Bài viết được tư vấn bởi BSCK II Phạm Thị Sơn - Bác sĩ Thần kinh - Khoa Khám bênh & Nội khoa, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Hải Phòng và Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa - Bác sĩ Nội đa khoa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Đau đầu là hội chứng do nhiều căn nguyên khác nhau gây ra. Việc thực hiện các xét nghiệm giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân đau đầu sẽ mang đến hiệu quả điều trị cao hơn.
1. Chụp cắt lớp vi tính sọ não
Chụp cắt lớp vi tính sọ não (hay chụp CT sọ não) là phương pháp dùng tia X để chụp hình ảnh vùng đầu và mặt. Trong quá trình thực hiện, bệnh nhân sẽ nằm trên một mặt phẳng có gắn với thiết bị chụp CT và đặt phần đầu vào trong máy. Thiết bị này sẽ rà tia X xuyên qua vùng đầu. Với mỗi góc chụp sẽ cho ra hình ảnh một lát cắt nhỏ ở đầu và mặt. Các bộ phận hỗ trợ sẽ nghiêng về nhiều hướng để máy có khả năng chụp được nhiều góc khác nhau của sọ não. Tất cả hình ảnh thu được sẽ được lưu lại trên máy tính và cũng có thể được rửa ra nếu cần thiết.
Ưu điểm của phương pháp chụp cắt lớp vi tính sọ não là thời gian thực hiện nhanh, xác định được khối choáng chỗ, tình trạng nhồi máu, xuất huyết, não nước... Trong khi đó, nhược điểm của chụp CT sọ não là khó chẩn đoán bệnh lý hố sau. Các bệnh nhân có triệu chứng đau đầu chuỗi, đau đầu do căng thẳng, đau đầu chức năng hầu hết đều cho hình ảnh bình thường và hỗ trợ chẩn đoán bệnh đau đầu khá tốt.
2. Chụp cộng hưởng từ sọ não
Chụp cộng hưởng từ sọ não (chụp MRI sọ não) là kỹ thuật hình ảnh tiên tiến, được áp dụng rộng rãi trong chẩn đoán các bệnh lý về thần kinh. Đây cũng là phương pháp hiện đại nhất có khả năng cho hình ảnh rõ ràng đối với những bệnh lý tổn thương ở vùng não, có thể dựng hình ở não theo nhiều chiều khác nhau, tìm ra chính xác nguyên nhân đau đầu.
Phương pháp chụp cộng hưởng từ sọ não có ưu thế trong chẩn đoán bệnh lý hố sau, chẩn đoán bệnh lý phần mềm (bao gồm não, tủy, phần mềm cổ). Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là: Thời gian chụp khá lâu, một lần chụp mất khoảng 30 phút, có thể gây trở ngại nếu phải thực hiện trên nhiều lượt bệnh nhân.
3. Chụp cộng hưởng từ mạch não
Đây là thủ thuật chụp cộng hưởng từ dùng để đánh giá mạch máu trong và ngoài sọ não, giúp chẩn đoán dị dạng mạch não, xơ vữa, hẹp tắc động mạch, phát hiện tình trạng huyết khối xoang tĩnh mạch sọ.
4. Chụp mạch mã hóa xóa nền
Chụp mạch mã hóa xóa nền thường được bác sĩ chỉ định trong trường hợp cần chẩn đoán và can thiệp các bệnh lý liên quan đến mạch máu trong và ngoài sọ.
5. Điện não đồ chẩn đoán bệnh đau đầu
Điện não đồ có chức năng ghi lại các hoạt động chức năng của não bộ. Điện não đồ đặc biệt có giá trị trong việc chẩn đoán và theo dõi tình trạng động kinh. Trong đó, điện não đồ video là phương pháp giúp theo dõi hoạt động của não bộ, kết quả thu được dưới dạng video, ghi lại toàn bộ những hoạt động của sóng điện não trong thời gian dài, nhằm xác định các bất thường trong hoạt động chức năng của hệ thần kinh, từ đó có thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân bệnh động kinh, đồng thời có khả năng xác định thể động kinh và khu vực não bộ diễn ra hoạt động bất thường.
6. Siêu âm mạch cảnh
Siêu âm mạch cảnh là phương tiện được lựa chọn trong phân loại, chẩn đoán, và kiểm tra đối với những trường hợp bệnh xơ vữa động mạch cảnh. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến giảm lưu lượng máu lên não và tiềm ẩn nguy cơ gây tắc mạch não, hậu quả biểu hiện qua các cơn đau đầu bất thường.
7. Siêu âm xuyên sọ tìm nguyên nhân đau đầu
Siêu âm xuyên sọ là phương pháp đặc biệt có giá trị trong việc theo dõi tình trạng co thắt mạch não, nhất là trường hợp xuất huyết dưới nhện, chẩn đoán hẹp hoặc tắc mạch não, áp dụng theo dõi trong phẫu thuật, theo dõi và đánh giá hiện tượng chết não... Trong đó, một trong những ứng dụng quan trọng nhất của thủ thuật siêu âm xuyên sọ là phát hiện các dị dạng thông động tĩnh mạch não.
8. Xét nghiệm dịch não tủy
Bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân làm xét nghiệm dịch não tủy trong trường hợp cần chẩn đoán nguyên nhân đau đầu có kèm theo sốt.
Ngoài ra, tùy trường hợp, bệnh nhân có thể phải làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng khác, để tìm các nguyên nhân gây bệnh đau đầu không phải tại não, chẳng hạn như xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu, tổng phân tích nước tiểu, thăm dò chức năng gan, thận, đo đường máu, kiểm tra mỡ máu, điện tim, siêu âm tim...
Các phương pháp không dùng thuốc thường được áp dụng trong điều trị đau đầu căng thẳng:
- Duy trì chế độ tập luyện thể chất đều đặn hàng ngày, như đi bộ, tập yoga, bơi lội.
- Tránh các tình huống căng thẳng, xung đột trong công việc và cuộc sống, sắp xếp thời gian hợp lý, có khoảng trống cho việc nghỉ ngơi, sinh hoạt.
- Giữ cho tinh thần luôn lạc quan vui vẻ, nếu gặp vấn đề khó khăn thì nên chia sẻ với người thân, bạn bè và thậm chí là bác sĩ để nhận lời khuyên phù hợp.
- Hạn chế các thói quen xấu như uống rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, tránh thức khuya và xây dựng chế độ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng.
Mặt khác, bệnh nhân khi nhận thấy bất cứ triệu chứng nào của bệnh đau đầu thì cần đến cơ sở y tế có uy tín để thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán bệnh đau đầu phù hợp và tiến hành điều trị đúng cách, không nên tự ý dùng thuốc. Bởi vì việc điều trị đúng bệnh, sử dụng đúng thuốc sẽ đảm bảo an toàn, hiệu quả điều trị và giảm chi phí không cần thiết cho người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02257309888 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.