Unfortunately, the content on this page is not available in
English.
Please press continue to read the content in Vietnamese.
Thank you for your understanding!
Tổng quan bệnh Ung thư tuyến nước bọt
Khối u tuyến nước bọt là loại khối u hiếm gặp có ở trong tuyến nước bọt tại khoang miệng. Khối u tuyến nước bọt có thể bắt đầu ở bất kỳ tuyến nước bọt nào trong miệng, cổ hoặc cổ họng của người bệnh. Các tuyến nước bọt có chức năng tạo ra nước bọt, hỗ trợ tiêu hóa, giữ cho miệng của bạn ẩm và bảo vệ răng khỏe mạnh.
Về cấu tạo của tuyến nước bọt gồm có 3 đôi tuyến lớn là tuyến mang tai, tuyến dưới hàm và tuyến dưới lưỡi. Đơn vị cấu tạo của tuyến là nang tuyến, một số nang tuyến hợp lại thành tiểu thuỳ, giữa các tiểu thuỳ có xen kẽ tổ chức liên kết mỏng. Số lượng, thành phần và độ pH của nước bọt thay đổi theo tuổi và hàng loạt các bệnh tại chỗ và cơ quan tiêu hoá. Khi có rối loạn phản xạ thần kinh thì sự tiết nước bọt theo phản xạ có điều kiện sẽ mất cân bằng dẫn đến giảm hoặc tăng tiết. Các tuyến nước bọt tham gia tích cực nhiều quá trình, chức năng quan trọng như: Tiêu hoá thức ăn, bài tiết, điều tiết môi trường miệng, chống quá trình lên men, viêm nhiễm.
Ở tuyến nước bọt và xung quanh có thể phát triển các quá trình bệnh lý khác nhau mà hình ảnh lâm sàng tuỳ thuộc vào vị trí, tính chất phát triển của loại bệnh ấy. Khối u tuyến nước bọt thường xảy ra nhất ở tuyến mang tai, chiếm gần 85% trong tất cả các khối u tuyến nước bọt và khoảng 25% là ung thư tuyến nước bọt dưới hàm. Điều trị khối u tuyến nước bọt thường liên quan đến phẫu thuật, nhưng để điều trị ung thư, ngoài phẫu thuật ra còn bao gồm xạ trị và hóa trị.
Vậy ung thư tuyến nước bọt có lây hay không khi việc tiếp xúc với người bệnh qua ăn chung và thậm chí là hôn, sẽ có chi tiết ở bài viết bên dưới.
Nguyên nhân bệnh Ung thư tuyến nước bọt
Các khối u tuyến nước bọt là rất hiếm, chiếm ít hơn 10% của tất cả các khối u đầu và cổ. Hiện nay,các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân gây ra khối u tuyến nước bọt. Các bác sĩ cho biết ung thư tuyến nước bọt xảy ra khi ADN của một số tế bào trong tuyến nước bọt phát triển đột biến. Các đột biến này cho phép các tế bào phát triển và phân chia bất thường. Các tế bào bị đột biến tiếp tục sống trong khi các tế bào bình thường khác sẽ chết. Các tế bào này tích lũy tạo thành một khối u có thể xâm lấn mô gần đó. Các tế bào ung thư có thể vỡ ra và di căn đến các khu vực xa của cơ thể.
Triệu chứng bệnh Ung thư tuyến nước bọt
Các tuyến nước bọt chính nằm ở mỗi bên của khuôn mặt và bên dưới lưỡi. Một số dây thần kinh quan trọng và các cấu trúc khác chạy qua hoặc gần tuyến nước bọt và có thể bị ảnh hưởng bởi các khối u của tuyến nước bọt.
Các dấu hiệu và triệu chứng ung thư tuyến nước bọt bao gồm:
-
Có cục hoặc sưng trong miệng, má, hàm hoặc cổ
-
Đau ở miệng, má, hàm, tai hoặc cổ mà không đỡ
-
Có khác biệt giữa kích thước và / hoặc hình dạng của bên trái và bên phải của khuôn mặt hoặc cổ trước khi có khối u
-
Tê ở một phần khuôn mặt
-
Có yếu các cơ ở một bên mặt
-
Khó mở miệng rộng hơn
-
Có dịch bất thường chảy ra từ tai
-
Khó nuốt
Một số các dấu hiệu và triệu chứng trên cũng có thể được gây ra bởi các khối u tuyến nước bọt lành tính (không phải ung thư) hoặc do các nguyên nhân khác. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ vấn đề nào trong số này, điều quan trọng người bệnh phải gặp bác sĩ sớm nhất có thể để tìm và điều trị nguyên nhân nếu có.
Đường lây truyền bệnh Ung thư tuyến nước bọt
Bệnh ung thư tuyến nước bọt không lây truyền cho người khỏe mạnh thông qua bất kỳ con đường nào, kể cả ăn chung và hôn.
Đối tượng nguy cơ bệnh Ung thư tuyến nước bọt
Yếu tố rủi ro là bất cứ điều gì ảnh hưởng đến khả năng mắc bệnh như ung thư. Bệnh ung thư khác nhau thì có các nguy cơ khác nhau. Nếu một người có một yếu tố rủi ro hoặc thậm chí nhiều yếu tố rủi ro thì không có nghĩa là người đó chắc chắn sẽ mắc bệnh. Và nhiều người mắc bệnh có thể có ít hoặc không có yếu tố nguy cơ được biết đến từ trước. Một vài yếu tố nguy cơ đã được minh chứng là làm tăng nguy cơ phát triển ung thư tuyến nước bọt gồm:
-
Nguy cơ của tuyến nước bọt tăng lên khi tuổi càng tăng.
-
Ung thư tuyến nước bọt phổ biến ở nam giới hơn nữ giới.
-
Tiếp xúc với bức xạ. Điều trị bức xạ ở vùng đầu và cổ vì những lý do bệnh khác làm tăng nguy cơ ung thư tuyến nước bọt. Tiếp xúc tại nơi làm việc hoặc môi trường có một số chất phóng xạ cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến nước bọt.
-
Một số nghiên cứu cho thấy rằng những người làm việc với một số kim loại (bụi hợp kim niken) hoặc khoáng chất (bụi silic) và những người làm việc trong khai thác amiăng, hệ thống ống nước, sản xuất sản phẩm cao su và một số loại chế biến gỗ có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tuyến nước bọt ung thư, nhưng những mối liên quan này chưa chắc chắn.
-
Sử dụng thuốc lá và rượu bia. Thuốc lá và rượu bia có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư vùng đầu và cổ, nhưng chúng không liên quan chặt chẽ với ung thư tuyến nước bọt trong hầu hết các nghiên cứu.
-
Chế độ ăn. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chế độ ăn ít rau và nhiều chất béo động vật có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến nước bọt.
Phòng ngừa bệnh Ung thư tuyến nước bọt
Người khỏe mạnh nên tránh một số yếu tố nguy cơ có thể phòng ngừa được như thuốc lá, sử dụng rượu bia quá mức và chế độ ăn uống không lành mạnh... có thể làm giảm khả năng phát triển ung thư tuyến nước bọt, nhưng kết quả thì hiện này chưa khẳng định chắc chắn điều này. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định rằng khi thực hiện các điều này sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác, phổ biến hơn, cũng như nhiều bệnh khác.
Đối với những người làm việc trong một số ngành công nghiệp liên quan đến tăng nguy cơ ung thư tuyến nước bọt, thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bản thân có thể giúp giảm nguy cơ.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Ung thư tuyến nước bọt
Ung thư tuyến nước bọt không phổ biến do đó các bác sĩ không khuyên người bệnh xét nghiệm trừ khi có người bệnh có triệu chứng nghi ngờ. Tuy nhiên, vì vị trí của u ở nông, trong nhiều trường hợp ung thư tuyến nước bọt có thể được phát hiện sớm. Thông thường bệnh nhân, nha sĩ hoặc bác sĩ có thể nhận thấy một khối u trong một trong các tuyến nước bọt (thường ở hai bên mặt hoặc trong miệng), đặc biệt là ung thư tuyến nước bọt giai đoạn cuối. Kiểm tra các tuyến nước bọt để tìm khối u thường là một kỹ thuật thường quy của kiểm tra y tế và nha khoa nói chung. Tuy nhiên vẫn cần cảnh giác với các dấu hiệu và triệu chứng có thể của ung thư tuyến nước bọt và không bỏ qua chúng có thể giúp phát hiện sớm các bệnh ung thư này để khi điều trị có khả năng hiệu quả nhất.
