Gây mê mặt nạ thanh quản mổ kết hợp xương trong gãy xương bả vai

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đức Thông - Bác sĩ Gây mê hồi sức - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Gây mê là phương pháp vô cảm toàn thể giúp ức chế hệ thần kinh trung ương, làm mất ý thức người bệnh để rơi vào trạng mê hoặc tình trạng ngủ, giảm đau đớn và dãn cơ. Đối với mổ kết hợp xương trong gãy xương bả vai thì gây mê mặt nạ thanh quản là phương pháp vô cảm phổ biến nhất.

1. Gãy xương bả vai là gì?

Gãy xương bả vai là tình trạng gãy một xương hình tam giác nối xương cánh tay trên với xương đòn và thành ngực. Thực tế thì có rất nhiều cơ xung quanh xương bả vai có chức năng tăng cường sức mạnh cũng như bảo vệ giúp xương nên rất khó bị gãy xương bả vai, chỉ có những chấn thương lớn như tai nạn giao thông, thể thao, té ngã mới gây ra tình trạng này.

Gây mê mặt nạ thanh quản (gây mê mask thanh quản) là kỹ thuật vô cảm toàn thân có đặt mask thanh quản nhằm mục đích kiểm soát hô hấp trong suốt cuộc phẫu thuật. Đây là phương pháp phổ biến dùng trong mổ kết hợp xương gãy xương bả vai nhằm giúp cuộc phẫu thuật đạt kết quả tốt.


Gây mê giúp mổ kết hợp xương gãy xương bả vai đạt hiệu quả
Gây mê giúp mổ kết hợp xương gãy xương bả vai đạt hiệu quả

2. Chỉ định và chống chỉ định trong gây mê mask thanh quản

Chỉ định của gây mê mặt nạ thanh quản gồm:

  • Đối với bệnh nhân đặt nội khí quản khó khăn, khó thông khí hoặc không thông khí được
  • Kiểm soát đường thở và hô hấp trong gây mê toàn thân trong một số phẫu thuật
  • Kiểm soát đường thở và hô hấp tạm thời trong cấp cứu.

Bên cạnh đó, một số chống chỉ định cần phải lưu ý cho phương pháp vô cảm này như sau:

  • Dạ dày bệnh nhân đầy: NB chưa được nhịn ăn uống từ 2-8 giờ tùy theo loại thức ăn
  • Bệnh nhân có tổn thương hàm mặt phức tạp do chấn thương hoặc nhiễm trùng
  • Cơ sở y tế không đủ phương tiện để gây mê hồi sức.

Không gây mê mặt nạ thanh quản khi dạ dày bệnh nhân đầy
Không gây mê mặt nạ thanh quản khi dạ dày bệnh nhân đầy

3. Các bước tiến hành gây mê mặt nạ thanh quản

Giai đoạn chuẩn bị:

  • Tư thế bệnh nhân: nằm ngửa thở oxy 100% 3-6 L/phút trước khởi mê ít nhất 5 phút
  • Lắp máy theo dõi và thiết lập đường truyền hiệu quả.

Giai đoạn khởi mê: sử dụng các thuốc ngủ, thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ (nếu cần). Điều kiện để đặt mask thanh quản là người bệnh ngủ sâu và đủ độ giãn cơ.

Kỹ thuật đặt mask thanh quản:

  • Đầu người bệnh được đặt ở tư thế trung gian hoặc hơi ngửa
  • Cầm mask thanh quản như cầm bút, ngón trỏ đặt vào chỗ nối giữa mask thanh quản và phần ống
  • Một tay mở miệng bệnh nhân, tay kia đưa mask thanh quản qua các cung răng vào gốc lưỡi, tỳ mặt sau mask vào khẩu cái cứng, đẩy mask trượt dọc theo khẩu cái cứng để vào vùng hạ hầu
  • Dừng lại khi gặp lực cản
  • Bơm cuff theo đúng thể tích được hướng dẫn trên mask
  • Kiểm tra độ kín của mặt nạ thanh quản nhằm tránh dò khí, thông khí dễ dàng
  • Kiểm tra vị trí đúng của mặt nạ bằng cách nghe phổi và kết quả EtCO2
  • Cố định mặt nạ bằng băng dính.

Giai đoạn duy trì mê:

  • Duy trì mê cho bệnh nhân bằng thuốc mê tĩnh mạch ( sử dụng máy TCI kiểm soát nồng độ đích) hoặc thuốc mê bốc hơi, thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ tiêm nhắc lại dựa vào độ mê của NB.
  • Kiểm soát hô hấp bằng máy mê giúp thở.

Tiêm thuốc mê tĩnh mạch để duy trì mê cho bệnh nhân
Tiêm thuốc mê tĩnh mạch để duy trì mê cho bệnh nhân

4. Theo dõi bệnh nhân đặt mask thanh quản

Cần lưu ý những điểm sau khi theo dõi bệnh nhân:

  • Theo dõi độ sâu của gây mê dựa vào nhịp tim, huyết áp, độ mê entropi, độ giãn cơ (TOF 4)
  • Theo dõi mạch, nhiệt, huyết áp, SpO2
  • Đề phòng các trường hợp sai vị trí, tụt, gập, tắc mask thanh quản

Tiêu chuẩn để rút mask thanh quản gồm có:

  • Bệnh nhân tỉnh táo, mở mắt tự nhiên, há miệng
  • Nâng đầu trên 5 giây
  • Tự thở đều, tần số thở trong giới hạn bình thường,
  • Sinh hiệu ổn định
  • TOF > 90%
  • Thân nhiệt trên 35 độ C
  • Không có biến chứng của gây mê và phẫu thuật

Bác sĩ Đức Thông đã có 14 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Gây mê hồi sức. Đặc biệt, với quá trình 12 năm làm việc tại Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện C Đà Nẵng, bác sĩ Thông có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Gây mê hồi sức cho người bệnh cao tuổi, có nhiều bệnh kèm, bệnh nặng khi mổ; giúp cho nhiều ca mổ nặng, phức tạp được thành công. Hiện tại, đang là Bác sĩ gây mê Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Để được tư vấn chi tiết, quý khách vui lòng đến hệ thống y tế Vinmec hoặc đặt khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe