Virus viêm gan C sống được bao lâu ở bên ngoài cơ thể có thể là thắc mắc chung của nhiều người. Trong số các loại virus viêm gan đã được phát hiện, virus viêm gan C được tìm thấy vào năm 1989 là loại đặc biệt nguy hiểm. Loại virus này có khả năng dễ dàng chuyển sang viêm gan mạn tính, từ đó có thể tiến triển thành xơ gan và ung thư gan.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Đặc điểm của virus viêm gan C
Virus viêm gan C (HCV) là một thành viên của họ Flaviviridae có kích thước khoảng 50 - 60 nanomet. Virus này có cấu trúc gồm chuỗi ARN đơn và được bao bọc bởi vỏ lipoprotein. HCV có sáu tuýp chính, lần lượt là I, II, III, IV, V, VI. Mỗi tuýp có sự khác biệt về phân bố dịch tễ học và độc lực gây bệnh. Đáng chú ý, HCV tuýp II thường có tỷ lệ chuyển sang xơ gan cao hơn các tuýp khác. Thời gian ủ bệnh của HCV thường kéo dài từ 30 đến 120 ngày, trung bình là khoảng hai tháng.
Viêm gan C có thể xảy ra ở bất kỳ đâu trên thế giới. Nhóm có nguy cơ cao nhất là những người sử dụng ma túy qua đường tiêm chích và các bệnh nhân mắc bệnh chảy máu khi truyền máu. Hiện tại,chúng ta vẫn chưa có vaccine phòng ngừa viêm gan C.
2. Viêm gan C lây qua đường nào và một số câu hỏi về đường lây truyền
2.1 Viêm gan C lây qua đường nào?
Viêm gan C lây lan chủ yếu qua đường máu khi tiếp xúc trực tiếp với máu từ người mang virus. Hiện nay, phần lớn những người mắc bệnh này do dùng chung kim tiêm hoặc các dụng cụ khác để tiêm thuốc.
Một số con đường lây truyền viêm gan C, gồm có:
- Nhân viên y tế bị kim đâm khi làm việc.
- Trẻ em sinh ra từ người mẹ nhiễm dương tính với virus.
- Dùng chung các vật dụng cá nhân với người nhiễm virus viêm gan C như dao cạo râu, bàn chải đánh răng.
- Quan hệ tình dục với người nhiễm virus.
2.2 Virus viêm gan C có lây truyền khi bị muỗi hoặc côn trùng đốt không?
Theo các nghiên cứu hiện nay, không có bằng chứng nào cho thấy virus viêm gan C có thể lây truyền qua muỗi chích hoặc côn trùng đốt từ người bệnh sang người khỏe mạnh.
2.3 Khả năng virus viêm gan C lây qua đường tình dục
Khả năng lây truyền virus qua đường tình dục được đánh giá khá là thấp, nhưng không phải là không có nguy cơ. Rủi ro này có thể tăng lên đối với những người có quan hệ tình dục với nhiều bạn tình, những người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, quan hệ tình dục thô bạo hoặc những người nhiễm HIV. Chúng ta cần nhiều nghiên cứu hơn để làm rõ cách thức và khi nào HCV có thể lây lan qua quan hệ tình dục.
2.4 Khả năng virus viêm gan C lây lan khi tiếp xúc trong gia đình
Khả năng lây truyền HCV trong gia đình là khá hiếm, chỉ xảy ra khi có sự tiếp xúc trực tiếp giữa vùng da bị tổn thương và máu của người nhiễm virus sống chung trong nhà.
3. Tính chất gây bệnh của virus viêm gan C
Virus viêm gan C (HCV) có khả năng gây ra viêm gan cấp tính và thường tiến triển thành bệnh mạn tính ở phần lớn bệnh nhân nhiễm trùng. Theo kết quả nghiên cứu thực nghiệm trong mô hình nhiễm trùng ở vượn: Trong giai đoạn đầu của viêm gan cấp, tế bào gan ít bị hoại tử, nhưng RNA của virus được tìm thấy trong gan và có thể tồn tại trong nhiều tuần.
