Viêm ruột thừa là một căn bệnh cấp tính thường gặp, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Mỗi người bệnh có thể có những biểu hiện khác nhau, tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nhanh chóng và gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Bác sĩ chuyên khoa I Trần Quốc Vĩnh - Bác sĩ Cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
1. Viêm ruột thừa là gì?
Nằm ở đáy manh tràng, gần chỗ tiếp nối giữa ruột non và đại tràng bên phải, ruột thừa là một ống nhỏ hình ngón tay, đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch, chống lại tình trạng nhiễm trùng bên trong đường tiêu hoá liên quan đến hệ bạch huyết trong ruột thừa. Bên cạnh đó, ruột thừa còn chứa những vi khuẩn có lợi cho đường ruột. Tuy nhiên, ruột thừa lại hầu như không tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn.
Khi bị viêm, ruột thừa sưng lên và chứa đầy mủ, đe dọa tính mạng người bệnh. Do đó, phẫu thuật cắt bỏ là giải pháp cấp cứu duy nhất để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm như vỡ ruột thừa, nhiễm trùng trong khoang bụng, nhiễm khuẩn huyết và thậm chí tử vong.
Người bệnh viêm ruột thừa thường xuất hiện các dấu hiệu như:
- Đau bụng, đặc biệt đau âm ỉ ở vùng hố chậu phải và cơn đau ngày càng tăng.
- Sốt cao từ 38-39 độ C, mạch đập nhanh.
- Cảm giác buồn nôn và nôn, chán ăn kèm theo các rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy hoặc táo bón,..) cũng là những dấu hiệu thường gặp.

