Bài viết được viết bởi ThS.BS Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng khoa Xạ trị, Kỹ thuật viên Nguyễn Văn Hân và Kỹ thuật viên Nguyễn Văn Nam - Trung tâm Xạ trị - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Ung thư bắt đầu ở một bộ phận của cơ thể chúng có thể di căn sang các bộ phận khác của cơ thể. Nếu một khối u mà có lan đến xương, vị trí ung thư mới này được gọi là di căn xương. Trong hầu hết các trường hợp, di căn xương là hệ quả của sự lan tràn tế bào ung thư ban đầu đến xương. Ví dụ, một người bị ung thư vú thường sẽ di căn sang xương.
Tất cả các ung thư có thể di căn đến xương bao gồm như các loại ung thư vú, thận, phổi, tuyến tiền liệt và tuyến giáp. Đa u tủy xương, là một bệnh lý đặc trưng bởi sự tăng sinh không kiểm soát của các tế bào bạch cầu được gọi là tương bào, cũng có thể tổn thương đến xương.
Phương pháp điều trị ung thư đã có nhiều tiến bộ trong những năm gần đây, giúp cho nhiều bệnh nhân sống lâu với bệnh ung thư hơn bao giờ hết. tuy nhiên, di căn xương vẫn có thể xảy ra vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm sau khi có chẩn đoán ung thư ban đầu. Có nhiều lựa chọn điều trị phù hợp cho bệnh nhân di căn xương để dự phòng giảm nhẹ (chủ yếu giảm đau) và để ngăn ngừa biến chứng tại chỗ (gãy xương, chèn ép tủy sống...).
1. Các triệu chứng và dấu hiệu của di căn xương
Đau là triệu chứng phổ biến nhất của di căn xương. Đau do di căn xương có thể trở nặng hơn khi vận động di chuyển trong các hoạt động thường ngày bình thường, nhưng đôi khi có thể tồi tệ hơn vào ban đêm hoặc lúc nghỉ ngơi.
Di căn xương có thể làm suy yếu xương, khiến xương có nguy cơ gãy. Trong một số trường hợp, gãy xương là dấu hiệu đầu tiên của di căn xương. Xương cánh tay và chân cũng như những xương cột sống là những xương có thể bị tổn thương vỡ hoặc gãy phổ biến nhất.
Nếu ung thư di căn đến xương cột sống, nó có thể đẩy vào tủy sống và gây ra chèn ép tủy. Dấu hiệu của chèn ép tủy bao gồm đau lưng, tê hoặc yếu cơ thể hoặc yếu chi, khó tiểu.... Nếu gặp phải một trong số các triệu chứng này tăng lên, bạn nên báo cho bác sĩ ung thư của bạn tình trạng và nhận được sự điều trị ngay lập tức.
Di căn xương có thể khiến canxi được giải phóng từ xương vào máu. Việc tăng canxi có thể gây mất cảm giác thèm ăn, buồn nôn, khát nước, táo bón, mệt mỏi. Nếu bạn nhận thấy những triệu chứng này, bạn nên nói chuyện với bác sĩ của bạn ngay lập tức.
Trong một số trường hợp, bạn không có triệu chứng hoặc dấu hiệu đáng chú ý nào là tế bào ung thư đã lan đến xương. Tốt hơn hết bạn có thể tái khám định kỳ và các nguy cơ di căn ung thư sẽ được phát hiện trong quá trình thăm khám hoặc chụp CT, MRI.
2. Điều trị ung thư di căn xương
Mục tiêu điều trị di căn xương là kiểm soát đau và các triệu chứng khác để cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn. Trong vài trường hợp, những phương pháp điều trị này cũng có thể giúp bạn sống lâu hơn và cải thiện chất lượng sống, ngăn ngừa các biến chứng.
Bác sĩ sẽ có thể kê cho bạn đơn thuốc gọi là thuốc ức chế quá trình gãy xương hay làm chậm sự hủy xương do di căn gây ra và làm giảm nguy cơ gãy xương và giảm đau.
Bác sĩ của bạn cũng có thể kê đơn thuốc để hóa trị hoặc sử dụng thuốc nội tiết. Đây là một số các thuốc khác nhau giúp tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chặn tế bào ung thư phát triển. Những loại điều trị có thể được kê đơn khi bạn có chẩn đoán ung thư và nếu ung thư có di căn đến một phần khác của cơ thể. Các bác sĩ ung thư của bạn sẽ thông báo cho bạn về các loại phương pháp điều trị.
Điều trị di căn xương sẽ không chữa khỏi được bệnh ung thư của bạn. Tuy nhiên, phương pháp điều trị hiện đại cho phép bác sĩ kiểm soát tốt di căn xương, cho phép nhiều bệnh nhân cải thiện chất lượng cuộc sống của họ và sống lâu hơn.
3. Xạ trị ung thư di căn xương
Xạ trị là phương pháp sử dụng tia X năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp điều trị này được quyết định bởi một bác sĩ xạ trị ung thư. Xạ trị là phương pháp rất phổ biến để điều trị ung thư đã có di căn đến xương.
Nói chung, xạ trị rất hiệu quả trong điều trị ung thư di căn và kiểm soát tốt triệu chứng gây ra khi ung thư lan đến xương. Xạ trị có thể làm giảm bớt các triệu chứng cũng như đau do di căn xương gây ra trong suốt quá trình điều trị, tuy nhiên nó cũng có những tác dụng phụ sau vài tuần bạn kết thúc tia xạ.
Xạ trị sử dụng chùm tia bức xạ chiếu từ bên ngoài cơ thể và được nhắm đến vị trí của khối u mà đã được xác định trên kế hoạch bởi bác sĩ. Trong một vài trường hợp, bác sĩ sẽ sử dụng chất phóng xạ để đưa vào mạch máu, đây được gọi là dược chất phóng xạ và nó sẽ tiêu diệt các tế bào ung thư trong tất cả các xương bằng cách di chuyển trong dòng máu và đến các tế bào ung thư bên trong xương.
4. Vai trò của phẫu thuật và thủ thuật can thiệp di căn xương
Trong trường hợp khối u gây ra vỡ ngoài thân đốt sống bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật trước khi bắt đầu chiếu xạ. Phương pháp này thường được thực hiện bởi một bác sĩ phẫu thuật cột sống hoặc xương khớp. Nếu phẫu thuật đã được thực hiện, xạ trị thường bắt đầu sau vài tuần phẫu thuật.
Đối với các khối u không bị vỡ thân đốt sống hoặc gây ra xẹp thân đốt sống bác sĩ có thể đề nghị gặp bác sĩ chuyên khoa (bác sĩ X-quang can thiệp hoặc bác sĩ phẫu thuật cột sống) có thể bơm một loại xi măng xương để ổn định xương, và giảm đau.
5. Xạ trị ung thư như thế nào?
Xạ trị là quá trình làm tổn thương các gen hoặc các thành phần quan trọng của các tế bào ung thư, làm hạn chế khả năng tăng sinh tế bào ung thư. Xạ trị cũng có thể ngăn chặn cung cấp máu đến các khối u hoặc tiêu diệt các tế bào ung thư.
Sau khi quá trình xạ trị kết thúc, cơ thể của bạn vẫn có thể gặp một vài tác dụng phụ do tổn thương của bức xạ trong thời gian xạ trị và thường sau vài tuần tia xạ mới đạt hiệu quả điều trị tốt nhất. Các tế bào bình thường cũng bị ảnh hưởng bởi bức xạ, nhưng những tế bào lành có khả năng tự sửa chữa tổn thương do bức xạ tốt hơn những tế bào ung thư.
Xạ trị là phương pháp điều trị không xâm lấn và không đau, giống như chụp X-quang. Bạn sẽ có thể về nhà sau khi điều trị. Có nhiều kỹ thuật xạ trị có thể dùng trong điều trị di căn xương: 3D-CRT (xạ trị thường quy), VMAT, SBRT, SRS... tùy vào vị trí, kích thước, mức độ phức tạp của tổn thương di căn xương.
Phương pháp điều trị ung thư ở xương thường được chỉ định hằng ngày, từ thứ 2 đến thứ 6, trong khoảng một đến ba tuần tùy thuộc vào quyết định của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất.
Đôi khi phương pháp điều trị được thực hiện bởi kỹ thuật xạ phẫu (SRS, SBRT) là kỹ thuật xạ trị sử dụng phân liều cao và thời gian điều trị ngắn (thường 1 đến 5 ngày).
6. Những tác dụng phụ xạ trị
- Mệt mỏi là tác dụng phụ phổ biến nhất bạn có thể gặp trong thời gian xạ trị. Cảm giác mệt mỏi thường bắt đầu ở giữa tuần điều trị và có thể kéo dài trong vài tuần sau điều trị.
- Xạ trị có thể gây ra rụng tóc và tóc sẽ có thể phát triển trở lại bình thường sau xạ trị.
- Bạn cũng có thể nhận thấy một số thay đổi nhỏ trên da hoặc cảm giác ráp trên da nơi chiếu xạ. Điều này nên biến mất theo thời gian.
Tác dụng phụ là khác nhau đối với mọi người và phụ thuộc vào vùng điều trị trên cơ thể của bạn. Bác sĩ xạ trị ung thư và điều dưỡng của bạn sẽ theo dõi bạn chặt chẽ trong quá trình điều trị và đánh giá các triệu chứng của bạn. Một số loại thuốc có thể được kê để làm cho bạn cảm thấy dễ chịu hơn trong điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.