Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Vũ Thị Duyên - Bác sĩ Thận - Nội tiết, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Biến chứng thần kinh tương đối phổ biến ở các bệnh nhân mắc đái tháo đường đặc biệt xuất hiện nhiều ở các bệnh nhân kiểm soát đường máu không tốt. Bệnh ít khi gây tử vong nhưng lại là nguyên nhân hàng đầu gây ra việc cắt cụt chân ở bệnh nhân đái tháo đường. Do vậy, người bệnh cần hết sức cảnh giác với biến chứng này.
1. Biến chứng thần kinh do đái tháo đường là gì?
Bệnh thần kinh do đái tháo đường là những tổn thương xảy ra trên dây thần kinh xảy ra do tình trạng đường huyết tăng cao và kéo dài. Mọi sợi thần kinh trên toàn cơ thể đều có nguy cơ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, những biểu hiện rõ rệt nhất thường là ở các dây thần kinh chi trên và chi dưới ( hiện nay biến chứng thần kinh ngoại biên hay gặp hơn).
Bệnh thần kinh do đái tháo đường thường được chia thành hai nhóm chính, tương ứng với các biểu hiện triệu chứng:
- Biến chứng thần kinh ngoại biên: Ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở ngoại biên cơ thể biểu hiện như thần kinh ở tay, chân, dây thần kinh sọ não. Bệnh nhân tê bì chân tay, kim châm kiến bò rất ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày nhất là giấc ngủ.
- Biến chứng thần kinh tự chủ: Ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh nằm ngoài sự điều khiển của ý thức chủ động, có chức năng điều khiển hoạt động của các nội tạng như dạ dày, ruột, tim mạch đặc biệt hệ tiết niệu ( biểu hiện đái không tự chủ).
2. Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh thần kinh do đái tháo đường?
Những tổn thương vi thể trên dây thần kinh và mạch máu nuôi dây thần kinh là yếu tố chủ chốt gây ra loại biến chứng tiểu đường này.
Nếu nồng độ đường trong máu kiểm soát quá kém trong một thời gian kéo dài, môi trường ưu trương do glucose huyết tăng cao làm tổn thương vỏ bao thần kinh, giảm vận tốc dẫn truyền thần kinh. Song song đó, các mạch máu nhỏ nuôi thần kinh cũng chịu biến chứng mạch máu của tiểu đường. Chúng suy giảm chức năng cung cấp oxygen và các chất dinh dưỡng cho dây thần kinh, về lâu dài sợi dây thần kinh cũng suy mòn.
Ngoài ra, có nhiều giả thiết khác cũng góp phần làm tổn thương dây thần kinh ở bệnh nhân đái tháo đường như tình trạng viêm ở thần kinh do tăng phản ứng tự miễn ở cơ địa người tiểu đường, do yếu tố di truyền, yếu tố hút thuốc lá, nghiện rượu...
Bên cạnh đó, nhiều quan sát trên số lượng lớn bệnh nhân đã ghi nhận là thời gian bị bệnh đái tháo đường càng lâu, nhất là khi glucose huyết không đạt mục tiêu, càng tăng nguy cơ bị bệnh thần kinh. Nhóm người mắc bệnh từ 25 năm trở lên cho thấy tỷ lệ bị biến chứng thần kinh rất cao. Đồng thời, bệnh thận mạn cũng là một trong những biến chứng thường gặp của đái tháo đường. Khi đó, chức năng thận bị suy giảm, nhiều trường hợp đòi hỏi cần điều trị thay thế thận do các độc chất, sản phẩm của chuyển hóa tăng lên trong máu có thể làm tổn thương thêm dây thần kinh.
Trắc nghiệm dành riêng cho người mắc đái tháo đường: Chế độ ăn của bạn đã hợp lý chưa?
Người bị bệnh đái tháo đường cần phải quan tâm nhiều hơn đến cách tính toán khẩu phần ăn sao cho phù hợp với nhu cầu và tình trạng sức khỏe. Nếu chưa rõ, bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn thông qua bài trắc nghiệm ngắn sau đây.3. Biến chứng thần kinh do đái tháo đường biểu hiện như thế nào?
Triệu chứng của bệnh thần kinh đái tháo đường rất đa dạng, thay đổi tùy theo cơ quan bị tổn thương. Thường, triệu chứng cũng rất mờ nhạt, do đó, bệnh nhân có thể không quan tâm cho đến khi bác sĩ khám thấy hay tổn thương nặng đã xuất hiện.
Các biểu hiện của bệnh thần kinh do đái tháo đường được chia ra theo nhóm thần kinh bị ảnh hưởng như sau:
3.1. Biến chứng thần kinh ngoại biên
Đây là biểu hiện thường gặp nhất và bàn chân hai bên là nơi có triệu chứng đầu tiên. Sau đó, triệu chứng sẽ lan dần lên cẳng chân hay xuất hiện thêm ở bàn tay. Triệu chứng thường đối xứng cả hai bên chi. Bệnh nhân thường có cảm giác:
- Tê, giảm nhận biết cảm giác đau, nóng lạnh, đặc biệt ở bàn chân. Người bệnh thường xuyên đi rớt dép, giẫm đạp vật nhọn, bị vết thương mà không hề hay biết.
- Cảm giác châm chích, bỏng rát.
- Cảm giác đau buốt, thường tăng về đêm.
- Đau khi bước đi.
- Đôi khi bệnh nhân có triệu chứng tăng cảm: dù chạm nhẹ bệnh nhân cũng cảm thấy đau rất nhiều.
- Yếu cơ và đi lại khó khăn.
- Loét chân, nhiễm trùng, biến dạng bàn chân, đau ở xương khớp khi bệnh đã diễn tiến nặng
3.2. Biến chứng thần kinh tự chủ
Do thần kinh tự chủ là hệ thống điều khiển nhiều cơ quan khác nhau trên cơ thể, triệu chứng của bệnh sẽ thay đổi tùy cơ quan bị tổn thương. Cụ thể là:
- Ở mắt: Đồng tử mất phản xạ với ánh sáng, bóng tối, hay bị chói mắt
- Ở hệ tiêu hóa: Dạ dày co thắt chậm lại nên bệnh nhân hay cảm thấy đầy bụng sau khi ăn; có cảm giác nghẹn, nuốt khó, buồn nôn, nôn mửa, mất cảm giác ngon miệng; táo bón hoặc tiêu chảy, nhất là tiêu chảy về đêm hoặc táo bón xen lẫn với tiêu chảy.
- Ở hệ tim mạch: Nhịp tim nhanh khi nghỉ, hạ áp tư thế (khi thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi hoặc đứng đột ngột, người bệnh cảm thấy chóng mặt, choáng váng, đôi khi ngất xỉu do huyết áp hạ thấp). Đồng thời, bệnh nhân mất cảm giác báo động khi bị hạ glucose huyết như cảm thấy đói, đổ mồ hôi, lo sợ, tim đập nhanh,...; do đó, nếu không kịp điều trị (ví dụ ăn, uống nước đường), người bệnh có thể hôn mê nhanh.
- Ở hệ niệu, sinh dục: Ứ đọng nước tiểu trong bàng quang (còn gọi là bàng quang thần kinh) lâu ngày dẫn đến nhiễm trùng đường tiểu. Bệnh nhân cũng có thể đi tiểu nhiều lần, khó nhịn tiểu. Rối loạn cương ở nam giới, giảm khoái cảm ở phụ nữ, khô âm đạo.
- Ở da: Tăng hoặc giảm tiết mồ hôi, rối loạn điều chỉnh thân nhiệt, nóng lạnh thất thường.
3.3. Các tổn thương thần kinh khác
Các trường hợp hiếm gặp là biến chứng thần kinh chỉ xảy ra trên một dây thần kinh, gây bệnh đơn thần kinh (còn gọi là bệnh thần kinh cục bộ) với các triệu chứng thường gặp là nhìn đôi, đau sau hốc mắt nếu tổn thương dây thần kinh vận nhãn; liệt mặt, méo miệng, nói khó do tổn thương dây thần kinh mặt một bên; đau ở cẳng chân, bàn chân, đau mặt trước đùi, đau vùng ngực, đau bụng,... khi tổn thương các sợi cảm giác tương ứng vùng chi phối.
Nếu biến chứng thần kinh do đái tháo đường ảnh hưởng vừa dây và rễ thần kinh thì biểu hiện bệnh đám rối - rễ thần kinh. Biến chứng này thường gặp người lớn tuổi bị đái tháo đường type 2 và triệu chứng thường xảy ra ở một bên hay đôi khi ở hay bên với các tổn thương ở đùi, hông, mông, cẳng chân. Người bệnh đau nhiều xuất hiện thình lình ở đùi, bụng, cơ đùi yếu và teo, khó khăn khi thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng,...
4. Điều trị và phòng ngừa biến chứng thần kinh do đái tháo đường
Hiện nay, vẫn chưa có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn bệnh thần kinh đái tháo đường cũng như các biến chứng thần kinh của nó. Theo đó, việc điều trị chủ yếu là kiểm soát tốt đường huyết giúp làm chậm diễn tiến bệnh. Ngoài ra, nếu biểu hiện quá khó chịu và ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, người bệnh có chỉ định dùng thuốc giảm đau thần kinh cũng như điều trị theo triệu chứng, phục hồi chức năng.
Vấn đề phòng ngừa vẫn luôn được đặt lên hàng đầu, áp dụng cho bệnh nhân tiểu đường và cả người bình thường chưa từng mắc bệnh.
- Đối với bệnh nhân đái tháo đường, cần tuân thủ nghiêm túc chế độ ăn và tập luyện chuyên biệt; liệu trình điều trị, tái khám định kỳ; thường xuyên tập luyện thể chất để duy trì cân nặng thích hợp, ngưng hút thuốc và hạn chế bia rượu. Nên theo dõi huyết áp, đường huyết của bản thân tại nhà cũng như nhận biết sớm các dấu hiệu tổn thương thần kinh, cách quan sát và chăm sóc bàn chân kỹ lưỡng để tránh các vết loét, không làm nặng thêm các biến dạng bàn chân đã có.
- Đối với người bình thường, cần thăm khám sức khỏe định kỳ và xét nghiệm tổng quát giúp phát hiện, điều trị sớm bệnh đái tháo đường, ngăn ngừa dẫn đến biến chứng thần kinh nói riêng và các biến chứng khác của tiểu đường, biến cố tim mạch nói chung.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.