Bệnh viêm gan cấp tính do HCV thường không gây suy gan cấp, trừ khi người bệnh đã có nhiễm trùng gan mạn tính do virus viêm gan B (HBV) trước đó. Khoảng 50 - 70% các ca viêm gan C cấp sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính.
Với viêm gan mạn tính, tổn thương gan không chỉ do virus gây ra mà còn liên quan đến các bệnh lý tự miễn khác của cơ thể. Viêm gan C mạn tính có thể dẫn đến biến chứng xơ gan ở khoảng 20 - 25% bệnh nhân và cuối cùng là ung thư tế bào gan. Vậy, virus viêm gan C sống được bao lâu ở bên ngoài cơ thể?
4. Virus viêm gan C sống được bao lâu ở bên ngoài cơ thể?
Virus viêm gan C có khả năng tồn tại ngoài cơ thể người trong điều kiện nhiệt độ phòng, thời gian sống sót tối thiểu là 16 giờ và không vượt quá 4 ngày.
5. Hệ quả lâu dài của bệnh viêm gan C
Bên cạnh câu hỏi virus viêm gan C sống được bao lâu, mức độ nguy hiểm cũng như những hậu quả lâu dài của bệnh viêm gan C cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Theo thống kê, trong số 100 người nhiễm HCV, có từ 75 đến 85 người sẽ phát triển thành viêm gan C mạn tính, cụ thể:
- Khoảng 60 đến 70 người trong số này sẽ mắc các bệnh lý gan mạn tính.
- Từ 5 đến 20 người có thể bị xơ gan sau khoảng 20 đến 30 năm.
- Từ 1 đến 5 người có thể tử vong do biến chứng xơ gan hoặc ung thư gan.
6. Người mắc viêm gan C sống được bao lâu?
Người mắc viêm gan C sống được bao lâu là thắc mắc chung của nhiều bệnh nhân. Tuổi thọ của người mắc viêm gan C phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng nhiễm khuẩn, sức khỏe tổng thể và phác đồ điều trị.
Khoảng 15 - 25% người nhiễm virus HCV có thể tự khỏi mà không cần can thiệp điều trị. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp còn lại cần được điều trị và theo dõi thường xuyên để phòng ngừa các biến chứng lâu dài như xơ gan hay ung thư gan.
Nếu được điều trị kịp thời, tuân thủ phác đồ điều trị hiệu quả, kết hợp cùng với chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, người bệnh có thể sống chung với HCV trong suốt cuộc đời mình. Việc kiểm soát tốt mức độ virus trong cơ thể có thể giúp hạn chế sự tiến triển của bệnh tới các giai đoạn nguy hiểm hơn.
Ngược lại, nếu không được điều trị đúng cách, điều trị muộn hoặc gặp phải vấn đề kháng thuốc, sức khỏe yếu kém, cũng như chế độ ăn uống không lành mạnh, tuổi thọ bệnh nhân sẽ rút ngắn đáng kể.
Trong trường hợp xơ gan, tuổi thọ có thể kéo dài thêm khoảng 20 năm hoặc ít hơn. Nếu bệnh tiến triển thành ung thư gan, tuổi thọ có thể giảm xuống chỉ còn vài năm hoặc thậm chí chỉ tính bằng tháng.
7. Bệnh viêm gan C có tự khỏi không?
Khoảng 15 - 25% bệnh nhân nhiễm virus viêm gan C có thể tự khỏi, tức là virus sẽ biến mất khỏi cơ thể mà không cần can thiệp điều trị. Tuy nhiên, đối với 75 - 85% số bệnh nhân còn lại, bệnh không thể tự khỏi và cần phải được điều trị để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng lâu dài.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.