Unfortunately, the content on this page is not available in
English.
Please press continue to read the content in Vietnamese.
Thank you for your understanding!
Tổng quan bệnh Chậm nói
Ngôn ngữ bao gồm lời nói và cử chỉ, là phương tiện để diễn đạt tình cảm, suy nghĩ và thước đo cho sự thông minh của các bé. Lời nói là phương tiện giao tiện bằng lời thông qua tiếng nói, nhận biết bằng âm thanh và được cấu thành từ phát âm, giọng nói và sự lưu loát. Chậm nói là một phần của chậm phát triển ngôn ngữ là dạng chậm phát triển phổ biến nhất của trẻ em, là khi lời nói vẫn phát triển đúng theo trình tự nhưng với tốc độ chậm hơn. Tỷ lệ mắc phải của tình trạng chậm nói xấp xỉ khoảng 20% cao hơn hẳn các dạng chậm phát triển về vận động, nhận thức hay về cảm xúc và kĩ năng xã hội.
Con chậm nói luôn là mối quan tâm lo lắng của các bậc cha mẹ. Phụ huynh thường băn khoăn tình trạng trẻ chậm biết nói chỉ là tạm thời, không cần điều trị hay là biểu hiện của một rối loạn bệnh lý thực sự như bệnh tự kỷ, mất thính lực, cần sự can thiệp từ các bác sĩ chuyên khoa. Vì vậy hiểu và nhận biết được các dấu hiệu báo động khi bé chậm nói là cần thiết, hỗ trợ các bậc phụ huynh đưa ra các quyết định đúng đắn và phối hợp tốt trong việc điều trị cùng các chuyên gia.
Nguyên nhân bệnh Chậm nói
Trẻ chậm biết nói có thể liên quan đến các vấn đề ở những cơ quan phát ra tiếng nói như lưỡi, môi và vòm miệng. Những vấn đề này có thể xuất phát những bất thường về mặt hình thái của chính các cơ quan này hoặc là sự phối hợp không đồng nhất giữa chúng và não bộ, cơ quan phụ trách tiếng nói ở người.
Các vấn đề về thính giác cũng nên được khảo sát khi thấy bé chậm nói. Nghe kém sẽ làm bé chậm hiểu và chậm bắt chước để sử dụng ngôn ngữ. Nhiễm trùng tai mãn tính, lặp đi lặp lại là một trong những nguyên nhân gây suy giảm thính giác ở trẻ. Nếu thính giác chỉ kém ở một tai, tai bên còn lại vẫn nghe tốt thì khả năng nói của trẻ vẫn sẽ phát triển bình thường.
Triệu chứng bệnh Chậm nói
Chậm phát triển lời nói của trẻ có nhiều biểu hiện đa dạng, phụ thuộc vào từng lứa tuổi khác nhau. Những mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ được đánh giá dựa vào số từ mà trẻ có thể nói được, hiểu và thực hiện theo yêu cầu của người khác, sử dụng từ ngữ để diễn đạt mong muốn của mình, nhận biết được các đồ vật xung quanh,…
Một số dấu hiệu cảnh báo trẻ chậm nói như sau:
Trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi:
-
Không đáp ứng với tiếng động là biểu hiện đáng lưu tâm, cảnh báo cho một tình trạng chậm nói sau này.
Trẻ từ 12 đến 15 tháng tuổi:
-
Không bi bô, phát ra các phụ âm như p, b, m, n.
-
Không biết nói một từ nào, chẳng hạn “ma ma” hay “ba ba”.
-
Không giao tiếp với người khác kể cả khi cần giúp đỡ hay muốn điều gì đó.
-
Không phản ứng khi được gọi tên mình.
-
Không biết làm các động tác như vẫy tay chào tạm biệt, lắc đầu.
-
Không hiểu và phản ứng với các từ như “không”, "chào bé" và “bai bai ”.
-
Thờ ơ với thế giới xung quanh.
Trẻ từ 18 đến 24 tháng tuổi
-
Chưa thể nói được 6 từ.
-
Không thể chỉ vào vài bộ phận của cơ thể như mắt, tai, mũi, đầu khi được hỏi.
-
Không thể giao tiếp bằng bất cứ cách nào (lời nói, cử chỉ,…) kể cả khi cần giúp đỡ, không biết chỉ vào thứ mình muốn.
-
Chưa nói được các từ đơn như "mẹ", "bế".
-
Không hiểu các mệnh lệnh đơn giản, ví dụ "Đừng ngồi!".
-
Không đáp lại bằng lời nói hoặc cử chỉ khi được hỏi.
Trẻ từ 2 đến 3 tuổi
-
Chưa thể nói được 15 từ
-
Không tự nói ra lời mà chỉ nhại lại lời nói của người khác.
-
Không thể thực hiện những cuộc hội thoại đơn giản, với các câu đơn giản như “Mẹ bế”, “cho con đồ chơi”.
-
Không dùng lời nói để giao tiếp, ngoại trừ trường hợp khẩn cấp.
-
Không hiểu các chỉ dẫn hay câu hỏi dài hơn như “con muốn ăn không?”, “mẹ đi đâu rồi?”.
-
Không biết cách chơi với đồ chơi hay tự chơi với chính mình
-
Không biết bắt chước hành động hay lời nói của người khác.
-
Không thể nối hai từ với nhau.
-
Không biết công dụng của những đồ vật thông dụng với trẻ trong nhà như bát thìa, áo quần,…
Trẻ trên 3 tuổi
-
Không sử dụng được đại từ nhân xưng như “con”, “mẹ”, “bố”, …
-
Không thể ghép các từ thành câu ngắn
-
Không hiểu những chỉ dẫn hay câu hỏi ngắn như “Lấy giầy của con và đặt lên giá”, “Trưa nay con muốn ăn gì?”.
-
Lời nói rất không rõ ràng, khiến người trong gia đình và người ngoài đều không hiểu.
-
Vẫn thường xuyên lắp bắp (rất khó phát ra âm thanh hay từ ngữ), khi nói vẻ mặt bé nhăn nhó.
-
Không đặt câu hỏi.
-
Ít quan tâm hoặc không quan tâm tới sách truyện.
-
Không quan tâm và không tương tác với các trẻ khác.
-
Đặc biệt khó tách khỏi bố mẹ.
-
Một số bé còn có biểu hiện rối loạn hành vi vì không thể hiện được điều mình muốn nói.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Chậm nói
Điều quan trọng nhất của việc chẩn đoán một trẻ chậm nói là phát hiện và điều trị bệnh lý đằng sau nó nếu có.
Bước đầu của chẩn đoán phụ thuộc vào việc các bậc phụ huynh nhận biết được các con chậm nói thông qua các dấu hiệu kể trên hay không và thái độ của họ trước việc con chậm nói. Thay vì chờ đợi để con tự vượt qua khiếm khuyết này, các bậc cha mẹ cần nhanh chóng đưa con đi khám.
Tuy nhiên bé chậm nói khám ở đâu cũng là một thắc mắc của nhiều phụ huynh có con em không may mắc phải rối loạn này. Các cơ sở y tế có các bác sĩ chuyên khoa nhi, tâm lý và phục hồi chức năng là các cơ sở tin cậy để cha mẹ đưa bé đến khám và kiểm tra.
Các bác sĩ sẽ đánh giá kỹ năng nói và ngôn ngữ của trẻ thông qua các bài kiểm tra chuyên biệt về các vấn đề sau:
-
Khả năng tiếp thu ngôn ngữ
-
Khả năng diễn đạt ngôn ngữ
-
Tình trạng răng miệng của trẻ
Các biện pháp điều trị bệnh Chậm nói
Các trường hợp chậm nói đơn thuần chỉ mang tính chất tạm thời có thể cải thiện tốt khi có sự trợ giúp của gia đình. Một số cách khuyến khích trẻ chậm nói phát triển như:
- Dành nhiều thời gian nói chuyện và chơi với trẻ, có thể hát và yêu cầu trẻ bắt chước âm thanh và cử chỉ đó.
- Đọc sách cho con nghe cũng là một cách để động viên trẻ “nói”. Hãy tìm những loại sách phù hợp với lứa tuổi của con. Trẻ còn nhỏ có thể ghi nhớ những câu chuyện mà trẻ yêu thích thông qua các hình minh họa vui nhộn và giọng đọc của cha mẹ.
Đối với những trường hợp khác khi chậm nói là một biểu hiện của các tình trạng bệnh lý nặng nề hơn như mất thính lực hoặc bệnh tự kỷ, việc điều trị các nguyên nhân nên được đặt lên hàng đầu, phối hợp với việc luyện tập nói cho trẻ sẽ mang lại hiệu quả.
Việc điều trị thành công các rối loạn ngôn ngữ bao gồm chậm nói sẽ không chỉ giúp cải thiện khả năng giao tiếp của trẻ mà còn mang tới cho trẻ những cơ hội tốt đẹp hơn trong cuộc sống sau này.
Xem thêm:
- Viêm xương tai chũm: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Tật nứt đốt sống gây ảnh hưởng gì?
- Vì sao ung thư xương hay gặp ở trẻ em?
- Dấu hiệu u sụn xương ở trẻ em
- Đau mỏi lưng ở trẻ em có nguy hiểm?
- Trẻ 2 tháng tuổi không duỗi thẳng được ngón cái là dấu hiệu bệnh gì?
- Xương đùi chồng lên 2cm sau khi bó bột có sao không?
- Trẻ 1 tuổi thiếu xương quay và cong vẹo cột sống cổ bẩm sinh có phẫu thuật chỉnh hình được không?
- Mảnh xương ngón tay bị gãy có liền lại được không?
- Trẻ 2 tuổi chân bị trẹo ra ngoài nên điều trị thế nào?