Organoid Development Conference 2024 (ODC24) là hội nghị đầu tiên về organoid tại Việt Nam, đánh dấu một bước tiến triển mạnh mẽ trong nghiên cứu y sinh, đặc biệt là y học cá thể hoá ở Việt Nam. Năm 2024, Trung tâm Công nghệ cao Vinmec (TTCNC) và công ty OrganoidSciences/VOS Discovery đồng phối hợp triển khai dự án organoid ung thư chính xác, phục vụ sàng lọc thuốc điều trị. Đây là một dự án tiên phong, mở ra nhiều hướng điều trị và chẩn đoán vô cùng tiềm năng cho các bệnh nan y.
Tại hội thảo, những tiềm năng và triển vọng của công nghệ organoid trong phát triển thuốc mới, đánh giá đáp ứng và sàng lọc thuốc cũng như tái tạo một phần cơ quan trong cơ thể đã được thảo luận. Buổi hội thảo gồm hai phiên báo cáo và thảo luận chính, bao gồm nhiều nội dung được các chuyên gia trong ngành giới thiệu và thảo luận sôi nổi như tiềm năng ứng dụng organoid trong hỗ trợ điều trị chính xác ung thư rắn; những khám phá liên quan đến hoạt chất có nguồn gốc thực vật khi kết hợp cùng nano/hydrogel trong điều trị liền thương (wound healing), củng cố thêm triển vọng của việc kết hợp giữa khoa học vật liệu và sinh hoá dược trong điều trị các tổn thương trên da.
Ngoài ra, việc sử dụng vật liệu nano polydomine, giúp tăng cường chức năng của tế bào trình diện kháng nguyên (antigen presenting cell) khi tiếp xúc với các loại tế bào miễn dịch, từ đó tăng khả năng tiêu diệt tế bào ung thư cũng là đề tài nhận được sự chú ý lớn. Bên cạnh đó, hội thảo cũng đi sâu vào thảo luận ứng dụng organoid trong điều trị bệnh tiểu đường tuýp 1. Organoid từ đảo tuỵ đã ghép thành công vào mô hình chuột. Đây là một tiền đề vững mạnh cho việc thực hiện các ca ghép nội tạng sử dụng organoid cho một số bệnh nan y. Bổ sung thêm cho ứng dụng organoid là bài giới thiệu về tiềm năng của việc sử dụng polysaccharide và peptide.
Về phía Vinmec, TS Nguyễn Xuân Hưng – Giám đốc TTCNC đã nêu bật mô hình hoạt động tiên tiến, khả năng cung cấp dịch vụ và năng lực nghiên cứu vượt trội của Hệ thống Y tế Vinmec trong mảng công nghệ tế bào gốc, đáp ứng các nhu cầu về y tế chất lượng cao ở Việt Nam. Đồng thời, những thành tựu nghiên cứu và ứng dụng của tế bào gốc trung mô (mesenchymal stem cell) và thể tiết ngoại bào (extracellular vesicle) trên người dẫn dắt bởi nhóm của GS.TS.BS Nguyễn Thanh Liêm đã được giới thiệu tại hội thảo.
Bên cạnh đó, 13 đại diện trong và ngoài nước đã trình bày những thành tựu nghiên cứu và khám phá mới, thú vị về công nghệ gen, y học cá thể hoá và organoid. Trong các poster ấn tượng báo cáo trong hội thảo, ba poster được đánh giá cao nhất thuộc về 3 nhóm, với giải Nhất được trao cho bài trình bày của nghiên cứu viên Seong Gyeong Jeon, Đại học CHA, Hàn Quốc; giải Nhì thuộc về TS Nguyễn Đình Dũng từ TTCNC Vinmec, Việt Nam; và giải Ba thuộc về nghiên cứu viên Phan Văn Toàn, Đại học Chunglalongkorn, Thái Lan.
Khép lại buổi hội thảo, Vinmec tự hào cùng OrganoidSciences đặt những bước chân đầu tiên đánh dấu bước tiến lớn của y học chính xác dựa trên organoid của Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Trong tương lai gần, organoid được dự đoán là có thể được tích hợp vào các dịch vụ y tế để nâng tầm chất lượng chăm sóc sức khoẻ.
Organoid là phiên bản ba chiều thu nhỏ của một cơ quan trong cơ thể, được tạo thành trong ống nghiệm, mô phỏng lại chức năng, cấu trúc và sinh học của cơ quan đó. Organoid có thể được nuôi cấy và sử dụng làm mô hình thí nghiệm trong nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng trong phát triển dược, mỹ phẩm… hay được áp dụng trong các liệu pháp y học tiên tiến. Trên thực tế, sự khác biệt lớn giữa kết quả thử nghiệm trên động vật và người gây ảnh hưởng đến khả năng thành công của các thử nghiệm lâm sàng.
Đáng chú ý, từ cuối năm 2022, yêu cầu bắt buộc về các thử nghiệm trên động vật trong quá trình phát triển thuốc đã bị loại bỏ chính thức bởi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược (FDA) Hoa Kỳ. Điều này đòi hỏi sự phát triển của các mô hình mới có thể nâng cao hiệu quả chuyển đổi ý nghĩa nghiên cứu từ phòng lab sang ứng dụng trên người. Organoid là một mô hình có thể đáp ứng được yêu cầu trên.