Viêm trực tràng là một căn bệnh có thể xảy ra bất kể mọi độ tuổi, kể cả trẻ em. Với trường hợp cấp tính, người bệnh cần được điều trị ngay lập tức và có thể hồi phục sau vài tuần. Tuy nhiên, viêm trực tràng mãn tính đòi hỏi thời gian điều trị lâu dài hơn.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Viêm trực tràng là gì?
Trực tràng là ống cơ nối ruột già với hậu môn có chức năng đưa chất thải ra khỏi cơ thể. Có thể nói, trực tràng là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tiêu hóa.
Viêm trực tràng là tình trạng lớp niêm mạc của trực tràng bị viêm, làm bệnh nhân thấy khó chịu hoặc đau đớn và trong một số trường hợp có thể gây chảy máu hoặc tiết dịch nhầy từ trực tràng. Viêm niêm mạc trực tràng có thể xảy ra trong thời gian ngắn hoặc trở thành bệnh mãn tính.
2. Các giai đoạn viêm trực tràng
- Viêm cấp tính: Là tình trạng viêm trong thời gian ngắn ở bề mặt lớp niêm mạc của trực tràng và không xâm nhập sâu vào thành cơ ruột.
- Viêm mãn tính: Là tình trạng viêm xâm nhập sâu vào lớp biểu mô của trực tràng trong thời gian dài, từ vài tuần đến vài tháng. Đôi khi, viêm trực tràng cũng có thể xuất hiện ở phần trên của lớp niêm mạc đại tràng.
3. Dấu hiệu viêm trực tràng
Các biểu hiện phổ biến nhất của viêm niêm mạc trực tràng bao gồm: mót rặn - một tình trạng khiến bụng người bệnh không thoải mái và thường muốn đi cầu.
Ngoài ra, các dấu hiệu viêm trực tràng có thể bao gồm:
- Ra máu khi đi cầu.
- Cảm giác ngứa hoặc nóng rát ở hậu môn.
- Chảy máu từ trực tràng.
- Cảm thấy đau ở hậu môn hoặc trực tràng.
- Đau quặn bụng định kỳ.
- Tiết dịch nhầy hoặc mủ từ trực tràng.
- Tiêu chảy hoặc đi cầu ra phân lỏng thường xuyên.
- Sưng hạch bạch huyết ở bẹn chân.
Viêm trực tràng có thể là một phần của tình trạng viêm toàn bộ đại tràng hoặc chỉ đơn giản là viêm phần trực tràng.
4. Nguyên nhân gây bệnh
Có nhiều nguyên nhân gây viêm niêm mạc trực tràng, bao gồm:
- Bệnh viêm ruột: Khoảng 30% số người mắc bệnh viêm ruột như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng có thể bị viêm niêm mạc trực tràng.
- Nhiễm trùng: Các bệnh lây truyền qua đường tình dục như bệnh lậu, mụn rộp sinh dục và chlamydia, cũng như các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm như salmonella, shigella và campylobacter, có thể dẫn đến viêm trực tràng.
- Xạ trị bệnh ung thư: Xạ trị ở trực tràng hoặc các khu vực lân cận cũng như việc sử dụng thuốc kháng sinh trong quá trình điều trị, có thể gây viêm niêm mạc trực tràng.
- Thuốc kháng sinh: Các loại thuốc kháng sinh điều trị nhiễm trùng có thể tác động đến lợi khuẩn trong ruột, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn Clostridium difficile gây hại trong trực tràng.
- Viêm trực tràng chuyển hướng (Diversion Proctitis): Tình trạng viêm niêm mạc trực tràng sau khi tiến hành mổ mở hoặc cắt bỏ phần hồi tràng.
- Do protein trong thực phẩm gây ra: Điều này có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh uống sữa bò hoặc sữa công thức làm từ đậu nành hoặc trẻ bú sữa mẹ khi thai phụ tiêu thụ các sản phẩm từ sữa.
- Tăng bạch cầu ái toan: Tình trạng này xảy ra khi tế bào bạch cầu ái toan tích tụ trong niêm mạc trực tràng, thường chỉ ảnh hưởng đến trẻ dưới 2 tuổi.
5. Các biến chứng thường gặp
Nếu không được điều trị kịp thời hoặc liệu pháp không hiệu quả, viêm trực tràng có thể gây ra nhiều biến chứng, bao gồm:
- Thiếu máu: Trường hợp mãn tính chảy máu có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu, gây các triệu chứng như mệt mỏi, chóng mặt, khó thở, da xanh xao và dễ cáu gắt.
- Áp xe: Vùng bị đau, sưng và có mủ do nhiễm trùng có thể gây ra tình trạng áp xe.
- Hình thành vết loét rộng và rò rỉ: Viêm mãn tính sẽ làm xuất hiện các vết loét trên niêm mạc trực tràng. Khi những vết loét này lan ra thành ruột, có thể tạo thành các "lỗ rò rỉ" không bình thường, nối giữa ruột và da hoặc giữa ruột với các cơ quan khác như bàng quang, âm đạo.
- Ung thư trực tràng: Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của viêm trực tràng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
6. Cách chẩn đoán
Dựa trên triệu chứng, tình trạng sức khỏe hiện tại, tiền sử gia đình và hành vi tình dục bệnh nhân, bác sĩ sẽ quyết định xem những xét nghiệm nào là cần thiết.
Các xét nghiệm có thể bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Được sử dụng để phát hiện nguy cơ chảy máu hoặc nhiễm trùng.
- Xét nghiệm phân: Sử dụng để xác định liệu viêm niêm mạc trực tràng có phải do vi khuẩn gây ra hay không.
- Nội soi trực tràng hoặc nội soi đại tràng: Kiểm tra ống hậu môn và phần dưới trực tràng hoặc toàn bộ đại tràng bằng ống nội soi mềm. Trong trường hợp chỉ nội soi trực tràng, bệnh nhân không cần phải nhịn ăn hoặc xổ ruột trước đó.
- Xét nghiệm các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục: Bác sĩ có thể lấy mẫu dịch tiết từ trực tràng hoặc từ ống dẫn nước tiểu để kiểm tra xem người bệnh có bị nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục hay không, vì đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra viêm trực tràng.
7. Cách điều trị
7.1 Cách điều trị viêm trực tràng do nhiễm trùng
- Sử dụng thuốc kháng sinh: Trong trường hợp viêm trực tràng do nhiễm vi khuẩn, bác sĩ có thể đề xuất sử dụng thuốc kháng sinh như doxycycline hoặc các loại khác.
- Sử dụng thuốc kháng virus: Trong trường hợp viêm trực tràng do nhiễm virus như virus herpes lây truyền qua đường tình dục, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus như acyclovir hoặc các loại khác để điều trị tình trạng này.
7.2 Cách điều trị viêm trực tràng do xạ trị
- Sử dụng thuốc: Thuốc có thể là thuốc viên, thuốc nhuận tràng hoặc thuốc xổ, chứa các chất như: sucralfate, mesalamine, sulfasalazine và metronidazole. Những loại thuốc này giúp giảm viêm và kiểm soát tình trạng chảy máu.
- Sử dụng thuốc làm mềm và giãn phân: Những loại thuốc này giúp thông ruột và cải thiện tình trạng viêm trực tràng.
- Điều trị để tiêu diệt các mô bị tổn thương: Các phương pháp bao gồm đông máu huyết tương argon (APC), áp lạnh, đốt nhiệt điện và các liệu pháp khác. Những phương pháp này được sử dụng để điều trị và làm giảm triệu chứng viêm trực tràng.
7.3 Cách điều trị viêm trực tràng do bệnh viêm ruột
Điều trị viêm trực tràng liên quan đến bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng bao gồm:
- Thuốc kiểm soát viêm trực tràng: Bác sĩ có thể kê thuốc chống viêm như thuốc viên, thuốc nhuận tràng hoặc thuốc xổ, chẳng hạn như mesalamine (Asacol HD, Canasa, những loại khác) - hoặc nhóm Corticosteroid như prednisone (Rayos) hoặc budesonide (Entocort EC, Uceris). Tình trạng viêm ở những người mắc bệnh Crohn thường cần điều trị bằng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch như azathioprine (Azasan, Imuran) hoặc Infliximab (Remicade).
- Phẫu thuật: Nếu điều trị bằng thuốc không làm giảm triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để loại bỏ phần bị tổn thương.
8. Cách phòng ngừa
Có một số biện pháp mà bệnh nhân có thể thực hiện để bảo vệ bản thân khỏi bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) - một trong những nguyên nhân gây viêm trực tràng.
Cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh STIs là kiêng quan hệ tình dục, nhất là quan hệ tình dục qua đường hậu môn. Nếu bệnh nhân muốn giảm nguy cơ mắc STIs thì có thể:
- Hạn chế số lượng bạn tình.
- Luôn sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ.
- Tránh quan hệ tình dục với những người có vết loét hoặc dịch tiết bất thường ở bộ phận sinh dục.
Nếu bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, hãy ngừng quan hệ cho đến khi hồi phục hoàn toàn. Hãy thảo luận với bác sĩ về thời điểm an toàn để quan hệ tình dục lại.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.