Ngủ không đủ giấc và bệnh tiểu đường loại 2

Nghiên cứu mới cho thấy những người ngủ không đủ giấc có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Việc thay đổi lối sống hoặc phương pháp điều trị dược lý để cải thiện chứng mất ngủ có thể giúp ngăn ngừa và điều trị tiểu đường loại 2.

1. Mối liên hệ ngủ không đủ giấc và tiểu đường loại 2

Tiểu đường loại 2 là một bệnh gây ra do rối loạn chuyển hoá carbonhydrat, khiến đường huyết trong máu tăng hơn so với giá trị bình thường. Khi đường huyết tăng có thể ảnh hưởng tới các quan khác trong cơ thể.

Có rất nhiều yếu tố có thể gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2 như chế độ ăn uống không khoa học, lười vận động, liên quan tới yếu tố di truyền... Ngoài ra, mới đây các nhà khoa học đã ghi nhận một yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 đó là ngủ không đủ giấc.

Để đánh giá giấc ngủ có ảnh hưởng tới bệnh tiểu đường loại 2 các nhà nghiên cứu đã sử dụng 5 thước đo giấc ngủ để đánh giá mối liên quan, bao gồm: Mất ngủ, thời lượng ngủ, buồn ngủ ban ngày, ngủ trưa và sở thích buổi sáng hoặc buổi tối (chronotype). 5 yếu tố này có liên quan như thế nào đến mức đường huyết trung bình được đánh giá bằng chỉ số HbA1c. Nghiên cứu này thực hiện trên 336.999 người trưởng thành sống ở Anh.

Kết quả các nhà nghiên cứu đã đưa ra một số kết luận bao gồm:

  • Những người gặp vấn đề như ngủ không đủ giấc hay thiếu ngủ có liên quan tới lượng đường trong máu tăng hơn;
  • Với những người không có rối loạn giấc ngủ hoặc rất ít khi xảy thì lượng đường không có sự thay đổi nhiều;
  • Các yếu tố khác như ngủ ban ngày hay ngủ trưa... không rõ đánh giá có sự liên quan tới tăng lượng đường trong máu.

Một nghiên cứu khác cũng cung cấp cho chúng ta những hiểu biết quan trọng về mối quan hệ giữa giấc ngủ và bệnh tiểu đường loại 2. Nghiên cứu này cho thấy ngủ không đủ giấc có thể gây ra lượng đường trong máu cao hơn và đóng một vai trò trực tiếp trong sự phát triển của bệnh tiểu đường loại 2. Tuy nhiên, điều quan trọng chúng ta cần nhớ là bệnh tiểu đường loại 2 là một tình trạng phức tạp, có nhiều yếu tố nguy cơ. Có một chế độ ăn uống lành mạnh, thường xuyên vận động cùng với ngủ đủ giấc, là tất cả các yếu tố cần thiết để có sức khỏe tốt cho mọi người, kể cả những người có nguy cơ hoặc người đang sống chung với bệnh tiểu đường loại 2.

2. Mối liên quan giữa giấc ngủ và bệnh tiểu đường loại 2

Thông qua các nghiên cứu ở trên chúng ta biết được mối liên hệ giữa giấc ngủ và từ đó có những phương pháp tiếp cận mới can thiệp lối sống hoặc quản lý tình trạng mất ngủ để giúp ngăn ngừa bệnh lý.

Các nhà khoa học còn ước tính rằng một phương pháp điều trị chứng mất ngủ hiệu quả có thể làm giảm lượng đường nhiều hơn, giúp cho họ giảm 14kg trọng lượng cơ thể ở một người có chiều cao trung bình.

Việc đưa ra các biện pháp điều trị mất ngủ có thể giảm thiểu được nguy cơ mắc bệnh này ở rất nhiều đối tượng. Giảm gánh nặng về kinh tế và tăng chất lượng cuộc sống của họ.

3. Các biện pháp giúp cải thiện giấc ngủ

Việc áp dụng các biện pháp cải thiện giấc ngủ được sử dụng tùy thuộc vào nguyên nhân, các yếu tố liên quan và mức độ mất ngủ. Các biện pháp giúp tránh tình trạng ngủ không đủ giấc, bao gồm:

Các biện pháp vệ sinh giấc ngủ:

  • Nên ra ngoài vào ban ngày để cho cơ thể tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên. Giúp điều chỉnh đồng hồ sinh học hoạt động nhịp nhàng hơn;
  • Tập thể dục thường xuyên ít nhất 20 đến 30 phút mỗi ngày, nhưng không nên tập vào trước giờ đi ngủ;
  • Nên ngủ và thức dậy vào các giờ cố định, kể cả những ngày được nghỉ;
  • Bạn có thể uống một cốc sữa nóng trước khi đi ngủ, vì tryptophan có trong sữa giúp thúc đẩy giấc ngủ. Nhưng nếu nguyên nhân thức dậy giữa đêm do đi tiểu đêm thì hạn chế uống nước trước khi đi ngủ;
  • Không nên ngủ ban ngày nhiều hơn 30 phút;
  • Thư giãn đầu óc và cơ thể trước khi ngủ. Tập các bài tập thư giãn và giãn cơ giúp bạn ngủ ngon hơn;
  • Tránh sử dụng các loại thức uống có cồn hay gây kích thích trước khi đi ngủ;
  • Hạn chế ăn vào buổi tối trước khi đi ngủ;
  • Tạo không gian ngủ yên tĩnh và tránh tiếng ồn, ánh sáng;
  • Không cố ép bản thân đi ngủ, nếu bạn chưa buồn ngủ hãy đi lại hay đọc sách đến khi muốn ngủ.

Sử dụng một số loại thảo dược có tác dụng an thần để hỗ trợ giấc ngủ.

Khi các biện pháp trên đều không mang lại hiệu quả bác sĩ khuyến nghị dùng liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) cho chứng mất ngủ và có thể kết hợp điều trị ngắn hạn bằng thuốc ngủ hoặc hormone melatonin.

Không nên để tình trạng mất ngủ kéo dài, thay đổi phù hợp và điều trị khi nó mới xuất hiện thì hiệu quả sẽ cao hơn. Bạn nên thăm khám để tìm được nguyên nhân hay yếu tố dẫn đến mất ngủ, từ đó có biện pháp điều trị mang lại hiệu quả cao hơn.

Tóm lại, ngủ không đủ giấc làm cho bạn có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 hơn so với người không thiếu ngủ. Có thể cần thêm các nghiên cứu trong tương lai để đánh giá tác động của các phương pháp điều trị chứng mất ngủ đối với mức đường huyết ở những người mắc và không mắc bệnh tiểu đường để thiết lập các phương pháp điều trị mới.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: news-medical.net

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe