Viêm tủy cấp là bệnh xảy ra chủ yếu ở đối tượng trẻ em. Bệnh hiếm gặp nhưng có tính chất nguy hiểm, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể gây ra suy hô hấp và các biến chứng thần kinh nguy hiểm.
1. Viêm tủy cấp tính ở trẻ em (AFM) có nguy hiểm không?
Dưới đây là một số thống kê của CDC giúp đánh giá mức độ nguy hiểm của viêm tủy cấp tính ở trẻ em (AFM):
- Trẻ bị viêm tủy cấp chiếm đa số. Khoảng 90% các trường hợp được xác nhận trong năm 2018 là dưới 18 tuổi và độ tuổi trung bình của bệnh nhân AFM là 4 tuổi.
- Viêm tủy cấp tính (AFM) là một bệnh nghiêm trọng. Nó ảnh hưởng đến hệ thần kinh, cụ thể là khu vực tủy sống được gọi là chất xám, khiến các cơ và phản xạ cơ thể trở nên yếu đi. Ngoài yếu tay hoặc chân đột ngột, các triệu chứng có thể bao gồm xệ mặt, khó cử động mắt, sụp mí, khó nuốt hoặc nói lắp.
- Viêm tủy cấp tính (AFM) tương tự bệnh bại liệt, nhưng tất cả các mẫu phân của bệnh nhân AFM đều được xét nghiệm âm tính với virus bại liệt. Các trường hợp AFM kể từ năm 2014 không phải do virus bại liệt gây ra.
- Nguyên nhân từ virus đang được nghiên cứu. Loại virus được nghi gây ra AFM là enterovirus D68 (EV-D68) vì số trường hợp AFM tăng đột biến năm 2014 xảy ra trong đợt bùng phát EV-D68. CDC cho biết căn bệnh này không phải là bệnh bại liệt.
- Không có phương pháp điều trị hoặc vắc-xin cụ thể nào cho viêm tủy cấp (AFM). Vật lý trị liệu có thể cải thiện tình trạng bệnh.
- Tiên lượng lâu dài cho những bệnh nhân bị viêm tủy cấp chưa được xác định.
- Bệnh rất hiếm gặp, chưa đến một phần triệu người.
2. Các triệu chứng của viêm tủy cấp ở trẻ nhỏ
Triệu chứng viêm tủy cấp xuất hiện đột ngột:
- Yếu tay hoặc chân đột ngột
- Mất trương lực cơ và phản xạ
Triệu chứng khác xuất hiện kèm theo như:
- Khó cử động mắt hoặc sụp mí mắt
- Mặt xệ xuống hoặc yếu đi
- Khó nuốt hoặc nói lắp
- Đau tay hoặc chân
- Đau cổ hoặc lưng
Triệu chứng hiếm gặp nhưng có thể xảy ra:
- Bị tê hoặc ngứa ran
- Không đi tiểu được
Các triệu chứng nghiêm trọng nhất của AFM là:
- Suy hô hấp: Suy hô hấp xảy ra khi các cơ hô hấp yếu đi và có thể cần đến máy thở.
- Các biến chứng thần kinh nghiêm trọng: Thay đổi nhiệt độ cơ thể và huyết áp không ổn định có thể đe dọa tính mạng.
Đưa trẻ đến các cơ sở y tế ngay lập tức để được cấp cứu kịp thời nếu có phát hiện bất kỳ các triệu chứng trên.
3. Nguyên nhân gây viêm tủy cấp ở trẻ nhỏ
Các nghiên cứu đang hướng tới tìm nguyên nhân gây viêm tủy cấp liên quan đến enterovirus. Hầu hết trẻ bị viêm tủy cấp đều mắc các bệnh do nhiễm virus enterovirus trước đó như bệnh đường hô hấp hoặc sốt. Trong khi đó, enterovirus hoàn toàn có khả năng gây ra các bệnh thần kinh như viêm màng não, viêm não, yếu chi cấp tính, nhưng rất hiếm gặp. Các nghiên cứu đang hướng tới xác định nguyên nhân gây bệnh dựa trên các con đường xâm nhập vào tế bào thần kinh vận động của virus như:
- Trực tiếp: Các tế bào thần kinh vận động trực tiếp nhiễm virus
- Giáp tiếp: Virus gây phản ứng viêm hoặc phản ứng miễn dịch trước khi tới tế bào thần kinh vận động
- Truyền qua vật chủ
Viêm tủy cấp thường xảy ra từ tháng 8 đến tháng 11. Đây cũng là thời điểm các bệnh do enterovirus lưu hành. CDC đã xét nghiệm nhiều mẫu vật khác nhau từ các bệnh nhân AFM để tìm một loạt các mầm bệnh có thể gây ra AFM như coxsackievirus A16, EV-A71 và EV-D68 trong dịch tủy sống của một số ít bệnh nhân mắc AFM.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những bệnh nhân AFM có kháng thể đặc hiệu với enterovirus trong dịch tủy sống nhiều hơn những người không có AFM. Có kháng thể đối với enterovirus có nghĩa là đã bị nhiễm virus trước đó.
