Unfortunately, the content on this page is not available in
English.
Please press continue to read the content in Vietnamese.
Thank you for your understanding!
Tổng quan bệnh Ung thư hạ họng
Ung thư hạ họng là gì?
Ung thư hạ họng là ung thư xuất phát từ vùng hạ họng (thường gặp ở vùng xoang lê), khi ung thư lan rộng vào thanh quản được gọi là ung thư hạ họng- thanh quản. Đây là ung thư đứng hàng thứ 2 (sau ung thư vòm) trong các bệnh lý ung thư vùng tai mũi họng. Tuổi thường gặp từ 45-65 với tỷ lệ nam/nữ = 5/1.
Nguyên nhân bệnh Ung thư hạ họng
Nguyên nhân ung thư hạ họng chưa được xác định rõ ràng. Một số yếu tố nguy cơ liên quan đến ung thư hạ họng bao gồm:
- Hút thuốc lá: mức độ hút thuốc lá tỷ lệ thuận với tỷ lệ mắc ung thư vùng hạ họng.
- Nghiện rượu: uống rượu kéo dài gây các kích thích tại chỗ vùng niêm mạc họng. Hút thuốc lá và nghiện rượu là hai yếu tố nguy cơ chính của ung thư hạ họng.
- Vệ sinh răng miệng kém: vệ sinh răng miệng kém làm các vi khuẩn hội sinh phát triển mạnh gây nên các viêm nhiễm mãn tính vùng họng, kích thích viêm kéo dài là yếu tố thuận lợi của ung thư hạ họng.
- Virus HPV: nhiễm vi rút HPV là yếu tố nguy cơ của ung thư vòm mũi họng trong đó có ung thư hạ họng.
- Kích thích mạn tính vùng họng do trào ngược dạ dày thực quản cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh.
- Hội chứng Plummer-Vinson: đặc trưng bởi tình trạng khó nuốt, thiếu máu thiếu sắt và lưới thực quản. Bệnh có liên quan đến tăng tỷ lệ ung thư hạ họng ở các phụ nữ không hút thuốc lá vùng Bắc Bắc Âu.
- Môi trường: ô nhiễm môi trường hoặc công nhân tiếp xúc với A-mi- ăng, bụi gỗ làm tăng nguy cơ mắc ung thư hạ họng.
Triệu chứng bệnh Ung thư hạ họng
Ung thư hạ họng thường im lặng trong thời gian dài. Triệu chứng ung thư hạ họng xuất hiện từ từ, bao gồm:
- Rối loạn nuốt: khó nuốt, nuốt vướng ngày càng tăng dần, đầu tiên là một bên sau lan sang 2 bên họng.
- Đau đau họng kéo dài, tăng dần, có thể kèm theo đau tai.
- Nổi hạch vùng cổ: hạch rắn, chắc, di động hạn chế, không đau.
- Giai đoạn muộn, bệnh nhân có biểu hiện sút cân, khó thở và khàn tiếng do khối u xâm lấn vào thanh quản, dây thần kinh.
Ung thư hạ họng có mấy giai đoạn? Ung thư hạ họng có 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Khối u nhỏ hơn 2cm, phát triển tại 1 vùng hạ họng, chưa xâm lấn ra xung quanh và chưa nổi hạch cổ.
- Giai đoạn 2: Khối u lớn hơn 2cm nhưng nhỏ hơn 4cm hoặc xâm lấn vị trí khác của hạ họng hoặc lan ra xung quanh nhưng chưa xâm lấn dây thanh âm, thanh quản chưa bị cố định. Bệnh nhân chưa nổi hạch cổ và chưa di căn tới cơ quan xa.
- Giai đoạn 3: Khối u lớn hơn 4cm hoặc đã ảnh hưởng đến dây thanh âm hoặc đã xâm lấn tới thực quản. Bệnh nhân có thể nổi hạch với kích thước hạch nhỏ hơn 3cm ở 1 bên cổ.
