Công dụng thuốc Slandom 8

Ondansetron được chỉ định với mục đích dự phòng buồn nôn/nôn ói do hóa trị/xạ trị hoặc sau phẫu thuật. Hoạt chất này có trong thuốc Slandom 8. Vậy người bệnh cần sử dụng Slandom 8 như thế nào và cần lưu ý những vấn đề gì?

1. Công dụng của Slandom 8

Slandom 8 chứa hoạt chất Ondansetron (dưới dạng muối HCL) hàm lượng 8mg. Thuốc Slandom 8 sản xuất dưới dạng viên nén bao phim dùng đường uống, có công dụng chống buồn nôn/nôn ói do hóa trị hoặc xạ trị ung thư hoặc nôn sau khi phẫu thuật. Slandom 8 được sản xuất tại Công ty Cổ phần Dược phẩm SaVi và được các chuyên gia đánh giá hiệu quả khá cao.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Slamdom 8

2.1. Chỉ định

Thuốc Slandom 8 được chỉ định trong các trường hợp

  • Buồn nôn và nôn ói do liệu pháp hóa trị và xạ trị ung thư;
  • Dự phòng buồn nôn, nôn ói sau các cuộc phẫu thuật;
  • Chú ý: Bác sĩ nên ưu tiên kê đơn Slandom 8 cho người bệnh trẻ tuổi (dưới 45 tuổi) do đối tượng này có nguy cơ cao gặp các phản ứng ngoại tháp khi dùng Metoclopramid liều cao và điều trị bằng các hóa chất gây nôn mạnh. Tuy nhiên, Slandom 8 vẫn có thể chỉ định được dùng cho người cao tuổi;
  • Không nên chỉ định Slandom 8 cho những trường hợp điều trị bằng các hóa chất có ít khả năng gây nôn, như Bleomycin, Busulfan, Cyclophosphamide liều dưới 1000mg, Etoposide, 5–Fluorouracil, Vinblastin và Vincristin.

2.2. Chống chỉ định

Không chỉ định thuốc Slandom 8 cho các trường hợp sau:

  • Người có cơ địa quá mẫn với Ondansetron hoặc các thành phần khác có trong thuốc Slandom 8;
  • Người có tiền sử dị ứng với các thuốc đối kháng thụ thể 5HT3 khác;
  • Chống chỉ định sử dụng Slandom 8 đồng thời Apomorphine do nguy cơ hạ huyết áp nặng và mất ý thức đã được báo cáo;
  • Bệnh nhân có tiền sử hội chứng kéo dài QT bẩm sinh.

3. Liều dùng của thuốc Slandom 8

Buồn nôn và nôn do hóa trị và xạ trị ung thư:

  • Người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên: Tác dụng phụ gây nôn của các liệu pháp hóa trị thay đổi tùy theo từng loại hóa chất và liều lượng cụ thể, bên cạnh đó là sự kết hợp thuốc và mức độ của từng bệnh nhân. Do vậy, liều dùng của Slandom 8 sẽ khác nhau theo từng cá thể, dao động từ 8-32 mg/24 giờ;
  • Liều thông thường là 8mg (1 viên Slandom 8), uống trước khi truyền hóa chất 30 phút hoặc trước khi xạ trị 1-2 giờ. Sau đó, cứ mỗi 8 – 12 giờ dùng tiếp liều 8mg (1 viên Slandom 8) duy trì đến 1 – 2 ngày sau khi kết thúc liệu pháp;
  • Đối với trường hợp hóa trị bằng thuốc có khả năng gây nôn mạnh (như Cisplatin liều cao): uống 24mg (3 viên Slandom 8) trước khi bắt đầu liệu pháp 30 phút;
  • Trẻ em 4 – 11 tuổi: Uống 4mg (1⁄2 viên Slandom 8) trước hóa trị 30 phút hoặc trước xạ trị 1-2 giờ, nhắc lại với liều tương tự sau 4 và 8 giờ. Sau đó, trẻ tiếp tục dùng liều 4mg/lần cách mỗi 8 giờ, duy trì tiếp 1-2 ngày sau khi kết thúc điều trị;
  • Trẻ em dưới 4 tuổi: Slandom 8 không phù hợp sử dụng cho đối tượng này.

Dự phòng buồn nôn và nôn ói sau phẫu thuật:

  • Người lớn: Uống liều 16mg (2 viên Slandom 8) trước khi gây mê 1 giờ;
  • Trẻ em dưới 18 tuổi: Thông tin về việc sử dụng Slandom 8 để dự phòng nôn và buồn nôn sau phẫu thuật cho trẻ em dưới 18 tuổi còn hạn chế.

Liều dùng thuốc Slandom 8 cho các đối tượng đặc biệt:

  • Suy gan: Cần giảm liều, liều tối đa là 8mg/ngày cho các trường hợp suy gan vừa và nặng;
  • Người cao tuổi: Liều lượng không cần điều chỉnh (tương tự liều cho người lớn);
  • Người suy thận: Không cần điều chỉnh liều Slandom 8. Các nghiên cứu về việc dùng tiếp Slandom 8 sau ngày đầu tiên ờ đối tượng này còn hạn chế.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Slandom 8

  • Hội chứng Serotonin với các triệu chứng như kích động, lú lẫn, tăng nhịp tim, co giật cơ hoặc cứng khớp, sốt, mất ý thức hoặc hôn mê... có thể xảy ra khi nồng độ Serotonin được tích lũy trong cơ thể ở mức cao. Hội chứng này thường xảy ra khi phối hợp Slandom 8 với các thuốc kháng serotonin, tuy nhiên vẫn có thể xảy ra khi sử dụng Slandom 8 đơn lẻ. Chẩn đoán sớm hội chứng Serotonin là rất quan trọng vì hội chứng này có thể gây tử vong nếu không được điều trị. Người bệnh sử dụng đồng thời Slandom 8 và các thuốc ức chế tái hấp thu Serotonin có chọn lọc hoặc các thuốc ức chế tái hấp thu Serotonin và Norepinephrine cần được theo dõi thận trọng;
  • Chỉ sử dụng Slandom 8 với mục đích dự phòng, không dùng với mục đích điều trị vì công dụng của Ondansetron là dự phòng nôn và buồn nôn và không chữa nôn;
  • Chỉ sử dụng Slandom 8 trong 24 – 48 giờ đầu tiên sau hóa trị. Nghiên cứu cho thấy Slandom 8 không tăng hiệu quả trong trường hợp phòng nôn và buồn nôn xuất hiện muộn;
  • Độ thanh thải của Ondansetron giảm và thời gian bán thải của Slandom 8 tăng ở người bệnh có rối loạn chức năng gan, do đó cần giảm liều ở những trường hợp suy gan nặng (Child-Pugh C);
  • Phản ứng quá mẫn với Slandom 8 đã được báo cáo ở những trường hợp có biểu hiện quá mẫn với các thuốc đối kháng chọn lọc thụ thể 5HT3 khác;
  • Không sử dụng Slandom 8 cho phụ nữ đang mang thai và bà mẹ đang cho con bú;
  • Slandom 8 có thể gây tác dụng bất lợi như gây chóng mặt, mệt mỏi... Do đó nên thận trọng khi chỉ định cho người làm nghề lái xe, vận hành máy móc phức tạp hoặc những công việc đòi hỏi sự tỉnh táo.

5. Tác dụng phụ của thuốc Slandom 8

Slandom 8 có thể gây các tác dụng phụ thường gặp sau:

  • Thần kinh trung ương: Đau đầu, mệt mỏi, sốt, lo âu;
  • Tiêu hóa: Táo bón hoặc tiêu chảy;
  • Da liễu: Ngứa, phát ban;
  • Sinh dục - tiết niệu: Rối loạn sinh dục, bí tiểu tiện;
  • Gan: Tăng men gan ALT, AST;
  • Suy hô hấp, tình trạng thiếu oxy.

Một số tác dụng phụ ít gặp và hiếm gặp của thuốc Slandom 8:

  • Chóng mặt;
  • Co cứng bụng, khô miệng;
  • Yếu cơ;
  • Tình trạng quá mẫn hoặc sốc phản vệ;
  • Nhịp tim nhanh, loạn nhịp, hạ huyết áp;
  • Cơn động kinh;
  • Phát ban, xuất huyết dưới da;
  • Hạ kali huyết;
  • Tăng bilirubin trong huyết thanh;
  • Co thắt phế quản, thở nông, khò khè;
  • Đau ngực, nấc cụt.

6. Tương tác thuốc của Slandom 8

  • Ondansetron trong thuốc Slandom 8 không gây cảm ứng hay ức chế hệ enzym cytochrom P450, nhưng lại bị chuyển hóa bởi nhiều enzym ở gan, trong đó có CYP3A4, CYP2D6, và CYP1A2. Do đó, các thuốc cảm ứng hoặc ức chế những hệ enzym này (như Cyproterone, Deferasirox, Peginterferon Alfa-2b, Barbiturat, Carbamazepine, dẫn chất Rifampin, Phenytoin, Phenylbutazon, Cimetidin, Allopurinol, Disulfiram, Alfuzosin, Artemether, Ciprofloxacin... có thể làm thay đổi độ thanh thải và thời gian bán hủy của Slandom 8 khi dùng đồng thời, tuy nhiên không cần thiết phải điều chỉnh liều;
  • Thận trọng khi dùng Slandom 8 với các thuốc kéo dài QT và/hoặc gây rối loạn điện giải khác. Ondansetron trong Slandom 8 gây kéo dài khoảng QT nên khi dùng đồng thời các thuốc kéo dài QT có thể làm tăng thêm nguy cơ độc tính. Dùng đồng thời Slandom 8 với các thuốc có độc tính trên tim (các Anthracycline hay Trastuzumab), thuốc kháng sinh (như erythromycin), thuốc kháng nấm (như Ketoconazole), thuốc chống loạn nhịp (như Amiodaron) và các thuốc chẹn beta (như Atenolol hay Timolol) có thể làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ loạn nhịp tim;
  • Tránh dùng đồng thời Slandom 8 với các thuốc Apomorphine, Artemether, Dronedaron, Lumefantrine, Nilotinib, Pimozide, Quetiapine, Quinin Tetrabenazine, Thioridazin, Tamoxifen, Vandetanib, Vemurafenib, Ziprasidone;
  • Slandom 8 sử dụng đồng thời với các thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc hoặc các thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine có thể làm tăng nguy cơ xảy ra hội chứng serotonin;
  • Không sử dụng đồng thời Apomorphine với Slandom 8 do tăng nguy cơ hạ huyết áp nặng và mất ý thức;
  • Slandom 8 có thể làm giảm tác dụng giảm đau của Tramadol.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe