Virus gây hội chứng suy giảm miễn dịch ở người

Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (HIV/AIDS) là tình trạng nhiễm virus gây hội chứng suy giảm miễn dịch. Các virus này phá huỷ tế bào lymbo CD4+ khiến cơ thể người bệnh mất đi khả năng miễn dịch và tử vong do các bệnh nhiễm trùng cơ hội.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS. BS Thục Thanh Huyền, chuyên ngành Dị ứng-  Miễn dịch lâm sàn, tại Bệnh viện Vinmec Times City.

1. Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải là gì?

Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải - AIDS (viết tắt của Acquired Immunodeficiency Syndrome trong tiếng Anh, hoặc SIDA từ tiếng Pháp Syndrome d'ImmunoDéficience Acquise) là một tình trạng do virus tấn công, phá huỷ các tế bào miễn dịch của cơ thể. Tình trạng này dẫn đến một loạt các bệnh nhiễm trùng (như lao, viêm phổi, nấm) gọi là các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao do những biến chứng khó lường của bệnh AIDS.  

2. Nguồn gốc gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch ở người

Căn nguyên gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch ở người là virus Human immunodeficiency virus, hay được biết đến với tên gọi là virus HIV. Virus này có kích thước vô cùng nhỏ, với đầu mũi kim có thể chứa được khoảng 16000 con. Mặc dù kích thước nhỏ bé, tuy nhiên ảnh hưởng của nó đối với hệ thống miễn dịch của con người là cực kỳ lớn, cuối cùng dẫn đến bất hoạt  hệ thống miễn dịch.

Virus HIV chỉ có thể phát triển và sinh sản bên trong tế bào sống. Đặc điểm chính của HIV là khả năng sao chép ngược và khả năng tấn công cao với các tế bào của hệ miễn dịch, bao gồm cả lympho T helper (T-CD4), các tế bào đại thực bào, tế bào đơn nhân và một số tế bào khác có cấu trúc tương tự T-CD4 như tế bào thần kinh, da, niêm mạc, hạch lympho toàn thân,... Khi xâm nhập vào cơ thể, virus HIV gắn kết vào màng tế bào miễn dịch và bắt đầu tấn công bên trong.

Ban đầu, virus sử dụng khả năng sao chép ngược để tổng hợp các vật liệu trung gian, sau đó tận dụng cấu trúc sẵn có của tế bào sống để tạo ra nhiều virus HIV khác nhau thông qua quá trình phân bào. Điều này dẫn đến phá hủy cấu trúc và chết tế bào, từ đó phóng thích những siêu vi mới sản sinh. Các virus HIV mới tiếp tục xâm nhập vào các tế bào khác, tiếp tục quá trình sinh sản và phá hủy tế bào. Theo thời gian, biểu hiện suy giảm hệ miễn dịch trở nên rõ ràng hơn do tế bào T-CD4 bị tiêu diệt, cuối cùng dẫn đến suy kiệt, khiến hệ miễn dịch không còn khả năng chống lại khi các tác nhân gây bệnh xâm nhập, điều này cũng là giai đoạn cuối cùng của bệnh, gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (gọi tắt là AIDS - Acquired Immuno Deficiency Syndrome). 

HIV là virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch ở người
HIV là virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch ở người

3. Đường lây truyền của bệnh HIV

Việc truyền nhiễm virus HIV đòi hỏi tiếp xúc với các chất dịch cơ thể, đặc biệt là máu, tinh dịch, dịch tiết âm đạo, sữa mẹ, nước bọt và dịch từ vết thương, da hay niêm mạc chứa virus HIV hoặc tế bào nhiễm. Khả năng lây truyền bệnh HIV thường cao hơn khi nồng độ virus cao, thậm chí cả khi không có triệu chứng. Mặc dù việc lây truyền qua nước bọt, giọt bắn từ ho hoặc hắt hơi có thể xảy ra, nhưng rất hiếm. Hội chứng suy giảm miễn dịch ở người không lây truyền thông qua tiếp xúc hàng ngày tại nơi làm việc, trường học hoặc trong các hoạt động gia đình.

Các tình huống lây nhiễm virus HIV thường gặp bao gồm:

  • Lây truyền qua đường tình dục: Trực tiếp từ dịch tiết của cơ quan sinh dục, dịch trực tràng hoặc miệng thông qua quan hệ tình dục.
  • Lây truyền qua kim tiêm hoặc dụng cụ liên quan: Nhiễm khi sử dụng chung kim tiêm có máu hoặc tiếp xúc với dụng cụ nhiễm virus HIV.
  • Lây truyền từ mẹ sang con: Trong quá trình sinh con hoặc khi cho con bú.
  • Lây truyền qua truyền máu hoặc qua các ca phẫu thuật liên quan đến ghép tạng. 
HIV rất hiếm khi lây nhiễm qua nước bọt hoặc giọt bắn khi hắt hơi.
HIV rất hiếm khi lây nhiễm qua nước bọt hoặc giọt bắn khi hắt hơi.

