Viêm mũi không dị ứng (Nonallergic rhinitis) có thể ảnh hưởng đến trẻ em và người lớn. Có nhiều tác nhân khác nhau gây ra các triệu chứng viêm mũi không dị ứng như một số mùi hoặc chất kích thích trong không khí, thay đổi thời tiết, một số loại thuốc, thực phẩm và tình trạng bệnh lý mãn tính.
1. Triệu chứng của viêm mũi không dị ứng
Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm mũi không dị ứng có thể bao gồm:
- Nghẹt mũi
- Sổ mũi
- Hắt xì
- Chất nhầy (đờm) trong cổ họng
- Ho.
Viêm mũi không dị ứng thường không gây ngứa mũi, mắt hoặc cổ họng, đây đều là các triệu chứng liên quan đến dị ứng.
2. Khi nào đi khám bác sĩ
Gặp bác sĩ nếu:
- Triệu chứng diễn ra rất nghiêm trọng
- Bạn có các dấu hiệu và triệu chứng không thuyên giảm sau khi sử dụng thuốc không kê đơn hoặc tự chăm sóc
- Bạn có tác dụng phụ khó chịu do sử dụng thuốc không kê đơn hoặc thuốc kê theo toa cho viêm mũi
3. Các yếu tố nguy cơ gây viêm mũi không dị ứng
Các tác nhân gây viêm mũi không dị ứng bao gồm:
- Chất kích thích trong môi trường hoặc trong môi trường nghề nghiệp: Bụi, khói, khói thuốc lá hoặc mùi mạnh như nước hoa, có thể gây ra viêm mũi không dị ứng.
- Thời tiết thay đổi: Thay đổi nhiệt độ hoặc độ ẩm có thể khiến các màng bên trong mũi bị sưng lên và gây chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi.
- Nhiễm trùng: Một nguyên nhân phổ biến của viêm mũi không dị ứng là nhiễm virus dẫn đến cảm lạnh hoặc cúm.
- Thực phẩm và đồ uống: Viêm mũi không dị ứng có thể xảy ra khi bạn ăn, đặc biệt là khi ăn thực phẩm nóng hoặc cay. Uống đồ uống có cồn cũng có thể khiến màng bên trong mũi bị sưng, dẫn đến nghẹt mũi.
- Một số loại thuốc: Một số loại thuốc có thể gây viêm mũi không dị ứng bao gồm: Aspirin, ibuprofen (Advil, Motrin IB, những loại khác) và thuốc huyết áp cao.
- Việc sử dụng quá nhiều thuốc xịt mũi thông mũi có thể gây ra một loại viêm mũi không dị ứng được gọi là viêm mũi do dùng thuốc (rhinitis medicamentosa).
- Thay đổi Hormone: Thay đổi nội tiết tố do mang thai, kinh nguyệt, sử dụng thuốc tránh thai hoặc bệnh lý nội tiết tố khác như suy giáp có thể gây ra viêm mũi không dị ứng.
- Ngủ ngửa, ngưng thở khi ngủ và trào ngược axit. Nằm ngửa vào ban đêm trong khi ngủ có thể gây viêm mũi không dị ứng, vì có thể gây ngưng thở khi ngủ hoặc trào ngược axit.
4. Điều trị viêm mũi không dị ứng
Đối với các trường hợp nhẹ, điều trị tại nhà và tránh các tác nhân có thể gây ra bệnh là đủ. Đối với các triệu chứng khó chịu hơn, một số loại thuốc có thể giúp giảm đau, bao gồm:
- Thuốc xịt mũi có chứa nước muối. Sử dụng thuốc xịt có chứa nước muối không kê đơn hoặc dung dịch nước muối tự chế để rửa trôi các chất kích thích có trong mũi, giúp làm loãng chất nhầy và làm dịu các màng trong mũi.
- Thuốc xịt mũi Corticosteroid.
- Thuốc Corticosteroid giúp ngăn ngừa và điều trị viêm liên quan đến một số loại viêm mũi không dị ứng. Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm khô mũi, chảy máu mũi, nhức đầu và khô họng.
- Thuốc xịt mũi kháng histamin.
- Thuốc xịt mũi kháng cholinergic: Tuy nhiên khi sử dụng thấy những tác dụng phụ như chảy máu cam và làm khô bên trong mũi cần dừng sử dụng thuốc và tái khám
Trong một số trường hợp, phẫu thuật có thể là lựa chọn để điều trị các vấn đề phức tạp, chẳng hạn như vách ngăn mũi bị lệch hoặc polyp mũi.
Ngoài ra, bạn hãy thử những lời khuyên dưới đây để giúp giảm bớt sự khó chịu và giảm các triệu chứng của viêm mũi không dị ứng:
- Rửa sạch mũi.
- Xì mũi. Thực hiện thường xuyên và nhẹ nhàng xì mũi nếu có chất nhầy hoặc chất kích thích.
- Làm ẩm. Nếu không khí trong nhà hoặc văn phòng bị khô, hãy bật máy tạo độ ẩm ở nơi làm việc hoặc phòng ngủ của bạn. Bạn cũng có thể hít hơi nước từ vòi sen ấm để giúp làm lỏng chất nhầy trong mũi và giúp dễ dàng xì mũi.
- Uống nhiều chất lỏng, bao gồm nước, nước trái cây và trà không chứa caffeine, có thể giúp làm lỏng chất nhầy trong mũi. Bạn cần tránh đồ uống chứa caffein.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, webmd.com