- Giai đoạn 4: Khối u đã xâm lấn tới sụn, xương và phần mềm. Bệnh nhân có thể nổi hạch cổ hai bên, xuất hiện các di căn xa.
Đối tượng nguy cơ bệnh Ung thư hạ họng
- Bệnh nhân nam giới có tiền sự nghiện rượu, hút thuốc lá nhiều năm
- Người nhiễm virus HPV typ 16, 18
- Người có tiền sử tiếp xúc với hóa chất độc hại a-mi-ang
- Người mắc hội chứng Plummer- Vinson
- Người có tiền sử trào ngược dạ dày thực quản kéo dài
Phòng ngừa bệnh Ung thư hạ họng
Ung thư hạ họng có lây không? Đây là bệnh không lây nhiễm. Để phòng tránh bệnh có một số các biện pháp không đặc hiệu sau:
- Biện pháp quan trọng nhất là bỏ rượu và thuốc lá vì đây là hai yếu tố nguy cơ chính.
- Bảo hộ lao động trong môi trường hóa chất độc hại
- Điều trị dứt điểm các bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản.
- Dinh dưỡng cân đối, tránh suy dinh dưỡng và thiếu vitamin. Hội ung thư Hoa Kỳ nhấn mạnh ăn uống lành mạnh: nhiều rau của quả, hạt ngũ cốc đồng thời hạn chế thịt đỏ, thức ăn đã qua chế biến.
- Phòng tránh nhiễm HPV bằng vắc xin, quan hệ tình dục an toàn.
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, điều trị các bệnh lý vùng mũi họng triệt để.
- Khi xuất hiện các triệu chứng khàn tiếng, khó thở, khó nuốt (đặc biệt ở các bệnh nhân trên 40 tuổi) cần phải đi khám tai mũi họng để phát hiện sớm bệnh.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Ung thư hạ họng
Các xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh:
- Soi thanh quản-hạ họng: nội soi thanh quản hạ họng bằng ống cứng hoặc ống mềm giúp đánh giá trực tiếp tổn thương: vị trí, số lượng, tính chất khối u và giúp sinh thiết chẩn đoán
- Giải phẫu bệnh: bấm sinh thiết tổn thương cho kết quả chắc chắn nhất. Có thể kết hợp với chọc tế bào hạch để xác định xâm lấn hạch của khối u.
- Chụp cắt lớp vi tính vùng cổ: đánh giá sự lan rộng của khối u tới hạch cổ hoặc tổ chức xung quanh
Các biện pháp điều trị bệnh Ung thư hạ họng
Ung thư hạ họng có chữa được không? Ung thư hạ họng là bệnh cho đến nay vẫn chưa được chữa khỏi hoàn toàn. Các biện pháp điều trị chính bao gồm: phẫu thuật, tia xạ, hóa chất và điều trị miễn dịch.
- Phẫu thuật: tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh mà chỉ định phẫu thuật phù hợp (phẫu thuật cắt họng-thanh quản bán phần, toàn phần có hay không kèm nạo vét hạch cổ)
- Tia xạ: có thể xạ trị đơn độc hoặc xạ trị bổ trợ sau phẫu thuật
- Hóa chất và điều trị miễn dịch: điều trị toàn thân trong ung thư hạ họng giai đoạn cuối.
Xem thêm:
- Phát hiện và điều trị khối u dưới xương ức
- Vì sao ung thư xương hay gặp ở trẻ em?
- Hóa trị ung thư buồng trứng phải giai đoạn 1C khi mang thai nguy hiểm không?
- Nữ giới ung thư buồng trứng điều trị như thế nào?
- Các tác dụng phụ của thuốc điều trị đích
- Thuốc Axicabtagene Ciloleucel Suspension: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng
- Thuốc Cyclophosphamide: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng
- Thuốc Ivosidenib: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng
- Công dụng thuốc Slandom 8
- Công dụng thuốc Vinluta 600mg