Chọc dịch tủy sống chẩn đoán viêm màng não

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mỹ Linh - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Mỹ Linh có 12 năm kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý Nhi.

Viêm màng não là một dạng nhiễm trùng ở các lớp mô quanh não bộ và tủy sống các mầm bệnh như vi khuẩn HI, phế cầu, mô cầu, vi rút và nấm có thể gây viêm màng não. Chọc dịch tủy sống là phương pháp quan trọng nhất để chẩn đoán bệnh viêm màng não.

1. Các xét nghiệm chẩn đoán viêm màng não

Màng não làm nhiệm vụ bảo vệ và hỗ trợ hệ thống thần kinh trung ương (CNS).

Các màng não tạo thành một hàng rào bảo vệ bảo vệ các cơ quan nhạy cảm của CNS chống lại chấn thương. Đồng thời màng não cũng chứa một nguồn cung cấp dồi dào các mạch máu cung cấp máu cho mô CNS.

Một chức năng quan trọng khác của màng não là nó tạo ra dịch não tủy. Chất lỏng trong suốt này lấp đầy các khoang của não thất và bao quanh não và tủy sống. Dịch não tủy bảo vệ và nuôi dưỡng mô CNS bằng cách hoạt động như một chất hấp thụ sốc, bằng cách lưu thông các chất dinh dưỡng và bằng cách loại bỏ các chất thải.

Khi có dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh viêm màng não, các phương pháp được dùng để chẩn đoán và xét nghiệm viêm màng não là:

  • Chọc dịch tủy sống: Hay còn gọi là Chọc dịch não tủy. Trong bệnh viêm màng não, hệ thần kinh trung ương bị tổn thương dịch thì não tủy cũng sẽ có những thay đổi tương ứng.Đây là phương pháp chọc dịch lấy dịch tủy sống, sau đó mang đi xét nghiệm nhằm xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm, tác nhân gây bệnh và sự nhạy cảm của vi sinh vật đối với các sản phẩm thuốc. Đây là kỹ thuật quan trọng nhất trong chẩn đoán bệnh viêm màng não.
  • Xét nghiệm máu: Giúp đánh giá mức độ nhiễm trùng. Trong một số trường hợp, có thể cần phải cấy máu để xác định tác nhân gây bệnh.
  • Xét nghiệm vật lý chụp hình (CT, MRI): Sử dụng để chẩn đoán các biến chứng của viêm màng não gây ảnh hưởng đến não.

2. Tìm hiểu phương pháp Chọc dịch tủy sống


Cây kim được chọc đúng cách vào túi dịch bên dưới cột tủy sống
Cây kim được chọc đúng cách vào túi dịch bên dưới cột tủy sống

Chọc dịch tủy sống có thể được thực hiện tại khu cấp cứu để chẩn đoán các bệnh có thể đe dọa đến tính mạng như viêm màng não hoặc xuất huyết dưới màng nhện...

Chọc dịch tủy sống còn được gọi là lấy dịch tủy sống (spinal tap). Thủ thuật này gồm việc chọc một kim nhỏ vào lưng dưới để lấy chất dịch bao bọc tủy sống và não bộ, được gọi dịch não tủy hoặc CSF (cerebral spinal fluid). Cây kim được chọc đúng cách vào túi dịch bên dưới cột tủy sống. Phần lưng dưới thường được xem là an toàn nhất để lấy chất dịch này để gửi đi kiểm tra trong phòng thí nghiệm.

Việc này tương tự như thủ thuật giúp các phụ nữ giảm đau trong khi sinh nở gọi là Gây tê cột sống hoặc Gây tê ngoài màng cứng, chỉ khác là trong các trường hợp sinh nở thì thuốc tê được tiêm vào chất dịch não tủy, thay vì lấy mẫu của dịch não tủy.

3. Chọc dịch tủy sống được thực hiện như thế nào?

Thủ thuật này có thể được thực hiện trong khi ngồi hoặc nằm. Bác sĩ sẽ cho biết người bệnh cần ở tư thế nào. Lưng của bệnh nhân sẽ được lau kỹ bằng thuốc khử trùng và một tấm phủ sẽ được đặt trên lưng người bệnh để giữ cho vùng này được vô trùng. Điều quan trọng là không nhúc nhích trong khi thủ thuật được thực hiện - hãy cho bác sĩ biết nếu không có được tư thế dễ chịu, hoặc cần cử động vì lý do nào đó.

Thường sẽ không có đau nhiều bởi vì có dùng thuốc gây tê cục bộ, tuy nhiên, một số bệnh nhân cảm thấy hơi đau và ép nhẹ khi mũi kim chích vào. Bác sĩ sẽ cẩn thận chích mũi kim giữa đốt sống vào khoảng trống có chứa dịch và rút ra khoảng vài mi-li-lít để xét nghiệm. Đây là một thủ thuật khó khăn và có thể phải chích lại hơn 1 lần.

Sau khi lấy mẫu dịch, kim được rút ra và băng dán sẽ được đặt vào chỗ chích. Bệnh nhân hoàn toàn có thể ngồi dậy và cử động nếu muốn.


Tư thế thực hiện chọc dịch tủy sống
Tư thế thực hiện chọc dịch tủy sống

4. Chọc dịch tủy sống có an toàn không?

Bác sĩ sẽ dùng một cây kim thật nhỏ để chích gây tê vùng da của người bệnh trước. Bệnh nhân sẽ cảm thấy như bị châm chích khi kim đâm vào da và gây tê tại chỗ. Việc này chỉ kéo dài khoảng vài giây.

Hầu hết nhiều người không cảm thấy đau, nhưng có cảm giác có sức ép ở lưng, khi kim chọc dịch tủy sống được chích vào. Điều này thay đổi rất nhiều tùy bệnh nhân. Nếu người bệnh thấy đau nhói xuống chân, cần nói cho bác sĩ biết ngay để chỉnh sửa vị trí của kim giúp bệnh nhân dễ chịu hơn.

Chọc dịch tủy sống được thực hiện rất thường xuyên tại khu cấp cứu và mặc dù bệnh nhân có thể cảm thấy hơi lo ngại, các thủ thuật này thực ra rất an toàn. Trong hầu hết các trường hợp, thủ thuật không gây vấn đề gì và không gây kết quả bất lợi. Các biến chứng khác như tổn hại dây thần kinh và tổn hại cột sống do chảy máu, thường chỉ xảy ra ở bệnh nhân bị chứng rối loạn xuất huyết và rất hiếm xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe