Cắt polyp mũi là phương pháp phẫu thuật loại bỏ các polyp phát triển trong mũi của bệnh nhân. Tương tự như bất cứ loại phẫu thuật nào, việc chăm sóc sau cắt polyp mũi cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp bệnh nhân sớm phục hồi sức khỏe và tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
1. Tổng quan về polyp mũi
Polyp mũi còn gọi là u mũi lành tính, phát triển từ mô viêm của niêm mạc mũi. Khi bị kích thích do viêm hoặc dị ứng, niêm mạc mũi sẽ trở nên sưng đỏ, có thể gây sổ mũi. Nếu tình trạng này kéo dài có thể hình thành polyp mũi. Polyp mũi là một khối tròn nhỏ, giống như một nang nhỏ, có thể làm tắc nghẽn mũi.
Những tác nhân gây polyp mũi gồm: Viêm xoang mạn tính hoặc tái phát, bệnh xơ nang, viêm mũi dị ứng, hen suyễn, mắc hội chứng Churg-Strauss hoặc nhạy cảm với các loại thuốc kháng viêm phi steroid.
Ở giai đoạn đầu, polyp mũi không gây đau. Đến khi phát triển lớn, polyp có thể làm tắc nghẽn mũi, gây ngạt mũi kéo dài, chảy nước mũi, cảm giác về mùi giảm, ngừng thở khi ngủ, ngáy, đau đầu nếu viêm xoang đi kèm với polyp mũi.
Việc điều trị polyp mũi bao gồm dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Khi dùng thuốc không đạt hiệu quả như mong muốn, phương pháp phẫu thuật có thể được áp dụng để loại bỏ polyp hoàn toàn. Kỹ thuật loại bỏ polyp bằng phẫu thuật không quá phức tạp, ít gây đau đớn và hiếm khi xảy ra tai biến.
2. Chăm sóc đúng cách sau mổ cắt polyp mũi
Nhìn chung, sau khi cắt polyp mũi khoảng 4 - 6 tuần, bệnh nhân sẽ phục hồi hoàn toàn. Trong thời gian hậu phẫu, người bệnh và người thân cần chú ý tới những vấn đề sau:
- Theo dõi sát tình trạng chảy máu, mạch, nhiệt độ và huyết áp của bệnh nhân 4 lần trong ngày đầu sau phẫu thuật;
- Bệnh nhân nếu bị mất máu nhiều Hct < 25% thì cần truyền máu ngay;
- Ngày 1 - ngày 5 hậu phẫu nên dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau và histamin theo đúng chỉ định của bác sĩ. Các loại thuốc này có tác dụng điều trị bệnh nhanh chóng, ngăn chặn nguy cơ nhiễm trùng và để lại sẹo sau mổ. Liều lượng thuốc sẽ được điều chỉnh theo khả năng phục hồi của bệnh nhân trong từng trường hợp, qua từng đợt khám kiểm tra mũi họng thường xuyên;
- Bệnh nhân được chỉ định nội soi mũi xoang để đánh giá kết quả phẫu thuật, hút máu đông ở mũi sạch sẽ;
- Vệ sinh mũi bằng nước muối biển sâu để giữ cho mũi ẩm, ngăn ngừa tình trạng khô mũi. Người bệnh có thể dùng bình rửa mũi hoặc thuốc xịt nước biển dạng phun sương để vệ sinh mũi tối thiểu 2 lần/ngày sau phẫu thuật và trong quá trình phục hồi nên duy trì thói quen vệ sinh 1 lần/ngày;
- Những bệnh nhân bị mệt mỏi sau phẫu thuật do ảnh hưởng của thuốc mê và thủ thuật của bác sĩ nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi trong 7 ngày đầu tiên, tránh tham gia các hoạt động thể chất đòi hỏi nhiều sức lực, chỉ vận động nhẹ nhàng;
- Uống nhiều nước để tránh mất nước;
- Người bệnh nên tránh tiếp xúc với môi trường có nhiều bụi bẩn hoặc khói thuốc lá;
- Theo dõi và tái khám thường xuyên theo lịch: 1 tuần/lần trong tháng đầu. Đến tháng 2 - 3 thì tái khám 1 lần/tháng. Với những tháng kế tiếp thì lịch tái khám là 3 tháng/lần. Việc tái khám được duy trì cho tới khi được 1 năm sau phẫu thuật để tránh bệnh tái phát và có biện pháp xử trí kịp thời.
