Có rất nhiều người đang tập yoga, thậm chí tập yoga lâu năm nhưng không phải ai cũng biết được những thay đổi của cơ thể sau khi tập luyện. Nắm được những thay đổi khi tập yoga sẽ giúp người tập thu được hiệu quả tập luyện tốt hơn.
1. Tập yoga có tác dụng gì, thay đổi cơ thể như thế nào?
Yoga là một môn tập luyện cổ xưa của Ấn Độ, gồm các bài tập thở, thiền và tư thế, thúc đẩy thư giãn và giảm căng thẳng, giúp hòa hợp tâm trí và cơ thể. Yoga không chỉ là một cách thư giãn hiệu quả mà nó còn có nhiều lợi ích về sức khỏe thể chất và tinh thần.
Cụ thể, yoga có thể làm tăng hoặc giảm mỡ, phát triển cơ bắp, củng cố sự linh hoạt cho cơ thể, từ đó mang lại một vóc dáng thon gọn hơn. Nếu sự linh hoạt và cân bằng chính là điều mà người tập muốn theo đuổi thì ngay cả những hình thức yoga nhẹ nhàng nhất cũng làm được điều đó. Nhiều loại yoga khác còn giúp người tập xây dựng sức mạnh và sức bền của cơ bắp. Đồng thời, yoga còn giúp rèn luyện sức khỏe tim mạch (với điều kiện là tập luyện theo hình thức nặng hơn).
XEM THÊM: Các động tác YOGA đơn giản giúp chị em giải tỏa mệt mỏi ngày Tết
Hatha, Integral và Iyengar yoga là những hình thức yoga nhẹ nhàng, tạo sự cân bằng và linh hoạt cho cơ thể, mang lại sức mạnh và thư giãn cho người tập. Đồng thời, các động tác yoga nhẹ nhàng còn giúp tập luyện tim mạch. Các chuỗi động tác chào mặt trời A và B giúp tăng nhịp tim và tăng cường sức chịu đựng. Trong một nghiên cứu gần đây, những người tập Hatha yoga trong 8 tuần có khả năng giữ thăng bằng tốt hơn, cải thiện tính linh hoạt, tăng sức bền và tăng cường sức mạnh.
Hatha yoga bao gồm các tư thế giúp tăng cường sức mạnh cho cơ ngực, cơ bụng và cơ lõi. Nhiều tư thế như tư thế tấm ván và tư thế con thuyền giúp củng cố sức mạnh của các cơ lõi. Còn tư thế Plank hay Chaturanga giúp xây dựng sức mạnh trên các cơ bắp khắp cơ thể. Tư thế chiến binh III và tư thế nửa vầng trăng rất tốt cho việc cải thiện sự linh hoạt và thăng bằng của cơ thể. Để đạt được nhiều lợi ích hơn nữa, người tập hãy giữ tư thế của mình trong 30 giây.
Còn Power, Ashtanga, Vinyasa, Bikram và Hot yoga là hình thức yoga có cường độ cao hơn, mang lại sự biến đổi mạnh mẽ hơn cho cơ thể. Nếu người tập có mục đích làm săn chắc cơ và tập yoga giảm mỡ thì Power yoga là tốt nhất. Đồng thời, người tập cần thực hiện chuỗi tư thế dài hơn và rút ngắn thời gian nghỉ hơn, di chuyển nhiều hơn và thực hiện nhiều tư thế khó hơn. Nếu người tập chọn Bikram hoặc Hot yoga thì sẽ đổ mồ hôi nhiều hơn vì không gian tập có nhiệt độ cao hơn.
Lưu ý: Nếu mục tiêu là xây dựng và củng cố cơ bắp thì cử tạ sẽ mang lại kết quả tốt hơn. Nếu mục tiêu là tập yoga giảm cân, dinh dưỡng tốt và lối sống lành mạnh cũng là chìa khóa. Thường thì những người tập yoga thường xuyên cũng sẽ đưa ra những lựa chọn tối ưu hơn về sức khỏe.
XEM THÊM: Chữa trầm cảm bằng yoga: Những điều cần biết
2. Biện pháp tối đa hóa kết quả tập yoga
Để tối đa hóa hiệu quả của việc tập yoga, người tập nên tham khảo những gợi ý sau:
- Tập nhiều hơn: Càng tập yoga nhiều thì người tập sẽ càng thấy nhiều thay đổi trong cơ thể mình. Khi bắt đầu, hãy tập luyện 3 buổi/tuần. Sau khoảng 1 tháng, có thể tăng tần suất lên 5 buổi/tuần hoặc hơn;
- Phối hợp nhiều hình thức: Mỗi phong cách yoga lại có những lợi ích riêng biệt. Vì vậy, người tập nên cố gắng thay đổi bài tập yoga của mình để tập trung vào các vùng khác nhau trên cơ thể và tránh bị nhàm chán;
- Tập trung hơn: Khi tập yoga, người tập có thể loại bỏ tình trạng đau đầu, căng thẳng. Khi việc tập yoga trở thành thói quen tập thể dục, yoga có thể là một biện pháp hiệu quả để kiểm soát căng thẳng, mang lại suy nghĩ tích cực hơn và thoải mái hơn.
Việc tập yoga đều đặn mang lại nhiều lợi ích đối với cơ thể. Vì vậy, người tập nên có một kế hoạch rèn luyện rõ ràng để không bỏ qua những thay đổi kỳ diệu này đối với cơ thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com