Khi khám bụng, bác sĩ có thể phát hiện các dấu hiệu viêm phúc mạc ở vùng bụng khu vực hố chậu phải, tùy thuộc vào mức độ viêm phúc mạc. Các dấu hiệu bao gồm:
- Tăng cảm giác da (sờ vào da đã đau).
- Đề kháng thành bụng (khi ấn nhẹ qua lớp da và mỡ, chúng ta chạm vào cơ thành bụng, gây ra cảm giác đau và khiến các cơ này co lại. Hiện tượng này được gọi là co cứng thành bụng).
- Phản ứng thành bụng (khi ấn vào lớp cơ thành bụng, người bệnh cảm thấy đau).
- Phản ứng dội Blumberg (khi ấn mạnh xuống một điểm trên cơ thể đến khi cảm thấy đau nhức thì dừng lại rồi đột ngột thả tay ra, mức độ đau sẽ tăng lên đáng kể. Hiện tượng này được gọi là Schotskin-Blumberg).
Trong trường hợp mắc bệnh viêm ruột thừa, các điểm đau điển hình thường xuất hiện tại điểm Mac-Burney (nằm ở vị trí 1/3 ngoài đường nối từ gai chậu trước trên bên phải đến rốn) hoặc điểm Lanz (nằm ở vị trí điểm nối của 1/3 bên ngoài phải của đường nối hai gai chậu trước trên).
Bên cạnh đó, dấu hiệu Rovsing cũng là một gợi ý quan trọng cho chẩn đoán viêm ruột thừa trong những trường hợp ấn trực tiếp vào hố chậu phải không gây đau hoặc đau rất ít nhưng vẫn nghi ngờ mắc phải viêm ruột thừa. Cụ thể, khi ấn vào vùng 1/4 dưới hố chậu trái và dồn hơi lên khung đại tràng, nếu người bệnh cảm thấy đau ở vùng 1/4 dưới hố chậu phải thì khả năng viêm ruột thừa là rất cao.
Nếu cảm thấy đau ở bên phải khi khám trực tràng hoặc khám âm đạo, người bệnh cũng có khả năng mắc viêm ruột thừa. Ngoài ra, kết quả xét nghiệm cho thấy số lượng bạch cầu trong máu tăng cao, phản ứng viêm tăng CRP hoặc CRP hs cũng tăng. Hình ảnh từ siêu âm hoặc CT scan bụng sẽ giúp xác định chính xác vị trí và mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm ruột thừa.
Nếu viêm ruột thừa không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như hoại tử, hoại thư và thủng ruột. Khi ruột bị thủng, các mạc nối sẽ bao bọc lại vết thương, tạo thành ổ áp xe ruột thừa.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây bệnh rất đa dạng, bao gồm:
- Do tắc ruột thừa: Giun đũa, giun kim chui vào lòng ruột thừa hoặc sỏi, phân ruột thừa làm tắc nghẽn ruột thừa. Ruột thừa bị gấp do dính hoặc do dây chằng cũng là nguyên nhân gây tắc ruột thừa.
- Do hệ thống bạch huyết: Các nang lympho xung quanh ruột thừa bị sưng to có thể chặn miệng ruột thừa.
- Do sự tắc nghẽn mạch máu nuôi ruột thừa và nhiễm trùng ruột thừa…
3. Các thể viêm ruột thừa thường gặp
3.1 Nhiễm độc
Vi khuẩn yếm khí gây hoại tử ruột thừa khu trú hoặc lan toả, dẫn đến tình trạng nhiễm độc nghiêm trọng. Tình trạng nhiễm độc của viêm ruột thừa thường có những biểu hiện toàn thân rõ rệt như mạch nhỏ và nhanh trên 120 lần/phút, thậm chí không bắt được mạch, huyết áp tụt và có thể dẫn đến trụy tim mạch. Tuy nhiên, các dấu hiệu ở vùng bụng lại không rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn. Nếu không được phát hiện và phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa kịp thời, tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Tại hệ hô hấp, bệnh nhân có thể xuất hiện các dấu hiệu khó thở, nhịp thở không đều. Tuỳ vào từng trường hợp, bệnh nhân có thể bị sốt nhẹ hoặc giảm thân nhiệt, hiếm khi bị sốt cao, sốt rét run, mặt lờ đờ, tái nhợt, mắt trũng sâu, đầu chi tím lạnh.
Bụng của bệnh nhân thường xẹp hoặc hơi trướng, không đau dữ dội khi nắn, khó thấy phản ứng thành bụng và không co cứng thành bụng. Việc khám trực tràng không cho thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Người bệnh thường là người lớn tuổi hoặc có hệ miễn dịch suy yếu.
3.2 Viêm ruột thừa ở trẻ còn bú
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bú mẹ, viêm ruột thừa thường tiến triển rất nhanh và nguy hiểm do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sức đề kháng kém, cơ thể trẻ dễ bị nhiễm trùng nặng. Việc chẩn đoán bệnh gặp nhiều khó khăn vì trẻ còn quá nhỏ, chưa thể diễn tả chính xác vị trí đau, mức độ đau và thời gian đau bụng. Trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng như nôn mửa, bụng chướng và tiêu chảy. Đáng chú ý, hầu hết các trường hợp viêm ruột thừa ở trẻ nhỏ đều kèm theo sốt cao trên 39 độ C.
3.3 Ở trẻ em
Bệnh tiến triển nhanh chóng và trở nặng một cách đáng báo động, sớm xuất hiện các dấu hiệu đặc trưng của viêm phúc mạc. Thực tế thường gặp nhất là tình trạng bệnh tiến triển theo 2 thì:
- Thì thứ nhất: Triệu chứng đau ruột thừa cấp tính xuất hiện nhưng ít kèm theo các dấu hiệu viêm phúc mạc, sau đó bệnh tình tạm thời thuyên giảm.
- Thì thứ hai: Bệnh tiến triển thành viêm phúc mạc toàn thể, tình trạng bệnh nhân suy sụp nhanh chóng chỉ trong vài giờ, đe dọa tính mạng nếu không được can thiệp kịp thời.

3.4 Ở phụ nữ mang thai
Viêm ruột thừa ít khi xảy ra ở phụ nữ mang thai, tuy nhiên việc phát hiện bệnh ở nhóm đối tượng này lại khó khăn hơn so với phụ nữ bình thường. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu thai kỳ, triệu chứng nôn nhiều do viêm ruột thừa dễ bị nhầm lẫn với hiện tượng ốm nghén.
Điều đáng lo ngại là viêm ruột thừa ở phụ nữ có thai tiến triển rất nhanh, có thể dẫn đến hoại tử. Vì vậy, việc chẩn đoán chính xác và chỉ định phẫu thuật sớm là vô cùng quan trọng để đảm bảo an toàn tính mạng cho cả mẹ và thai nhi.

3.5 Ở người cao tuổi
Việc chẩn đoán viêm ruột thừa ở người cao tuổi thường gặp khó khăn do các triệu chứng ban đầu thường mơ hồ, ít rõ ràng. Đây là một trường hợp ít gặp và việc can thiệp phẫu thuật thường diễn ra muộn. Hơn nửa, tỷ lệ tử vong do viêm ruột thừa ở người cao tuổi cao hơn so với người trẻ tuổi vì thường kèm theo nhiều bệnh lý khác như phổi, tim, nội tiết.

3.6 Tắc ruột
Việc ruột thừa nằm ở vị trí mạc treo trước hoặc sau hồi tràng, hoặc do sự dính kết của các quai tiểu tràng cuối vào ruột thừa đã làm mủ. Hội chứng tắc ruột diễn tiến từ từ. Bên cạnh đó, người bệnh còn xuất hiện dấu hiệu sốt cao trên 39°C, đau bụng mức độ nhẹ, tình trạng táo bón bất thường và bụng chướng.

Hình ảnh X-quang không chuẩn bị cho thấy sự hiện diện của bóng hơi và mức nước nhỏ ở vùng tiểu khung hoặc bóng hơi hồi tràng, tuy nhiên không có bóng hơi đại tràng phải. Để xác định chính xác tình trạng bệnh lý, bệnh nhân cần tiến hành chụp CT scan bụng với sự hỗ trợ của thuốc cản quang.
3.7 Viêm ruột thừa sau manh tràng
Cơn đau lan tỏa ra phía sau, lệch sang một bên, đặc biệt đau ở hố thắt lưng phải. Khi ấn vào điểm trên mào chậu bên phải, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau, chân phải bị co cứng do cơ đáy chậu bị kích thích, khiến bệnh nhân không thể duỗi thẳng chân ra.
3.8 Viêm ruột thừa ở tiểu khung
Viêm ruột thừa ở tiểu khung thường có các triệu chứng giống với nhiễm trùng tiết niệu và bệnh lý phụ khoa như tiểu rắt, tiểu buốt. Khi khám trực tràng, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau ở túi cùng Douglas và có thể sờ thấy một khối nhỏ ở thành bên phải trực tràng.
3.9 Ở dưới gan
Ở thể bệnh này, ruột thừa chưa quay hoàn toàn, ruột thừa nằm cùng với manh tràng và nằm ngay bên dưới gan. Các triệu chứng của tình trạng này rất dễ nhầm lẫn với viêm túi mật cấp tính, bao gồm đau ở vùng hạ sườn bên phải, sốt và hiện tượng ấn co cứng vùng túi mật (đặc biệt ở người lớn tuổi). Tuy nhiên, một điểm khác biệt đáng chú ý là người bệnh không hề bị vàng da hay vàng mắt.
3.10 Trong bao thoát vị
Cơn đau ở túi thoát vị có mức độ tương tự như cơn đau trong trường hợp thoát vị bẹn nghẹt.
3.11 Do ký sinh trùng
Những người bị nhiễm giun và không tẩy giun đúng cách (tẩy giun không đúng liều, tẩy giun không theo định kỳ) thường dễ mắc viêm ruột thừa. Bệnh nhân thường cảm thấy đau dữ dội ở vùng hố chậu phải, có thể sốt nhẹ hoặc không sốt và khi khám sẽ thấy thành bụng vẫn mềm.

3.12 Do amip
Thể bệnh này xảy ra ở những bệnh nhân mắc bệnh lỵ amip, trường hợp viêm ruột thừa do amip khá hiếm gặp. Việc chẩn đoán trở nên khó khăn do dễ nhầm lẫn với viêm manh tràng.
3.13 Do bệnh lao
Bệnh nhân mắc lao ruột thừa có tiến triển bệnh chậm, các dấu hiệu đau bụng và phản ứng ở hố chậu phải không rõ ràng. Qua phẫu thuật, bác sĩ phát hiện ruột thừa sưng to, có các hạt trắng nề phân bố rải rác, nhiều hạch mạc treo và xuất hiện dịch bụng màu vàng.
3.14 Do thương hàn
Thể bệnh này rất hiếm gặp và có biểu hiện lâm sàng, triệu chứng tương tự với viêm ruột thừa bình thường, tình trạng này có thể xuất hiện ở tuần thứ 3 của quá trình diễn biến bệnh. Ở những người bệnh thương hàn, nếu cảm thấy đau nhói ở hố chậu phải, có một ít phản ứng thành bụng, bụng căng chướng, mạch tăng nhanh, số lượng bạch cầu tăng lên bất thường và sức khỏe suy giảm nhanh chóng, bệnh nhân cần nghĩ ngay đến nguy cơ mắc phải tình trạng viêm ruột thừa.

3.15 Viêm phúc mạc ruột thừa tức thì
Viêm phúc mạc ruột thừa cấp tính thường xuất hiện bất ngờ, không theo trình tự điển hình của viêm ruột thừa cổ điển. Người bệnh cảm thấy đau đớn dữ dội ở vùng rốn, thượng vị và hố chậu phải. Mọi cử động như trở mình, ho hoặc chỉ cần chạm nhẹ vào bụng cũng khiến cơn đau tăng lên. Bên cạnh đó, sốt cao và thể trạng suy sụp cũng là những dấu hiệu điển hình, đi kèm với hiện tượng co cứng bụng, đặc biệt nghiêm trọng ở vùng hố chậu phải.
4. Điều trị bệnh thế nào?
Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa là phương pháp điều trị chủ yếu cho viêm ruột thừa cấp tính, bất kể ruột thừa có thủng hay không, và vị trí của ruột thừa bị viêm có khó xác định hay không. Tuy nhiên, việc quyết định phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể của từng bệnh nhân.
Đối với những trường hợp viêm ruột thừa phức tạp, như có khối viêm lớn bao gồm ruột thừa, hồi tràng và manh tràng, phẫu thuật sẽ được chỉ định để cắt bỏ toàn bộ khối viêm và tạo thông nối hỗng tràng - manh tràng, hoặc dẫn lưu áp xe trong trường hợp hình thành áp xe.
Việc sử dụng kháng sinh trước và sau phẫu thuật đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị nhiễm trùng. Mặc dù một số nghiên cứu cho thấy khả năng điều trị viêm ruột thừa bằng cách chỉ dùng kháng sinh, nhưng phẫu thuật vẫn được khuyến cáo để ngăn ngừa tái phát.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một địa chỉ đáng tin cậy để thăm khám, điều trị và phòng ngừa các bệnh lý. Với hệ thống máy móc hiện đại, cơ sở vật chất hoàn hảo, Vinmec mang đến những dịch vụ y tế chất lượng cao. Đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện với chuyên môn cao, được đào tạo bài bản ở cả trong và ngoài nước, luôn sẵn sàng tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho khách hàng. Khi đến với Vinmec, khách hàng sẽ được đón tiếp tận tình, trải nghiệm quy trình khám chữa bệnh chuyên nghiệp và hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.