Tất cả các mẫu phân của bệnh nhân AFM nhận được đều cho kết quả âm tính với virus bại liệt. Thông thường, các xét nghiệm AFM không phát hiện mầm bệnh trong dịch tủy sống. Điều này có thể là do cơ thể đã loại bỏ mầm bệnh, hoặc nó đang ẩn náu trong các mô. Một khả năng khác là mầm bệnh gây phản ứng miễn dịch làm tổn thương tủy sống.
4. Phòng ngừa viêm tủy cấp ở trẻ nhỏ
Vì nguyên nhân của viêm tủy cấp ở trẻ nhỏ chưa được tìm ra nên hiện chưa đưa ra được các hành động cụ thể để ngăn ngừa AFM. Tuy nhiên, hầu hết trẻ bị nhiễm AFM đã bị nhiễm các bệnh siêu vi trước đó như bệnh đường hô hấp hoặc sốt. Do đó, phòng ngừa AFM bằng phòng ngừa nhiễm virus là việc làm cần thiết.
Hạn chế nguy cơ nhiễm virus cho trẻ bằng cách:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước
- Tránh để trẻ chạm vào mặt bằng tay chưa rửa
- Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh lây nhiễm
- Tiêm tất cả các loại vắc-xin được đề nghị
- Giảm thiểu tiếp xúc với virus do muỗi truyền bằng thuốc chống côn trùng
- Làm sạch và khử trùng các bề mặt thường xuyên chạm vào, bao gồm đồ chơi và tay nắm cửa
- Che khi ho và hắt hơi bằng khăn giấy hoặc phần trên ống tay áo sơ mi, không dùng tay
- Giữ trẻ bị bệnh ở nhà
Tìm kiếm chăm sóc y tế ngay lập tức nếu bất kỳ ai trong gia đình bị yếu hoặc liệt cơ đột ngột.
5. Chẩn đoán viêm tủy cấp ở trẻ nhỏ
Các xét nghiệm MRI, dịch não tủy, dịch đường hô hấp, máu, phân được thực hiện ngay khi xuất hiện triệu chứng.
Viêm tủy cấp ở trẻ nhỏ (AFM) được chẩn đoán bằng cách đánh giá tiền sử bệnh kết hợp với xét nghiệm. Cụ thể như sau:
- Kiểm tra hệ thống thần kinh: Kiểm tra hệ thống thần kinh của trẻ và các vị trí bị yếu, trương lực cơ kém và giảm phản xạ.
- Chụp MRI: Chụp MRI (chụp cộng hưởng từ) để quan sát và đánh giá não bộ và tủy sống của trẻ.
- Xét nghiệm: Thực hiện các xét nghiệm về dịch não tủy (chất lỏng xung quanh não và tủy sống).
- Kiểm tra dẫn truyền thần kinh: Kiểm tra sự dẫn truyền thần kinh (xung động được gửi dọc theo sợi thần kinh) và phản ứng cơ thể của trẻ với bài kiểm tra.
AFM có thể khó chẩn đoán vì có nhiều triệu chứng giống như các bệnh thần kinh khác, như viêm tủy cắt ngang và hội chứng Guillain-Barre cần hội chẩn nhiều chuyên khoa khác nhau.
6. Điều trị viêm tủy cấp ở trẻ nhỏ
Các liệu pháp vật lý trị liệu và phục hồi chức năng có thể giúp ích trong việc hồi phục các hậu quả AFM để lại như yếu tay chân, ... đặc biệt hiệu quả trong giai đoạn đầu của bệnh.
Trẻ trong giai đoạn từ 6 tháng đến 3 tuổi rất dễ gặp phải các vấn đề về hệ hô hấp, các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp, bệnh lý về da và nhiễm trùng đường tiêu hóa...cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến việc chăm sóc và cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: cdc.gov, babycenter.com