4. Tiến triển của hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải

Trong giai đoạn đầu sau khi nhiễm trùng, cơ thể phản ứng bằng cả phản ứng miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào:

  • Phản ứng miễn dịch dịch thể: Trong vài tuần đầu sau tiếp xúc, cơ thể tạo ra kháng thể chống lại virus HIV. Tuy nhiên, các kháng thể này không thể kiểm soát hoàn toàn khả năng nhiễm bệnh do virus HIV có khả năng biến đổi liên tục.
  • Phản ứng miễn dịch tế bào: Sự miễn dịch thông qua tế bào đóng vai trò quan trọng hơn trong việc kiểm soát mức độ cao của vi rút HIV (thường là trên 106 bản sao/mL) ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, các đột biến trong quá trình sao chép ngược tạo điều kiện cho sự phát triển của các vi rút HIV mới có khả năng chống lại sự kiểm soát của hệ thống miễn dịch cũng như thuốc kháng virus.
  • Nồng độ virus HIV trong huyết tương thường ổn định sau khoảng 6 tháng lây nhiễm, dao động trung bình từ 30.000 đến 100.000 bản sao/mL. Mức độ này tăng cao khiến số lượng tế bào T-CD4 giảm, dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch (khi T-CD4 < 200/μL) và cuối cùng là gây ra AIDS.

Nguy cơ và độ nghiêm trọng của hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người được xác định bởi 2 yếu tố:

  • Số lượng T-CD4.
  • Nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh cơ hội.

Nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội tăng đặc biệt khi lượng tế bào T-CD4 dưới ngưỡng 200/μL đối với một số loại bệnh nhiễm trùng và dưới 50/μL đối với các loại khác, như sau:

  • Khi lượng T-CD4 < 200/μL: Nguy cơ mắc Viêm phổi do Pneumocystis jirovecii, viêm não do toxoplasma, và viêm màng não mô cầu do cryptococcus.
  • Khi lượng T-CD4 < 50/μL: Nguy cơ mắc cytomegalovirus (CMV) và Nhiễm trùng phức tạp Mycobacterium avium (MAC).

Nếu tính trung bình, mỗi lần số lượng ARN virus tăng lên gấp ba lần trong huyết thanh của những bệnh nhân chưa được điều trị, thì khả năng tiến triển đến giai đoạn AIDS hoặc tử vong trong vòng 2 - 3 năm tiếp theo sẽ tăng khoảng 50%.

Nếu không được điều trị, khả năng tiến triển đến giai đoạn AIDS là khoảng 1-2% mỗi năm trong 2 - 3 năm đầu tiên của nhiễm trùng và khoảng 5-6% mỗi năm vào những năm sau đó. Bệnh nhân hầu như luôn tiến triển đến giai đoạn AIDS nếu không được điều trị. 

Không thể chữa khỏi hoàn toàn hội chứng suy giảm miễn dịch ở người.
Không thể chữa khỏi hoàn toàn hội chứng suy giảm miễn dịch ở người.

5. Nguyên tắc điều trị bệnh HIV/AIDS

Bệnh nhân cần được chẩn đoán và bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt ngay khi có nguy cơ phơi nhiễm. Việc điều trị bệnh HIV tuân theo những nguyên tắc sau:

  • Đối với bệnh nhân HIV, việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn cơ hội được thực hiện ngay khi có dấu hiệu, tuy nhiên, việc sử dụng phác đồ kháng retrovirus (ARV) chỉ thực hiện khi cần thiết.
  • Điều trị ARV cần kết hợp với các biện pháp chăm sóc y tế, tâm lý và xã hội cho bệnh nhân.
  • Mọi phác đồ điều trị HIV cần bao gồm ít nhất 3 loại thuốc ARV (gọi là liệu pháp kháng retrovirus hoạt tính cao - HAART).
  • Sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân luôn quan trọng để đạt được kết quả tích cực từ điều trị ARV.
  • Các loại thuốc ARV chỉ có tác dụng ức chế sự nhân lên của virus HIV và không thể chữa khỏi hoàn toàn hội chứng suy giảm miễn dịch ở người. Vì vậy, việc điều trị phải kéo dài suốt đời và cần thực hiện các biện pháp dự phòng để ngăn chặn lây nhiễm HIV cho người khác.
  • Người bệnh được điều trị ARV, mặc dù có khả năng phục hồi khả năng miễn dịch, vẫn phải tiếp tục chăm sóc và dự phòng các bệnh nhiễm khuẩn cơ hội.
  • Bệnh nhân HIV chưa có chỉ định điều trị ARV cần được theo dõi về lâm sàng và miễn dịch mỗi 3 - 6 tháng để đánh giá tiến triển của bệnh và xem xét chỉ định điều trị ARV trong tương lai.

6. Biện pháp phòng ngừa hội chứng miễn dịch mắc phải

6.1. Tuyên truyền và giáo dục về sức khỏe

Cho đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng tránh hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải, vì vậy việc tuyên truyền giáo dục về sức khỏe là cực kỳ quan trọng, đặc biệt đối với những người có hành vi nguy cơ cao về lây nhiễm HIV.

6.2. Tránh tiếp xúc với máu và dịch của người nhiễm HIV

Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể và dịch sinh dục là nguyên tắc quan trọng nhất trong việc dự phòng lây nhiễm HIV. Khi phải tiếp xúc với máu, dịch tiết hoặc dịch sinh dục, cần thực hiện các biện pháp phòng tránh như sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, sử dụng vật phòng tránh như kính bảo hộ, găng tay, áo choàng khi chăm sóc và ngâm tất cả các đồ dùng dính máu, dịch cơ thể trong dung dịch nước sát trùng trước khi xử lý. Đây là những biện pháp hiệu quả nhằm phòng tránh lây nhiễm HIV.

Sự đa dạng của các loại kháng nguyên do các protein bề mặt HIV liên tục đột biến, làm cho việc phát triển vắc-xin chống HIV rất khó khăn. Hiện tại, vẫn chưa có vắc-xin chủng ngừa nào hiệu quả đối với hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. Thế nên, mọi người cần phải cẩn thận, chủ động phòng ngừa và tuyên truyền cho những người xung quanh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe