ít ảnh hưởng chức năng sinh sản) nhưng không đặc hiệu.

3. Xét nghiệm di truyền cho nhóm rối loạn dự trữ glycogen type 3

Tính tới thời điểm hiện tại, hầu hết các đột biến gen AGL được báo cáo là gây bệnh hoặc có thể gây bệnh trên ClinVar đều nằm trên vùng exon hoặc vùng splicing. Với các xét nghiệm gen khảo sát mức độ exon và vùng gần exon có thể phát hiện được các đột biến gen liên quan nhóm rối loạn dự trữ glycogen type 3 này. Ngoài ra, có khoảng <5% đột biến liên quan đến những mất lặp đoạn gen AGL gây ra rối loạn dự trữ glycogen type 3 và cần thực hiện các xét nghiệm như định lượng PCR, multiplex ligation-dependent probe amplification (MLPA) và chromosomal microarray (CMA).

Hiện nay, xét nghiệm giải trình tự gen thế hệ mới (NGS) cho phép khảo sát nhiều gen và nhiều vùng của gen một lúc. Trong bệnh lý rối loạn dự trữ glycogen type 3, do đột biến chủ yếu xảy ra ở vùng mã hóa (exon) và vùng nối (splicing site) nên các xét nghiệm giải trình tự gen vùng mã hóa như WES có thể đáp ứng được nhu cầu này, cũng như giúp chẩn đoán phân biệt với các nhóm bệnh lý khác trong nhóm rối loạn dự trữ glycogen.

4. Điều trị với nhóm rối loạn dự trữ glycogen type 3

Điều trị rối loạn dự trữ glycogen
Để điều trị rối loạn dự trữ glycogen type 3 bạn cần kiểm soát chế độ ăn uống.

Điều trị chủ yếu trong nhóm rối loạn dự trữ glycogen type 3 là kiểm soát chế độ ăn uống. Tương tự như điều trị rối loạn dự trữ glycogen type 1 là một chế độ ăn giàu đạm và sử dụng tinh bột bắp, đối với các bệnh nhân rối loạn dự trữ glycogen type 3 có thể sử dụng các loại đường như fructose và galactose. Lượng protein hàng ngày được khuyến nghị là ± 3 - 4 gam mỗi kg thể trọng mỗi ngày và nên được chia đều trong ngày. Có thể cho trẻ ăn nhẹ trước khi đi ngủ giúp duy trì đường huyết lúc ngủ. Ghép gan chỉ được chỉ định cho những bệnh nhân xơ gan nặng, rối loạn chức năng gan và/ hoặc ung thư gan (ung thư biểu mô tế bào gan).

Theo dõi đường huyết trong khoảng từ 2 giờ sáng đến 4 giờ sáng hoặc đo xeton trong nước tiểu khi thức dậy ít nhất vài lần mỗi tháng giúp xác định và kiểm soát chế độ ăn tốt hơn đặc biệt tránh hạ đường huyết ở những giai đoạn đặc biệt trong ngày (lúc trẻ ngủ).

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

794 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec