Unfortunately, the content on this page is not available in
English.
Please press continue to read the content in Vietnamese.
Thank you for your understanding!
Tổng quan bệnh Hội chứng QT kéo dài
Hội chứng QT là gì?
Hội chứng QT kéo dài là một trong những bệnh lý về tim khi hệ thống điện tim trở nên bất thường. Trong trường hợp này, cơ tim cần nhiều thời gian hơn bình thường để nạp điện giữa các nhịp đập làm xáo trộn điện ở tim và thường có thể nhìn thấy trên điện tâm đồ (ECG) qua khoảng thời gian kéo dài giữa sóng Q và T.
Hội chứng QT kéo dài có thể dẫn đến một số rối loạn nhịp tim nghiêm trọng và có thể gây tử vong.
Nguyên nhân bệnh Hội chứng QT kéo dài
Hội chứng QT kéo dài do các nguyên nhân sau gây nên:
-
Do di truyền, gây ra bởi quá trình đột biến gen điều khiển hệ thống điện tim. Các nhà khoa học đã nghiên cứu có ít nhất 12 gen và hàng trăm đột biến gen đã được xác định có liên quan với hội chứng QT kéo dài.
-
Do một số loại thuốc như quinidine, procainamide, disopyramide, amiodarone và sotalol; thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, một số thuốc điều trị dị ứng nhất định; thuốc kháng sinh như erythromycin kết hợp với thuốc diệt nấm ketoconazole cũng có thể gây hội chứng này.
-
Cũng có thể do có một số khiếm khuyết di truyền phức tạp trong tim, làm cho nhịp tim dễ bị chậm lại khi uống một số loại thuốc và dẫn đến hội chứng QT kéo dài.
Triệu chứng bệnh Hội chứng QT kéo dài
Dấu hiệu của hội chứng QT kéo dài thường liên quan đến chứng rối loạn nhịp tim và bao gồm:
-
Bị ngất xỉu không rõ nguyên nhân: do tim không bơm đủ máu đến não. Biểu hiện này thường xảy ra trong khoảng thời gian căng thẳng về thể chất hay tình cảm.
-
Khi đi bơi bị đuối nước không rõ nguyên nhân.
-
Tim ngừng đập đột ngột không biết nguyên nhân: triệu chứng này có thể khiến bệnh nhân tử vong sau vài phút nếu không được hỗ trợ y tế kịp thời.
-
Ngoài ra kèm theo một số triệu chứng khác như: đánh trống ngực, thở hổn hển khi ngủ do nhịp tim bất thường, bị co giật.
Cũng có một số trường hợp, hội chứng QT kéo daì không có bất kỳ triệu chứng nào, chính vì vậy cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh.
Đường lây truyền bệnh Hội chứng QT kéo dài
Hội chứng QT kéo dài không lây truyền từ người này sang người khác
Đối tượng nguy cơ bệnh Hội chứng QT kéo dài
Hội chứng QT kéo dài thường xuất hiện cả trẻ em và thanh niên, bắt đầu ở độ tuổi từ 8 đến 20. Các yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc hội chứng QT kéo dài, bao gồm:
-
Trẻ em, trẻ vị thành niên, người trẻ tuổi bị ngất, gần chết đuối hoặc tai nạn, co giật không giải thích được hoặc có tiền sử ngưng tim có thể dẫn đến tử vong.
-
Trong gia đình, họ hàng trực hệ của người có hội chứng QT kéo dài.
-
Chịu ảnh hưởng bởi các tác dụng phụ của một số loại thuốc.
-
Người có nồng độ kali, magie, calci máu thấp hoặc biếng ăn thần kinh.
Phòng ngừa bệnh Hội chứng QT kéo dài
Để phòng ngừa hội chứng QT kéo dài có thể áp dụng các biện pháp sau:
-
Tìm hiểu xem người thân trong gia đình có ai từng mắc bệnh không.
-
Không làm việc quá sức, giữ tinh thần thoải mái.
-
Có chế độ dinh dưỡng phù hợp, tích cực tập luyện thể dục thể thao.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Hội chứng QT kéo dài
Hội chứng QT kéo dài có thể được chẩn đoán thông qua các biện pháp sau
-
Biện pháp điện tâm đồ (EKG) giúp phát hiện và ghi lại các hoạt động điện của tim. Thông qua xét nghiệm này có thể giúp bác sĩ thấy được khoảng thời gian kéo dài giữa sóng Q và T và các dấu hiệu khác của hội chứng QT kéo dài, tuy nhiên bệnh nhân có thể cần theo dõi điện tâm đồ trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần.
-
Thông qua việc xem xét bệnh sử và khám lâm sàng: bác sĩ có thể hỏi về các triệu chứng và loại thuốc mà bạn đã sử dụng để chẩn đoán và tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh.
-
Kiểm tra kết quả xét nghiệm di truyền: có thể giúp bác sĩ phát hiện các yếu tố di truyền của hội chứng QT kéo dài.
Các biện pháp điều trị bệnh Hội chứng QT kéo dài
Để điều trị Hội chứng QT kéo dài bệnh nhân có thể không cần liệu pháp điều trị nếu không xuất hiện triệu chứng hoặc không có tiền sử gia đình bị đột tử. Tuy nhiên, cần chú ý tránh các môn thể thao nặng, tập thể dục quá mức và các loại thuốc có khả năng gây ra hội chứng QT kéo dài.
Ngoài ra khi tình trạng bệnh có xuất hiện các triệu chứng, có thể sử dụng các biện pháp sau:
-
Sử dụng thuốc ức chế beta để khống chế nhịp khi nó bắt đầu đập loạn nhịp. Có thể sử dụng thuốc chẹn kênh natri, chẳng hạn như mexiletin để làm giảm hoạt động các kênh ion natri.
-
Sử dụng các thiết bị y tế như: máy tạo nhịp tim và máy khử rung tim (ICD) là các thiết bị nhỏ giúp kiểm soát nhịp tim bất thường. Cả hai thiết bị này thông qua việc sử dụng dòng điện để phục hồi nhịp tim bình thường khi tim bắt đầu hoạt động bất thường. Bệnh nhân sẽ được cấy máy tạo nhịp và máy khử rung tim ở ngực hoặc bụng thông qua một ca tiểu phẫu.
-
Phương pháp phẫu thuật được áp dụng đối với bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao do hội chứng QT kéo dài đôi khi có thể được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ các dây thần kinh làm tim đập nhanh hơn khi có sự căng thẳng về thể chất và cảm xúc.
Xem thêm:
- Thuốc Flecainide: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng
- Tiến triển của hẹp van động mạch chủ và cách chẩn đoán
- Hướng dẫn về điều trị người bệnh tim mạch mắc COVID-19
- Ảnh hưởng của COVID-19 đến sức khỏe tim mạch
- Mất cơ bắp do lão hóa
- Bác sĩ tim mạch Vinmec tham gia nghiên cứu khoa học về tăng huyết áp với Đại học Massachusetts (Mỹ)
- Hệ thống Phòng mổ Hybrid hiện đại nhất Việt Nam
- Nên làm gì khi trẻ đột nhiên bị ngất?
- Điều trị tim bẩm sinh ở trẻ thế nào?
- Bé 18 tháng, nặng 8kg có mổ tim bẩm sinh được không?