Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS. Bác sĩ Vũ Thị Duyên - Bác sĩ Thận - Nội tiết, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Khi tình trạng đường huyết tăng cao trong cơ thể kéo dài trong một khoảng thời nhất định có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe của bạn. Nó có thể làm tăng nguy cơ biến chứng các bệnh khác như: Bệnh tim mạch, bệnh thận, bệnh thần kinh, bệnh mắt, bệnh não hay đột quỵ.
Dưới đây là 7 “yếu tố nguy cơ cao và thuận lợi” làm cho lượng đường trong máu của bạn tăng lên và khó kiểm soát.
1. Chế độ ăn uống
Theo dõi thường xuyên chế độ ăn uống hàng ngày được xem là một trong những điều quan trọng giúp bạn kiểm soát tốt được lượng đường trong máu.
Carbohydrate (bao gồm đường và tinh bột) có trong các loại thực phẩm có thể là nguyên nhân làm tăng mức đường huyết của bạn. Vì vậy, bạn nên sử dụng nó một cách điều độ và hợp lý thì mới kiểm soát tốt được đường máu.
Khi ăn quá nhiều carbohydrate có thể làm cho lượng đường trong máu của bạn tăng cao chẳng hạn như là cơm trắng, mì ống và các loại thực phẩm chiên, hoặc đã qua chế biến nhiều. Ngoài ra còn một số loại trái cây khác cũng chứa hàm lượng đường cao ví dụ như: Chuối, nho, dưa hấu tuy nhiên bạn vẫn có thể ăn chúng mỗi ngày một ít chỉ cần không ăn quá nhiều.
Để làm giảm nguy cơ tăng quá mức đường huyết bạn nên sử dụng các loại carbs lành mạnh cho sức khỏe như: Bánh mì, ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt, sữa chua.
Bên cạnh đó nguồn chất xơ dồi dào cũng rất hữu ích cho sức khỏe nói chung cũng như việc làm giảm lượng đường trong máu nói riêng. Một số thực phẩm chứa nhiều chất xơ mà bạn nên sử dụng hàng ngày bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, trái cây ít đường (táo, ổi, dưa chuột và việt quất) rau hoặc các loại đậu.
2. Ngủ không đủ giấc
Nghỉ ngơi không đầy đủ có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi thậm chí còn ảnh hưởng đến mức độ kiểm soát và phá vỡ lượng đường trong máu có nguy cơ rất cao làm tăng đường máu.
Khi ngủ không đủ giấc sẽ khiến cho khả năng chuyển hóa đường của cơ thể gặp nhiều khó khan dẫn đến tăng mức đường huyết.
Bạn nên xây dựng và có kế hoạch một lịch trình nghỉ ngơi đều đặn không nên sử dụng các thiết bị điện tử ví dụ như điện thoại hoặc máy tính bảng vào gần giờ đi ngủ, nhằm tránh làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Nếu bạn cảm thấy trằn trọc khó ngủ vào mỗi buổi tối, có thể tham khảo 17 lời khuyên để ngủ ngon hơn vào ban đêm.
3. Tập thể dục quá nhiều hoặc quá ít
Chỉ cần một bài tập vận động nhẹ nhàng chẳng hạn như đi bộ hoặc làm việc nhà nhẹ cũng có thể giúp bạn làm giảm được lượng đường trong máu và cải thiện được cách mà cơ thể phản ứng với insulin.
Nếu bạn tập thể dục hoặc vận động quá ít sẽ khiến cho lượng đường huyết tăng lên. Mặt khác, tập thể dục quá nhiều cũng mang lại hậu quả tương tự. Những bài tập thể chất cường độ nặng, chẳng hạn như đẩy tạ nằm cũng có thể làm tăng lượng đường trong máu của bạn.
Bạn nên trao đổi với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe về tình trạng cơ thể đang gặp phải để xác định được bài tập thể dục nào sẽ phù hợp với bản thân, giúp giữ được lượng đường trong máu ở mức cho phép.
4. Sự căng thẳng
Khi bạn bị căng thẳng stress quá mức làm cho nồng độ hormone của bạn sẽ tăng lên. Lúc này cơ thể sẽ đốt cháy các nguồn năng lượng dự trữ bao gồm glucose và chất béo, để đối phó với stress.
Để ngăn ngừa sự căng thẳng quá độ bạn hãy chăm sóc bản thân nhiều hơn bằng cách ăn uống điều độ, duy trì thói quen tập thể dục thường ngày. Ngoài ra, bạn cũng nên học cách thư giãn thông qua các bài tập thiền, yoga hoặc mát-xa. Hoặc tham khảo 16 cách đơn giản giảm căng thẳng lo âu từ đó tìm cho mình một chế độ phù hợp nhất.
5. Sử dụng một số loại thuốc
Một số loại thuốc có thể làm tăng lượng đường của bạn, bao gồm:
- Corticosteroid,
- Thuốc lợi tiểu
- Thuốc điều trị trầm cảm
- Thuốc huyết áp
Nếu bạn đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào trong số này và nhận thấy lượng đường trong máu của mình tăng cao, hãy trao đổi ngay với bác sĩ càng sớm càng tốt. Khi đó, bác sĩ có thể tư vấn cho bạn về cách điều chỉnh chế độ ăn uống hoặc việc sử dụng thuốc của bạn.
6. Vệ sinh răng miệng kém
Nếu bạn mắc bệnh đái tháo đường bạn cũng sẽ có nguy cơ cao bị bệnh nướu răng. Bệnh nướu răng nghiêm trọng có thể khiến việc kiểm soát lượng đường trong máu trở nên khó khăn hơn.
Vì vậy, bạn nên chú trọng đến việc chăm sóc răng miệng thường xuyên hơn bằng cách đánh răng khoảng 2 lần/ngày dùng chỉ nha khoa và súc miệng với nước sát khuẩn thường xuyên để loại bỏ các cặn thức ăn cũng như vi khuẩn có hại trong miệng.
Ngoài ra bạn cũng nên thăm khám nha khoa định kỳ mỗi năm để kiểm tra tình trạng răng miệng của mình. Nếu bạn bị nướu răng hoặc mắc bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào khác thì hãy cố gắng điều trị bệnh càng sớm càng tốt.
7. Hút thuốc lá
Nếu bạn thường xuyên hút thuốc lá thói quen xấu này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
Trong trường hợp bạn đã mắc bệnh đái tháo đường thì việc hút thuốc lá sẽ khiến cho cơ thể gặp nhiều khó khăn hơn trong việc kiểm soát lượng đường huyết. Do đó, nếu bạn đang hút thuốc lá mỗi ngày, hãy cố gắng từ bỏ chúng ngay hôm nay.
Đặc biệt đối với những người có tiền sử bị đái tháo đường, đái tháo đường thai kỳ càng phải thường xuyên theo dõi chỉ số đường huyết. Từ đó, mới phân loại chính xác type tiểu đường, xây dựng chế độ dinh dưỡng, theo dõi giảm thiểu các nguy cơ, biến chứng do tiểu đường gây ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com