Gan là tạng đặc có thể tích lớn trong cơ thể người, trong chấn thương bụng kín vỡ gan chiếm tỉ lệ gần 68%. Vỡ gan có nhiều cấp độ khác nhau nếu không phát hiện kịp thời dẫn đến chảy máu ổ bụng làm bệnh nhân bị sốc do mất máu và dễ dẫn đến tử vong.
1. Dấu hiệu vỡ gan trong chấn thương bụng kín
Chấn thương bụng kín là các tổn thương vùng bụng, chủ yếu là chấn thương các tạng đặc gây chảy máu cấp, chấn thương tạng rỗng gây viêm phúc mạc. Đôi khi chấn thương bụng kín gây các chấn thương kết hợp cả hai tạng, hoặc chần thương kèm theo các cơ quan khác như não, phổi, xương...
Chấn thương bụng kín với nguyên nhân gây ra chủ yếu do tai nạn như: Tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn trong sinh hoạt, tai nạn trong thể thao. Một phần nguyên nhân khác là do ẩu đả đánh nhau gây ra các tổn thương vùng bụng.
Dưới đây là một số dấu hiệu vỡ gan trong chấn thương bụng kín
- Đau khi ấn vào xương sườn bên phải, đau lan lên phía trên vai, nửa bụng bên phải có phản ứng khi ấn vào, bụng chướng dần
- Người bệnh có dấu hiệu bầm tím, xây xát ở bụng ngực bên phải, có thể gãy các xương sườn 8,9,10 ở cung sườn bên phải
- Nếu bệnh nhân vỡ gan ở mức độ nặng sẽ có các biểu hiện sốc do chấn thương như da, niêm mạc nhợt nhạt, có thể bị ngất hoặc choáng ngất, mạch khó lắm bắt, nhanh và nhỏ, buồn nôn, bí trung đại tiện
- Từ các dấu hiệu trên bệnh nhân nên đi đến bệnh viện sớm nhất để làm các xét nghiệm như xét nghiệm máu, chụp x-quang, chụp CT ổ bụng, nội soi ổ bụng để kiểm tra tình trạng tổn thương. Tránh để các tổn thương quá lâu dẫn đến không cứu chữa kịp thời.
2. Phân loại các mức độ vỡ gan trong chấn thương bụng kín
Trong các ca vỡ nội tạng do chấn thương bụng kín thì vỡ gan là nguy hiểm nhất và khó xử lý nhất. Nếu các ca vỡ gan nặng không được cứu chữa kịp thời thì khả năng tử vong là rất cao.
Theo hiệp hội phẫu thuật chấn thương Hoa Kỳ (AAST) năm 1994, vỡ gan được chia ra thành 6 cấp độ bao gồm:
- Vỡ gan độ 1: Tụ máu dưới bao nhỏ hơn 10% diện tích bề mặt, tổn thương nhu mô sâu dưới 1cm
- Vỡ gan độ 2: Tụ máu dưới bao từ 10% -50% diện tích bề mặt, tổn thương nhu mô sâu 1-3 cm, chiều dài nhỏ hơn 10cm
- Vỡ gan độ 3: Tụ máu dưới bao lớn hơn 50% diện tích bề mặt, tụ máu trong nhu mô có kích thước lớn hơn 10cm, sâu hơn 3cm, khối tụ máu bị vỡ
- Vỡ gan độ 4: Tổn thương nhu mô, vỡ 25-75% thùy gan, vỡ từ 1-3 tiểu thùy Couinaud trong một thùy gan
- Vỡ gan độ 5: Tổn thương nhu mô, thùy gan vỡ lớn hơn 75% , hơn 3 tiểu thùy Couinaud trong một thùy gan, tổn thương mạch máu chính của gan hay các mạch máu lân cận gan
- Vỡ gan độ 6: Gan dập nát hoàn toàn
3. Điều trị vỡ gan trong chấn thương bụng kín
Gan là cơ quan quan trọng trong cơ thể người, đặc biệt gan chứa rất nhiều mạch máu. Nếu gan bị vỡ rách rất dễ bị mất máu nhanh vì vậy cần phải được điều trị kịp thời tránh để lâu nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Điều trị vỡ gan bao gồm điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa
3.1 Điều trị nội khoa
Đối với các tổn thương từ độ 1 đến 5 và tình trạng bệnh nhân ổn định. Bệnh nhân vỡ gan độ 3 đến 5 được lưu lại trong phòng chăm sóc đặc biệt để theo dõi sinh hiệu mỗi giờ cho đến khi trở lại bình thường.
Xét nghiệm Hematocrit (Hct) mỗi 6h trong 1 đến 2 ngày. Sau khi lượng Htc ổn định thì tiếp tục theo dõi và có thể xuất viện sau khoảng 5 ngày điều trị. Bệnh nhân tiếp tục theo dõi tại nhà trong một tuần và tái khám nếu có các biểu hiện đau nhiều hơn, vàng da.
3.2 Điều trị ngoại khoa
Thường với các tổn thương gan độ 6, hoặc các tổn thương gan cấp độ khác mà bệnh nhân trong tình trạng không ổn định, có quá nhiều dịch trong ổ bụng, bụng vẫn đau nhiều và chướng hoặc bệnh nhân có các tổn thương phối hợp cần phải phẫu thuật.
Các nguyên tắc xử lý phẫu thuật bao gồm: Kiểm soát không cho chảy máu, loại bỏ những phần gan không còn sức sống, xử lý các mạch máu, đường mật bị tổn thương và xử lý các tổn thương phối hợp khác.
Ngoài ra, hiện nay nhiều bệnh viện sử dụng pháp đồ điều trị vỡ gan ít xâm lấn bằng phương pháp nút mạch máu, sử dụng phương pháp này giúp bệnh nhân có thể cầm máu tức thì rất an toàn và hiệu quả. Cách này giúp bệnh nhân không phải phẫu thuật, tránh được gây mê nội khí quản và giảm lượng máu cần truyền.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.