Trang chủ Bệnh Ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn

Ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn là gì? Ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn (Invasive Lobular Carcinoma – ILC) là một loại ung thư bắt đầu trong các tuyến sữa (tiểu thùy) của vú. Sau đó, các tế bào ung thư lan đến các hạch bạch huyết và các phần khác của cơ thể.Ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn chiếm tỉ lệ nhỏ trong các bệnh ung thư vú, thường xảy ra ở những phụ nữ lớn tuổi, đặc biệt là những phụ nữ sử dụng hormon thời kỳ mãn kinh.

Nguyên nhân bệnh Ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn

Nguyên nhân ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn hiện chưa được làm rõ. Các nhà nghiên cứu cho rằng, ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn hình thành khi các tế bào trong các tuyến sản xuất sữa bị đột biến gen. Do gen bị đột biến nên mất khả năng kiểm soát sự sinh trưởng của tế bào, các tế bào này sẽ phát triển và phân chia nhanh chóng. Chúng có khả năng xâm lấn, lây lan đến các bộ phận khác nhau trong cơ thể.

Triệu chứng bệnh Ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn

Trong giai đoạn đầu, bệnh ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Khi bệnh phát triển, các dấu hiệu có thể là:

  • Ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn thường lan rộng đến các mô liên kết xung quanh thay vì hình thành một khối, nên sẽ không xuất hiện các khối u rõ rệt, thay vào đó là sự dày lên hoặc cứng lên của mô vú, khi sờ bằng tay có thể cảm nhận được.

  • Một khu vực của vú đầy hoặc sưng, thay đổi kết cấu của da

  • Núm vú quay vào trong (núm vú tụt)

  • Đau vú, đau núm vú, đỏ hoặc dày lên của núm vú hoặc da vú

  • Tiết dịch núm vú ngoài sữa mẹ

  • Xuất hiện một cục ở vùng nách

Đối tượng nguy cơ bệnh Ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn

Bệnh ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn có nguy cơ cao phát triển ở các đối tượng sau:

  • Nữ giới: phụ nữ có nhiều nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, tuy nhiên nam giới vẫn có thể mắc bệnh này.

  • Cao tuổi: khi già đi nguy cơ mắc ung thư vú của phụ nữ sẽ tăng lên. Theo các nghiên cứu, phụ nữ mắc ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn thường lớn hơn vài tuổi so với phụ nữ mắc các loại ung thư vú khác.

  • Người mắc ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ (LCIS): khi được chuẩn đoán mắc ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ, người bệnh đã có các tế bào bất thường giới hạn trong các thùy vú thì nguy cơ phát triển ung thư xâm lấn trong hai vú sẽ tăng lên.

  • Người sử dụng nội tiết tố nữ estrogen và progesteron trong và sau thời kỳ mãn kinh đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn.

  • Một số phụ nữ có các gen di truyền làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú và ung thư buồng trứng.

  • Người có tình trạng di truyền hiếm gặp gọi là Hội chứng ung thư dạ dày khếch tán di truyền, người mắc bệnh này có nguy cơ mắc cả ung thư dạ dày và ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn.

Phòng ngừa bệnh Ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn

Để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn, nên lưu ý một số điểm sau đây:

  • Cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro khi sử dụng hormon trong thời kỳ mãn kinh. Ở một số phụ nữ vào thời kỳ mãn kinh sẽ gặp nhiều triệu chứng khó chịu, sử dụng hormon có thể giảm bớt các triệu chứng này. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra, sử dụng các hormon nội tiết nữ sẽ làm tăng nguy cơ ung thư vú. Nên thảo luận với bác sĩ để tìm ra phương án phù hợp nhất. Nếu có sử dụng hormone, nên sử dụng với liều thấp nhất trong thời gian ngắn nhất.

  • Hạn chế sử dụng rượu, bia.

  • Tập thể dục đều đặn vào tất cả các ngày trong tuần, ít nhất 30 phút mỗi ngày.

  • Duy trì cân nặng ở mức vừa phải, hạn chế nguy cơ tăng cân.

  • Nếu gia đình có tiền sử mắc ung thư vú, hãy tầm soát sớm, khám định kỳ để có thể phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn

Để chuẩn đoán bệnh, các bác sĩ sẽ dựa và các triệu chứng thực thể, biểu hiện lâm sàng của người bệnh kết hợp với các xét nghiệm, thủ thuật sau đây:

  • Chụp X-quang tuyến vú là một kỹ thuật chuẩn đoán hữu ích, dù ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn ít có khả năng được phát hiện trên hình ảnh chụp hơn các loại ung thư vú khác.