*Lưu ý: Thông báo ngay cho bác sĩ điều trị nếu có các biểu hiện sau khi phẫu thuật cắt polyp mũi dưới đây:
- Sốt cao trên 38,5°C trong hơn 24 giờ;
- Sưng hoặc đỏ xung quanh mũi;
- Nhức đầu, nhạy cảm với ánh sáng và thay đổi thị lực;
- Đau không giảm dù đã sử dụng thuốc giảm đau;
- Chảy nước mũi liên tục.
3. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân sau mổ cắt polyp mũi
3.1 Người bệnh mổ polyp mũi cần kiêng gì?
Một số loại thực phẩm người bệnh sau phẫu thuật cắt polyp mũi cần kiêng gồm:
- Thịt đỏ: Gồm thịt bò, bê, dê, cừu,... vì chúng chứa nhiều polycyclic aromatic hydrocarbons, amin dị vòng. Khi nấu thịt đỏ với nhiệt độ cao, các hoạt chất này sẽ phản ứng với protein, đường, creatinin,... làm vết thương sau mổ cắt polyp bị kích thích, sưng to hơn;
- Sữa và các chế phẩm từ sữa: Có thể làm gia tăng lượng dịch nhầy trong mũi, gây ngạt mũi, khó thở và lâu lành vết thương;
- Đồ ăn cay nóng: Gồm tiêu, ớt, mù tạt,... vì chúng làm mạch máu tại vết thương bị giãn, dễ dẫn đến chảy máu mũi. Bên cạnh đó, các món ăn cay nóng còn làm kích ứng mũi, dẫn tới các triệu chứng sổ mũi, hắt hơi, ngạt thở,...;
- Chất kích thích: Bao gồm rượu bia, thuốc lá, nước ngọt có ga, cà phê,... đều không nên sử dụng sau khi mới cắt polyp mũi vì chúng dẫn đến các phản ứng kích thích ở họng và mũi, khiến mũi bị nóng và sưng, đồng thời làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày;
- Đồ lạnh: Dễ gây viêm sưng niêm mạc mũi, khiến bệnh polyp mũi dễ tái phát;
- Thực phẩm mà người bệnh dị ứng: Đặc biệt là hải sản, thịt bò,...
3.2 Người bệnh mổ polyp mũi nên ăn gì?
Một số loại thực phẩm tốt cho quá trình hồi phục sau mổ polyp mũi mà người bệnh có thể bổ sung vào chế độ ăn là:
- Các thực phẩm giàu vitamin C: Gồm cam, quýt, dâu tây, việt quất, cần tây, cà chua, rau có màu xanh sẫm,... vì chúng có khả năng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, giúp phục hồi sức khỏe nhanh hơn sau mổ;
- Ngũ cốc: Đậu xanh, đậu đỏ, hạt óc chó, hạt điều,... đều có chứa nhiều chất dinh dưỡng, khoáng chất, giúp cơ thể nhanh phục hồi và tránh tình trạng dị ứng. Tuy nhiên, bệnh nhân cần chú ý không uống sữa đậu nành vì nó sẽ làm tăng dịch nhầy trong mũi, dẫn đến khó thở, ngạt thở;
- Thực phẩm giàu Omega-3: Có trong cá biển như cá hồi, cá nục,... Hàm lượng Omega-3 cao trong thực phẩm giúp giảm sưng đau vết mổ để người bệnh phục hồi nhanh hơn sau phẫu thuật.
Người bệnh mổ cắt polyp mũi cần tuân thủ nghiêm chỉnh hướng dẫn của bác sĩ trong chăm sóc hậu phẫu và có chế độ ăn uống, tập luyện, nghỉ ngơi khoa học để phục hồi bệnh nhanh chóng, giảm nguy cơ tái phát, biến chứng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.