Unfortunately, the content on this page is not available in
English.
Please press continue to read the content in Vietnamese.
Thank you for your understanding!
Tổng quan bệnh Kawasaki (viêm mạch máu)
Bệnh Kawasaki là bệnh gì?
Bệnh Kawasaki (viêm mạch máu) là bệnh được đặc trưng bởi tình trạng viêm các mạch máu trong khắp cơ thể. Bệnh thường biểu hiện với các triệu chứng toàn thân như sốt, phát ban; hay các triệu chứng tại các cơ quan như xốn và đỏ mắt; màng nhầy vùng miệng, môi và cổ họng bị kích thích; hạch bạch huyết vùng cổ sưng; sưng tấy bàn tay, bàn chân. Bệnh có thể bộc phát ở một vị trí hoặc có thể theo từng cụm. Mùa đông-xuân là thời điểm có tỷ lệ mắc Kawasaki tăng lên.
Bệnh có thể không gây ra hậu quả tức thời nghiêm trọng. Nhưng về lâu dài, bệnh Kawasaki có thể để lại những biến chứng nặng nề về sau, đặc biệt là tổn thương động mạch vành.
Lịch sử bệnh?
Bệnh được mô tả đầu tiên ở Nhật Bản vào năm 1967 bởi bác sĩ nhi khoa Kawasaki, và tên của bác sĩ này đã được dùng để đặt tên cho bệnh. Từ đó, bệnh được chẩn đoán thường xuyên nhất đối với trẻ em Nhật Bản. Tại Mỹ, bệnh Kawasaki cũng không phải là một bệnh hiếm gặp, bệnh có thể gặp ở mọi chủng tộc và dân tộc, nhưng thường gặp hơn cả là trẻ em Mỹ gốc Á. Ước tính cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh Kawasaki hàng năm ở trẻ em dưới 5 tuổi tại Mỹ là 10 trường hợp mắc bệnh/100.000 trẻ, tuy nhiên số trường hợp mắc bệnh chính xác lại chưa được thống kê.
Nguyên nhân bệnh Kawasaki (viêm mạch máu)
Bệnh Kawasaki do nguyên nhân nào?
Cho đến hiện tại, nguyên nhân gây bệnh Kawasaki vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. Có nhiều giả thuyết được đặt ra, nhưng lại chưa thể xác định được chính xác bệnh Kawasaki là do nguyên nhân nào. Các giả thuyết này bao gồm:
Liên quan đến tác nhân nhiễm trùng
Đây là nguyên nhân được nhiều chuyên gia đồng ý nhất. Khả năng rất cao là các tác nhân nhiễm trùng như vi khuẩn, virus là nguyên nhân chính gây nên bệnh Kawasaki.
Liên quan đến yếu tố di truyền
Dựa trên dịch tễ học có thể thấy được rằng người Nhật và người gốc Á là nhóm đối tượng có tỷ lệ mắc bệnh Kawasaki rất cao, nên giả thuyết được đặt ra là có thể có sự liên quan giữa các yếu tố di truyền với bệnh Kawasaki.
Triệu chứng bệnh Kawasaki (viêm mạch máu)
Giai đoạn phát bệnh:
-
Sốt, kích thích: đây là các triệu chứng thường xuất hiện đầu tiên ở trẻ mắc bệnh Kawasaki. Thân nhiệt của trẻ thường tăng nhanh một cách đột ngột, trung bình khoảng 38-40℃ (101-104 độ F), có khi trên 40℃ (>104 độ F). Trong thời gian mắc bệnh, sốt có thể tăng hoặc giảm, có khi kéo dài đến 3 tuần.
-
Sưng hạch bạch huyết: Các hạch vùng cổ thường sưng lên trong bệnh Kawasaki.
-
Phát ban: Ban trong bệnh Kawasaki cũng xuất hiện khá sớm. Ban thường có màu đỏ sáng, có thể tập trung lại thành từng đám lớn hoặc dính nhau, cũng có thể gồm các đốm không rõ nét với nhiều kích cỡ đứng rời rạc.
-
Viêm mắt (viêm màng kết): xuất hiện trong tuần đầu của bệnh, thường không chảy dịch.
-
Lưỡi đỏ, nổi gai (nhú), khô nứt: lưỡi thường có màu đỏ tươi, và trở nên khô, nứt; có các nhú nổi lên phóng to giống hạt dâu tây, nên được gọi là “lưỡi dâu tây”. Màng nhầy của miệng trở nên sẫm màu hơn.
-
Đỏ lòng bàn tay, bàn chân: Lòng bàn tay và lòng bàn chân chuyển màu đỏ sáng, đồng thời bàn tay, bàn chân có thể sưng lên.
-
Cứng cổ: Đôi khi tình trạng cứng cổ có thể gặp ở trẻ mắc bệnh Kawasaki.
-
Mệt mỏi, cáu gắt: đây là hậu quả của một loạt các triệu chứng bệnh lý khiến trẻ luôn cảm thấy khó chịu và cáu kỉnh.
Giai đoạn giảm sốt:
- Thân nhiệt dần về bình thường.
-
Ban trên da mất đi, hạch bạch huyết không còn sưng nữa, hết tình trạng đỏ mắt.
-
Bong da bàn tay, bàn chân: từ tuần thứ 3 của bệnh, trẻ có thể có dấu hiệu bong tróc da quanh móng tay, móng chân; da ở bàn tay, bàn chân có thể bong ra từng mảng lớn, có khi bong theo một miếng (cho hình ảnh giống với rắn lột da).
-
Viêm khớp: Tình trạng viêm khớp gối, hông, mắt cá có thể nặng nề hơn và đau đớn nhiều hơn. Đau và viêm khớp đôi khi có thể kéo dài dai dẳng sau khi các triệu chứng khác đã biến mất hoàn toàn.
-
Các đường lằn ngang trên móng tay, móng chân: có thể tồn tại cho đến khi móng mọc dài ra.
Đường lây truyền bệnh Kawasaki (viêm mạch máu)
Bệnh nhân có thể băn khoăn liệu bệnh Kawasaki có lây không? Tuy nhiên, hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy bệnh này lây truyền từ người này sang người khác.
Đối tượng nguy cơ bệnh Kawasaki (viêm mạch máu)
Trẻ em là đối tượng chủ yếu mắc bệnh Kawasaki, hầu hết bệnh Kawasaki ở trẻ nhỏ đều xuất hiện ở trẻ dưới 5 tuổi. Thống kê cho thấy, trẻ trai thường mắc bệnh Kawasaki nhiều hơn trẻ nữ, tỷ lệ mắc bệnh Kawasaki nam/nữ là khoảng 2/1.
Như đã đề cập ở trên, trẻ em Nhật Bản và những người gốc Á có nguy cơ mắc bệnh Kawasaki cao hơn các đối tượng khác.
Phòng ngừa bệnh Kawasaki (viêm mạch máu)
Tính tới thời điểm hiện tại, chưa có biện pháp nào có thể giúp phòng ngừa bệnh Kawasaki. Các nhà nghiên cứu trên khắp nước Mỹ và Nhật Bản vẫn đang cùng nhau tìm hiểu căn bệnh này qua các chương trình như Chương trình Nghiên cứu bệnh Kawasaki ở San Diego.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Kawasaki (viêm mạch máu)
Thăm khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ hỏi bệnh và khám các dấu hiệu lâm sàng để có thể định hướng chẩn đoán cũng như giúp loại trừ các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự.
Xét nghiệm máu
-
Về hồng cầu: có thể có tình trạng thiếu máu nhẹ, tỷ lệ lắng đọng hồng cầu cao, chứng tỏ bệnh nhân bị viêm mạch máu.
-
Về bạch cầu: số lượng bạch cầu trên mức trung bình.
-
Về tiểu cầu: số lượng tiểu cầu tăng vọt.
Xét nghiệm nước tiểu
Có thể phát hiện bạch cầu niệu bất thường
Đo điện tâm đồ
Có thể thấy tình trạng loạn nhịp tim, bằng chứng của sự căng cơ tim. Điều này cho thấy sự tác động của bệnh Kawasaki lên tim của bệnh nhân.
Siêu âm tim
Cho phép đánh giá các thương tổn về cấu trúc và chức năng của tim và các mạch máu lớn
Các biện pháp điều trị bệnh Kawasaki (viêm mạch máu)
Bệnh Kawasaki được điều trị như thế nào?
- Điều trị đặc hiệu: Bệnh có tính chất nghiêm trọng vì liên quan đến tổn thương mạch vành, do đó trẻ mắc bệnh Kawasaki cần được điều trị sớm với Gamma globulin (một thành phần protein trong máu người) liều cao tiêm tĩnh mạch. Sử dụng Gamma globulin trong 10 ngày đầu tiên bị bệnh cho thấy hiệu quả cao trong việc giảm viêm và ngăn ngừa biến chứng lên mạch vành.
- Điều trị triệu chứng: trong giai đoạn cấp tính, bệnh nhân có thê được chỉ định Aspirin song song với điều trị Gamma globulin, cho đến khi giảm sốt.
- Điều trị tổn thương tim mạch: Nếu thông qua các phương tiện cận lâm sàng phát hiện có chứng phình động mạch vành, hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường khác trên tim mạch, cần phải điều trị nội khoa hoặc can thiệp phẫu thuật tim mạch. Bệnh nhân cần được theo dõi các vấn đề liên quan đến tim mạch trong nhiều năm sau khi khỏi bệnh Kawasaki.
Biến chứng do điều trị: khá hiếm.
- Gamma globulin: Thỉnh thoảng, bệnh nhân có thể có triệu chứng sốt, ớn lạnh trong khi tiêm thuốc. Lúc này, phải ngừng tiêm ngay và xử trí với Antihistamin trước khi tiêm lại.
- Aspirin:
Sử dụng Aspirin liều cao có thể gây đau bụng, xuất huyết dạ dày; ù tai; thở nhanh nông; sốt trở lại hoắc xuất hiện các triệu chứng khác của bệnh Kawasaki (các dấu hiệu nhiễm độc Aspirin). Khi có bất kỳ triệu chứng nào, bệnh nhân cần được ngưng Aspirin.
Hội chứng Reye: xuất hiện ở trẻ đang sử dụng Aspirin liều cao tiếp xúc với virus cúm hoặc thủy đậu
Tóm lại, bệnh Kawasaki là một tình trạng bệnh lý bất thường liên quan đến sự viêm các mạch máu trong cơ thể. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ em Nhật Bản và gốc Á. Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa rõ ràng. Bệnh biểu hiện với triệu chứng sốt, phát ban, cùng với các triệu chứng ở hạch, da, niêm mạc,… Chưa có bằng chứng cho thấy bệnh Kawasaki có thể lây lan. Việc điều trị sớm với Gammaglobulin có ý nghĩa quan trọng, giúp đẩy lùi các biến chứng nguy hiểm, nhất là tổn thương mạch vành.
Xem thêm:
- Viêm xương tai chũm: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Tật nứt đốt sống gây ảnh hưởng gì?
- Vì sao ung thư xương hay gặp ở trẻ em?
- Dấu hiệu u sụn xương ở trẻ em
- Đau mỏi lưng ở trẻ em có nguy hiểm?
- Trẻ 2 tháng tuổi không duỗi thẳng được ngón cái là dấu hiệu bệnh gì?
- Xương đùi chồng lên 2cm sau khi bó bột có sao không?
- Trẻ 1 tuổi thiếu xương quay và cong vẹo cột sống cổ bẩm sinh có phẫu thuật chỉnh hình được không?
- Mảnh xương ngón tay bị gãy có liền lại được không?
- Trẻ 2 tuổi chân bị trẹo ra ngoài nên điều trị thế nào?