Nếu người bệnh có các dấu hiệu hoặc triệu chứng có thể do khối u tuyến nước bọt gây ra, bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm để tìm hiểu xem nó có phải là ung thư hay bệnh khác. Nếu xác định là ung thư thì một số xét nghiệm khác có thể được thực hiện để tìm hiểu xem nó đã lan rộng chưa.
Tiền sử bệnh tật
-
Thông thường bước đầu tiên là bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh tật của người bệnh gồm các triệu chứng hiện tại, khi nào triệu chứng xuất hiện lần đầu tiên, các yếu tố nguy cơ có thể gây ung thư tuyến nước bọt và về sức khỏe chung của người bệnh.
-
Trong quá trình kiểm tra thể chất, bác sĩ sẽ kiểm tra cẩn thận miệng và các khu vực ở hai bên mặt và quanh tai và hàm. Bác sĩ sẽ sờ và tìm kiếm các hạch bạch huyết mở rộng (cục dưới da) ở cổ, vì đây có thể là dấu hiệu của ung thư lan rộng.
-
Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra tê hoặc yếu trên khuôn mặt của người bệnh (điều này có thể xảy ra khi ung thư lan vào dây thần kinh).
-
Nếu kết quả kiểm tra này là bất thường, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các chẩn đoán hình ảnh hoặc kiểm tra tai mũi họng.
Chẩn đoán hình ảnh
Các chẩn đoán hình ảnh sử dụng tia X, từ trường hoặc các hạt phóng xạ để tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể của người bệnh. Các chẩn đoán hình ảnh có thể được thực hiện vì một số lý do như giúp tìm ra khu vực đáng ngờ có thể là ung thư, ung thư có thể lan rộng đến đâu và liệu điều trị có hiệu quả hay không.
Chụp X-quang
Nếu có khối u hoặc sưng ở hàm, bác sĩ có thể yêu cầu chụp x-quang hàm và răng để tìm khối u. Nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, chụp X-quang ngực có thể được thực hiện để xem liệu ung thư đã lan đến phổi hay chưa. Điều này cũng cung cấp thông tin khác về tim và phổi của bạn có thể hữu ích nếu người bệnh được chỉ định phẫu thuật.
Chụp cắt lớp vi tính (CT hoặc CAT)
Chụp CT sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh cắt ngang chi tiết của cơ thể. Không giống như chụp X-quang thông thường, chụp CT có thể hiển thị chi tiết trong các mô mềm với kích thước, hình dạng và vị trí của khối u và có thể giúp tìm thấy các hạch bạch huyết phì đại có thể chứa tế bào ung thư. Nếu cần, chụp CT cũng có thể được sử dụng để tìm kiếm khối u ở các bộ phận khác của cơ thể.
Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Giống như chụp CT, chụp MRI tạo ra hình ảnh chi tiết của các mô mềm trong cơ thể. Nhưng quét MRI sử dụng sóng radio thay vì tia X. Năng lượng từ sóng vô tuyến được hấp thụ và sau đó được giải phóng tạo nên hình ảnh các mô cơ thể và một số bệnh nhất định. Và các hình ảnh ảnh được hiển thị rất chi tiết của các bộ phận của cơ thể trên máy tính. Chụp MRI có thể giúp xác định vị trí và phạm vi chính xác của khối u, đồng thời cho thấy bất kỳ hạch bạch huyết nào bị phì đại hoặc nếu các cơ quan khác có những điểm đáng ngờ, có thể là do sự lây lan của ung thư.
Sinh thiết
Các triệu chứng và kết quả kiểm tra hoặc xét nghiệm hình ảnh có thể gợi ý bạn bị ung thư tuyến nước bọt, nhưng chẩn đoán ung thư được thực hiện bằng cách lấy các tế bào từ khu vực bất thường và nhìn chúng dưới kính hiển vi để xác định chắc chắn đó có phải là tế bào ung thư hay không .
Các biện pháp điều trị bệnh Ung thư tuyến nước bọt
Phẫu thuật:
Phẫu thuật thường là phương pháp điều trị chính cho ung thư tuyến nước bọt. Ung thư có thể cắt bỏ được hay không phụ thuộc phần lớn vào mức độ phát triển của nó trong các cấu trúc lân cận, nhưng nó cũng phụ thuộc vào kỹ năng và kinh nghiệm của bác sĩ phẫu thuật. Nếu được điều trị bởi một bác sĩ phẫu thuật giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực ung thư tuyến nước bọt là cơ hội tốt nhất để loại bỏ hoàn toàn bệnh ung thư. Trong hầu hết các trường hợp, ung thư và một số hoặc tất cả các tuyến nước bọt xung quanh sẽ được loại bỏ. Mô mềm gần đó cũng có thể được lấy ra. Mục tiêu là không có tế bào ung thư ở các cạnh bên của khối u được loại bỏ. Nếu ung thư hoạt động mạnh có khả năng phát triển và lan rộng nhanh chóng hoặc nếu nó đã lan đến các hạch bạch huyết, các hạch bạch huyết từ cùng một bên cổ có thể được bóc tách.
Xạ trị:
Xạ trị sử dụng tia X hoặc hạt năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc làm chậm sự phát triển của chúng.
Liệu pháp xạ trị có thể được sử dụng khi:
-
Là phương pháp điều trị chính (một mình hoặc kết hợp với hóa trị liệu) đối với một số bệnh ung thư tuyến nước bọt không thể cắt bỏ bằng phẫu thuật vì kích thước hoặc vị trí của khối u hoặc nếu người bệnh không muốn phẫu thuật vì lý do cá nhân.
-
Sau phẫu thuật (một mình hoặc kết hợp với hóa trị liệu) để cố gắng tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào có thể bị bỏ lại để giúp giảm nguy cơ ung thư phát triển trở lại.
-
Ở những người bị ung thư tuyến nước bọt tiến triển để làm giảm với các triệu chứng như đau, chảy máu hoặc khó nuốt
Hóa trị:
Hóa trị là điều trị bằng thuốc chống ung thư được truyền vào tĩnh mạch hoặc bằng đường uống. Những loại thuốc khi vào máu và đến tất cả các khu vực của cơ thể, làm cho phương pháp điều trị này hữu ích đối với các bệnh ung thư đã di căn ra khỏi đầu và cổ. Hóa trị liệu thường không được sử dụng để điều trị ung thư tuyến nước bọt.
Đối với những người bị ung thư tuyến nước bọt, hóa trị thường được sử dụng khi ung thư đã di căn đến các cơ quan ở xa hoặc trong trường hợp không thể kiểm soát được bằng phẫu thuật và xạ trị. Hóa chất có chức năng thu nhỏ các khối u, nhưng nó không có khả năng chữa khỏi loại ung thư này. Một số loại thuốc hóa học giúp làm cho các tế bào ung thư dễ dàng bị tiêu diệt bởi bức xạ. Những loại thuốc này có thể được dùng cùng với xạ trị (gọi là hóa trị liệu) để ngăn chặn ung thư nước bọt có nguy cơ cao quay trở lại sau phẫu thuật.
Các bác sĩ cho hóa trị theo chu kỳ, với mỗi giai đoạn điều trị theo sau là một khoảng thời gian nghỉ ngơi để cho cơ thể có thời gian phục hồi. Chu kỳ hóa trị thường kéo dài khoảng 3 đến 4 tuần. Hóa trị có thể không được khuyến cáo cho những bệnh nhân có sức khỏe kém hay tuổi cao.
Xem thêm:
- Phát hiện và điều trị khối u dưới xương ức
- Vì sao ung thư xương hay gặp ở trẻ em?
- Hóa trị ung thư buồng trứng phải giai đoạn 1C khi mang thai nguy hiểm không?
- Nữ giới ung thư buồng trứng điều trị như thế nào?
- Các tác dụng phụ của thuốc điều trị đích
- Thuốc Axicabtagene Ciloleucel Suspension: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng
- Thuốc Cyclophosphamide: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng
- Thuốc Ivosidenib: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng
- Công dụng thuốc Slandom 8
- Công dụng thuốc Vinluta 600mg