  • Siêu âm: sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của vú. Ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn khó phát hiện bằng siêu âm hơn so với các loại ung thư khác.

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): khi kết quả chụp X-quang và siêu âm không chuẩn đoán được bệnh, MRI có thể được sử dụng để chuẩn đoán bệnh. MRI cũng có thể giúp xác định mức độ của bệnh.

  • Sinh thiết: nếu trong quá trình khám phát hiện các dấu hiệu bất thường, bác sĩ có thể yêu cầu sinh thiết mẫu mô vú nghi ngờ để xét nghiệm.

Sau khi đã chuẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm, chuẩn đoán hình ảnh bổ sung như chụp cộng hưởng từ (MRI) để xác định mức độ, giai đoạn của bệnh. Bệnh ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn chia các giai đoạn từ 0 đến IV. Trong đó, giai đoạn 0 khi ung thư rất nhỏ và không xâm lấn, giai đoạn IV khi ung thư đã di căn, lan rộng đến các khu vực khác của cơ thể.

Các biện pháp điều trị bệnh Ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn

Tùy vào giai đoạn phát triển của bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ lựa chọn phương án điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị có thể là:

Phẫu thuật 

Các hình thức phẫu thuật ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn bao gồm:

- Phẫu thuật cắt bướu (còn gọi là Cắt bỏ cục bộ rộng):Nếu các khối u nhỏ chưa lan rộng có thể phẫu thuật loại bỏ khối u và một phần nhỏ mô khỏe mạnh bao quanh khối u, nhằm đảm bảo tất các vùng ung thư được loại bỏ hoàn toàn. Hình thức phẫu thuật này giúp bệnh nhân giữ được hầu hết các mô vú.

- Phẫu thuật cắt bỏ vú: tùy theo tình hình cụ thể của bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định cắt bỏ vú hoàn toàn nhằm loại bỏ tất cả các mô vú, các thùy, ống dẫn, mô mỡ và da, núm vú và quầng vú hoặc có thể để lại da, núm vú.

- Phẫu thuật các hạch bạch huyết: để xác định ung thư đã di căn đến các hạch bạch huyết gần vú hay không, bác sĩ phẫu thuật sẽ lấy một số hạch bạch huyết được dẫn lưu bạch huyết từ vùng ung thư để sinh thiết. Nếu không tìm thấy tế bào ung thư thì không cần phải loại bỏ các hạch bạch huyết khác. Nếu tìm thấy ung thư, các bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật tiếp để loại bỏ các hạch bạch huyết bổ sung ở nách (bóc tách hạch nách) và cân nhắc các phương án điều trị tiếp theo, bao gồm cả hóa trị và xạ trị.

Xạ trị

Sử dụng các tia có năng lượng cao như tia X và proton để tiêu diệt các tế bào ung thư. Trong quá trình xạ trị, bệnh nhân sẽ nằm trong một cổ máy lớn, các chùm tia giàu năng lượng sẽ chiều vào các điểm xác định trong vú. Liệu pháp xạ trị có thể được chỉ định sau phẫu thuật cắt bướu, cắt bỏ vú hoặc ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết.

Hóa trị

Sử dụng các thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị có thể được chỉ định sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại hoặc chỉ định trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u lớn. Trong một số trường hợp, bệnh nhân đáp ứng với hóa trị trước phẫu thuật, khối u bị thu nhỏ, có thể chỉ cần phẫu thuật cắt bỏ bướu thay vì cắt bỏ vú.

Liệu pháp hormon

Thường được dùng để điều trị ung thư vú nhạy cảm với hormon. Hầu hết các ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn là các thụ thể hormon dương tính, tức là chúng cần hormon để phát triển. Liệu pháp hormon được sử dụng trước hoặc sau phẫu thuật và các phương pháp điều trị khác nhằm giảm khả năng ung thư quay trở lại. Nếu ung thư đã lan rộng, liệu pháp hormon có thể thu nhỏ và kiểm soát ung thư. Các thuốc sử dụng trong liệu pháp hormon bao gồm:

  • Các loại thuốc ngăn chặn hormon gắn vào các tế bào ung thư (thuốc điều biến thụ thể estrogen chọn lọc)

  • Các loại thuốc ngăn cơ thể sản xuất estrogen sau khi mãn kinh (thuốc ức chế menaromatase)

  • Các thuốc dùng để ngăn cản sản xuất hormone trong buồng trứng

Xem thêm:

Câu chuyện khách hàng Sống khỏe Sức khỏe tổng hợp